Bên trong thế giới bí mật của sai sót y khoa ở Canada (Kỳ 1)

1

Do thiếu số liệu chính thức, công chúng và giới chức trách ít được biết về các sai sót y khoa ở các bệnh viện Canada. Nhật báo National Post thực hiện một phóng sự chi tiết về vấn nạn này.

Tom Blackwell

Khương An lược dịch

Khi bà Helen Church thức dậy vào một buổi sáng ngay trước Giáng sinh năm 2012, cơn đau đã âm ỉ mấy tuần ở đằng sau mắt phải của bà đột ngột đau nhói không chịu nổi.

Bà vừa kêu gào đau đớn vừa chạy vòng quanh căn hộ ở mạn đông Toronto, trước khi cuối cùng gắng sức gọi được cho 911 rồi ngất xỉu.

Lần thứ hai liên tiếp trong thời gian ngắn, bà là nạn nhân của sai lầm tai hại trong chăm sóc y tế.

Chỉ mới hai năm trước đó, bà Church tới một bệnh viện gần nhà cắt bỏ buồng trứng để chữa trị một u nang đau nhức. Mấy giờ sau bà xuất viện với buồng trứng vẫn còn nguyên trong người – và một miếng lưới lồng trong bụng để chữa một chứng thoát vị mà bà không mắc phải.

Rồi, mấy tháng sau, một bác sĩ chuyên khoa thay thế một tròng kính nhân tạo chữa chứng đục thủy tinh thể (cataract). Kết quả: con mắt đó nay bị mù và ngày càng đau nhức.

Về sau một bác sĩ chuyên khoa khác nói với bà là bác sĩ nhãn khoa đó đã cấy tròng kính đó vào sai vị trí, che khuất thị giác của bà và làm thủng một ống dẫn, gây chảy máu từ từ và áp lực lớn.

Bà Church, một cụ bà 83 tuổi còn minh mẫn, kể: “Có quá nhiều máu trong đó, nó như muốn làm con ngươi nổ tung văng ra khỏi đầu tôi.”

Cả hai biến cố đó cho thấy những sai phạm nguy hiểm trong hệ thống y tế Canada. Nhưng đừng mong tìm được bất cứ hồ sơ công khai nào về cả hai sai lầm rành rành đó – hoặc về hàng ngàn những sai sót gây đau đớn tương tự và đôi khi gây chết người diễn ra ở các cơ sở chăm sóc y tế trên toàn quốc mỗi năm.

Theo một điều tra của báo National Post, phần lớn các sự cố trong hệ thống y tế không chữa lành mà lại khiến bệnh nhân đau đớn hơn thực ra thậm chí không được nhân viên báo cáo trong nội bộ.

Nghiên cứu cho thấy do sai sót trong điều trị mỗi năm có khoảng 70.000 bệnh nhân bị thương tật nghiêm trọng có thể ngăn ngừa được. Đáng sốc hơn nữa, một cuộc nghiên cứu có tính bước ngoặc được công bố cách đây một thập niên đã ước tính rằng chỉ riêng ở các bệnh viện điều trị cấp tính có tới 23.000 người thành niên ở Canada bị chết hàng năm do “những biến cố bất lợi” có thể ngăn ngừa được.

Theo một số bằng chứng, tỉ lệ sai sót hiện nay thậm chí còn cao hơn, dù đã có hàng triệu đôla chi tiêu cho các nỗ lực đình đám để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân

Tuy nhiên chỉ có một phần rất nhỏ trong những trường hợp đó được thừa nhận công khai và thường chỉ ở dạng các số liệu thống kê tươm tất vô hồn. Còn những sai lầm nghiêm trọng nhất trong điều trị thì thậm chí những chi tiết sơ sài nhất cũng không được tiết lộ, khiến vấn nạn khổng lồ này gần như vô hình.

Tờ National Post cũng phát hiện rằng không có việc thường xuyên và công khai ghi lại tư liệu về một nguồn phổ biến của mối nguy hại trong chăm sóc y tế: đó là các thiết bị y khoa hỏng hóc có liên quan tới hàng chục cái chết và hàng trăm ca bị thương mỗi năm.

Darrell Horn, một chuyên viên điều tra “biến cố hệ trọng” từng làm việc nhiều năm ở Sở Y tế Vùng Winnipeg, nói: “Những phát hiện từ các sự việc này, ngay cả khi được điều tra đàng hoàng, đều rơi vào các lỗ đen. Họ đã tạo ra cái hộp vô hình hoàn hảo để bỏ hết mọi thứ vào đó.”

Tỉnh bang Manitoba quả thực là một ngoại lệ hiếm hoi đối với thực trạng mơ hồ che giấu sai sót y khoa ở Canada. Những mô tả ngắn gọn một dòng mà tỉnh bang này đã công bố trong ba năm qua ít ra cho thấy một phác họa sơ thảo về các loại tai họa có thể ập xuống đầu nạn nhân.

Trong số 100 ca được báo cáo trong ba tháng kết thúc vào ngày 30/9/2013 có ca một người mẹ mới sinh con bị lên cơn đau tim sau khi nhân viên cho cô uống nhầm thuốc tăng huyết áp, thay vì thuốc chống ói mửa sau khi sinh mổ.

Một bệnh nhân khác được biết là có nguy cơ nghẽn máu đã bị ngừng tim gây tử vong sau khi nhân viên quên điều trị phòng ngừa sau ca mổ.

Một phụ nữ phải mổ lần thứ hai sau khi phim X quang cho thấy một con vít từ một cái kẹp hư hỏng đã bị bỏ quên trong người cô sau ca sinh mổ.

Và, một bệnh nhân “làm sinh thiết phổi mở không cần thiết”, chỉ ngắn gọn như vậy không có giải thích gì thêm.

Với những nơi còn lại trên cả nước, những ca như vậy xảy ra trong một khoảng chân không, phần lớn không hề được báo cáo và gần như không có ca nào được mô tả cụ thể.

Trên thực tế, luật pháp ở hầu hết các tỉnh bang cấm thông tin về những biến cố bất lợi được cung cấp cho các nguyên đơn kiện về sai phạm trong hành nghề y khoa hay tiết lộ cho công chúng theo các đạo luật về quyền tự do thông tin. Những luật đó nhằm mục đích – mà chẳng mấy thành công – khuyến khích báo cáo trong nội bộ về các sai sót.

Theo các nhân viên trong ngành y tế và chuyên gia an toàn, một văn hóa chăm sóc y tế vẫn bị bó buộc bởi hệ thống tôn ti cổ hủ, sợ bị kiện tụng và tập trung vào việc trừng phạt thay vì rút kinh nghiệm từ những sai lầm cũng khiến các sai sót bị che giấu.

Một y tá tại một bệnh viện Ontario yêu cầu không nêu tên vì sợ hậu quả kể rằng bà làm việc với hai bác sĩ giải phẫu quá thiếu kỹ năng tay nghề. “Tôi thậm chí chẳng dám để họ đụng tới con chó của tôi.”

Bà đã nộp một đơn khiếu nại về một trong hai bác sĩ này cách đây mấy năm, nhưng chẳng có gì thay đổi. Hiện nay, bà nín thinh về đủ thứ vấn đề từ tỉ lệ quá nhiều các vụ nhiễm trùng hậu phẫu tới các ca phẫu thuật thường cần phải mổ lại.

Y tá này thừa nhận: “Chúng tôi quả thực nhắm mắt làm ngơ. Nhiều chuyện dối trá lắm, nhiều kiểu che giấu lắm, khiến tôi sôi gan.”

Ngược lại, các thương tật và ca tử vong trong nhiều lĩnh vực khác – từ các vụ sát nhân tới các tai nạn công nghiệp và tai nạn giao thông – thường xuyên được cảnh sát và các giới hữu trách khác tiết lộ.

Tuy nhiên, hình ảnh tương phản rõ rệt nhất so với sự thiếu minh bạch của ngành y tế về các sai sót là ví dụ của ngành hàng không.

Nhằm cải thiện đáng kể an toàn bay, ngành hàng không đã trở nên vô cùng công khai về các sự cố. Ví dụ, Hội đồng An toàn Giao thông Canada đăng trên mạng các chi tiết về những cuộc điều tra hiện thời về tất cả mọi thứ từ các vụ rớt máy bay tới những trường hợp xe cộ ở mặt đất chạy nhầm vào đường băng.

John Pottinger, chuyên gia tư vấn an toàn hàng không và nguyên là viên chức Bộ Giao thông Canada, nói việc trao đổi thường xuyên và minh bạch các thông tin về an toàn không chỉ góp phần hạn chế tai nạn, mà còn tăng lòng tin của khách hàng đối với ngành.

Các chuyên gia về an toàn cho bệnh nhân nhấn mạnh rằng mục đích của việc công bố sai sót y khoa không phải là để bôi nhọ hay đổ lỗi, hoặc phủ nhận thực tế là ngành chăm sóc y tế có đầy những chuyên gia có trình độ cao và tận tụy. Ngoài một tỉ lệ nhỏ những người thực sự kém năng lực, không ai tới chỗ làm mà không hy vọng cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao, theo Rob Robson, một bác sĩ từng đứng đầu chương trình an toàn bệnh nhân có tính đột phá của sở y tế Winnipeg trong bảy năm.

Ông nói thêm rằng khi sai lầm thực sự xảy ra, đó thường là do sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố, thường liên quan tới nhiều khiếm khuyết trong hệ thống. Tìm ra những cách ngăn ngừa các sai lầm đó dĩ nhiên là mục tiêu tối hậu và chủ đề của việc nghiên cứu sâu xa và nhiều chương trình.

Nhưng việc công khai về các sai sót vừa giúp thu hút sự chú ý vừa giúp hiểu biết, theo các chuyên gia về an toàn.

Bác sĩ Robson nói: “Ta cần phải cho công chúng biết rằng bệnh nhân sẽ bị tổn hại. Chừng nào công chúng còn chưa biết rằng cứ 13 người tới bệnh viện là có một người sẽ gặp phải một kiểu biến cố bất lợi nào đó – mà đó là ước tính dè dặt – thì chưa có áp lực buộc phải nói “Nè, cần phải chỉnh sửa các lỗi lầm chết tiệt đó.’”

Rủi ro tiềm ẩn trong việc giấu các thông tin như vậy được thể hiện đau lòng trong một tai họa năm 1997, khi lại thêm một trẻ em nữa thành nạn nhân của một sai sót y khoa kinh điển, một sai sót mà có người tin là vẫn tồn tại.

Bác sĩ ở Bệnh viện Nhi British Columbia chích một loạt thuốc cho Kristine Walker, một cô bé bảy tuổi mới bị tái phát bệnh bạch cầu. Nhưng họ sơ ý chích thuốc vincristine vào dịch tủy, trong khi đúng ra phải chích vào tĩnh mạch. Từ cuối thập niên 1960, giới bác sĩ đã biết rằng việc sử dụng thuốc này trong ống tủy sẽ gây tổn hại thần kinh nghiêm trọng, thường dẫn tới tử vong.

Kristine bị liệt và chết hai tuần sau đó. Sau khi bé chết, bệnh viện này phát hiện rằng ít nhất ba sự cố tương tự đã xảy ra ở các tỉnh bang khác trong những năm trước, càng nhắc tới tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa. Không có ca nào được công bố hay thậm chí trao đổi thông tin bên trong hệ thống y tế.

Lynda Cranston, giám đốc bệnh viện lúc đó, ta thán: “Chúng tôi đã không thể rút kinh nghiệm từ những sai lầm của chính mình, và chúng tôi cũng không cơ hội rút kinh nghiệm từ các sai lầm của các đồng nghiệp.”

Các quy trình để tránh sai sót đó đã được thực hiện rộng rãi, nhưng hồi năm 2012, Viện Tập quán Dùng thuốc An toàn (ISMP) báo cáo phát hiện “đáng lo ngại” là chưa tới 60% bệnh viện Canada dán nhãn cảnh báo trên thuốc vincristine, một trong ba biện pháp an toàn chủ yếu.

Một cảnh báo của Viện ISMP hồi năm ngoái cho rằng tuy hiếm nhưng những sai lầm “gây đau đớn kinh khủng” vẫn xảy ra.

Vậy mà ngoài các tường thuật trên báo chí và một bài báo trên tập san chuyên ngành về ca ở British Columbia năm 1997, vẫn gần như không có tài liệu công khai nào về bất cứ sự cố nào ở Canada.

Hình chụp X quang cho thấy một dụng cụ phẫu thuật bị bỏ quên trong cơ thể bệnh nhân sau khi mổ.
Hình chụp X quang cho thấy một dụng cụ phẫu thuật bị bỏ quên trong cơ thể bệnh nhân sau khi mổ.

Trên thực tế, không ai biết chính xác sai sót y khoa phổ biến ra sao ở Canada. Số liệu ước tính tốt nhất xuất phát từ một nghiên cứu năm 2004 được nhiều giới công nhận. Nghiên cứu này do Ross Baker thuộc Đại học Toronto và Peter Norton thuộc Đại học Calgary thực hiện, nay được gọi bằng tên ngắn gọn là nghiên cứu Baker-Norton.

Hai nhà nghiên cứu này xem xét biểu đồ bệnh nhân tại một mẫu đại diện của 20 bệnh viện chăm sóc cấp tính. Họ phát hiện rằng 7,5% bệnh nhân người lớn – ngoại suy thành 185.000 trường hợp mỗi năm trên cả nước – bị một biến cố bất lợi nghiêm trọng, gần 40% trong số đó là có thể phòng ngừa được. Họ kết luận rằng mỗi năm có từ 9.000 tới 23.000 người chết vì sai sót có thể phòng ngừa được.

Tám năm sau, một nghiên cứu tương tự với bệnh nhân trẻ em phát hiện rằng tỉ lệ trẻ em bị tổn hại vì các biến cố bất lợi thậm chí còn cao hơn: 9,2%. Và từ đó đến nay rất có thể những con số đó có thể đã tăng lên, theo Hugh MacLeod, viện trưởng Viện An toàn Bệnh nhân Canada hoạt động bằng ngân quỹ do liên bang cấp.

Ông nói: “Với tốc độ, sự gia tăng của công nghệ mới, các loại thuốc mới, các phương pháp mới … xác suất rủi ro và sự cố đã tăng lên.”

Nếu cộng thêm vào đó các bệnh nhân tâm thần và sản khoa, người ở các nhà dưỡng lão và các bệnh viện chăm sóc kinh niên – các đối tượng này đều không có trong hai cuộc nghiên cứu nói trên – thì con số thực sự của những cái chết có thể ngăn ngừa được có thể khoảng chừng 35.000 người mỗi năm. Theo bác sĩ Robson, như vậy tức là 4 người mỗi giờ.

(Còn tiếp 1 kỳ)

Nguồn: National Post, 16/1/2015

1 thought on “Bên trong thế giới bí mật của sai sót y khoa ở Canada (Kỳ 1)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.