Tòa Canada bác đơn của giám đốc tài chính Huawei xin ngừng dẫn độ sang Mỹ
Thắng lợi bước đầu cho Mỹ, nhưng có thể càng làm căng thẳng mối bang giao Canada-Trung Quốc
Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei Technologies Co. đã không thuyết phục được một thẩm phán Canada chấm dứt quy trình dẫn độ, khiến bà tiếp tục bị quản thúc tại gia ở Vancouver trong khi đợi xử tiếp.
Trong phán quyết dài 23 trang được đưa ra sáng thứ Tư 27/5/2020, Phó Chánh án Heather Holmes của Tối cao Pháp viện British Columbia nói rằng một phép thử hệ trọng trong vụ án dẫn độ này đã được đáp ứng, và quy trình dẫn độ sẽ tiếp tục.
Phó Chánh án Holmes phán quyết rằng xét tổng thể, các tội mà bà Mạnh bị Mỹ cáo buộc có thể tạo thành tội ở Canada – nguyên tắc này được gọi là “tính chất phạm tội kép” (“double criminality”)
Bà Mạnh bị buộc tội lừa đảo ngân hàng và chuyển ngân ở Mỹ vì đã gian dối với ngân hàng HSBC về mối quan hệ của Huawei với một công ty con làm ăn ở Iran.
Chính quyền Mỹ cho rằng ngân hàng này về sau xử lý hơn 100 triệu USD trong các giao dịch tài chính thông qua Mỹ, vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ.
Cả bà Mạnh lẫn tập đoàn Huawei đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc này.
Các luật sư của bà Mạnh hồi tháng 1 lập luận rằng vì Canada không có các lệnh cấm vận tương tự với Iran, HSBC đã không gặp tác hại kinh tế do sự gian dối bị cáo buộc, đã không thể có sự lừa đảo, và do đó đã không có hành vi phạm tội ở Canada.
Nhưng thẩm phán Holmes không tán thành lập luận của họ, và viết rằng mấu chốt của những cáo buộc đối với bà Mạnh là chính bản thân hành vi lừa đảo bị cáo buộc.
Bà cũng nói rằng các lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Iran có thể được xem là bối cảnh hoặc nền tảng để hiểu hành vi lừa đảo bị cáo buộc của bà Mạnh.
Các luật sư của bà Mạnh đã lập luận rằng từng yếu tố của hành vi bị cáo buộc phải được xem như thể nó đã xảy ra ở Canada.
Nhưng thẩm phán Holmes viết rằng cách tiếp cận như vậy là quá hẹp, không thấy được “thực chất” của hành vi bị cáo buộc.
Thẩm phán cũng lý luận rằng trong một tình huống giả định hành vi phạm tội xảy ra ở Canada đối với một ngân hàng Mỹ, không có gì trong luật Canada ngăn cản tham chiếu luật Mỹ để buộc tội lừa đảo.
“Luật của Canada về lừa đảo không bị giới hạn bởi các ranh giới quốc tế,” thẩm phán Holmes viết.
Bà Mạnh không trả lời báo chí sau khi bà rời khỏi phiên trình diện ngắn ngủi ở tòa sau khi có phán quyết.
Trong một tuyên bố đăng trên Twitter, Huawei Canada nói công ty “thất vọng” về phán quyết của thẩm phán Holmes.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng hệ thống tư pháp của Canada rốt cuộc sẽ chứng minh sự vô tội của bà Mạnh. Các luật sư của bà Mạnh sẽ tiếp tục làm việc không mệt mỏi để công lý được thực thi,” tuyên bố viết.
Chưa rõ liệu các luật sư của bà Mạnh có dự định kháng cáo ngay phán quyết hôm 27/5 hay không hay đợi tới giai đoạn sau của quy trình dẫn độ.
Tiếp theo là gì?
Bà Mạnh và nhóm luật sư của mình sẽ trở lại Tối cao Pháp viện British Columbia vào đầu tháng 6 để sắp xếp các phiên tòa tiếp theo.
Nhóm luật sư của bà dự định sẽ dùng lập luận rằng các quyền hiến định của bà đã bị vi phạm khi bà bị bắt tại phi trường Vancouver hồi đầu tháng 12/2018.
Cho rằng nhà chức trách Canada đã lạm quyền trong quá trình bắt giữ, nhóm luật sư nói bà Mạnh bị Nha Biên phòng Canada (CBSA) giữ và thẩm vấn trong ba giờ, trong một “âm mưu phạm tội mờ ám”
Về cơ bản, lập luận của họ là việc bắt giữ bà Mạnh là âm mưu của giới chức Canada và Mỹ để thu thập bằng chứng để củng cố lý lẽ của họ.
Cả CBSA lẫn cảnh sát liên bang Canada RCMP có can dự trong vụ bắt bà Mạnh đều nhiều lần phủ nhận hành vi sai trái.
Nhóm luật sư của bà Mạnh cũng định lập luận rằng các cáo buộc đối với bà có động cơ chính trị.
Một thẩm phán sẽ được yêu cầu phán quyết về đơn kiện nhà chức trách Canada lạm quyền, và nếu thua kiện, nhóm của bà Mạnh có thể sẽ kháng cáo.
Thẩm phán Holmes cũng nói rằng phán quyết của bà hôm 27/5 không quyết định về việc có đủ bằng chứng có thể chấp nhận được chống lại bà Mạnh để biện minh cho việc buộc bà bị xét xử ở Canada.
Bà Mạnh không bị xét xử ở tòa án Canada, nhưng việc đáp ứng ngưỡng đó là một yêu cầu bắt buộc then chốt để bà bị dẫn độ sang Mỹ.
Giới chuyên gia luật pháp nói rằng vụ này có thể lên tới Tối cao Pháp viện Canada, và sẽ mất nhiều năm để đi qua hệ thống tư pháp.
Và bộ trưởng tư pháp Canada cũng sẽ phải quyết định có thực sự giao nộp cho chính quyền Mỹ, và quyết định đó cũng có thể phải được một tòa phúc thẩm xem xét.
Bộ Tư pháp Canada đã không bình luận cụ thể về phán quyết hôm 27/5, mà nói rằng quy trình này “cho thấy tính độc lập của quy trình dẫn độ của Canada”.
Phán quyết này đánh dấu thắng lợi bước đầu cho chính quyền Mỹ, nhưng có thể càng làm căng thẳng mối bang giao giữa Canada và Trung Quốc. Hôm 27/5, Trung Quốc – đối tác thương mại lớn thứ nhì của Canada – kêu gọi ngay lập tức phóng thích bà Mạnh “để tránh tổn hại tiếp tục đối với mối quan hệ Trung Quốc-Canada”. Hai công dân Canada đã bị bắt chỉ mấy ngày sau khi bà Mạnh bị bắt hồi tháng 12/2018, và nay vẫn còn bị giam ở Trung Quốc.
Nguồn: Bloomberg, CTV, 27/5/2020.
© Bản tiếng Việt của Canada Info.
Trung cộng không lúc nào mà không hăm dọa
Làm ăn với chúng như con dao hai lưỡi, hàng hoá Made in Canada 🇨🇦 thì 100% chất lượng cao hơn made in China