Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục leo thang hôm 13/5/2019 khi Bắc Kinh bỏ ngoài tai những lời cảnh báo của tổng thống Mỹ Donald Trump và tung đòn giáng trả.

Ăn miếng trả miếng

Đàm phán hiệp định thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc suýt đổ vỡ trong hai tuần qua, sau khi phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc thất hứa về một số phần quan trọng trong hiệp định mà trước đây họ đã cam kết.

Hôm 10/5, Mỹ quyết định tăng thuế quan lên 25% với 200 tỷ đô-la hàng Trung Quốc. Trung Quốc lập tức trả đũa. Hôm 13/5, Bộ tài chính Trung Quốc thông báo áp dụng bốn loại thuế quan: 25% (2493 mặt hàng), 20% (1078 mặt hàng), 10% (974 mặt hàng), và 5% (595 mặt hàng). Như vậy gần một nửa số mặt hàng bị Trung Quốc đánh mức thuế cao nhất 25%.

Thuế nhập khẩu của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào giới nông dân Mỹ, những người phần lớn ủng hộ Trump trong kỳ bầu cử năm 2016 nhưng bị thiệt hại trong các hiệp đấu trước trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trong hơn 5000 sản phẩm bị đánh thuế có đậu phộng, đường, lúa mì, thịt gà và thịt gà tây.

Các đòn ăn miếng trả miếng giữa hai bên có vẻ chưa ngừng. Tổng thống Trump đã dọa đánh thuế 25% đối với 325 tỷ đô-la hàng Trung Quốc chưa bị đánh thuế. Ông nói bóng gió rằng sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến vì Trung Quốc sẽ bị thiệt nhiều hơn Mỹ.

Cả hai bên để ngỏ khả năng đàm phán đạt được thỏa thuận trước khi các mức thuế cao hơn được áp dụng. Thuế của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/6, còn thuế 25% của Mỹ chỉ đánh vào hàng nhập vào Mỹ tính tới ngày 10/5.

Tổng thống Mỹ viết tweet trong mấy ngày liên tục, tuyên bố rằng hành động của ông sẽ có lợi cho kinh tế Mỹ và hại cho kinh tế Trung Quốc, dù cố vấn kinh tế cao cấp nhất của ông phát biểu hôm 12/5 rằng cả hai bên sẽ thiệt hại do cuộc chiến thương mại.

“Trung Quốc không nên trả đũa – chỉ càng tệ hại hơn mà thôi!” Tổng thống Trump viết trong một loạt tweet vào sáng sớm ngày 13/5.

Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Trump, hôm 12/5 nói rằng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ bị thiệt do thuế quan, nhưng Mỹ rốt cuộc sẽ có lợi nếu cuộc chiến thương mại này buộc Trung Quốc phải đối xử với doanh nghiệp Mỹ tốt hơn trước đây.

Trên Twitter, tổng thống Trump viết “không có lý do gì người tiêu dùng Mỹ phải đóng thuế nhập khẩu”, vì họ chỉ cần mua hàng hóa của Mỹ hoặc của những nước khác không bị Mỹ đánh thuế. Nhưng nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện rằng thuế quan có tác động nhiều tới người tiêu dùng Mỹ, hơn là với doanh nghiệp Trung Quốc.

Giới phân tích kinh tế có dự báo khác nhau về mức giảm tăng trưởng kinh tế do thuế quan của hai bên đánh vào nhau, nhưng phần lớn đồng tình rằng chi phí của thuế quan được chuyển sang cho doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng dưới dạng giá cả cao hơn. Một báo cáo hồi tháng 4 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung sẽ dẫn tới tình trạng giảm việc làm ở cả hai nước.

Vì tổng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mức 200 tỷ đô-la, Trung Quốc không thể đánh trả từng đồng một với Mỹ trong đòn dọa đánh thuế. Hồi tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đáp trả thuế quan 10% của Mỹ đối với 200 tỷ đô-la hàng nhập từ Trung Quốc mỗi năm bằng thuế quan 5%-10% với 60 tỷ đô-la hàng nhập từ Mỹ mỗi năm.

‘Vũ khí hạt nhân’

Các công ty Mỹ lo ngại rằng ngoài thuế quan, Trung Quốc có thể dùng tới những chiêu khác để trả đũa. Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trên Twitter tối 13/5 rằng Trung Quốc có thể ngưng mua nông sản và hàng năng lượng của Mỹ và máy bay Boeing, và hạn chế cung cấp các dịch vụ của Mỹ ở Trung Quốc. Ông cũng trích dẫn các học giả Trung Quốc không được nêu tên đã suy đoán rằng Trung Quốc có thể bán bớt công trái Mỹ mà mình đang nắm giữ rất nhiều.

Bán tháo công trái Mỹ được xem là ‘vũ khí hạt nhân’ của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, vì cách này có thể khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt, và do vậy lãi suất cũng tăng, và ‘sát thương’ mạnh cho nền kinh tế Mỹ.

Trung Quốc hiện nắm giữ 1,13 ngàn tỷ đô-la công trái Mỹ, chỉ một phần nhỏ trong 22 ngàn tỷ nợ của chính phủ Mỹ nhưng tới 17,7% trong nhiều loại chứng khoán do các chính phủ nước ngoài nắm giữ, theo số liệu của Bộ tài chính và Hiệp hội Ngành Chứng khoán và Các Thị trường Tài chính. Nếu Trung Quốc quyết định rút khỏi hoặc giảm vai trò của mình trong thị trường này, thì ít nhất là trên lý thuyết điều này sẽ gây xáo trộn đáng kể cho một nước như Mỹ quá lệ thuộc vào việc các chính phủ nước ngoài mua công trái của mình.

Hiện thời thị trường dường như chưa lo ngại Trung Quốc sẽ đi nước cờ cực đoan như vậy, chủ yếu vì chẳng lợi ích gì ngoài gây xôn xao.

Robert Tipp, trưởng ban chiến lược đầu tư và giám đốc trái phiếu toàn cầu của PGIM Fixed Income, nhận định rằng đó là ‘phương án hạt nhân tự hủy diệt’; nó có thể là lá bài đàm phán, nhưng lại có nguy cơ ảnh hưởng tới giá trị của thứ mà Trung Quốc đang nắm khá nhiều.

Nếu Trung Quốc dùng ‘vũ khí hạt nhân’, không chừng lại có lợi cho Mỹ. Trước hết, việc Trung Quốc bán bớt công trái Mỹ có thể làm đô-la Mỹ sụt giá và tăng lợi thế cạnh tranh của các công ty đa quốc gia Mỹ. Thứ nữa, lợi suất công trái Mỹ sẽ tăng và giá công trái giảm, làm giảm giá trị danh mục đầu tư của Trung Quốc.

Ngoài ra còn vấn đề Trung Quốc sẽ đem tiền đi đâu; số tiền bán công trái rồi phải đầu tư vào chỗ nào khác, mà công trái Mỹ nằm trong số công cụ đầu tư có lợi suất cao nhất thế giới nếu xét theo rủi ro tương đối thấp của nó.

Trung Quốc hiện đã giảm bớt đầu tư vào thị trường trái phiếu Mỹ: giảm gần 4% trong 12 tháng qua dù tổng tỷ lệ công trái Mỹ thuộc sở hữu của các chính phủ nước ngoài tăng 2,6%.

Sau nhiều bất đồng với chính quyền Trump, Nga hầu như đã rút khỏi thị trường công trái Mỹ. Nhật hiện chủ nợ lớn thứ nhì, trong 12 tháng qua đã tăng nhẹ mức sở hữu lên 1,07 ngàn tỷ đô-la, và Brazil xếp thứ ba với khoảng 308 tỷ, tăng 12,9% trong cùng kỳ.

Do Mỹ dự báo sẽ có thâm hụt ngân sách 1 ngàn tỷ đô-la mỗi năm trong những năm sắp tới, khả năng chính phủ Trung Quốc bớt nắm giữ công trái Mỹ cũng gây đôi chút lo ngại.

Sung Won Sohn, giáo sư kinh tế tại Đại học Loyola Marymount và giám đốc SS Economics, cho rằng đó là nỗi lo lớn nhất: nếu bị ép quá mức, đối đế Trung Quốc phải dùng tới vũ khí lớn nhất mà họ có.

Còn giao tranh bao nhiêu hiệp nữa?

Tuy có bàn tới khả năng sẽ đàm phán thêm trong những tháng sắp tới, hai bên vẫn còn những bất đồng lớn về cách giảm thuế giữa hai nước, và liệu những điều khoản được đàm phán có phải đưa vào luật Trung Quốc hay không. Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp nhau khi hai người dự hội nghị lãnh đạo G20 ở Nhật vào tháng tới.

Câu hỏi hiện nay là liệu một hiệp đánh thuế qua lại nữa có tăng cường cuộc đối đầu kinh tế kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc hay không. Kể từ khi Donald Trump đắc cử, hai bên đã nhiều lần suýt đạt được thỏa thuận, để rồi đổ vỡ. Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross dường như đã đạt thỏa thuận căn bản vào năm 2017. Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin cách đây một năm nói sắp có thỏa thuận.

Chính tổng thống Trump cũng lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận hồi tháng 4. Trong hai năm qua, giới chức Trung Quốc thường xuyên phấn khởi về tiến bộ đạt được trong quá trình tiến tới thỏa thuận. Tuy nhiên, Trung Quốc tuần rồi thể hiện lập trường cứng rắn hơn, và dường như điều đó đã góp phần khiến tổng thống Trump quyết định tăng thuế.

Vòng đàm phán tuần rồi ở Washington là lần thứ 11 các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc bàn về thương mại từ khi Trump nhậm chức. Hôm 13/5, Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với đài CNBC rằng hai bên vẫn còn đang đàm phán. Ông cho biết chính quyền Mỹ đang dự tính ngày sang Bắc Kinh tiếp tục thương thảo.

Kịch bản nhiều lần suýt hưu chiến rồi lại ra đòn với nhau khiến các thị trường tài chính chao đảo. Hôm 13/5, chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm 2,41%, ngày giảm mạnh nhất từ hôm 3/1, S&P 500 đã giảm hơn 4% từ đầu tháng 5; Nasdaq: giảm 3,41%, giảm mạnh nhất từ hôm 4/12/2018; và Dow Jones giảm 2,38%. Cổ phiếu của các công ty lệ thuộc nhiều vào buôn bán với Trung Quốc rớt giá thê thảm, như Apple (-5,8%), Caterpillar (-4,6%) và Boeing (4,86%).

Các thị trường châu Á và châu Âu mở cửa trước Bắc Mỹ cũng giảm. Chỉ số chứng khoán thế giới FTSE All World giảm 1,9%, xuống tới mức thấp nhất từ tháng 3. Các dấu hiệu về tâm lý lo ngại của giới đầu tư về tác động kinh tế của cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang cũng đã thể hiện trong thị trường trái phiếu công ty và các thị trường thương phẩm.

Đâu chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc

Sau chiến dịch tranh cử năm 2016 với lời hứa dẹp bỏ những tập quán thương mại không công bằng, Donald Trump đã sa vào xung đột thương mại đâu chỉ với Trung Quốc. Trong quá trình chuẩn bị tái thiết các mối quan hệ giao thương của Mỹ trước kỳ bầu cử 2020, ông tiếp tục đối đầu với nhiều đối tác thương mại khác.

Canada và Mexico

Năm ngoái, Mỹ quyết định không miễn thuế nhập khẩu 25% với thép và 10% với nhôm cho hai nước trong khối Bắc Mỹ. Cả Canada và Mexico đều trả đũa.

Canada đánh thuế nhập khẩu với hơn 12 tỷ đô-la hàng xuất khẩu của Mỹ, trong đó có rượu whiskey và si-rô cây phong. Mexico đánh thuế nhập khẩu với khoảng 3 tỷ đô-la hàng Mỹ. Cả hai nước đã cân nhắc các biện pháp trả đũa mới để gây áp lực buộc Mỹ bãi bỏ thuế nhập khẩu kim loại.

Quốc hội Mỹ — đặc biệt là Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát — đã có vẻ không vội phê chuẩn hiệp định NAFTA mới. Chính phủ ba nước đã thúc giục phê chuẩn trước mùa hè năm nay.

Thuế quan có tác động tới tiến độ phê chuẩn. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Chuck Grassley (Cộng hòa, bang Iowa) đã yêu cầu tổng thống bỏ thuế quan trước khi Quốc hội phê chuẩn hiệp định. Nhưng tới nay, Trump còn chần chừ.

Liên hiệp Châu Âu

Mỹ và EU đang cố gắng tránh leo thang xung đột thương mại. Năm ngoái, sau khi Mỹ đánh thuế với thép và nhôm nhập từ EU, EU đánh thuế với $2,4 tỷ đô-la hàng hóa, trong đó có rượu whiskey và mô-tô.

Tổng thống Trump có hạn chót tới ngày 18/5 để quyết định có đánh thuế đối với 53 tỷ đô-la ô tô từ EU. Báo chí tường thuật rằng Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstroem nghĩ rằng chính quyền Trump có thể hoãn hạn chót đó nếu quá tập trung vào việc đạt thỏa thuận với Trung Quốc.

EU đã chuẩn bị một vòng đánh thuế trả đũa khác nếu Trump quyết định đánh thuế ô tô.

Chính quyền Trump cũng hy vọng đạt được hiệp định thương mại với EU, nhưng các quan chức đại diện EU từng nói họ không muốn đàm phán khi có đe dọa đánh thuế.

Nhật và Vương quốc Anh

Mỹ hy vọng đạt được hiệp định thương mại song phương với Nhật, nhờ đó tăng khả năng tiếp cận thị trường Nhật cho nông sản Mỹ và không đánh thuế xe Nhật. Trump quyết tâm đạt được hiệp định trực tiếp với Nhật sau khi ông rút Mỹ khỏi hiệp định TPP gồm 12 nước ngay sau khi ông nhậm chức đầu năm 2017.

Tổng thống Mỹ cũng hy vọng đạt được hiệp định thương mại mới với Vương quốc Liên hiệp Anh. Kế hoạch rời khỏi EU của Vương quốc Anh gặp nhiều trở ngại, và nay vẫn chưa dứt khoát dù ban đầu dự kiến là xong vào cuối tháng 3. Tổng thống Trump có thể sẽ bàn về thương mại khi ông thăm Vương quốc Anh vào tháng 6.

Phạm Vũ Lửa Hạ

Tổng hợp từ Financial Times, CNBC, The New York Times.

© Canada Info.

1 thought on “Thương chiến Mỹ-Trung: thêm một hiệp so găng khốc liệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.