Thủ tướng Justin Trudeau hôm thứ Sáu 27/3/2020 cho biết ông đã nói với Mỹ rằng sẽ là một “sai lầm” nếu Mỹ đưa quân đến gần biên giới Canada.

Ông nói rằng các cuộc đàm phán xung quanh “nhiều vấn đề” liên quan đến biên giới Canada-Mỹ đang diễn ra và ông sẽ chia sẻ thêm thông tin khi có.

Các nguồn tin xác nhận với đài CTV News hôm thứ Năm 26/3/2020 rằng Tòa Bạch Ốc đang thảo luận về khả năng tăng cường sự hiện diện quân sự tại biên giới Canada-Mỹ, với mục đích trợ giúp các viên chức biên phòng trong nỗ lực bắt những người vượt biên trái phép, nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Sau đó trong cùng ngày, báo The Wall Street Journal tường thuật rằng Mỹ đã bỏ đề xuất này do Canada bày tỏ quan ngại, mặc dù thủ tướng Trudeau không xác nhận điều này khi được hỏi trực tiếp hôm thứ Sáu 27/3. Thay vì vậy, thủ tướng Trudeau cho biết hai nước tiếp tục làm việc với nhau về các vấn đề liên quan đến biên giới.

Sau khi đề xuất này lần đầu tiên được đài Global News tường thuật qua các nguồn tin quan chức Mỹ, phó thủ tướng Chrystia Freehand cũng đã lên tiếng phản đối kịch liệt tại cuộc họp báo ở Parliament Hill hôm 26/3.

“Canada và Mỹ có biên giới phi quân sự dài nhất trên thế giới, và giữ nguyên hiện trạng như vậy là vì lợi ích của cả hai bên chúng tôi,” thủ tướng Trudeau trong cuộc họp báo hàng ngày bên ngoài Rideau Cottage ở Ottawa hôm 26/3.

Việc quân sự hóa dưới bất kỳ hình thức nào trên hoặc gần biên giới Canada sẽ là hoàn toàn đi chệch khỏi quan hệ truyền thống giữa hai nước vì biên giới Canada-Mỹ xưa nay được công nhận là một trong những biên giới phi quân sự hóa dài nhất trên thế giới.

Đề xuất này đã làm dấy lên nhiều quan ngại ngoại giao ở cả hai bên biên giới.

Tuy động thái này chỉ là tạm thời — chỉ kéo dài đến chừng nào còn đại dịch coronavirus — một số người ở Washington lo ngại về phản ứng của Canada và tiền lệ được đặt ra khi binh sĩ được đưa đến các biên giới phía bắc và phía nam, theo các nguồn tin của Global News.

Nếu kế hoạch thành hiện thực, đài Global News được biết rằng Mỹ sẽ đóng quân cách biên giới giữa các cửa khẩu chính thức khoảng 30 km và sẽ sử dụng công nghệ cảm biến để phát hiện những người vượt biên trái phép trước khi chuyển thông tin cho các viên chức biên phòng.

Theo kịch bản được đề xuất, quân đội sẽ không có thẩm quyền bắt hoặc giam giữ bất cứ ai. Thay vì vậy, các viên chức biên phòng sẽ được cử đến để chặn bắt những người vượt biên trái phép.

Luật Mỹ cấm quân đội thực thi pháp luật trong nước, mà chỉ cho phép quân đội phục vụ trong vai trò trợ giúp bên trong biên giới của Mỹ.

Các nguồn tin cho biết kế hoạch có thể sẽ gồm chưa tới 1000 quân nhân.

Tuy chính quyền Mỹ đưa ra ý tưởng này như một phương pháp tăng cường bắt những người vượt biên trái phép, số liệu cho thấy vượt biên trái phép từ Canada sang Mỹ không phải là một hiện tượng thường xuyên.

Theo bản tin năm 2019 của đài NBC News, số liệu do Nha Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) cho thấy 963 người đã bị bắt giữ khi vượt biên trái phép từ Canada sang Mỹ vào năm 2018. Con số này tăng so với năm 2017, với 504 người bị bắt giữ khi vượt biên trái phép vào Mỹ từ Canada.

Một nhóm người xin tị nạn vượt qua biên giới Canada ở Champlain, New York, hôm thứ Sáu 4/8/2017. (Ảnh: Ryan Remiorz/The Canadian Press)

Trong khi đó, Canada phải đối phó với tỷ lệ vượt biên trái phép từ Mỹ cao hơn nhiều. Theo Hội đồng Di trú và Tị nạn Canada (IRB), từ tháng 2 đến tháng 12/2017, Canada nhận được 18059 đơn xin tị nạn từ những người vượt biên trái phép. Năm 2018, con số đó đã tăng lên tới 20603.

Canada đã siết chặt biên giới với Mỹ, cấm toàn bộ giao thông qua lại biên giới ngoại trừ việc đi lại thiết yếu. Điều đó có nghĩa là không còn các chuyến đi mua sắm hoặc du lịch giữa hai nước, nhưng vẫn cho phép qua lại biên giới đối với những người phải đi lại vì công việc hoặc vận chuyển hàng hóa.

Nguồn: Global News 26/3/2020, CTV 27/3/2020.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.