Chi phí tăng vọt của insulin ở Mỹ đã khiến một số người Mỹ bị tiểu đường sang Canada hôm thứ Sáu 28/6/2019 để mua thuốc không cần toa này với giá chỉ bằng một phần so với ở Mỹ.

Nhóm khoảng 25 người từ Minneapolis, Minnesota, sang London, Ontario, và định tổ chức họp báo ở đó để gây chú ý về tình cảnh không kham nổi tiền thuốc.

Khi bà Nystrom được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường Loại 1 cách đây 20 năm, giá insulin khoảng 16 USD/ống. Nay giá là 340 USD — gấp khoảng 10 lần giá ở Canada.

Nystrom, cùng với nhóm Minnesota #insulin4all, nói người Mỹ có thể mua mang về nhà lượng thuốc cá nhân tối đa đủ dùng ba tháng, nhưng một số người chỉ có thể mua nổi một vài ống. Một ống insulin, giúp quản lý mức đường trong máu, thường dùng đủ từ vài ngày tới vài tần, tùy bệnh nhân.

Tuy vẫn còn ở quy mô tương đối nhỏ, tình trạng ‘du lịch insulin’ sang Canada đang gây ra một số lo ngại.

Nhóm bệnh nhân tiểu đường Loại 1 từ Mỹ sang Canada mua insulin từ tháng 5/2019. (Ảnh: Quinn Nystrom/Twitter)

“Bất cứ lúc nào ta thấy một lượng dân số đông như Mỹ … sang Canada để có được thuốc men được dành riêng cho thị trường Canada, có khả năng xảy ra xáo trộn,” Barry Power, một giám đốc cấp cao của Hiệp hội Dược sĩ Canada, nói. “Chúng tôi thấy đây là một rủi ro chúng tôi muốn chính phủ liên bang chú ý.”

Bốn tiểu bang, trong đó có Florida, đã thông qua luật cho phép bán sỉ hoặc cá nhân nhập thuốc.

“Điều đó đáng lo ngại vì nếu người ta nghĩ chuyện đó được chính phủ Mỹ chấp thuận, thì có thể sẽ có nhiều áp lực đối với giới dược sĩ và chuỗi cung ứng Canada,” Power nói. Ông là một dược sĩ ở Ottawa.

Theo dược sĩ Power, Bộ Y tế Canada và Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ cần phối hợp với nhau để bàn cách ứng phó với tình hình này. Ông nói rằng lý tưởng nhất là Bộ trưởng y tế Ginette Petitpas Taylor nói chuyện với Bộ trưởng y tế Mỹ để bảo đảm nguồn cung dược phẩm ở Canada, và các hãng sản xuất cần làm nhiều hơn để hạn chế xuất khẩu.

Vì insulin là thuốc không cần toa ở Canada, không có cơ chế theo dõi để biết có bao nhiêu thuốc có thể đi sang Mỹ. 

“Tôi không muốn là người hàng xóm xấu,” Nystrom nói. “Tôi chẳng phải qua Canada nếu không có tình trạng khan hiếm thuốc (và) tôi không nghĩ sang Canada mua thuốc là giải pháp dài hạn. Kiểu này giống như lấy băng y tế dán lên vết thương vì trúng đạn.”

Nhóm người từ Minnesota dự định thăm Banting House ở London, nơi Sir Frederick Banting nghĩ ra ý tưởng dẫn tới khám phá insulin cách đây 99 năm. Họ dự định tổ chức họp báo vào ngày 29/6 để dư luận biết về vấn nạn này.

Nystrom nói rằng oái ăm là Banting bán bằng sáng chế của mình với giá $1 vì ông tin rằng khám phá của ông thuộc về thế giới và không nên để kiếm lợi. 

Canada, giống nhiều nước công nghiệp hóa khác, quản lý điều tiết giá thuốc thông qua hội đồng xét duyệt giá thuốc có bản quyền; hội đồng này có trách nhiệm chống ép giá. Trong khi đó, thuốc men ở Mỹ theo cơ chế thị trường, tức là theo mức giá mà người ta có thể trả được.

Nguồn: The Canadian Press, 680 News, 28/6/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.