Giữa lúc số ca COVID-19 tiếp tục tăng ở Canada, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm giải thích những điều nên làm gì nếu bạn nghĩ rằng mình có triệu chứng.

Các triệu chứng ban đầu của coronavirus chủng mới rất giống với cúm hoặc cảm lạnh và bao gồm sốt, ho và khó thở, theo bác sĩ Lisa Barrett.

Trên chương trình Your Morning của đài CTV, bác sĩ Barrett giải thích nên làm gì nếu một người nghi mình mắc bệnh.

“Nếu bạn có những triệu chứng đó, sốt và ho, tốt nhất là nên liên hệ với cơ quan y tế địa phương của bạn … và tìm hiểu xem các bước tiếp theo là gì,” bà nói.

Bà cũng nói rằng điều hết sức quan trọng là, trừ phi trong trường hợp khẩn cấp, không được đi tới phòng cấp cứu gần nhất.

Bác sĩ Barrett nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người dân được tư vấn thêm từ cơ quan y tế tỉnh bang của họ về những điều cần làm tiếp theo, “nhất là nếu họ nghĩ rằng họ cần được xét nghiệm hoặc nếu họ muốn biết thêm về những gì cần làm về chuyện tự cách ly và giữ khoảng cách xã hội (social distancing)”.

Một phụ nữ tới trung tâm đánh giá COVID-19 tại Bệnh viện Michael Garron ở Toronto hôm 24/3/2020. (Ảnh: Nathan Denette / The Canadian Press)

Dựa trên ý kiến của các tổng đài điện thoại của cơ quan y tế địa phương, các trường hợp giả định nhiễm có thể được chuyển tới các trung tâm đánh giá COVID-19 (assessment centre) được thiết lập gần các bệnh viện trên cả nước, theo bác sĩ Barrett.

“Hiện nay, ở Canada chúng ta thực sự tập trung vào việc bảo đảm sao cho làm đủ xét nghiệm cho những người cần xét nghiệm,” bà nói.

“Nhưng không phải tất cả mọi người đều cần phải được xét nghiệm và đó là lý do tại sao có các trung tâm đánh giá, không chỉ để bảo đảm mọi người ổn về mặt sức khỏe, mà còn để xác định chính xác ai cần xét nghiệm coronavirus hoặc các loại virus đường hô hấp khác.”

Hầu hết các mẫu xét nghiệm từ khắp Canada được gửi tới Phòng Xét nghiệm Vi sinh Quốc gia ở Winnipeg để xét nghiệm cuối cùng, ngoại trừ Quebec.

Bác sĩ Barrett khuyên không nên gọi trực tiếp tới bệnh viện nếu nghi nhiễm coronavirus, vì như vậy có thể gây căng thẳng cho nguồn lực y tế, mà chẳng giúp người dân có được câu trả lời cần thiết. Bà kêu gọi mọi người hãy có “trách nhiệm công dân” và không đừng vô cớ xuất hiện tại phòng cấp cứu.

“Trên trang mạng Bộ Y tế, trang mạng y tế công cộng của mỗi tỉnh bang hoặc trang mạng của cơ quan y tế địa phương của bạn, có các số điện thoại dễ tìm thấy cho bạn biết nơi cần gọi để có được thông tin tốt nhất hiện tại về coronavirus.”

Dưới đây là danh sách đầy đủ số điện thoại của cơ quan y tế công cộng ở mỗi tỉnh bang và lãnh thổ để gọi nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có các triệu chứng của COVID-19.

  • British Columbia: 811
  • Alberta: 811
  • Saskatchewan: 811
  • Manitoba: 1-888-315-9257
  • Ontario: 1-866-797-0000
  • Quebec: 1-877-644-4545.
  • New Brunswick: 811
  • Nova Scotia: 811
  • Prince Edward Island: 811
  • Newfoundland and Labrador: 811 hoặc 1-888-709-2929
  • Nunavut: 867-975-5772
  • Northwest Territories: 911
  • Yukon: 811

Cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC) đề nghị rằng những người cảm thấy bị bệnh và cần phải đi bác sĩ thì nên gọi điện trước để báo là họ bị bệnh về đường hô hấp.

“Nếu bạn đã đi nước ngoài và bạn bị sốt, ho hoặc khó thở, trong 14 ngày tới hãy cách ly bản thân trong nhà càng nhanh càng tốt,” khuyến cáo của PHAC viết.

“Hãy gọi cho người chăm sóc sức khỏe của bạn hoặc cơ quan y tế công cộng.”

PHAC cũng có một công cụ tự đánh giá cho những người nghĩ rằng họ có thể mắc bệnh COVID-19 (https://ca.thrive.health/).

Các quy tắc mới theo Đạo luật Cách ly Kiểm dịch quy định rằng nếu một người nhuốm bệnh khi đi nước ngoài về Canada, họ phải thông báo cho tiếp viên hàng không hoặc viên chức biên phòng Canada (CBSA).

“Thông báo cho một viên chức biên phòng Canada khi tới Canada nếu bạn tin rằng bạn đã tiếp xúc với người bị bệnh COVID-19, ngay cả khi bạn không có triệu chứng,” PHAC khuyến cáo.

“Viên chức biên phòng Canada sẽ có những chỉ dẫn để bạn làm theo.”

Tại Ontario, Bộ Y tế tỉnh bang cũng có khuyến cáo tương tự như PHAC. (Ghi chú của Canada Info: Độc giả có thể đọc bản (PDF) tiếng Việt của thông tin căn bản về coronavirus chủng mới do Bộ Y tế Ontario biên soạn ở đây.)  

Tại Quebec, chính quyền tỉnh bang đã khuyến nghị bất cứ ai về từ nước ngoài hoặc có dấu hiệu bị cảm lạnh hoặc cúm, hãy tự cách ly trong 14 ngày.

“Các triệu chứng có thể nhẹ (tương tự như cảm lạnh) hoặc nặng hơn (như liên quan tới viêm phổi và suy phổi hoặc suy thận),” chính quyền Quebec viết.

“Trong một số trường hợp hiếm hoi, bệnh có thể dẫn đến tử vong. Những người có nguy cơ cao nhất bị biến chứng là những người bị suy giảm miễn dịch, những người mắc bệnh mãn tính và người cao niên.”

Quebec cũng nhấn mạnh “việc đột ngột mất khứu giác và vị giác mà không bị nghẹt mũi” là một triệu chứng COVID-19.

Tại British Columbia, cơ quan y tế tỉnh Healthlink BC cũng cung cấp câu trả lời cho các câu hỏi phổ biến về COVID-19.

“Nếu bạn bắt đầu có các triệu chứng của COVID-19, bạn cần cách ly bản thân với những người khác càng nhanh càng tốt,” Healthlink BC viết.

“Ngay lập tức gọi một chuyên gia chăm sóc sức khỏe, cơ quan y tế công cộng địa phương hoặc tổng đài 8-1-1. Mô tả các triệu chứng và lịch sử du lịch của bạn. Họ sẽ tư vấn những điều bạn nên làm.”

Tại thời điểm của bài viết này, chưa có vaccine chống nhiễm COVID-19.

Nguồn: CTV, 1/4/2020.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.