30 năm sau Thiên An Môn, cựu ký giả quân đội Trung Quốc cảnh báo: Đừng bao giờ quên

1

Một cựu ký giả Quân đội Giải phóng Nhân dân bất chấp vấn đề chính trị cấm kỵ để thuật lại cuộc đàn áp đẫm máu ở Bắc Kinh và kêu gọi chính quyền ăn năn và công khai về vụ thảm sát Thiên An Môn.
#Tiananmen

Một cựu ký giả Quân đội Giải phóng Nhân dân bất chấp vấn đề chính trị cấm kỵ để thuật lại cuộc đàn áp đẫm máu ở Bắc Kinh và kêu gọi chính quyền ăn năn và công khai về vụ thảm sát Thiên An Môn.

Chris Buckley, The New York Times

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Những chiếc xe bốc cháy vào đêm đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 4/6/1989. (Ảnh: Peter Charlesworth / LightRocket / Getty Images)

Trong ba thập niên, Giang Lâm (Jiang Lin) im lặng về cảnh tàn sát bà chứng kiến vào đêm Quân đội Trung Quốc càn qua Bắc Kinh để dập tắt những cuộc biểu tình của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn. Nhưng những ký ức đó dằn vặt bà — ký ức về những người lính bắn vào các đám đông trong bóng tối, những xác người gục ngã trong các vũng máu và tiếng dùi cui của binh lính quật bà ngã uỵch xuống đất ở gần quảng trường.

Bà Giang lúc đó là trung úy trong Quân đội Giải phóng Nhân dân, được chứng kiến tận mắt cả vụ thảm sát và nỗ lực bất thành của các sĩ quan cao cấp nhằm thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc đừng dùng vũ lực quân sự để đè bẹp các cuộc biểu tình vì dân chủ. Sau đó, khi chính quyền tống giam những người biểu tình và xóa sạch các ký ức về vụ thảm sát, bà chẳng nói gì, nhưng lương tâm dằn vặt bà.

Nay, khi chuẩn bị tới ngày kỷ niệm 30 năm xảy ra vụ đàn áp ngày 4 tháng 6 năm 1989, bà Giang, 66 tuổi, đã quyết định lần đầu tiên kể chuyện của mình. Bà nói bà cảm thấy buộc lòng phải kêu gọi công khai thừa nhận vì nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping), đã không tỏ ra ăn năn về vụ đàn áp bạo lực này. Bà Giang đã rời khỏi Trung Quốc trong tuần này.

“Nỗi đau này đã dằn vặt tôi trong 30 năm,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh. “Tất cả những ai đã dự phần phải lên tiếng về những gì họ biết đã xảy ra. Đó là bổn phận của chúng tôi với người chết, người sống sót và con cháu trong tương lai.”

Bà Giang Lâm tại tư gia ở Bắc Kinh. (Ảnh: The New York Times)

Câu chuyện của bà Giang có ý nghĩa rộng hơn. Bà cho biết những chi tiết mới làm rõ việc các chỉ huy quân đội đã cố gắng cưỡng lại những lệnh dùng binh lính có vũ trang để đuổi những người biểu tình ra khỏi quảng trường mà họ đã chiếm trong bảy tuần, khiến cả thế giới quan tâm.

Lý tưởng đầy đam mê của giới sinh viên, các cuộc tuyệt thực, những phê bình giới quan chức và những hành động long trọng như dựng “Nữ thần Dân chủ” tại quảng trường đã được đông đảo quần chúng đồng tình và khiến giới lãnh đạo phân hóa về cách phản ứng.

Bà mô tả vai trò của mình trong việc lan truyền một bức thư từ các tướng lĩnh cao cấp phản đối thiết quân luật và kể chi tiết về những bức thư khác từ các vị chỉ huy khuyến cáo giới lãnh đạo không dùng binh lính ở Bắc Kinh. Và bà đã chứng kiến trên các đường phố cảnh những người lính làm theo lệnh của đảng bắn không phân biệt khi họ vội vã tái chiếm Quảng trường Thiên An Môn.

Dù đã 30 năm, vụ thảm sát này vẫn là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất trong chính trị Trung Quốc; chính quyền đã có nỗ lực lâu dài và nhìn chung thành công nhằm xóa nó khỏi sử sách. Đảng đã phớt lờ nhiều lời kêu gọi thừa nhận đã sai lầm khi xả súng bắn vào sinh viên và người dân, và đã cưỡng lại những yêu cầu đòi xác định đầy đủ số người đã thiệt mạng.

Chính quyền thường bắt giam các cựu thủ lĩnh biểu tình và cha mẹ của các sinh viên và người dân thiệt mạng trong vụ đàn áp đó. Một tòa án đã kết tội bốn người ở miền tây nam Trung Quốc trong năm nay vì bán những chai rượu nhắc tới vụ đàn áp Thiên An Môn.

Bao năm qua, một nhóm nhỏ gồm những sử gia, văn sĩ, nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ Trung Quốc đã cố gắng ghi lại những chương này trong lịch sử Trung Quốc mà đảng muốn đẩy vào lãng quên.

Nhưng quyết định của bà Giang thách thức sự im lặng đó có thêm một bổn phận chính trị vì bà không chỉ là cựu quân nhân mà còn là con gái của nhân vật thuộc hàng chóp bu trong quân đội. Cha của bà là một vị tướng, và bà sinh ra và lớn lên trong doanh trại quân đội. Bà hãnh diện nhập ngũ Quân đội Giải phóng Nhân dân khoảng 50 năm trước, và trong những tấm ảnh chụp từ thời bà làm ký giả quân đội, bà rạng rỡ trong quân phục màu xanh lá cây, tay cầm sổ và cổ đeo máy ảnh.

Bà Giang nói bà không bao giờ tưởng tượng được rằng quân đội sẽ chĩa súng vào người dân không vũ trang ở Bắc Kinh.

“Làm sao số phận lại có thể đột ngột xoay chuyển để ta có thể dùng xe tăng và súng máy chống lại thường dân như vậy?” Bà nói. “Tôi thấy vậy là điên rồ.”

Quảng trường Thiên An Môn ngày 2/6/1989. (Ảnh: Catherine Henriette / Agence France-Presse / Getty Images)

Tiền Cương (Qian Gang), nguyên thượng cấp của bà tại tờ Giải Phóng Quân Báo và nay định cư ở nước ngoài, xác nhận các chi tiết trong câu chuyện của bà Giang. Bà Giang đã chia sẻ hàng trăm trang ố vàng của một cuốn hồi ký và những cuốn nhật ký bà đã viết trong khi cố hiểu được vụ thảm sát này.

“Nhiều lần tôi đã tưởng tượng tới thăm Thiên An Môn, mặc đồ tang và để lại một bó hoa loa kèn trắng,” bà viết vào năm 1990.

‘Quân đội của nhân dân’

Bà Giang có cảm giác sợ nhói người vào tháng 5 năm 1989 khi đài phát thanh và truyền hình loan báo rằng chính phủ Trung Quốc sẽ ban hành thiết quân luật tại phần lớn Bắc Kinh để đuổi những sinh viên biểu tình ra khỏi Quảng trường Thiên An Môn.

Các cuộc biểu tình đã bùng bổ vào tháng 4, khi sinh viên tuần hành để tưởng niệm cái chết đột ngột của Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), nhà lãnh đạo có chủ trương cải tổ được lòng dân, và đòi có cách trị quốc trong sạch hơn, cởi mở hơn.

Bằng cách ban bố thiết quân luật trên khắp vùng đô thị Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), lãnh tụ đảng, phát tín hiệu cho thấy có thể dùng đến binh lính có vũ trang.

Các nhà nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng nhiều vị chỉ huy cao cấp đã kháng cự việc dùng vũ lực quân sự chống lại người biểu tình, nhưng bà Giang cung cấp các chi tiết mới về mức độ phản kháng bên trong quân đội và việc các sĩ quan đã cố gắng cưỡng lệnh ra sao.

Tướng Từ Cần Tiên (Xu Qinxian), tư lệnh của Quân đoàn 38 hiển hách, đã từ chối dẫn quân vào Bắc Kinh mà không có lệnh bằng văn bản rõ ràng, và tự lánh mình vào một bệnh viện. Bảy chỉ huy đã ký thư phản đổi thiết quân luật được họ nộp lên Quân ủy Trung ương, cơ quan giám sát quân đội.

“Đó là một thông điệp rất đơn giản,” bà nói về bức thư đó. “Quân đội Giải phóng Nhân dân là quân đội của nhân dân và quân đội không nên vào thành phố hay bắn vào thường dân.”

Sốt sắng muốn lan truyền bức thư của các vị tướng, bà Giang đã đọc thư qua điện thoại cho một biên tập viên ở Nhân Dân Nhật Báo, tờ báo chính của Đảng Cộng sản, nơi nhân viên đang bất tuân các mệnh lệnh kiểm duyệt tin tức về các cuộc biểu tình. Nhưng tờ báo đã không đăng bức thư đó vì một trong những vị tướng ký tên đã phản đối vì thư đó không phải để công khai, bà cho biết.

Bà Giang Lâm trong một kỳ quân huấn ở vùng Ninh Hạ, Trung Quốc, vào tháng 10/1988.

Bà Giang vẫn hy vọng rằng những phản đối trong nội bộ quân đội sẽ ngăn cản Đặng Tiểu Bình đưa binh lính tới để đuổi người biểu tình đi. Nhưng vào ngày 3 tháng 6, bà nghe tin binh lính tiến vào từ phía tây thành phố và bắn vào người dân.

Quân đội đã nhận được lệnh dọn sạch quảng trường trước sáng sớm ngày 4 tháng 6, bằng mọi giá. Nhiều thông báo khuyến cáo người dân ở trong nhà.

‘Chuyện gì cũng có thể dối trá được’

Nhưng bà Giang không ở trong nhà.

Bà nhớ những người bà  đã thấy tại quảng trường trước đó trong ngày. “Liệu họ có sẽ bị giết hay không?” bà nghĩ.

Bà đạp xe vào thành phố để xem binh lính tiến vào; bà biết rằng cuộc đối đầu đó là một bước ngoặt trong lịch sử Trung Quốc. Bà biết bà có nguy cơ bị nhầm là một người biểu tình vì bà mặc thường phục. Nhưng tối hôm đó, bà kể lại, bà không muốn được xem là người của quân đội.

“Đó là trách nhiệm của tôi,” bà nói. “Công việc của tôi là tường thuật tin tức quan trọng mới nhất.”

Thân nhân đang cố gắng an ủi một phụ nữ vừa biết tin con trai mình là một sinh viên tham gia biểu tình bị binh lính bắn chết trong cuộc thảm sát Thiên An Môn. (Ảnh: David Turnley / Corbis / Getty Images)

Bà Giang theo binh lính và xe tăng khi họ tiến vào trung tâm Bắc Kinh, càn qua những chướng ngại vật dựng tạm bằng xe buýt và bắn loạn xạ vào những đám đông dân chúng phẫn nộ vì chính quyền của họ đang dùng binh lính có vũ trang.

Bà Giang nằm sát xuống đất, tim bà đập thình thịch khi đạn bay vèo vèo trên đầu. Tiếng đạn bắn và tiếng bình xăng nổ làm rung chuyển không trung, và sức nóng từ những chiếc xe buýt bốc cháy làm rát mặt bà.

Gần nửa đêm, bà Giang đến gần Quảng trường Thiên An Môn, nơi binh lính đứng in bóng trong quầng lửa đỏ rực. Một cụ gác cổng van nài bà đừng đi tiếp, nhưng bà Giang nói bà muốn thấy chuyện sẽ xảy ra. Thình lình, hơn một chục công an có vũ trang tiến đến gần bà, và một số công an đánh bà bằng gậy điện. Máu phụt ra từ đầu bà, và bà Giang ngã xuống.

Tuy vậy, bà vẫn không rút ra thẻ nhà báo quân đội của mình.

“Hôm nay mình không phải là người của Quân đội Giải phóng,” bà tự nhủ. “Mình là một thường dân.”

Một nam thanh niên đỡ bà lên xe đạp của anh ta để chở đi, và một số ký giả nước ngoài vội đưa bà tới một bệnh viện gần đó, bà Giang kể lại. Một bác sĩ may vết thương đầu của bà. Bà nhìn quanh, choáng váng, vì số người chết và bị thương được đưa đến theo hàng chục.

Đại lộ Trường An bên cạnh Quảng trường Thiên An Môn vào ngày sau vụ thảm sát. Rải rác trên con đường này có nhiều tàn tích của những chiếc quân xa bị thường dân phẫn nộ thiêu hủy. (Ảnh: David Turnley / Corbis / Getty Images)

Sự tàn bạo của đêm hôm đó khiến bà bàng hoàng.

“Có cảm giác như nhìn mẹ ruột của tôi bị cưỡng hiếp,” bà nói. “Không thể chịu nổi.”

Bà Giang từ lâu đã ngần ngại kể lại câu chuyện của mình. Thương tích ở đầu mà bà bị vào năm 1989 đã khiến bà bị sẹo và đau đầu tái phát nhiều lần.

Bà đã bị thẩm vấn trong mấy tháng sau vụ đàn áp năm 1989, và bị giam và điều tra hai lần trong những năm sau đó về một hồi ký riêng mà bà đã viết. Bà chính thức rời quân đội vào năm 1996 và sau đó sống bình lặng, gần như bị chính quyền phớt lờ.

Khi bà kể lại những sự kiện đó trong nhiều cuộc phỏng vấn trong những tuần gần đây, giọng bà Giang thường chậm lại và tính tình vui tươi rạng rỡ của bà dường như rút lui ẩn mình trong cái bóng của những ký ức của bà.

Bà nói bao năm qua bà đã đợi có một vị lãnh đạo Trung Quốc công khai thừa nhận với đất nước rằng vụ đàn áp có vũ trang đó là một lỗi lầm tai hại.

Nhưng ngày đó đã chẳng bao giờ đến.

Bà Giang nói bà tin rằng sự ổn định và thịnh vượng của Trung Quốc sẽ mong manh chừng nào đảng cộng sản chưa ăn năn về vụ thảm sát đẫm máu đó.

“Tất cả những thứ này được xây trên cát. Không có nền móng vững chắc,” bà nói. “Nếu ta có thể phủ nhận rằng người dân đã bị giết, chuyện gì cũng có thể dối trá được.”

Nguồn: The New York Times, 29/5/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Tham khảo thêm:

1 thought on “30 năm sau Thiên An Môn, cựu ký giả quân đội Trung Quốc cảnh báo: Đừng bao giờ quên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.