Nhiều tài khoản mạng xã hội giả danh chính khách để lừa người Canada
Nhiều tài khoản mạng xã hội giả danh chính khách để lừa người Canada
Nhiều chính khách thuộc các đảng khác nhau, trong đó có ba bộ trưởng trong nội các đương nhiệm, đã bị bọn lừa đảo giả danh trên các mạng xã hội, trong đó có ít nhất một trường hợp tên của chính khách bị dùng để gạt tiền.
“Chúng tôi biết về các trường hợp trong những tuần gần đây ảnh hưởng tới các dân biểu thuộc các đảng khác nhau, và chúng tôi tiếp tục cảnh giác,” văn phòng của Bộ trưởng Gia đình, Trẻ em và Phát triển Xã hội Jean-Yves Duclos nói trong một tuyên bố gởi qua email cho đài CTV News.
Duclos không phải là bộ trưởng duy nhất bị nhái ảnh và thông tin trên mạng xã hội. Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nông thôn Bernadette Jordan, Bộ trưởng Quan hệ Nhà nước-Người bản địa Carolyn Bennett và dân biểu Tự do Anthony Rota cũng bị giả mạo danh tánh, theo xác nhận từ các văn phòng của họ với CTV News.
Đảng Bảo thủ xác nhận rằng khoảng một chục dân biểu Bảo thủ cũng đã cảnh báo các tài khoản Facebook giả mạo danh tánh của họ. Phát ngôn viên Simon Jeffries của Đảng Bảo thủ nói rằng các tài khoản đó đã được báo cáo với Facebook và nhanh chóng bị đóng.
Một nguồn tin chính phủ biết rõ vấn đề này cũng xác nhận rằng trong một trường hợp, chân dung của một bộ trưởng đã được dùng trong một cuộc đối thoại có nhắc tới tiền bạc – mặc dù tài khoản giả mạo đó không xin tiền một cách lộ liễu.
Dân biểu Rota cũng xác nhận rằng trong trường hợp của ông, chân dung của ông cũng đã được dùng để xin tiền từ nhiều người Canada.
“Tôi nhận được tin nhắn từ bạn bè trên Facebook báo với tôi rằng họ đã nhận được những tin nhắn lạ và một trong số đó nói với bạn bè tôi rằng họ có một số khoản tài trợ, nhưng họ cần tiền từ bạn bè tôi,” dân biểu Rota nói.
“Thông thường dân biểu không đeo đuổi người ta và xin tiền qua các trang mạng, hoặc họ không liên hệ qua Facebook.”
Dân biểu Rota cho biết ông đã báo cáo tài khoản đó với Facebook và nó đã bị đóng vào ngày hôm sau. Các bộ trưởng Jordan và Bennett cũng xác nhận rằng họ đã báo cáo tài khoản giả mạo ngay lập tức.
“Văn phòng của chúng tôi không dùng Facebook Messenger và chúng tôi khuyến khích những ai nhận được thư từ trao đổi khả nghi nên báo cáo với Facebook,” văn phòng của bộ trưởng Bennett nói trong một tuyên bố gởi qua email cho đài CTV New.
Văn phòng của bộ trưởng Jordan cũng khuyến nghị người dân nên “cảnh giác” và hiểu rõ về các thủ đoạn lừa gạt phổ biến trên mạng như phishing (giả mạo hoặc ăn cắp thông tin nhạy cảm) hoặc trolling (bình luận kiểu chọc phá, khiêu khích).
Một số dân biểu cũng viết trên mạng xã hội về vấn đề này để cảnh báo cử tri của họ. Bộ trưởng Phụ nữ và Bình đẳng Giới Maryam Monsef viết trên Twitter rằng trong những tuần gần đây có “sự gia tăng các tài khoản mạng xã hội giả danh các dân biểu”.
Dân biểu Rota cũng đăng một cảnh báo trên trang Facebook của ông. “Những kẻ lừa đảo đã và đang giả danh các dân biểu bằng cách lập các tài khoản Facebook Messenger và nhắn tin cho người dân Canada.”
Cảnh báo của dân biểu Rota cũng nhắc người Canada về cách xác định và báo cáo một tài khoản lừa đảo.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên chính khách gặp rắc rối với các phần tử xấu trên mạng xã hội. Hồi tháng 1, đài CTV News tường thuật rằng tài khoản của thượng nghị sĩ Bảo thủ Linda Frum bị hack. Các thủ phạm đã chia sẻ thông tin cá nhân và dùng lời lẽ kỳ thị chủng tộc trong các mục viết trên Twitter.
Thượng nghị sĩ Bảo thủ Don Plett cũng bị hack tài khoảng Twitter của mình hồi cuối tháng 10, mặc dù những hacker chia sẻ suy nghĩ của họ về mâu thuẫn giữa các nữ ca sĩ nhạc rap nổi tiếng Nicki Minaj và Cardi B, chứ không phải thông tin cá nhân của Plett. Chúng cũng thay đổi hình đại diện của ông bằng ảnh một thanh niên đô con, xăm đầy mình.
Khi người Canada và các chính khách đều phải đương đầu với mối đe dọa trên mạng mới này, dân biểu Rota có một lời khuyên.
“Nếu nó trông có vẻ quá hay đến nỗi khó có thực, có thể quả là vậy.”
Nguồn: CTV, 12/7/2019.
© Bản tiếng Việt của Canada Info.