Phạm Vũ Lửa Hạ

Hiệp định Mỹ-Canada-Mexico (USMCA) sắp thành hiện thực, gần một năm sau khi lãnh đạo của ba nước đạt được thỏa thuận ban đầu hồi tháng 11 năm ngoái bên lề một hội nghị thượng đỉnh G20.

USMCA là hiệp định để cập nhật Hiệp định Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) cho phù hợp với thế kỷ 21. NAFTA được ký kết năm 1994 giữa ba nước có giao thương trị giá 1200 tỷ đô-la.

Một cuộc họp ba bên và lễ ký kết hiệp định được hiệu chỉnh diễn ra tại thủ đô Mexico City của Mexico vào chiều ngày 10/12/2019, với sự tham dự của phó thủ tướng Canada Chrystia Freeland, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và thứ trưởng ngoại giao Mexico phụ trách Bắc Mỹ Jesús Seade.

Phó thủ tướng Canada Chrystia Freeland, trái, thứ trưởng ngoại giao Mexico Jesús Seade, giữa, và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, ký hiệp định thay thế NAFTA ở Mexico City, hôm 10/12/2019. Hàng sau: bộ trưởng tài chính Mexico Arturo Herrera, trái, tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador, thứ hai từ trái, bộ trưởng lao động Mexico Maria Alcade, thứ ba từ trái, và chủ tịch Thượng viện Mexico Ricardo Monreal. (Ảnh: AP/Marco Ugarte)

Sau khi thủ tướng Canada Justin Trudeau, cùng với một vài lãnh đạo các nước khác, bị ghi hình vạ miệng nói xấu về tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng 12 tại hội nghị thượng đỉnh NATO và sau đó Trump gọi Trudeau là “đồ hai mặt”, có lo ngại sự cố ngoại giao đó sẽ đổ sông đổ biển bao nhiêu công sức để tái đàm phán NAFTA. Nhưng lễ ký kết hôm 10/12 đã xóa tan nỗi lo đó.

Gần một năm qua, Đảng Dân chủ, đảng chiếm đa số ghế tại Hạ viện Mỹ, dùng dằng chưa chịu chấp nhận hiệp định, và ra điều kiện chỉ chấp thuận nếu có những thay đổi theo ý mình.

Sáng ngày 10/12, chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo tại Washington D.C. rằng sau nhiều tháng cân nhắc, Đảng Dân chủ đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Donald Trump để ủng hộ những thay đổi về ngôn từ của hiệp định ba bên này.

Như vậy, tổng thống Trump giành được thắng lợi quan trọng đầu tiên về thương mại, dù đây có thể là một đòn xoa để Đảng Dân chủ tung đòn đấm cùng ngày 10/12 là công bố các điều khoản luận tội tổng thống Trump. Đảng Cộng hòa công kích là Đảng Dân chủ chỉ chăm chăm lo luận tội, mà quên hết bao việc khác.

Những điều chỉnh của Mỹ sau các đàm phán giữa Đảng Dân chủ và nhóm của Đại diện Thương mại Lighthizer không chỉ là những phụ lục thay đổi, mà cả ngôn từ bên trong hiệp định ban đầu.

Theo những chi tiết về các thay đổi được công bố cuối ngày 10/12, hiệp định mới được ba nước ký kết lần đầu hồi năm ngoái đã được hiệu chỉnh ở nhiều khía cạnh.

Trong những hiệu chỉnh có xóa bỏ các lỗ hổng về thực thi, bao gồm việc Mexico chấp hành quy định về lao động; bỏ một số và thêm câu chữ mới về hệ thống giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà nước; thêm câu chữ và quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường; điều chỉnh về quy tắc xuất xứ cho mặt hàng xe; và những thay đổi về bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các thuốc sinh học và thuốc kê toa để giảm giá cho dược phẩm tân tiến.

Để hiệp định có hiệu lực, cả ba nước cần phải phê chuẩn. Mỹ và Canada nay chuẩn bị lộ trình phê chuẩn tại quốc hội của mỗi nước.

Phát ngôn viên Stephanie Grisham của tổng thống Trump ra tuyên bố nói rằng hiệp định mới là thắng lợi to lớn cho công nhân, nông dân, chủ trang trại, nghiệp đoàn và doanh nghiệp Mỹ, và sẽ tạo thêm nhiều việc làm ở Mỹ. Tuyên bố này cũng cho biết Đảng Cộng hòa sẽ nỗ lực hết sức để thông qua luật thực hiện hiệp định này trước cuối năm 2019.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi nói Đảng Dân chủ muốn xúc tiến sớm để hiệp định được thông qua trước khi Hạ viện nghỉ lễ theo dự kiến vào ngày 20/12. Thượng viện Mỹ dự định tổ chức bỏ phiếu vào năm 2020.

Dự luật để phê chuẩn hiệp định này tại Canada vẫn chưa được Đảng Tự do cầm quyền đệ trình tại Hạ viện. Do Canada mới bầu cử dân biểu hồi cuối tháng 10, và Hạ viện khóa 43 vừa bắt đầu hôm 5/12, các ủy ban Hạ viện vẫn chưa hình thành, nên USMCA khó có cơ hội được Hạ viện xem xét trước khi nghỉ lễ cuối năm. Tuy vậy, phó thủ tướng Freeland – vốn là ngoại trưởng trong chính phủ khóa vừa rồi, và người dẫn dắt đàm phán hiệp định – nói rằng USMCA có lợi cho quốc gia và Canada nên nhanh chóng phê chuẩn.

Như vậy có nghĩa là Mexico, nước duy nhất trong ba thành viên đã phê chuẩn hiệp định, sẽ cần phải đi lại toàn bộ quy trình phê chuẩn. Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tuyên bố Đảng Dân chủ chấp thuận USMCA có sửa đổi, Mexico lại phản đối những thay đổi về các vấn đề lao động, một trong những điểm bế tắc cuối cùng giữa ba nước khi tái đàm phán NAFTA.

Hôm 14/12, thứ trưởng ngoại giao Jesús Seade của Mexico cho biết ông gởi thư cho Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer để bày tỏ ngạc nhiên và lo ngại về một điều khoản thực thi lao động do ủy ban Hạ viện Mỹ đề xuất. Theo đề xuất đó, Mỹ sẽ có một số tùy viên lao động tại đại sứ quán Mỹ ở Mexico để theo dõi việc Mexico thực hiện các cải tổ lao động như cam kết trong hiệp định.

Thứ trưởng Seade phản đối đề xuất này vì xem việc sử dụng các tùy viên đó là cách đối phó sau khi Mexico từ chối cho phép Mỹ đơn phương thanh tra các nhà máy ở Mexico. Theo hiệp định mới, chỉ có một ban độc lập do cả hai nước chọn mới được phép tới các nhà máy để điều tra cáo buộc ngược đãi công nhân.

May mắn cho NAFTA 2.0, hôm 16/12 Mỹ và Mexico đã nhanh chóng tháo gỡ nút thắt phút chót này sau cuộc họp ở Washington, D.C. giữa hai nhà đàm phán hàng đầu của hai bên. Thứ trưởng Seade cho biết rất hài lòng khi chính quyền Trump bảo đảm về hạn chế số tùy viên lao động mới tại Đại sứ quán Mỹ ở Mexico City. Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer công bố thư gởi cho thứ trưởng Seade khẳng định rằng các tùy viên đó sẽ không phải là thanh tra lao động, và sẽ không thực hiện các cuộc thanh tra nhà máy.

USMCA có gì mới so với NAFTA

Lúc tranh cử, Donald Trump hứa sẽ ‘xé nháp làm lại’ với NAFTA, và đã thực hiện lời hứa đó ngay sau khi nhậm chức. Sau khi có thỏa thuận về phiên bản cuối cùng của USMCA, tổng thống Mỹ  Trump đăng đàn Twitter với lời ca tụng quen thuộc của ông nói rằng đây là hiệp định thương mại tốt nhất và quan trọng nhất từng có của Mỹ và lại bỉ bôi NAFTA là hiệp định thương mại tệ hại nhất của Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi cũng khẳng định USMCA tốt hơn nhiều so với NAFTA.

Tuy nhiên, hai hiệp định này về cơ bản không khác nhau nhiều, và tác động của hiệp định mới đối với Mỹ có thể không lớn lắm. Hồi tháng 4, Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC), một cơ quan liên bang của Mỹ, đưa ra báo cáo nhận định rằng phiên bản ban đầu của USMCA sẽ có tác động “vừa phải”: tạo 176000 việc làm sau sáu năm và tăng GDP 0,35%. (Cần biết là chỉ trong tháng 11 vừa rồi, nền kinh tế Mỹ tạo ra 266000 việc làm mới.) 

Tuy văn bản cuối cùng của hiệp định chưa được công bố trọn vẹn, USMCA có một số khác biệt chính sau đây so với NAFTA.

Sản xuất xe

USMCA tăng hàm lượng nội địa, bắt buộc 75% phụ tùng của một chiếc xe phải được sản xuất tại một trong ba nước thành viên hiệp định — tăng từ quy tắc 62,5% hiện nay — để được miễn thuế nhập khẩu khi di chuyển giữa ba nước. Mục tiêu là tăng sản lượng xe và phụ tùng được sản xuất ở Bắc Mỹ.

Hiệp định cũng bắt buộc có thêm nhiều phụ tùng xe được sản xuất ở nơi trả lương công nhân ít nhất $16/giờ (gấp khoảng ba lần mức lương của công nhân ngành này ở Mexico); ngành sản xuất chế tạo ở Mỹ với mức lương cao hơn Mexico sẽ được lợi. Sắp tới, xe hơi và xe tải phải có hàm lượng lao động ít nhất 30% là từ công nhân hưởng lương ít nhất $16/giờ, và tỷ lệ đó dần dần tăng lên tới 40% cho xe hơi trước năm 2023. 

Theo báo cáo ITC, những thay đổi này sẽ tạo thêm 28 ngàn việc làm trong ngành này trong sáu năm. Nhưng Hội đồng Chính sách Xe Mỹ, tổ chức đại diện các hãng General Motors, Ford và Fiat-Chrysler, cho rằng báo cáo của ITC đánh giá thấp đầu tư dài hạn mà các hãng sản xuất xe Mỹ sẽ thực hiện nhờ có USMCA.

Một báo cáo của chính quyền Trump có dự báo tích cực hơn: ước tính rằng hiệp định sẽ tạo ra 76000 việc làm trong ngành sản xuất xe trong năm năm, tức là tăng việc làm hơn 7% cho ngành sản xuất xe Mỹ hiện có 990 ngàn công nhân.

Nhưng các nhà máy sản xuất xe có tính thâm dụng vốn và mất khá lâu để dời nhà máy sang nơi khác, nên giới phân tích ngành này cho rằng một số hãng có thể đành trả thuế nhập khẩu ít nhất là ban đầu, thay vì dời nhà máy hoặc thay đổi việc tuyển dụng nhân công.

Hôm 10/12, một phát ngôn viên của hãng GM cho biết hãng đã có nhiều thay đổi do tiên liệu những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn theo quy định của USMCA, như chuyển kế hoạch sản xuất một loại xe điện Chevrolet mới về lại Mỹ, và xây một nhà máy pin GM/LG mới gần Lordstown, bang Ohio.

Luật lao động

Công nhân ngành sản xuất chế tạo ở Mỹ từ lâu đã kêu ca rằng NAFTA khiến việc làm chạy sang Mexico, nơi có mức lương thấp hơn. Vì vậy Đảng Dân chủ đặt ưu tiên hàng đầu là USMCA củng cố việc thực thi các quy định về lao động, tạo sân chơi công bằng hơn cho công nhân Mỹ.

Giới lập pháp Mỹ đã thay đổi được một số quy định về thực thi trước khi đạt được thỏa thuận với chính quyền Trump hôm 10/12, và USMCA nay có được sự hậu thuẫn của AFL-CIO, liên đoàn nghiệp đoàn lớn nhất ở Mỹ.

Thỏa thuận mà Đảng Dân chủ đạt được có quy định thành lập một ủy ban liên bộ ngành để theo dõi việc Mexico thực hiện cải tổ lao động và chấp hành các bổn phận lao động và các chuẩn mực mà Mexico phải đáp ứng khi thực hiện những cải tổ đó.

Mở cửa thị trường bơ sữa của Canada thêm nữa cho nông dân Mỹ 

Hiệp định NAFTA ban đầu đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hầu hết nông sản được buôn bán giữa ba nước. Canada và Mexico hiện đã là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của giới nông dân và chủ trang trại Mỹ.

Tổng thống Mỹ Trump thường lên Twitter kêu ca bất công vì Canada đánh thuế nhập khẩu quá cao đối với sản phẩm bơ sữa của Mỹ. Canada có một hệ thống quản lý nguồn cung phức tạp dành cho ngành bơ sữa. Để giúp các nông dân ngành bơ sữa ở Canada tránh bị phá sản, chính phủ Canada áp đặt hạn ngạch sản lượng trong nước và hạn ngạch nhập khẩu sản phẩm nước ngoài để giữ giá sữa cao.

Theo quy định của USMCA, Canada sẽ giữ nguyên phần lớn hệ thống phức tạp đó, nhưng giới nông dân Mỹ sẽ được phép xuất sang Canada thêm nhiều sản phẩm bơ sữa “Loại 7”, tất cả mọi thứ từ bột sữa tới kem. USMCA cũng mở cửa thêm thị trường Canada cho sản phẩm gà, gà tây và trứng của Mỹ. Để đổi lại, Mỹ sẽ cho phép thêm nhiều sản phẩm bơ sữa, đậu phộng và sản phẩm đậu phộng, cùng với một lượng hạn chế sản phẩm đường được xuất sang Mỹ.

Cập nhật NAFTA cho thời đại kỹ thuật số

USMCA có một chương mới về thương mại kỹ thuật số mà hiệp định NAFTA ban đầu không có, mang lại nhiều lợi ích mới lớn lao cho ngành công nghệ. Các điều khoản mới không được dự kiến là sẽ trực tiếp tạo ra nhiều việc làm mới nhưng có thể là cú hích cho các doanh nghiệp Mỹ Mỹ theo nhiều cách khác.

Ví dụ hiệp định mới cấm Canada và Mexico bắt buộc các công ty Mỹ phải lưu trữ dữ liệu của họ họ trên các máy chủ ở quốc gia sở tại. Hiệp định mới cũng bảo đảm rằng các công ty Mỹ không thể bị kiện ở Canada và Mexico về phần lớn các nội dung do người dùng đăng trên các nền tảng như Google, Facebook và Twitter. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi đã cố gắng vận động loại trừ biện pháp bảo vệ pháp lý này khỏi hiệp định USMCA giữa lúc ở Mỹ đang có tranh luận về việc liệu các công ty công nghệ có còn xứng đáng được bảo vệ tránh chịu trách nhiệm như vậy theo luật nội địa hay không.

Hiệp định này sẽ tăng mức mua hàng trên mạng miễn thuế nhập khẩu cho khách hàng ở Canada và Mexico.

Dược phẩm

Văn bản hiệp định USMCA ban đầu có biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ 10 năm cho dược phẩm sinh học. Thời hạn bảo vệ sở hữu trí tuệ này thấp hơn hiện có ở Mỹ là 12 năm (Canada 8 năm, và Mexico 5 năm), nhưng nếu được áp dụng sẽ bắt buộc Canada và Mexico có thời hạn bảo vệ lâu hơn, và có thể làm tăng giá thuốc.

Vào phút chót, Đảng Dân chủ đã thương lượng được để bỏ biện pháp bảo vệ mới và gây tranh cãi này, với lý do nó sẽ hạn chế khả năng của Quốc hội trong việc ra luật quản lý điều tiết giá thuốc. Đảng Cộng hòa từ lâu đã ủng hộ đưa vào các hiệp định thương mại những điều khoản bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các hãng dược. 

Hai tổ chức lớn trong ngành dược Mỹ, PhRMA và BIO, phản đối việc loại bỏ điều khoản này. Tom Donohue, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, nói rằng với những thay đổi này, “những người thụ hưởng duy nhất sẽ là các chính phủ và người tiêu dùng nước ngoài mà sẽ tiếp tục xài chùa các lợi ích của hoạt động nghiên cứu của Mỹ về những cách chữa bệnh mới”.

Chống thao túng tiền tệ

Tổng thống Mỹ Trump thường lên Twitter kêu ca rằng các nước khác phá giá nội tệ để có thể xuất khẩu hàng hóa rẻ hơn, khiến hàng Mỹ bị thiệt. Trump xem như thắng về mặt này do USMCA tăng cường các biện pháp chống thao túng tiền tệ. Hiệp định mới nói rõ rằng Canada và Mexico đồng ý áp dụng tỷ giá do thị trường quyết định, và cả ba nước sẽ được cập nhật thường xuyên (thường là hàng tháng) về bất cứ hành động can thiệp nào của nhà nước vào thị trường tiền tệ. Thao túng tiền tệ thường không phải là vấn đề ở Canada và Mexico, nhưng rõ ràng chuyện này là tín hiệu nhắc khéo với Trung Quốc về ý muốn của Trump trong các hiệp định thương mại khác. 

Các cơ chế giải quyết tranh chấp

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cương quyết muốn giữ nguyên Chương 19 của NAFTA, trong khi Mỹ muốn bỏ. Cuối cùng, Canada thắng: Chương 19 được giữ lại. Chương 19 cho phép ba nước tham gia hiệp định kiện lẫn nhau về các loại thuế chống phá giá và thuế đối kháng [chống trợ cấp của nhà nước] trước một ban phân xử gồm đại diện của mỗi nước. Quy trình này thường dễ hơn kiện về biện pháp/chính sách thương mại ra tòa án Mỹ. Trong nhiều năm qua, Canada đã thắng kiện bằng cách dùng Chương 19 để kiện Mỹ về các biện pháp hạn chế nhập gỗ mềm.

Chương 11 tạo ra quy trình đặc biệt để các doanh nghiệp và nhà đầu tư giải quyết tranh chấp – ngoài hệ thống tòa án – với chính phủ của một nước thành viên NAFTA, ví dụ khi nhà đầu tư đã đổ nhiều vốn vào một dự án và sau đó chính phủ thay đổi luật lệ. Giới chỉ trích cho rằng Chương 11 chủ yếu được các công ty lớn dùng để lấy tiền của người đóng thuế, nhưng các doanh nghiệp muốn có các điều khoản này để tránh bị thiệt hại do có thay đổi đột ngột khi một nước có chính phủ mới. Rốt cuộc, Chương 11 gần như biến mất trong USMCA, ngoại trừ với một vài ngành quan trọng như dầu khí; những ngành đó đã vận động quyết liệt để giữ lại các điều khoản cho phép họ kiện chính phủ Mexico nếu chính phủ Mexico thay đổi luật lệ và một lần nữa muốn quốc hữu hóa ngành năng lượng.

© Canada Info.

1 thought on “Hiệp định NAFTA 2.0 (USMCA): Gian nan chặng cuối

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.