Một cuốn sách mới xuất bản trước thềm bầu cử liên bang giúp cho giới phân tích chính sách có cái nhìn toàn diện về mức độ giữ lời của Justin Trudeau đối với những lời hứa của ông trong chiến dịch tranh cử năm 2015.

Ấn phẩm 237 trang này là nghiên cứu của hai chục học giả Canada, tập trung phân tích 353 lời hứa lúc tranh cử của Đảng Tự do và thẩm định số lời hứa thực sự được thực hiện kể từ khi chính phủ Trudeau nhậm chức.

Theo đó, tính tới tháng 3 năm nay, chính phủ Trudeau đã thực hiện trọn vẹn khoản 50% lời hứa, thực hiện phần nào khoảng 40% và thất hứa khoảng 10%.

Bản tiếng Anh, có nhan đề “Assessing Justin Trudeau’s Liberal Government” (“Đánh giá chính phủ Đảng Tự do của Justin Trudeau”) được phát hành hôm 26/8/2019. Các tác giả nói rằng sứ mệnh của họ là tạo ra một nguồn thông tin minh bạch, không thiên vị đảng phái về việc thực hiện lời hứa.

Các tác giả nói rằng cuốn sách này, do nhà xuất bản thuộc Đại học Laval ấn hành, không chỉ đáng quan tâm cho giới phân tích chính sách và báo giới, mà còn có thể cung cấp thông tin cơ bản để mọi cử tri đánh giá 4 năm cầm quyền của Đảng Tự do để chuẩn bị cho kỳ tổng tuyển cử liên bang vào tháng 10 sắp tới.

Cuốn sách cũng có phần so sánh lịch sử, đánh giá việc thực hiện lời hứa của các chính phủ liên bang từ chính phủ đa số lần đầu của thủ tướng Brian Mulroney vào năm 1984.

Kết quả đánh giá chính phủ Trudeau dựa trên một công cụ theo dõi cương lĩnh gọi là “Polimetre” (Thước đo chính trị) do Trung tâm Phân tích Chính sách Công của Đại học Laval quản lý.

Theo kết quả đánh giá mới nhất của công cụ này — cập nhật tháng 3/2019 — Đảng Tự do  đã thực hiện trọn vẹn 53.5% lời hứa vào năm 2015, thực hiện một phần 38.5%, và thất hứa 8%.

Các nhà nghiên cứu cũng lập một Polimetre cho chính phủ đa số lần cuối của thủ tướng Stephen Harper từ năm 2011 tới 2015. Theo đó, chính phủ Harper thực hiện trọn vẹn 77% lời hứa, thực hiện một phần 7%, và thất hứa 16%.

Harper Polimetre là thước đo chính trị đầu tiên của nhóm nghiên cứu này ở cấp liên bang, còn Trudeau Polimetre là thước đo đầu tiên được in thành sách.

Có hai cách để rút ra kết luận về thành tích giữ lời hứa của các thủ tướng Trudeau và Harper, theo đồng chủ biên cuốn sách Francois Petry, một giáo sư chính trị học ở Đại học Laval.

Cách một là cộng chung những lời hứa được thực hiện trọn vẹn và những lời hứa được thực hiện một phần; Trudeau được 92% so với 85% trong nhiệm kỳ cuối của Harper. Hoặc cách thứ hai là chỉ so sánh những lời hứa được thực hiện trọn vẹn; Trudeau được 53.5% và Harper 77%.

Tuy nhiên, không phải mọi lời hứa đều như nhau.

Petry nhận định rằng Trudeau tranh cử năm 2015 với nhiều lời hứa “có tính chuyển biến”, một phần là do Đảng Tự do đưa ra nhiều lời hứa đầy tham vọng trong khi họ là đảng đứng vị trí thứ ba.

Ngược lại, Harper có nhiều lời hứa “có tính giao dịch”, nhắm tới các nhóm dân số nhỏ như cha mẹ.

Các tác giả cũng nhấn mạnh rằng các nỗ lực của mọi chính phủ về thực hiện lời hứa thường tùy thuộc vào những hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của họ, ví dụ ảnh hưởng của một đợt suy thoái hoặc tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng chính phủ Trudeau và chính phủ cuối cùng của Harper có tỷ lệ thực hiện lời hứa tranh cử cao nhất trong các chính phủ Canada trong 35 năm qua.

Nhìn chung, các chính phủ ở Canada có thành tích tốt về giữ lời hứa, theo giáo sư Petry. Tuy vậy, các cuộc thăm dò dư luận lâu nay cho thấy rằng phần lớn người Canada nghĩ rằng giới chính khách là những kẻ nói dối, mặc dù cử tri thường không giỏi theo dõi các lời hứa của các đảng.

Cuốn sách cũng tìm hiểu tính hiệu quả của các chính sách và quyết định của Đảng Tự do trong vòng bốn năm qua trong nhiều lĩnh vực — từ các lời hứa của đảng về hỗ trợ tầng lớp trung lưu, giải quyết biến đổi khí hậu và cải tổ bầu cử.

Ví dụ, nghiên cứu lưu ý việc chính phủ Trudeau thất hứa đối với lời hứa khi tranh cử năm 2015 là sẽ có thâm hụt ngân sách hàng năm không quá 10 tỷ đô-la và cân bằng ngân sách trước năm 2019.

Chính phủ Đảng Tự do cũng thất hứa về việc đưa ra luật cải tổ bầu cử trong vòng 18 tháng sau khi lên cầm quyền và chấm dứt hệ thống bầu cử “ai về nhất trước hưởng hết” (first-past-the-post).

Khi được hỏi về những ý kiến có thể phê phán nghiên cứu này, giáo sư Petry nói các tác giả không nói rằng phương pháp của họ là hoàn hảo, và cũng không cho rằng các kết quả là chặt chẽ như một thí nghiệm được kiểm soát.

Ông cho biết Polimetre đã được áp dụng cho các chính quyền tỉnh bang gần đây ở Quebec. Nhóm nghiên cứu đang cân nhắc một dự án đánh giá các lời hứa của chính quyền Doug Ford ở Ontario.

Nguồn: The Canadian Press, 680 News, 25/8/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.