Bầu cử Canada lần thứ 43: Justin Trudeau thắng mà lo
Bầu cử Canada lần thứ 43: Justin Trudeau thắng mà lo
Phạm Vũ Lửa Hạ
Sau 40 ngày với nhiều đòn tấn công lẫn nhau không thương tiếc của sáu đảng lớn, cuộc chạy đua vào Hạ viện Canada đã kết thúc vào ngày 21/10/2019 với thắng lợi trong thế bấp bênh của Đảng Tự do (Liberal).
Đảng Tự do thua về số phiếu bầu phổ thông và mất hơn 20 ghế dân biểu tại Hạ viện, nhưng đã cầm cự giành đủ số ghế để lập chính phủ thiểu số, và Justin Trudeau tiếp tục làm thủ tướng.
Tính tới sáng thứ Ba 22/10, Đảng Tự do đắc cử hoặc dẫn phiếu ở 157 khu vực bầu cử, so với 121 của Đảng Bảo thủ (Conservative), 32 của Đảng Người Quebec (Bloc Quebecois [BQ]), 24 của Đảng Tân Dân chủ (NDP), 3 của Đảng Xanh (Green). Đảng Nhân dân Canada, do cựu dân biểu và bộ trưởng trong nội các Đảng Bảo thủ Maxime Bernier mới một năm trước, không giành được ghế nào, và chưa biết tương lai sẽ ra sao.
Ứng cử viên độc lập (Independent) duy nhất thắng là Jody Wilson-Raybould. Bà Wilson-Raybould là cựu bộ trưởng tư pháp và tổng chưởng lý bị Trudeau giáng chức vì không chịu khuất phục sức ép của Văn phòng Thủ tướng buộc bà can thiệp để bãi bỏ vụ truy tố hình sự tập đoàn công chánh SNC-Lavalin ở Quebec. Vì vụ này, bà từ chức, và rút lui khỏi nội các, và sau đó vì vậy bị loại khỏi khối dân biểu (caucus) Đảng Tự do, nên phải ngồi riêng với tư cách dân biểu Độc lập tại Hạ viện cho hết khóa 42.
Tuy Đảng Tự do mất hơn 20 ghế so với năm 2015, chiến lược của Trudeau tập trung vào ba tỉnh bang ở thế giằng co căng thẳng là Quebec, Ontario và British Columbia đã có tác dụng như ý muốn.
Tính tới sáng thứ Ba 22/10, Đảng Tự do đắc cử hoặc dẫn phiếu ở gần trọn (trừ 4 ghế) vùng Đại Đô thị Toronto (GTA) và gần trọn (trừ 2 ghế) ở Montreal. Như dự kiến, kết quả bầu cử dao động ở các vùng ngoại ô của hai đô thị lớn này, nhưng Đảng Tự do áp đảo các vùng nhiều phiếu của Quebec và Ontario.
Đặc biệt, tại Ontario, ‘nhân tố Doug Ford’ góp phần tạo đà thắng lợi cho Trudeau. Từ khi lên nắm chính quyền tỉnh bang, thủ hiến Ford và Đảng Bảo thủ Cấp tiến (một thực thể riêng biệt với Đảng Bảo thủ liên bang) đã mạnh tay thực hiện các biện pháp cắt giảm để tiết kiệm và tăng hiệu quả chi tiêu ngân sách. Một số biện pháp đã quá quyết liệt và đụng chạm nhiều ngành nhạy cảm như giáo dục và y tế, nên mất lòng dân. Trudeau đã lợi dụng tâm lý đó, kêu gọi dân chúng đừng bỏ phiếu cho Đảng Bảo thủ vì Andrew Scheer cũng sẽ cắt giảm mạnh như Doug Ford.
Ở British Columbia, số ghế được phân bố đều hơn giữa các đảng, nhưng Đảng Tự do đắc cử hoặc dẫn phiếu ở 11 khu vực bầu cử, trong đó có 6 ở Vancouver và vùng phụ cận.
Trong kỳ tổng tuyển cử năm 2015, Đảng Tự do giành trọn số ghế dân biểu tại các tỉnh bang Đại Tây Dương, nhưng lần này thế áp đảo này giảm đôi chút: thắng 25 trong 32 khu vực bầu cử, trong đó giữ được ghế của 5 bộ trưởng từ vùng này.
Như dự kiến, Đảng Tự do thua trắng ở các tỉnh miền tây như Alberta, và Saskatchewan.
Ở phương bắc, Đảng Tự do giành được cả ba ghế, nhưng lần này mất Nunavut.
Thắng mà lo
Đảng Tự do thua về số phiếu phổ thông, chỉ giành được 33.1%, thấp hơn khoảng gần 240 ngàn phiếu so với Đảng Bảo thủ (34.4%).
Đây là lần đầu tiên trong 40 năm mà một đảng giành được nhiều ghế nhất lại thua về số phiếu phổ thông. Điều thú vị là lần gần đây nhất chuyện này xảy ra chính là khi Đảng Tự do của thủ tướng Pierre Trudeau, cha của Justin Trudeau, giành được nhiều phiếu phổ thông nhưng thất cử trước Đảng Bảo thủ của Joe Clark.
Sự so kè quyết liệt trong cuộc đua vào Hạ viện dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong thời gian sắp tới của chính phủ Trudeau. Điều đó được thể hiện trong phát biểu trong đêm bầu cử của thủ lãnh hai đảng lớn Tự do và Bảo thủ.
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng khuya 21/10, Trudeau có giọng điệu hòa hoãn nhằm xoa dịu các tỉnh bang miền tây, vốn bị Đảng Tự do ‘hắt hủi’ trong nhiệm kỳ trước và lơ là trong chiến dịch tranh cử năm nay vì biết chắc sẽ thua trắng ở đó. Trudeau nói, “Với những người không bỏ phiếu cho chúng tôi, xin biết rằng chúng tôi phấn đấu mỗi ngày vì quý vị. Chúng tôi sẽ trị quốc vì tất cả mọi người. Bất kể quý vị đã bỏ phiếu ra sao, đội ngũ của chúng tôi là đội ngũ sẽ đấu tranh vì tất cả mọi người dân Canada.”
Trong khi đó, thủ lãnh Đảng Bảo thủ Andrew Scheer đe, “Đêm nay Đảng Bảo thủ đã cảnh báo Justin Trudeau và ông Trudeau, khi chính phủ của ông sụp đổ, Đảng Bảo thủ sẽ sẵn sàng và chúng tôi sẽ thắng.”
Lời cảnh báo của Đảng Bảo thủ không phải là dọa suông.
Đảng Tự do đã mất ưu thế của chính phủ đa số mà nhờ đó có thể tự tung tự tác, bất chấp các đảng khác – mà cũng vì vậy dẫn tới nhiều vụ xì căng đan như SNC-Lavalin, hai lần Trudeau bị kết luận vi phạm luật đạo đức liên bang, và vụ truy tố có động cơ chính trị đối với cựu phó đô đốc hải quân Mark Norman (về sau chính phủ phải ngừng vụ này và lặng lẽ dàn xếp bồi thường cho vị sĩ quan cao cấp được nể trọng này).
Đảng Bảo thủ tiếp tục là đảng đối lập chính thức tại Hạ viện nhưng nay có thêm hơn 20 ghế. Ngoài ra, Đảng Người Quebec tái xuất mạnh mẽ, giành được số ghế gấp ba lần so với khóa trước, và nhờ đó giành lại tư cách đảng chính thức tại Hạ viện, tức là được phép đặt câu hỏi và phản biện trong các phiên chất vấn. Thêm một đảng có khả năng tác động tới việc lập pháp và hoạch định chính sách nghĩa là đảng cầm quyền sẽ nhức đầu hơn, phải khéo léo điều đình với các đảng đối lập, bằng không sẽ mất tín nhiệm của Hạ viện và chính phủ có thể bị lật bất cứ lúc nào.
Tại Hạ viện khóa 43 sắp tới, chính quyền Đảng Tự do trước mắt chưa phải lo sụp đổ ngay lúc có Diễn văn Ngai vàng (Throne Speech) đầu tiên để vạch đường lối trị quốc trong năm đầu, hoặc khi trình ngân sách liên bang đầu tiên.
Nhưng do tình hình quá phân hóa đã có từ trước bầu cử và nay thể hiện trong phân bố số ghế dân biểu, Đảng Tự do coi như tứ bề thọ địch. Vì có cương lĩnh quá ôm đồm, với nhiều hứa hẹn mâu thuẫn nhau về lý tưởng, Đảng Tự do sẽ ở vào thế làm dâu trăm họ, khó mà làm vừa lòng mọi bên.
Đơn cử vấn đề năng lượng và môi trường. Ngay từ khóa trước, dù luôn hô hào bảo vệ môi trường bằng mọi giá và ác cảm với tăng trưởng kinh tế dựa vào nhiên liệu hóa thạch, chính phủ Trudeau cắn răng mua lại dự án mở rộng đường ống dẫn dầu Trans Mountain (đi qua Alberta và British Columbia), sau khi tập đoàn dầu khí Mỹ Kinder Morgan bỏ của chạy lấy người vì gặp quá nhiều cản trở cả từ chính quyền các cấp ở Canada và Mỹ lẫn từ các tổ chức môi trường và các bộ lạc người bản địa.
Kỳ này, để xoa dịa miền tây và để chứng tỏ biết làm kinh tế, chứ không phải vung tiền bừa bãi để mua phiếu, Đảng Tự do hẳn phải gắng sức để dự án đã bị trì hoãn năm lần bảy lượt này được xúc tiến. Chắc chắn Đảng Bảo thủ sẽ ủng hộ, thậm chí còn lựa thế kỳ kèo thêm một số nhượng bộ về ngành dầu khí.
Nhưng Đảng Tự do sẽ khó ăn nói với NDP và Đảng Xanh, hai đảng cánh tả khác cùng chí hướng về nhiều giá trị ‘cấp tiến’ mà Justin Trudeau thường hô hào ở cả quốc nội lẫn quốc ngoại. NDP xưa nay nhất quyết bác bỏ bất cứ đường ống dẫn dầu nào, và chỉ muốn đầu tư vào năng lượng tái tạo sạch. Đảng Xanh kỳ này có được 3 ghế, vẫn chưa đáng là bao nhưng cũng gấp 3 lần so với kỳ trước, chứng tỏ đang gầy dựng được thanh thế. Vì vậy, Đảng Xanh sẽ nhất quyết bảo vệ lẽ sống có lẽ là duy nhất của mình: môi trường.
Trong bài toán năng lượng này, Đảng Người Quebec cũng sẽ là một rào cản đáng kể cho Trudeau vì Quebec xưa nay ỷ thế có thể cảng biển nên dễ dàng nhập dầu, và kịch liệt chống đối các dự án đường ống dẫn dầu.
Với sự ủng hộ của Đảng Bảo thủ, Đảng Tự do có thể không khó thông qua chính sách năng lượng. Nhưng rõ ràng Trudeau phải nhìn trước ngó sau, lấy lòng các đảng kia để đặng nhờ cậy cho các chính sách khác.
Một vấn đề hắc búa khác cho Trudeau là sự đoàn kết quốc gia. Bản đồ kết quả bầu cử cho thấy những vùng màu đỏ (Đảng Tự do thắng) và vùng màu xanh dương đậm (Đảng Bảo thủ thắng) rõ rệt.
Sự phân hóa theo tỉnh bang này càng làm trầm trọng sự đối đầu quyết liệt lâu nay giữa các chính quyền tỉnh bang (chủ yếu do các đảng cánh hữu, thiên hướng bảo thủ cầm quyền) và chính phủ liên bang thuộc Đảng Tự do. Trong năm qua, có ít nhất bốn tỉnh bang kiện chính phủ Trudeau, cáo buộc chính phủ liên bang vi hiến khi đánh thuế carbon ở những tỉnh bang không có chính sách xử lý biến đổi khí hậu hợp ý liên bang.
Ngay sau khi có kết quả bầu cử vào đêm 21/10, hashtag #Wexit (West + exit) xuất hiện và lan truyền mạnh trên mạng xã hội. Đảng Tự do thua lấm lưng trắng bụng ở các tỉnh miền tây, nhưng vẫn đủ ghế để tiếp tục cầm quyền, nên miền tây càng uất và có nhiều tiếng nói đòi ly khai khỏi Canada.
Phong trào Alberta đòi ly khai đã âm ỉ lâu nay, vì cảm thấy bị liên bang đối xử tệ. Người Alberta cho rằng mình đóng góp nhiều vào của cải quốc gia, nhưng phần nhận lại thì quá ít, và công thức chia phần của cải theo kiểu bình đẳng hóa (equalization) khá thiên vị các tỉnh bang đóng góp ít như Quebec và vùng Đại Tây Dương.
Sự phẫn nộ của miền tây được thể hiện qua những cú lật đổ bất ngờ. Ở Saskatchewan, dân biểu kỳ cựu và cựu bộ trưởng an ninh công cộng Ralph Goodale (từng là dân biểu thời Trudeau cha vào năm 1974) mất ghế đại diện khu vực Regina-Wascana mà ông giữ từ năm 1993. Khóa trước Amarjeet Sohi giành được một trong vài ghế hiếm hoi của Đảng Tự do ở Alberta và được giao chức bộ trưởng tài nguyên thiên nhiên để lấy lòng tỉnh bang này, nhưng lần này ông thua ứng cử viên của Đảng Bảo thủ.
Thêm vào đó, sự đoàn kết quốc gia có phần bị đe dọa với sự trở lại mạnh mẽ của Đảng Người Quebec, đảng có truyền thống đòi ly khai. Tuy lần này không nhấn mạnh các lý tưởng ly khai, Đảng Người Quebec luôn gọi Quebec là một nation (quốc gia), chứ không gọi là province (tỉnh bang), và luôn đòi đề cao các giá trị Quebec và giá trị Pháp ngữ. Đảng Người Quebec có thể tranh đấu tưng bừng nếu Đảng Tự do giữ lời hứa sẽ can thiệp vào vụ kiện Luật thế tục của Quebec (cấm công chức mặc/mang/đeo các biểu tượng tôn giáo như áo quần, mũ mão, khăn trùm đầu …).
Năm xưa, “cơn cuồng si Trudeau” (Trudeaumania) giúp Pierre Trudeau giành chính phủ đa số năm 1968, nhưng tới năm 1972 ông chỉ còn hơn đảng đối lập 2 ghế. Kỳ này Justin Trudeau khấm khá hơn, tuy mất đa số nhưng hơn được vài chục ghế. Cũng giống như cha mình, Justin Trudeau là nhân vật gây phân hóa quốc gia dữ dội. Liệu ông có đủ sức tiếp nối truyền thống cầm quyền khá lâu của cha mình?
© Canada Info.
2 thoughts on “Bầu cử Canada lần thứ 43: Justin Trudeau thắng mà lo”