Toronto có rủi ro bong bóng địa ốc cao thứ nhì thế giới: UBS

0

Toronto đã trở thành thị trường địa ốc có giá cao hơn thực tế (overvalued) thứ nhì trên thế giới do lãi suất thấp và khan hiếm nhà bán, theo chỉ số bong bóng bất động sản toàn cầu của ngân hàng Thụy Sỹ UBS AG.

Vancouver xếp hạng sáu trong chỉ số năm 2019. Đứng đầu là Munich, còn Hong Kong, Amsterdam và Frankfurt chiếm các thứ hạng còn lại trong nhóm đầu bảng.

Giá nhà tại Toronto tăng gấp ba từ năm 2000 tới năm 2017 và thậm chí việc áp dụng thuế đánh vào người mua ngoại quốc và quy định mortgage nghiêm ngặt hơn chỉ tạm thời hạ nhiệt giá nhà tăng quá nóng, theo UBS.

“Giá nhà dường như khó có khả năng điều chỉnh mạnh trong ngắn hạn do tình hình thị trường mortgage cải thiện, đồng CAD sụt giá và giảm nguồn nhà bán,” ngân hàng này nhận định.

Ở Vancouver, những thay đổi luật lệ năm 2016 đã góp phần khiến giá giảm 7% so với một năm trước, nhưng các mức định giá cao ngất ngưỡng và khả năng mua nổi nhà đã quá căng thẳng khiến thị trường này dễ bị tổn hại trước ngay cả những thay đổi nhỏ về cầu, theo UBS.

Xét tổng thể Canada, UBS nhận định rằng thời kỳ địa ốc tăng chóng mặt dường như tạm chấm dứt và thị trường có thể giảm nữa do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế thấp lấn át sức hút của lãi suất mortgage thấp.

Dù có những rủi ro bong bóng địa ốc tại các thành phố lớn nhất của Canada và lãi suất thấp trên toàn cầu, UBS cho rằng thời kỳ điều chỉnh giá đang xuất hiện trên toàn thế giới do những gánh nặng mà người mua nhà gánh chịu về trả nợ mortgage, được ngân hàng xét duyệt cho vay và đương đầu với tác động của tình hình kinh tế bất định đối với tăng trưởng về cầu địa ốc.

“Dù lãi suất giảm trên toàn thế giới, xu hướng tiêu cực về giá nhà có lẽ sẽ tiếp tục,” UBS nói.

Nhìn chung, theo báo cáo của UBS, các thành phố trong khu vực các nước dùng đồng euro có rủi ro lớn nhất về bong bóng giá địa ốc vì lãi suất thấp và tăng trưởng kinh tế mạnh, với Paris nằm trong 10 thành phố có rủi ro cao nhất. Lạm phát đang cản trở khả năng mua nổi nhà trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến chậm lại ở Đức sẽ thử thách các mức hiện tại, theo UBS.

Trên toàn cầu, UBS nói giá nhà tiếp tục tăng chậm lại ở đa số các thành phố và tỷ lệ tăng giá nhà trung bình đứng yên lần đầu tiên từ năm 2012. Tăng trưởng cho vay nhìn chung sánh bằng với tăng trưởng GDP, trái ngược với những năm trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi dư nợ cho vay mortgage tăng với tỷ lệ nhanh hơn 2.5% so với GDP, theo UBS.

Frankfurt là thành phố duy nhất có tỷ lệ tăng 2 chữ số về giá nhà, cũng là điều phổ biến trong những năm trước.

Tuy nhiên, khả năng mua nổi nhà vẫn là một rủi ro lớn do tỷ số giá nhà trung vị trên thu nhập đã tăng từ 5 năm lên tới 7 năm, tức là thời gian cần để trả cho một căn hộ ở các thành phố, trong thập niên vừa qua. Theo nghiên cứu của UBS, xét theo tiêu chí này, Hong Kong và London bị ảnh hưởng nặng nhất trong khi Singapore có tình hình cải thiện nhất.

Vancouver xếp thứ 10 trong tiêu chí này với 8 năm, trong khi Toronto là thành phố đắt thứ 20 với 6 năm.

“Mua một căn hộ rộng 60 mét vuông (650 square feet) vượt quá ngân sách của những người có mức lương hàng năm trung bình trong các ngành dịch vụ kỹ năng cao ở hầu hết các thành phố trên thế giới,” UBS nói. “Nhà ngoài khả năng mua nổi thường là dấu hiệu của cầu đầu tư lớn từ ngoại quốc, quy định nghiêm ngặt về quy hoạch đất đai và thị trường nhà cho thuê.”

Nguồn: UBS, National Post, 30/9/2019.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.