Bầu cử Canada lần thứ 43: Justin Trudeau muối mặt vì mặt bôi đen

0

Phạm Vũ Lửa Hạ

Theo luật bầu cử Canada, thời gian tối thiểu của mỗi chiến dịch tranh cử liên bang là 36 ngày. Kỳ này, do nắm chính phủ đa số, thủ tướng Justin Trudeau đợi tới gần hạn chót mới xin Toàn quyền Canada cho giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử.

Do chiến dịch tranh cử năm nay chỉ diễn ra trong 40 ngày, bốn đảng lớn vừa cố gắng đánh bóng hình ảnh của mình vừa tranh thủ trực tiếp hoặc gián tiếp bới lông tìm vết để hạ bệ các đối thủ.

Đảng Tự do (Liberal), đảng cầm quyền vừa rồi, rất tích cực tìm cách bêu xấu các ứng cử viên và thủ lãnh các đảng khác, nhất là Đảng Bảo thủ (Conservative), đối thủ chính của Đảng Tự do. Mục đích là để ‘chuyển đài’, tránh bị chú ý về những vụ xì căng đan gần đây của Đảng Tự do.

Nổi cộm nhất vụ văn phòng thủ tướng bị cáo buộc can thiệp để tập đoàn xây dựng và công chánh SNC-Lavalin ở Quebec (quê của Trudeau) tránh bị truy tố hình sự. Vì vụ này mà hai nữ bộ trưởng tài năng trong nội các Trudeau từ chức vì mất lòng tin và bất đồng, và sau đó hai bà bị đuổi ra khỏi khối dân biểu (caucus) Đảng Tự do tại Hạ viện. Cũng vì vụ này, thủ tướng Trudeau bị ủy viên đạo đức của quốc hội kết luận vi phạm Đạo luật Xung đột Lợi ích. (Trước đây, Trudeau cũng đã một lần bị kết luận vi phạm luật này vì được tỷ phú Aga Khan cho gia đình Trudeau và bạn bè đi nghỉ miễn phí trên đảo riêng của tỷ phú đó, cũng là một nhà vận động hành lang có đăng ký.)

Một vụ cũng đình đám khác là vụ truy tố đối với phó đô đốc Mark Norman về tội bội tín và lộ bí mật nhà nước mà cuối cùng buộc phải hủy bỏ vì thiếu chứng cứ, và luật sư biện hộ trưng được những thông tin cho thấy vụ này có thể có động cơ chính trị. Chính phủ Trudeau lặng lẽ dàn xếp bồi thường khá nhiều cho sĩ quan cao cấp rất uy tín này.

Nhiều ứng cử viên của Đảng Tự do cũng là mục tiêu bị bới móc. Nhưng chỉ mới một tuần sau khi chiến dịch tranh cử bắt đầu từ ngày 11/9/2019, ai ngờ chính người đứng đầu đảng cầm quyền trúng đòn, mà không phải do các đảng đối lập tung ra.

Chuyện 18 năm trước

Hôm 18/9/2019, Justin Trudeau dính một cú nặng, nhất là cho một chính khách đi đâu, quốc nội cũng như quốc tế, cũng hô hào các giá trị progressive (cấp tiến) và inclusive (dung nạp mọi thành phần, không kỳ thị).

Justin Trudeau trong ảnh chụp năm 2001 đăng trong niên giám của West Point Grey Academy, trường tư thục nơi Trudeau làm giáo viên lúc đó. (Ảnh: Time.com)

Time Magazine nhận được một tấm ảnh chụp Trudeau trong đêm gala có chủ đề Arabian Nights ([1001] Đêm Ả rập) năm 2001 tại một trường tư thục ở Vancouver nơi Trudeau làm giáo viên. Trong ảnh, Trudeau hóa trang bôi đen mặt và tay và quấn turban trên đầu.

Quả bom này khiến Trudeau phải tổ chức họp báo ngay tối nay trên máy bay trên đường vận động tranh cử. Trudeau xin lỗi về hành động này, nói rằng lúc đó không nghĩ đó là kỳ thị chủng tộc (racist), nhưng bây giờ thấy đó là kỳ thị chủng tộc, nên chịu hoàn toàn trách nhiệm về nó. Các ký giả trên máy bay tới tấp căn vặn, nhưng Trudeau vẫn tỉnh queo lặp đi lặp lại đại ý rằng chuyện đó đúng là sai, nhưng xin dân Canada tha thứ để cùng nhau tiến tới (move forward; cũng là khẩu hiệu tranh cử lần này của Đảng Tự do), và cam đoan thực hiện lời hứa xây dựng một đất nước Canada có tính inclusive.

Trong vụ mặt đen này, Trudeau đã mau mắn xin lỗi vì biết đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm ở một đất nước đa văn hóa, đông di dân. Trudeau hiểu chuyện này rất nghiêm trọng, rất dễ khiến mất phiếu trong một kỳ bầu cử mà Đảng Tự do và Đảng Bảo thủ đang so kè sát sao theo những cuộc thăm dò dư luận mới nhất. Nên nhớ là Trudeau vốn không dễ dàng nói lời xin lỗi. Trong vụ SNC-Lavalin, Trudeau chấp nhận kết luận của ủy viên đạo đức (là ông phạm luật đạo đức), nhưng trước sau vẫn nhất mực không chịu xin lỗi.

Trước khi Trudeau họp báo trên máy bay để xin lỗi, dưới mặt đất thủ lãnh Đảng Tân Dân chủ (NDP) Jagmeet Singh ngay lập tức có phát biểu lên án Trudeau, nói rằng hành động đó đáng lo ngại và có tính lăng mạ.

Jagmeet Singh phản ứng về chuyện Justin Trudeau bôi mặt đen. (Ảnh: The Canadian Press)

Mà Jagmeet Singh có đủ lý do phẫn nộ. Mười tám năm trước, Trudeau chơi dại, dù đã là giáo viên chứ không phải một cậu teen nông nổi, và chắc chẳng ngờ sẽ có lúc phải muối mặt xin lỗi trong chiến dịch tranh cử có sự góp mặt thủ lãnh một đảng đối lập có nước da sậm màu và đội turban hệt như nhân vật mà Trudeau hóa trang.

Jagmeet Singh cũng đang uẩn ức vì cảm nhận bị người chính trong đảng của mình kỳ thị. Singh là người thuộc sắc dân thiểu số đầu tiên được bầu làm thủ lãnh một đảng lớn ở Canada. NDP là đảng đứng hàng thứ ba trong Hạ viện Canada khóa 42 vừa rồi; khóa trước đó NDP từng vươn lên thứ nhì, thành phe đối lập chính thức.

Mấy tuần trước, mười mấy ứng cử viên NDP ở các tỉnh bang vùng Đại Tây Dương (Atlantic Canada) bỏ đảng để đầu quân cho Đảng Xanh (Green), một đảng cánh tả khác. Một cựu giám đốc điều hành của đảng NDP ở vùng đó và là người tổ chức đợt ‘đào tẩu’ đó phát biểu rằng các ứng cử viên đó không cảm thấy Jagmeet Singh có cơ hội thành thủ tướng vì lo ngại người Canada nói chung chưa sẵn sàng để có thủ tướng … quấn turban trên đầu.

Khi chỉ trích Trudeau về tấm ảnh mặt bôi đen và quấn turban, Jagmeet Singh đặt câu hỏi liệu người dân Canada sẽ thấy bộ mặt nào của Trudeau: trước công chúng tươi cười giả lả hô hào các giá trị nhân văn, cấp tiến; hay bộ mặt thật ở chỗ riêng tư của một kẻ đạo đức giả, có đầu óc kỳ thị rõ rệt với những nhóm thiểu số mà lúc nào ông cũng rêu rao là bảo vệ họ.

Để lấy ví dụ, Jagmeet Singh nhắc lại vụ Justin Trudeau châm chọc những người bản địa phê phán ông. Tại một buổi tiệc gây quỹ của Đảng Tự do hồi đầu năm nay, một nhóm người bản địa đã trương biển phản đối và lên tiếng chất vấn Trudeau về chuyện không giải quyết nạn nhiễm độc thủy ngân trong nguồn nước tại khu reserve (đất dành riêng cho người bản địa) của họ. Nhóm người này bị nhân viên an ninh đưa ra ngoài, và trong khi họ đang bị lôi ra ngoài, Trudeau lúc đó đang đứng trên sân khấu nói với theo “Cảm ơn quý vị đã quyên góp” giữa tiếng cười và vỗ tay của những người ủng hộ ông trong khán phòng. (Muốn tham dự thì phải mua vé vào, một phần tiền dành để quyên góp cho đảng). Câu nói đó của Trudeau đã gây phản ứng dữ dội, và hôm sau Trudeau phải đăng đàn xin lỗi – và trả lại tiền quyên góp của nhóm người đó.

Singh cảnh báo dân Canada về con người thật của Trudeau. Lời cảnh báo này vô tình chuyển tải đúng cái ý trong các thông điệp của Đảng Bảo thủ chống Trudeau: “not as advertised” (không như quảng cáo).

Hành vi bôi mặt đen có gì mà ầm ĩ?

Nhiều người đặt câu hỏi việc gì phải làm lớn chuyện một vụ cách đây mười mấy năm mà lại trong một lễ hội hóa trang. Chẳng lẽ người ta không được phép bôi mặt hóa trang thành một nhân vật theo chủ đề?

Khó có câu trả lời ngắn gọn cho một vấn đề phức tạp, đa tầng mà phải ở một xã hội đa sắc tộc lâu năm mới thấy lý do đằng sau sự nhạy cảm này. Chuyện này có phần liên quan tới vấn đề cultural appropriation (cưỡng đoạt / chiếm dụng văn hóa). Đại khái là các nhóm đa số “cưỡng đoạt văn hóa” của các nhóm thiểu số, để châm chọc, để tỏ thế áp đảo, tay trên … Ở một xã hội đa văn hóa, chuyện này khá nhạy cảm, xem như politically incorrect (không phải đạo, không hợp lòng bá tánh).

Trước khi bước vào chính trường để nối nghiệp cha (cựu thủ tướng Pierre Trudeau), Justin Trudeau từng là giáo viên dạy kịch nghệ. Với chuyên môn của mình, hẳn Justin Trudeau không thể không biết lịch sử loại hình biểu diễn gọi là minstrelsy / minstrel show

Một gánh hát rong minstrel. (Ảnh: The American Heritage)

Vấn đề mặt đen có căn nguyên từ những sô diễn ca múa hồi thế kỷ 19. Thời đó, diễn viên và nghệ sĩ da trắng bôi đen mặt (và vẽ môi trắng dày) và thể hiện hình ảnh rập khuôn xấu xí và khinh khi về người da đen.

Tới giữa thế kỷ 19, những sô diễn ‘da trắng hóa trang da đen’ là loại hình giải trí phổ biến nhất thời đó, được giới thượng lưu da trắng ưa chuộng. Người da đen, thường là nô lệ Mỹ gốc châu Phi, được khắc họa là những kẻ ngu dốt, lười biếng, hung bạo và khờ khạo để mua vui cho khán giả.

Một số học giả cho rằng từ sân khấu ra đời thực, nhiều người tin những cách khắc họa đó. Điều này tiếp sức thêm cho những tư tưởng về vị thế thượng đẳng của người da trắng và hạ đẳng của người da đen, mà về sau dùng để biện minh cho sự kỳ thị chủng tộc và ngược đãi người da đen.

Quá tam ba bận?

Ảnh chụp Justin Trudeau trong buổi trình diễn văn nghệ tại trường trung học Le collège Jean-de-Brébeuf ở Montreal nơi ông là học sinh. (Ảnh: CBC)

Ngay hôm tấm ảnh mặt đen đầu tiên được tiết lộ, báo chí đã hỏi ngay trên máy bay của Trudeau là ông có nhớ còn lần nào khác bôi mặt đen như vậy không. Ông ngập ngừng trả lời là còn một lần khác, khi còn là học sinh tại trường trung học Le collège Jean-de-Brébeuf ở Montreal. Trong một buổi trình diễn văn nghệ của trường, Trudeau hóa trang mặt đen và hát bài The Banana Boat Song (Day-O), một bài dân ca Jamaica nổi tiếng nhờ giọng ca của ca sĩ người Mỹ da đen Harry Belafonte.

Hôm sau, tới lượt Global News, một đài truyền hình lớn ở Canada, cho biết thu thập được một video cho thấy Justin Trudeau bôi mặt đen nhảy múa hồi đầu những năm 1990. Vậy là ít nhất ba lần Trudeau bôi mặt đen. 

Trong mấy ngày tiếp theo, tại các buổi tiếp xúc báo chí trên đường vận động tranh cử, Trudeau thường bị hỏi là ông có nhớ còn những lần nào khác bôi mặt đen hay không. Và Trudeau thú nhận không thể dám nói chắc chắn là có còn vụ nào khác, hoặc tránh né bằng câu trả lời lòng vòng rằng sẽ trung thực với người dân, sẽ đồng hành với người dân để Canada là một đất nước đa dạng hơn, tốt đẹp hơn. 

Ảnh chụp màn hình từ một video do đài truyền hình Global News thu thập được, cho thấy Justin Trudeau bôi mặt đen nhảy múa hồi đầu những năm 1990. (Ảnh: Global News)

Khi được báo chí hỏi tại sao ông không trung thực trình bày về những vụ mặt đen này khi được Đảng Tự do làm ‘kiểm tra lý lịch’ (vetting) để đưa ông lên làm thủ lãnh, Trudeau nói ông giấu vì xấu hổ. 

Đảng Bảo thủ thẳng thừng phê phán Trudeau xin lỗi không thực lòng, là kẻ đạo đức giả, do đó không đủ tư cách đạo đức để trị quốc. Lời phê phán này cũng là điệp khúc được dùng trong những vụ bê bối khác mà Đảng Tự do và Trudeau dính gần đây.

Lời xin lỗi của Trudeau trong vụ mặt đen được giới ủng hộ khen là thật lòng, nhưng bị giới chỉ trích xem là hời hợt, và ‘tiêu chuẩn kép’. Nhiều người nhận định rằng nếu một ứng cử viên khác của Đảng Tự do mà dính vào một vụ tai tiếng như vậy hoặc thậm chí nhỏ hơn thì lập tức bị loại hoặc bị ép rút lui. Ví dụ, hồi đầu chiến dịch tranh cử, Đảng Tự do hủy đề cử ứng cử viên đối với một giáo sĩ Hồi giáo ở Quebec vì ông này trước đây có phát biểu bài Do thái trên mạng xã hội.

Tác động tới lá phiếu?

Vụ mặt đen của Trudeau đã khiến Đảng Bảo thủ dẫn bốn điểm so với Đảng Tự do, theo cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Ipsos thực hiện riêng cho đài Global News từ ngày 20/9 tới 23/9.

Theo đó, 36% người trả lời muốn bầu cho Đảng Bảo thủ nếu bầu cử diễn ra vào ngày hôm sau, và 32% muốn bầu cho Đảng Tự do, tức mất 3 điểm phần trăm so với lần khảo sát trước đó.

Cuộc khảo sát với 1500 người Canada này hỏi họ có thấy hoặc nghe về các hình ảnh Trudeau bôi mặt đen hay không. Phần lớn (76%) đã thấy những hình ảnh đó — chỉ có 10% nói họ không biết về vụ xì căng đan này.

Người trả lời khảo sát được hỏi về ý kiến của họ lời xin lỗi của Trudeau. Theo cuộc thăm dò dư luận của Ipsos, 20% cho rằng hành vi của ông là không thể tha thứ và ông nên từ chức thủ tướng, nhưng gần một nửa cho rằng lời xin lỗi của Trudeau là phù hợp và ông nên tiếp tục làm thủ lãnh Đảng Tự do.

Một cuộc thăm dò dư luận khác lại cho thấy một góc nhìn khác về vụ mặt đen của Trudeau. Theo cuộc khảo sát của DART Maru/Blue Voice Canada Poll thực hiện cho báo Toronto Sun, người Canada dường như sẵn sàng bỏ qua cho Trudeau về những hình ảnh và video mặt đen, mặc dù gần một nửa nghĩ rằng ông là người đạo đức giả.

Theo cuộc khảo sát thực hiện hôm 20/9 — chưa đầy 48 giờ sau khi hình ảnh mặt đen đầu tiên được tiết lộ — có tới 90% người Canada biết về vụ này. Đây là tỷ lệ cao hiếm hoi về mức độ quan tâm của công chúng đối với một vấn đề.

Trong số 90% biết về vụ này, 76% đồng ý với nhận định rằng Justin Trudeau có thể chơi ván cờ chính trị nhưng ông không tỏ vẻ kỳ thị chủng tộc trong bất kỳ hành động nào trong vai trò của ông. Và 66% đồng ý với nhận định rằng người ta nên bỏ qua cho Justin Trudeau vì những chuyện này đã xảy ra nhiều năm trước. Tuy nhiên, 45% đồng ý rằng Trudeau là người đạo đức giả và xứng đáng chịu hậu quả chính trị này. 

Những nơi có tỷ lệ cao muốn bỏ qua cho Trudeau về vụ mặt đen là Quebec, British Columbia và Ontario, nơi Đảng Tự do có tỷ lệ ủng hộ cao. Những nơi có tỷ lệ cao xem Trudeau là người đạo đức giả là Alberta, Manitoba/Saskatchewan và Ontario.

© Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.