Sự ra đời của đại dịch: Hành trình của COVID-19 từ Vũ Hán tới Toronto
Sự ra đời của đại dịch: Hành trình của #COVID19 từ Vũ Hán tới Toronto
#coronavirus
Stuart Thomson
Khương An dịch
Giới chức Trung Quốc loan báo với thế giới về một chủng coronavirus mới vào ngày 7 tháng 1, nhưng những hồi chuông báo động đã vang lên ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc, trong nhiều tuần.
Phiên bản không chính thức của các sự kiện đã bắt đầu sớm hơn nhiều và bị chôn vùi trong dữ liệu của nhà nước Trung Quốc không được công bố, lời thuật của những người tố giác và các tin nhắn nghe lạnh người được chia sẻ trong giới bác sĩ.
Câu chuyện bắt đầu với một người đàn ông 55 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc bị bệnh vào ngày 17 tháng 11 năm 2019, theo tường thuật của tờ Hoa Nam Tảo Báo (South China Morning Post) dựa trên dữ liệu của nhà nước không được công bố. Nhiều ca bệnh đã được báo cáo mỗi ngày sau đó và tới ngày 20 tháng 12 đã có 60 ca được xác chẩn.
Việc tìm kiếm bệnh nhân đầu tiên vẫn tiếp tục nhưng một số chuyên gia nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tìm ra người đó, nhất là với một căn bệnh mà ở một số người có thể hầu như không biểu hiện triệu chứng nào. Cho tới nay, các cơ quan y tế ở Trung Quốc đã xác định được ít nhất 266 người nhiễm bệnh năm ngoái.
Bác sĩ Ai Fen (Ngải Phân), bác sĩ điều hành khoa chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện của thành phố Vũ Hán, đã mô tả bệnh nhân đầu tiên khiến bà đau đớn trong một cuộc phỏng vấn đã bị cơ quan kiểm duyệt của nhà nước xóa khỏi internet. Câu chuyện gây sửng sốt của bà tiếp tục hiện diện trên các blog và thậm chí các kho lưu trữ mã lập trình để nó tiếp tục được lưu truyền.
Vào ngày 16 tháng 12, bác sĩ Ai Fen điều trị cho một bệnh nhân bị sốt cao không cách nào dứt, bất kể họ dùng thuốc hay cách chữa trị nào. Một tuần sau, người này được chẩn đoán mắc một căn bệnh do một chủng coronavirus mới gây ra.
“Về sau, chúng tôi được biết bệnh nhân đã làm việc tại một chợ hải sản địa phương,” bác sĩ Ai Fen nói. Chợ đó, nơi mà người, động vật sống và động vật chết bị ép trong một diện tích chật chội không tưởng nổi, đã bị chính quyền Trung Quốc đóng cửa vào ngày 1 tháng 1 [năm 2020].
Mặc dù các chợ thực phẩm tươi sống đã được mở lại ở Trung Quốc, chính quyền đã ban hành các quy tắc mới vào tháng 2 cấm bán động vật hoang dã tại các chợ này. Bác sĩ Anthony Fauci, người đang chỉ huy chiến dịch chống COVID-19 ở Mỹ, đã hưởng ứng các chuyên gia và chính trị gia khác kêu gọi Trung Quốc đóng cửa hoàn toàn những chợ này do nguy cơ có thể lây bệnh.
“Những chợ bán động vật sống được quản lý kém cộng với việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tạo nên cơ hội độc nhất vô nhị cho virus lây lan từ các vật chủ hoang dã vào quần thể con người,” Hội Bảo tồn Động vật Hoang dã viết trong một lời kêu gọi đóng cửa những chợ này. Rất có thể virus này đã lây sang con người từ một con dơi thông qua một số động vật khác ở chợ.
Vào ngày 30 tháng 12, trong khi Ai Fen tiếp tục đương đầu với tình trạng quá tải bệnh nhân mắc các triệu chứng hô hấp cấp tính, bà nhận được một tin nhắn từ một người bạn bác sĩ hỏi bà về những tin đồn xung quanh về một đợt bùng phát các ca bị sốt trong vùng. Bà tình cờ đang xem hình chụp CT của một bệnh nhân bị nhiễm trùng phổi vào thời điểm đó và bà đã gởi một đoạn video ngắn về hình chụp CT đó cho bạn mình. Cụm từ “SARS coronavirus” được khoanh tròn bằng mực đỏ trên biểu đồ. Bệnh nhân mới này cũng xuất phát từ cùng một chợ hải sản đó.
Một tin nhắn khác do bà gởi đi lan truyền trong giới bác sĩ ở Vũ Hán và, chẳng bao lâu sau, tám bác sĩ đã bị công an răn đe vì phát tán những tin nhắn tương tự. Ai Fen kể rằng bà đã bị cấp trên của bà tại bệnh viện “khiển trách nặng nề và vô tiền khoáng hậu”.
Ngay cả trong khi Vũ Hán đang phải vật lộn để đương đầu với tình trạng quá tại tại các khoa chăm sóc đặc biệt và số ca bệnh COVID-19 tăng chóng mặt, chính quyền Trung Quốc vẫn truy lùng và xóa những thông tin bất tiện khỏi các dịch vụ nhắn tin và trang mạng tin tức.
Li Wenliang (Lý Văn Lượng), một bác sĩ nhiễm virus khi làm việc tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã gởi cảnh báo cho các đồng nghiệp của mình về virus này, kêu gọi họ mặc quần áo bảo hộ để tránh bị nhiễm bệnh vì ông đã thấy 7 ca bệnh gợi nhớ tới bệnh SARS. Li là một trong những bác sĩ bị công an cảnh cáo vì “lan truyền tin đồn” về virus và vào ngày 30 tháng 1, ông được chẩn đoán bị nhiễm coronavirus. Vào ngày 7 tháng 2, ông qua đời, gây ra một làn sóng giận dữ trên trang mạng xã hội Weibo (Vi Bác) ở Trung Quốc.
Vào ngày 7 tháng 1, Trung Quốc cuối cùng đã xác nhận rằng một chủng coronavirus mới đã được xác định. Hai ngày sau, giới chức ở Vũ Hán xác nhận rằng một ông cụ 61 tuổi đã chết do viêm phổi nặng xuất phát từ căn bệnh này. Ông đã được cho dùng thuốc chống nhiễm trùng, thở bằng máy và các biện pháp can thiệp cực đoan khác, nhưng không có kết quả. Ông là người đầu tiên được xác nhận chết vì COVID-19.
Vào ngày 1 tháng 4, sau khi Vũ Hán gần như dập tắt virus này, nhiều nguồn tin báo chí tường thuật rằng Ai Fen đã mất tích và có thể bị giam giữ vì đã lên tiếng.
Họ coronavirus là một nhóm virus tấn công cả chim/gia cầm và động vật có vú.
Ở người, coronavirus là nguyên nhân gây ra cảm lạnh khó chịu nhưng vô hại mà nhiều người trong chúng ta mắc phải trong mùa đông và các căn bệnh chết người như SARS. Chúng ta không có vaccine hoặc thuốc kháng virus để trị bệnh.
Coronavirus được đặt tên như vậy là do hình ảnh của một vương miện xuất hiện xung quanh virus khi nó được nhìn dưới kính hiển vi. Trong tiếng Latin corona nghĩa là vương miện và những cái gai đó giúp virus xâm nhập tế bào.
Các đại dịch chết người như COVID-19 xưa nay đã là đặc điểm của đời sống con người. Vào thế kỷ 14, đại dịch Hắc Tử thần (Black Death) đã xóa sổ ít nhất một phần ba dân số châu Âu, làm thay đổi lịch sử loài người và biến đổi xã hội một cách không thể khắc phục được. Năm 1918, khi Đệ nhất Thế Chiến dừng lại, Cúm Tây Ban Nha bóp nghẹt thế giới, giết chết tới 50 triệu người.
Virus là những kẻ giết người thầm lặng và chúng lây lan qua những giọt nhỏ nằm gần miệng hoặc mũi, phát tán khi một người ho hoặc hắt hơi. Tình huống lây truyền khả dĩ nhất là một người khác sờ/chạm vào một bề mặt mà các giọt nhỏ đã bắn lên rồi sau đó sờ/chạm vào mặt họ. Ta cũng có thể hít phải những giọt nhỏ từ không khí sau khi ai đó ho hoặc hắt hơi; chính vì vậy giới chức chính quyền và giới chức y tế đang kêu gọi mọi người cách xa nhau hai mét và ra khỏi bán kính hắt hơi.
Những con coronavirus chủng mới gây ra bệnh COVID-19 có kích thước 120 nanomet. Để dễ hình dung, một nanomet là một phần tỷ của một mét và đương nhiên không thể nhìn bằng mắt thường.
Khi con người chết vì bệnh, không có hình ảnh sống động như máy bay lao vào tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, mặc dù số người chết vì COVID-19 ở Mỹ đã vượt quá số người chết vào ngày 9 tháng 11 [năm 2001], thậm chí nhiều tuần trước đỉnh dịch dự kiến của virus này.
Hầu hết các ca tử vong xảy ra ở bệnh viện và viện dưỡng lão, nơi mà máy quay phim của các kênh truyền hình thời sự thường không được phép bén mảng. Đường phố vắng tanh vì hầu hết dân chúng ở nhà để tránh lây lan hoặc nhiễm virus.
Những hình ảnh vừa bi vừa hài về những người tích trữ giấy vệ sinh và một thanh niên đi nghỉ mùa xuân (Spring Break) nhún vai nói với một ký giả truyền hình rằng anh ta sẽ không thay đổi kế hoạch của mình và “nếu tôi dính corona, thì tôi dính corona,” có thể là những hình ảnh hằn in lâu dài của đại dịch này.
Tức là, nếu thậm chí có được những hình ảnh hằn in lâu dài. Mặc dù một đại dịch có số ca tử vong cao đáng kinh ngạc, một đặc điểm thường gặp của đại dịch là người ta giấu hết dấu vết của chúng sau khi thoát khỏi đại dịch.
“Tôi chưa bao giờ nghe ai giải thích thỏa đáng về lý do tại sao người ta viết quá ít về chuyện này,” John M. Barry, tác giả của “Đại dịch Cúm: Câu chuyện về đại dịch chết người nhất trong lịch sử” (The Great Influenza: The Story of the Deadliest Pandemic in History) và là giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc và Y học Nhiệt đới Đại học Tulane, nói. “Ví dụ, (tác giả người Mỹ) John Dos Passos bị cúm khi đang ở trên một con tàu chở binh lính, và họ như những chiếc quan tài trôi, nhưng ông ta hầu như không viết một lời nào về nó.”
Cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã được gọi là “đại dịch bị lãng quên”, ước muốn đẩy nó vào quên lãng quá mãnh liệt.
Dẫu vậy, khi làm tan hoang các xã hội loài người, các đại dịch gây ra hoang mang cùng cực. Trong đợt bùng phát dịch cúm H1N1 năm 2009, một số phòng cấp cứu hoạt động hết công suất chỉ do những tin đồn về căn bệnh này.
“Trong tâm trí của nhiều người, bất cứ khi nào ta ho, điều đầu tiên ta nghĩ tới là COVID-19 vì ta đã tiếp nhận quá nhiều thông tin,” Steven Taylor, giáo sư bệnh học tâm thần tại Đại học British Columbia và tác giả của cuốn sách “Tâm lý học của Đại dịch” (The Psychology of Pandemics), nói.
Trong những thông điệp nhắn nhủ công chúng, chính quyền các cấp cố gắng xoa dịu những nỗi lo sợ của những người lo âu ở mức độ cao, đồng thời cũng truyền đạt mức độ nghiêm trọng của tình hình. Ở đầu ngược lại là những người có mức độ lo âu rất thấp, đôi khi tới mức liều lĩnh hoặc không an toàn. Những người đó cần những lời cảnh báo nghiêm khắc hoặc thậm chí hậu quả hình sự để khuyến khích họ làm theo lời khuyên của giới chức y tế công cộng.
“Hiện nay, thật không may, mặc dù cần thiết cho những người có mức độ lo lắng thấp, thông điệp đó lại đang càng làm tăng sự lo lắng cho những người đã rất hoang mang về chuyện này. Không có đáp án dễ dàng nào cho vấn đề nan giải này là thông điệp để khuyến khích một nhóm lại gây ra sự lo lắng thái quá ở một nhóm khác,” giáo sư Taylor nói.
Vào ngày 8 tháng 1, một bà cụ 61 tuổi từ Vũ Hán cùng với năm người trong gia đình tham gia một đoàn du lịch 16 người tới Thái Lan. Ba ngày trước đó, bà bị sốt với các cơn ớn lạnh, đau họng và đau đầu. Bà cũng đã thường xuyên đi chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán mà chính quyền đã đóng cửa vào ngày 1/1.
Thái Lan đã báo cáo vào ngày 13 tháng 1 rằng người phụ nữ từ Vũ Hán hiện là ca COVID-19 nhập khẩu đầu tiên. Một ngày sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trấn an thế giới rằng vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về “việc lây truyền từ người sang người” và không ca nhiễm được báo cáo nào ở các nhân viên y tế. Một tháng sau, những đợt bùng phát lớn bắt đầu xảy ra ở Iran và Ý.
“Tốc độ lây lan toàn cầu của dịch bệnh này là chưa từng có trong lịch sử,” Elena Conis, nhà sử học y học tại Đại học California ở Berkeley.
“Đây là sự kết hợp của nhiều thứ. Đó là việc chúng ta có mức độ toàn cầu hóa quá cao. Đó là việc chúng ta đã đô thị hóa quá cao và các thành phố của chúng ta hiện nay lớn hơn và có mật độ dân số dày đặc hơn so với xưa nay trong lịch sử và cũng có yếu tố liên quan tới virus này và khả năng tự lây truyền quá mạnh của nó,” Conis nói.
Các mô hình toán học phác họa cách một quốc gia phản ứng — hoặc không phản ứng — đến đại dịch này đã và đang xuất hiện nhiều. Khi giới chức trách phản ứng với virus theo thời gian thực, họ biết rằng khi mọi sự đã rồi sẽ có chuyện chỉ trích, phê phán.
Các mô hình đã cho thấy rằng nếu như các biện pháp giãn cách xã hội (social distancing) đã được thực hiện sớm hơn ba tuần tại Trung Quốc, số ca bệnh đã giảm 95% và chắc chắn đã giúp cho phần còn lại của thế giới tránh được hoạn nạn kinh hoàng hiện đang diễn ra. Các nhà khoa học cho rằng nếu đã bắt đầu những biện pháp đó thậm chí sớm một tuần, thì đã giảm được 66% số ca bệnh.
Nhưng điều đó có tác động cả hai chiều. Cũng nghiên cứu đó cho thấy rằng nếu áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trễ hơn một tuần thì hẳn đã làm tăng gấp ba số ca bệnh, còn nếu áp dụng trễ ba tuần thì hẳn đã làm tăng gấp 18 lần. Tính chất tăng theo cấp số nhân của virus rất cay nghiệt cho giới hoạch định chính sách.
Vào ngày 15 tháng 1, Cơ quan Y tế Công cộng của Canada đã khởi động Trung tâm Vận hành Khẩn cấp để chuẩn bị cho quốc gia đương đầu với những gì sắp diễn ra; đây là bước chuyển biến lớn đầu tiên từ chính quyền Canada.
Cùng ngày hôm đó, một người đàn ông ở Hạt Snohomish, Washington, từ Vũ Hán về nước và đi phương tiện vận tải công cộng về nhà từ Phi trường Quốc tế Seattle-Tacoma. Ông ta có thể đã hắt hơi hoặc ho trong xe đưa đón hoặc dựa vào lan can trong khi đợi lấy hành lý. Dù là gì đi nữa, các nhà nghiên cứu truy tìm đường đi của virus hiện nay tin rằng nhiều người khác trong vùng này đã bị nhiễm bệnh từ ngày 15 tháng 1 tới ngày 19 tháng 1, theo Bloomberg Businessweek.
Người đàn ông đó đã tới một phòng khám khẩn cấp gần nhà vào ngày 17 tháng 1, khiến giới chức y tế Mỹ cuống cuồng. Tới cuối tháng 1, các triệu chứng của người đàn ông đó đã hết nhưng COVID-19 đã chiếm được chỗ đứng vững chắc ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.
Một người đàn ông khác đã bước lên siêu du thuyền Diamond Princess vào ngày 20 tháng 1 cho chuyến đi năm ngày từ Tokyo tới Hong Kong. Sáu ngày sau khi rời tàu, ông ta có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng tàu cruise đó đã đi tiếp mà không có ông ta, chở hàng trăm người.
Hai ngày sau, vào ngày 22 tháng 1, một người đàn ông đã về Toronto từ Trung Quốc sau khi có thời gian ở Vũ Hán. Có lẽ ông ta không biết khi đi từ phi trường về nhà vào tối thứ Tư hôm đó, nhưng lúc đó ông ta đang mang ca bệnh COVID-19 đầu tiên vào Canada.
Nguồn: National Post, 8/4/2020.
© Bản tiếng Việt của Canada Info.
1 thought on “Sự ra đời của đại dịch: Hành trình của COVID-19 từ Vũ Hán tới Toronto”