Chương trình tư nhân bảo lãnh tị nạn của Canada tròn 40 tuổi: Những tình bạn vun đắp sau Chiến tranh Việt Nam bền vững tới nay

0

Chương trình tư nhân bảo lãnh tị nạn của Canada tròn 40 tuổi: Những tình bạn vun đắp sau Chiến tranh Việt Nam bền vững tới nay

Karen Pauls

Khương An dịch


Ông bà Ron và Clara Wiebe bảo lãnh ông bà Hoa và Lan Chau và họ hàng của họ tới Canada cách đây 40 năm trong chương trình tư nhân bảo lãnh người tị nạn. (Ảnh: Karen Pauls/CBC News)

Ở nhà ông bà Hoa và Lan Chau đầy những vòng tay ôm, nụ cười, hoa và đồ ăn, khi họ tiếp đón những người bạn đặc biệt tới thăm.

Tình bạn của họ bắt đầu từ thời sau Chiến tranh Việt Nam. Ông bà Chau là thuyền nhân Việt Nam. Ông bà Ron và Clara Wiebe nằm trong số những tín đồ Hội thánh Tin lành Mennonite ở Manitoba giúp họ khởi đầu một cuộc sống mới ở Canada, nhờ chương trình tư nhân bảo lãnh người tị nạn. Chương trình có tính đột phá này tròn 40 tuổi vào ngày 5/3 vừa rồi.

“Chúng tôi đã an cư lạc nghiệp. Chúng tôi cảm ơn Chúa đã ban phúc cho gia đình này,” ông Hoa nói, mặt nở một nụ cười rạng rỡ khi ông ngồi đối diện những người bạn tại nhà ông ở khu North End của thành phố Winnipeg.

“Tôi thấy bình an. Tôi hạnh phúc,” bà Lan góp lời, trong khi mời khách cà phê và bánh ngọt.

“Chúng tôi được tưởng thưởng quá nhiều,” bà Clara nói. “Một tình bạn cả đời.”

1975


Từ tháng 4 tới tháng 6 năm 1979, hàng chục ngàn người Đông Nam Á đã lên những chiếc thuyền như vậy để đào thoát khỏi nước họ. Từ năm 1975 tới 1979, Canada nhận hàng chục ngàn người tị nạn từ vùng này. (Ảnh: CBC News)

Đầu năm 1975, Khmer Đỏ lên nắm quyền ở Cambodia. Ngày 30 tháng 4, Sài Gòn — thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa — rơi vào tay quân Bắc Cộng. Ngày 2/12/1975, phong trào cộng sản Pathet Lao tiếp quản chính quyền ở Lào.

Hàng chục ngàn người chạy nạn sau khi cộng sản thắng lợi ở ba nước này.

Những người dân Canada như ông bà Wiebes choáng ngợp trước biết bao hình ảnh những người tị nạn tuyệt vọng đào thoát trên những chiếc thuyền ọp ẹp, may mắn lắm mới sống sót để lên đất liền vào các trại tị nạn chật cứng.

“Mối nguy hiểm mà họ gặp phải khi vượt biển. Điều kiện tệ hại tại trại tị nạn và sự tuyệt vọng mà họ trải qua nếu không có ai sẵn sàng tiếp nhận họ,” bà Clara kể lại, khi được hỏi về điều khiến bà cảm động nhất.

“Clara và tôi nhìn nhau và nói nếu chúng tôi có bất cứ cơ hội nào đến với chúng tôi khiến chúng tôi có thể giúp đỡ bằng cách nào đó, chúng tôi thậm chí sẵn sàng cho người ta sống trong nhà chúng tôi,” chồng bà, ông Ron, nói thêm.

1976

Trong khi đó, ở phía bên kia địa cầu, họ hàng của ông bà Hoa và Lan Chau chuẩn bị rời khỏi Sài Gòn.

Là thương lái gạo giàu có, họ biết họ sắp bị chính quyền cộng sản mới ở Việt Nam trừng phạt.

“Bất cứ ai giàu cũng bị họ chiếm tài sản và bị họ đưa đi kinh tế mới,” bà Hoa nói bằng tiếng Anh vẫn chưa lưu loát, nhắc tới những vùng rừng núi không có người ở mà chính quyền cộng sản tái định cư người dân sau khi tịch thu tài sản của họ.


Ông bà Hoa và Lan Chau bỏ trốn khỏi Sài Gòn cùng với nhiều người trong họ hàng mình vì sợ bị chính quyền cộng sản mới trừng phạt. (Ảnh: Hoa và Lan Chau)

“Chúng tôi sợ rằng nếu chúng tôi không đi, họ đằng nào cũng tước đoạt tài sản của chúng tôi, rồi chúng tôi chẳng còn biết đi đâu.”

Gia đình họ rời khỏi Việt Nam theo hai nhóm vào mùa đông 1978-79. Họ trả $2000 mỗi người để đào thoát trên những chiếc tàu đông đúc.

“[Tàu] dài 18 mét và rộng 4 mét, có 340 người trên hai khoang của tàu,” bà Lan kể.

Họ ở chín tháng tại trại tị nạn Palau Bidong ở Malaysia, vô cùng muốn thoát ra — nhưng hiếm có nước nào nhận những gia đình đông như vậy.

Nhóm thứ hai của gia đình lênh đênh trên biển 5 ngày, nhưng ngay sau khi họ tới Malaysia, chính quyền nước này lại đẩy họ ra biển. Họ trôi giạt cho tới khi họ cập bến một hòn đảo của Indonesia, và không nghe tin tức gì của những người còn lại trong gia đình trong sáu tháng nữa.

1976-78

Ở Canada, một đợt cải tổ các chính sách di trú và dân số đã dẫn tới Đạo luật Di trú 1976. Cùng với nhiều thay đổi khác, đạo luật này định nghĩa người tị nạn là một diện di dân riêng biệt. Đạo luật có hiệu lực vào ngày 1/4/1978.

Chính phủ liên bang đồng ý cho định cư 7000 người tị nạn từ Đông Dương — Việt Nam, Cambodia, Lào và Thái Lan.

Tháng 11/1978, tàu hàng Hải Hồng tới Malaysia với 2400 người tị nạn. Canada nhận 604 người.

Khi chi phí tiếp nhận người tị nạn tăng vọt, những lời chỉ trích cũng nhiều hơn. Đa số thuyền nhân không biết tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, không có thân nhân ở Canada, và họ tới trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, các hội đoàn tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ kêu gọi chính phủ liên bang Canada làm nhiều hơn.

Scott Mullin lúc đó 22 tuổi, vừa mới tốt nghiệp đại học và lần đầu tiên được cử đi làm viên chức ngoại giao ở Hong Kong. Công việc của anh là phỏng vấn người tị nạn và quyết định ai sẽ được Canada nhận.


Trong nhiệm kỳ công tác ngoại giao đầu tiên ở Hong Kong, Scott Mullin chịu trách nhiệm xét duyệt đơn xin tị nạn của thuyền nhân từ Việt Nam, Lào, Cambodia và Thái Lan. (Ảnh: CBC News)

“Tôi còn nhớ những trường hợp trong đó những người bảo lãnh muốn nhận mẹ, cha, hai đứa con. Mẹ nên là thợ may và cha nên là thợ sửa xe. Con nên từ 6 tới 8 tuổi,” Mullin kể.

Lúc đó anh gởi lại một tin nhắn cáu kỉnh: “Tôi đâu phải đang quản catalog của Sears ở đây.”

Giới chức ở Canada và Châu Á nhanh chóng nhận ra rằng họ cần có sự tổ chức chuẩn bị ở địa phương để giúp người tị nạn định cư ở Canada.

“Sau khi chúng tôi đã qua được mức tiếp nhận vài chục người mỗi tháng … sau khi chúng tôi bắt đầu thuê máy bay và đưa họ từ nhiều nơi như Hong Kong, chúng tôi thấy rõ là việc này cần mức độ tinh vi, kỹ càng hơn là chỉ có tôi ngồi đó và nói rằng, “Ông/bà sẽ tới Lethbridge,’” Mullin kể.

1979

Khi năm 1979 bắt đầu, cơ quan phát triển quốc tế và cứu trợ, Mennonite Central Committee (MCC), đàm phán một thỏa thuận có tính đột phát để giúp chính phủ liên bang kết nối các gia đình Việt Nam với những người bảo lãnh tư nhân và đưa họ tới định cư ở Canada. Thỏa thuận Bảo lãnh này được ký vào ngày 5/3/1979.


Năm 1979, khi nhiều người tị nạn rời bỏ Đông Nam Á, thư ký thường trực MCC Canada J. M. Klassen (thứ ba từ bên phải) ký tham gia chương trình Tư nhân Bảo lãnh Người tị nạn của chính phủ Canada. MCC là tổ chức đầu tiên ký thỏa thuận như vậy. (Ảnh: MCC Photo Archive)

MCC đảm trách toàn bộ công việc sàng lọc và huấn luyện người bảo lãnh, công tác hậu cần, và giải quyết trục trặc.

Ít lâu sau, 40 hội đoàn tôn giáo và các tổ chức khác làm theo.

“Nó giúp chính phủ tin tưởng rằng các tổ chức này biết rõ việc họ đang làm … nhờ đó giúp họ tin tưởng để cho phép thêm nhiều trường hợp bảo lãnh,” Brian Dyck, điều phối viên chương trình di trú và tái định cư quốc gia của MCC Canada.

Họ tham gia vì “nhiều người chúng tôi trong tổ chức đó vào lúc đó cũng từng là di dân tới đất nước này và trong những tình huống giống như tị nạn. … Hẳn nhiên là như đền đáp công ơn.”

Tháng 7/1979, dựa trên các thỏa thuận này, chính phủ liên bang mở Chương trình Tư nhân Bảo lãnh Người tị nạn. Các nhà thờ, hội đoàn, công ty hoặc nhóm từ 5 người Canada thành niên trở lên đủ điều kiện được trực tiếp bảo lãnh người tị nạn.

Chính phủ liên bang cam kết nhận 50000 người tị nạn từ Đông Dương trước cuối năm, mặc dù tới tháng 4/1980, chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu này lên tới 60000.

Hội thánh Tin Lành Bergthaler Mennonite Church ở Lowe Farm, Manitoba, nằm trong số những tổ chức đầu tiên tham gia, cam kết $8000 và chi phí hỗ trợ những người tị nạn trong năm đầu họ ở Canada.

Ông bà Clara và Ron Wiebe nằm trong nhóm đó.

Ông bà Ron và Clara Wiebe và nhiều tín đồ khác của hội thánh Tin Lành Lowe Farm Bergthaler Mennonite Church cam kết hỗ trợ 11 thành viên trong gia đình của ông bà Hoa và Lan Chau. (Ảnh: Karen Pauls/CBC News)

“Chúng tôi được giáo lý dạy là yêu thương hàng xóm láng giềng. Chúng tôi không nhận thấy là chúng tôi may mắn dường nào khi được sống ở đất nước xinh đẹp này và ở Manitoba. Có lẽ một trong những nơi tốt nhất trên thế giới là ở ngay đây và chúng tôi cần chia sẻ điều đó,” ông Ron nói.

Trong khi đó ở Malaysia, sau nhiều tháng chờ đợi mỏi mòn, ông bà Hoa và Lan Chau và gia đình họ rốt cuộc có được tin vui.

“Chúng tôi rất ngạc nhiên … Chúng tôi được Canada chọn để tới Lowe Farm. Chúng tôi nhìn trên bản đồ và không thể tìm ra nó,” bà Hoa vừa kể vừa cười.

“Hội thánh và người dân ở đó rất tử tế và chăm lo cho chúng tôi dù chúng tôi không phải là người thân của họ. Họ giúp chúng tôi khi chúng tôi cần.”

Những người tị nạn tới theo hai nhóm vào mùa hè và mùa thu năm 1979.

Các tín đồ của hội thánh tìm nhà ở và việc làm cho họ, dạy họ tiếng Anh, chở họ tới các cuộc hẹn và giúp gia đình làm giấy tờ Canada. Tới cuối năm đó gia đình đã tự nuôi sống bản thân.

Ông bà Hoa và Lan sống trong căn tầng hầm (basement) của gia đình Wiebe khi đứa con đầu lòng của họ ra đời và tới nay họ vẫn cười vui khi kể lại chuyện về ngày bà sinh con.

“Họ rất chu đáo,” bà Lan kể, mắt ngấn lệ.

1979-80

Tới mùa hè năm 1979, chính phủ liên bang đã sắp xếp được đợt chuyên chở đông đảo người tị nạn bằng máy bay — 11 chuyến bay với 200 người mỗi chuyến. Các trung tâm tiếp nhận được lập tại các căn cứ của Bộ Quốc phòng ở Montreal và Edmonton. Chuyến bay đầu tiên tới vào ngày 8/8.

Tới tháng 11, số lượng bảo lãnh của 5456 tổ chức tư nhân đã vượt quá các chỉ tiêu của chính phủ.

Ngày 8/12/1979, chuyến bay thuê số #181 tới với đợt cuối cùng trong số 60049 người tị nạn.

Hơn một nửa trong tổng số đó được tư nhân bảo lãnh thông qua các thỏa thuận đặc biệt này do MCC đi tiên phong.

“Một phần tư trong những người tị nạn lên tàu ra đi không hề tới được phía bên kia, bởi vậy điều hết sức quan trọng là chương trình đó cất cánh được như vậy vì chúng ta đã cứu được biết bao mạng người,” Mike Molloy, một tổng giám đốc đã về hưu của nha tị nạn thuộc Bộ Di trú, nói.

“Đó là một thời khắc then chốt … Tinh thần đa văn hóa thực sự trở thành một kinh nghiệm sống cho rất nhiều người Canada.”

Thành công của chương trình tư nhân bảo lãnh đã mở đường cho một đợt tiếp nhận người tị nạn lớn khác — 40000 người Syria chạy trốn nội chiến vào năm 2015.

Tính tới năm 2017, Chương trình Tư nhân Bảo lãnh Người tị nạn đã định cư hơn 275 ngàn người ở Canada – cao hơn rất nhiều so với số người tị nạn do chính phủ bão lãnh.

“Hiện nay có 7 quốc gia đang thiết kế các chương trình dựa trên những gì họ học hỏi được từ chúng ta,” ông Molloy nói.

Có hơn 110 tổ chức nắm giữ thỏa thuận bão lãnh ở Canada hiện nay, tất cả đều dựa trên mô hình của thỏa thuận đầu tiên do MCC ký.

2019

Bốn thập niên sau, ông bà Hoa và Lan Chau hãnh diện khoe với khách những tấm ảnh các cháu mình.

Bốn mươi năm sau khi ông bà Hoa và Lan Chau tới Canada, hai con gái của họ đã lập gia đình và có con. Gia đình họ đã lớn mạnh và phát đạt ở đây. (Ảnh: Hoa Chau)

Hai con gái của họ làm bác sĩ gia đình và chuyên viên nắn xương.

Ông Hoa đã về hưu sau khi làm thợ sơn và giám sát viên ở MacDon Industries, một hãng sản xuất thiết bị canh nông.

Cả hai đã tốt nghiệp trường giáo lý và nay làm mục sư cho Hội thánh Tin Lành Mennonite Việt Nam ở Winnipeg.

Và cửa nhà họ luôn mở cho những người bạn Tin Lành Mennonite của họ.

Nguồn: CBC, 5/3/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.