Ô nhiễm không khí ở tàu điện ngầm Toronto tương đương một ngày tiêu biểu ở Bắc Kinh

0

Mức độ chất gây ô nhiễm trong hệ thống tàu điện ngầm ở Toronto cao hơn SkyTrain ở Vancouver và Metro ở Montreal.

Các trạm và toa tàu điện ngầm Toronto có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất trong ba hệ thống vận tải công cộng lớn của Canada, theo một nghiên cứu mới công bố.

Nghiên cứu này được Bộ Y tế Canada yêu cầu và đăng trong tập san Khoa học và Công nghệ Môi trường. Nghiên cứu này so sánh các mức độ chất gây ô nhiễm trong các tuyến tàu điện ngầm của Toronto với hệ thống SkyTrain của Vancouver và hệ thống Metro của Montreal.

Theo đó, các chất gây ô nhiễm trong các toa tàu và trong sân đợi tàu ở Toronto cao gấp 10 lần so với không khí ngoài trời, và cao gấp khoảng 3 lần so với mức hệ thống Metro của Montreal. Mức ở Vancouver thấp nhất trong ba hệ thống được nghiên cứu.

Greg Evans, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Toronto và đồng tác giả cuộc nghiên cứu này, nói với CBC Toronto, “Các phát hiện này cho thấy một số cơ hội mà chúng ta có thể thực sự cải thiện chất lượng không khí trong hệ thống tàu điện ngầm Toronto.”

Giáo sư Greg Evans. (Ảnh: Tyler Irving)

Cùng với các nhà nghiên cứu của Bộ Y tế Canada và Đại học McGill, giáo sư Evans rằng các sinh viên của mình đã thu thập dữ liệu về trong các toa tàu và sân đợi tàu của TTC trong 3 tuần vào mùa hè năm 2010 và mùa đông năm 2011. Mỗi sinh viên mang ba-lô có chứa các công cụ cầm tay nhỏ để đo lường các hạt tí hon trong không khí.

Giáo sư Evans giải thích, “Họ đi tàu điện ngầm, đi liên tục suốt hết một tuyến hoặc ra khỏi tàu ở mỗi trạm rồi đo lường ở đó, rồi đón tàu tiếp theo.”

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số đo gọi là PM2.5, tức là các hạt trong không khí có kích thước nhỏ hơn 0,00025 cm. Những hạt này có thể dễ dàng bị hít vào và có thể làm hại mô phổi.

Bộ Y tế Canada khuyến nghị lượng PM2.5 trong nhà nên được giữ ở mức “càng thấp càng tốt”. Theo chỉ dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, mức an toàn cho các hạt tí hon này là 25 microgram trên mỗi mét khối trong 24 giờ.

Giáo sư Evans nói chất lượng không khí ngoài trời của Toronto trong một ngày bình thường có mức khoảng 10 microgram hạt gây ô nhiễm trên mỗi mét khối không khí. Mức này có thể tăng lên tới 30 microgram vào một ngày có chất lượng không khí kém.

Tuy nhiên, trong các toa tàu và sân đợi tàu của TTC, cuộc nghiên cứu này phát hiện trung bình 100 microgram hạt gây ô nhiễm trên mỗi mét khối không khí – tương đương với “một ngày tiêu biểu ở Bắc Kinh”, theo giáo sư Evans.

Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi theo dõi chất lượng không khí ở Bắc Kinh, xếp mức độ trên 101 microgram vào loại có hại cho những nhóm người nhạy cảm.

Theo cuộc nghiên cứu này, mức độ chất gây ô nhiễm cao trong hệ thống TTC là do tập trung nhiều kim loại. Giáo sư Evans cho rằng phần nhiều trong các hạt được phát hiện trong không khí xuất hiện là do sự cọ xát của bánh tàu trên đường ray.

Tại các trạm trên mặt đất như Rosedale và Davisville, cuộc nghiên cứu này phát hiện rằng mức độ chất gây ô nhiễm chỉ bằng khoảng một nửa số với mức độ ở các trạm ngầm dưới đất. Hệ thống Metro của Montreal có mức độ khoảng 36 microgram trên mỗi mét khối; giáo sư Evans cho rằng có thể là do dùng bánh cao su, đường ray bê-tông và hệ thống phanh gỗ.

Hệ thống của Vancouver có mức trung bình khoảng 17 microgram.

Phản ứng trước kết quả nghiên cứu này, TTC đưa ra một phát biểu nói rằng hệ thống TTC vẫn an toàn và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm do khí thải từ xe hơi.

TTC nói, “Cuộc nghiên cứu này không nhằm mục đích đánh giá các tác động đối với sức khỏe nói chung; mà nghiên cứu các mức độ của một số hạt thường xuất hiện và ô nhiễm. Nghiên cứu này được thực hiện vào năm 2010 và 2011 vào thời điểm mà chúng tôi đã bắt đầu thực hiện các biện pháp giúp cải thiện chất lượng không khí trên tàu và giảm một số chất gây ô nhiễm trong các trạm ngầm dưới đất.”

Các biện pháp đó bao gồm đưa vào sử dụng các tàu Toronto Rocket trên Tuyến 1 (tuyến Yonge-University-Spadina); các tàu này có hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí mới hơn. Những tàu này bắt đầu hoạt động vào năm 2011.

TTC cũng cho biết đang chuẩn bị thực hiện một nghiên cứu tổng quát hơn về chất lượng không khí ở hệ thống tàu điện ngầm, vì thông tin mà TTC hiện có là từ năm 1995.

Giáo sư Evans nói ông dự định thực hiện một cuộc nghiên cứu tiếp theo với dữ liệu thu thập từ những tàu mới hơn.

Giáo sư Evans lưu ý rằng thời gian sử dụng trung bình của người đi lại bằng TTC là khoảng 1 giờ. Như vậy nghĩa là mức độ tiếp xúc với chất gây ô nhiễm hàng ngày của một người sẽ không tăng đáng kể — nói chung, tăng khoảng 20%.

Nguồn: CBC, và Toronto Star 25/4/2017.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.