Phạm Vũ Lửa Hạ

Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei bị Canada bắt đầu tháng 12/2018 ở phi trường Vancouver theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Bà Mạnh bị Mỹ buộc tội lừa đảo ngân hàng và chuyển ngân ở Mỹ vì đã gian dối với ngân hàng HSBC về mối quan hệ của Huawei với một công ty con làm ăn ở Iran, vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ.

Nhiều người cầm biển kêu gọi Trung Quốc thả Michael Spavor và Michael Kovrig bên ngoài một phiên xử dẫn độ Mạnh Vãn Chu tại Tối cao Pháp viện B.C. ở Vancouver, British Columbia, Canada, ngày 6/3/2019. (Ảnh: Lindsey Wasson/Reuters)

Mấy ngày sau đó, Michael Kovrig và Michael Spavor bị bắt, trong 2 vụ khác nhau, ở Trung Quốc vì bị tình nghi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Ông Kovrig là một cựu viên chức ngoại giao làm việc cho International Crisis Group (Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế), còn và ông Spavor là một doanh nhân làm ăn ở Bắc Hàn. Canada, và các đồng minh phương Tây, đã nhiều lần lên án Trung Quốc bắt người tùy tiện

Hai công dân Canada này bị giam giữ không xét xử, không được gặp luật sư và người thân, và chỉ mới gần đây, sau gần một năm rưỡi, Trung Quốc mới chính thức buộc tội họ làm gián điệp, ăn cắp bí mật quốc gia. Trong khi đó, bà Mạnh đã được bảo lãnh tại ngoại, đang sống ở Vancouver trong quá trình chờ xét xử dẫn độ. 

Trung Quốc đã liên tục gây sức ép đòi thả bà Mạnh. Ngoài bắt giam hai ông Kovrig và Spavor, Trung Quốc còn kết án tử hình vài người Canada (vì tội buôn lậu ma túy), và ngừng hoặc gây khó dễ nhập khẩu vài mặt hàng nông sản quan trọng từ Canada.

Những đề xuất mâu thuẫn

Ngay sau khi hai công dân Canada bị bắt, John Manley, một cựu phó thủ tướng trong chính phủ Tự do trước đây, nói rằng chính phủ Trudeau lẽ ra đã nên tìm ra một cách để trả tự do cho bà Mạnh. Cựu thủ tướng Jean Chrétien (đảng Tự do) được cho là đã đưa ra ý tưởng hủy bỏ dẫn độ vào tháng 6/2019. Sáu tháng sau, Eddie Goldenberg, cố vấn thân cận nhất của Chrétien, viết trên nhật báo The Globe and Mail, đưa ra các lập luận ủng hộ phương án trao đổi tù nhân.

Trong khi đó, những nhân vật hàng đầu trong đảng Bảo thủ đối lập giục thủ tướng Trudeau áp dụng chế tài và hủy bỏ đầu tư với Trung Quốc. Khoảng hai chục thượng nghị sĩ Bảo thủ kêu gọi chế tài các quan chức Trung Quốc theo Đạo luật Công lý cho Nạn nhân của Quan chức Nước ngoài Tham nhũng, còn gọi là Luật Magnitsky.

Bà Mạnh Vãn Chu rời khỏi nhà để dự phiên xử về dẫn độ ở Vancouver hôm 27/5/2020. (Ảnh: Bloomberg)

Hôm 27/5/2020, Tối cao Pháp viện British Columbia đã bác đơn của bà Mạnh yêu cầu ngừng dẫn độ. Vậy là quá trình xét xử dẫn độ vẫn tiếp tục. Bà Mạnh có thể kháng cáo lên tới Tối cao Pháp viện Canada và tiến trình này có thể mất nhiều năm.

Chính viễn cảnh Kovrig và Spavor xem như bị Trung Quốc giữ làm con tin chừng nào vụ bà Mạnh chưa xử xong đã khiến 19 nhân vật Canada tiếng tăm hôm 24/6/2020 chấp bút một lá thư kêu gọi thủ tướng Trudeau can thiệp ngừng dẫn độ và thả bà Mạnh để Trung Quốc trả tự do cho hai ông Kovrig và Spavor. 

Trong số những người ký thư này có cựu thẩm phán Tối cao Pháp viện Louise Arbour, cựu bộ trưởng tư pháp Allan Rock thuộc chính phủ đảng Tự do, hai cựu bộ trưởng Lloyd Axworthy và Andre Ouellet thời thủ tướng Jean Chrétien, cựu thủ lãnh đảng Tân Dân chủ (NDP) Ed Broadbent, cựu bộ trưởng và đại sứ Lawrence Cannon thuộc chính phủ đảng Bảo thủ, hai cựu chánh văn phòng của thủ tướng Brian Mulroney (đảng Bảo thủ), và cả cựu viên chức ngoại giao Robert Fowler từng bị bắt làm con tin ở Niger năm 2008. 

Hôm 25/6/2020, thủ tướng Trudeau đã thẳng thừng bác bỏ lời thỉnh cầu đó. “Tôi tôn trọng những người này nhưng họ sai về cách tiếp cận.”

Ông nói rằng nếu chiều theo ý muốn của Trung Quốc thì sẽ khích lệ Trung Quốc và các nước khác chơi trò “ngoại giao con tin” (“hostage diplomacy”), gây nguy hiểm cho hàng triệu công dân Canada ở nước ngoài.

Trong một lá thư khác do Viện Macdonald-Laurier dàn xếp, hơn 40 chuyên gia đối ngoại và an ninh, trong đó cựu bộ trưởng di trú Chris Alexander trong chính phủ đảng Bảo thủ, tán thành quan điểm này.

“Nếu trao đổi tù nhân thì sẽ xác nhận với giới cầm quyền Trung Cộng giá trị của việc bắt cóc các công dân Canada. Một khi chúng ta đầu hàng, Trung Quốc – và các chế độ độc tài khác – sẽ có lý do để kỳ vọng chúng ta lại làm như vậy,” họ viết.

Nhóm này nói rằng nếu nhượng bộ Trung Quốc, Canada sẽ phụ lòng các nước đồng minh đã công khai lên án việc Trung Quốc tùy tiện giam giữ hai công dân Canada, theo thỉnh cầu của Canada. Nhóm này cho rằng nếu thả bà Mạnh cũng sẽ khiến giới lãnh đạo ở chính quyền Mỹ lẫn Quốc hội Mỹ xem Canada là “một đồng minh nhu nhược và không đáng tin cậy” khi Canada rất cần thiện chí càng nhiều càng tốt ở Washington.

“Tác hại cho mối bang giao Canada-Mỹ sẽ không thể tính nổi và sẽ còn kéo dài bất kể kết quả bầu cử tổng thống sẽ ra sao vào tháng 11.”

Tuy nhiên, Michael Kergin, một trong hai cựu đại sứ Canada ở Mỹ tham gia ký lá thư thứ nhất kêu gọi Trudeau nhượng bộ, không tin tiên đoán ảm đạm đó.

Kergin là đại sứ tại Mỹ khi cựu thủ tướng Jean Chrétien chịu tham gia hoặc ủng hộ cuộc xâm lấn Iraq của tổng thống Mỹ lúc đó George W. Bush. Nhiều người Canada lúc đó lo ngại Canada sẽ bị thiệt hại kinh tế do quyết định đó, nhưng cựu đại sứ Kergin nói mối bang giao giữa hai nước chẳng suy suyển gì mấy.

Kergin thừa nhận rằng tổng thống Donald Trump dễ đổi ý hơn và dễ trả đũa những ai phá ông. Nhưng Kergin không nghĩ rằng vụ bà Mạnh được Nhà Trắng xem là ưu tiên hàng đầu hiện nay, do tổng thống Trump đang chật vật trong cuộc bầu cử sắp tới và Mỹ đang vật lộn với đại dịch COVID-19.

Kergin cũng không nghĩ rằng việc trao đổi tù nhân sẽ khích lệ Trung Quốc hoặc các nước thù địch khác vận dụng ngoại giao con tin nhiều hơn trong tương lai để được việc của mình.

Kergin cho rằng Mạnh Vãn Chu được xem như “con vua cháu chúa” ở Trung Quốc, và Trung Quốc xem vụ bà Mạnh là việc Canada thay mặt Mỹ bắt bà làm con tin, và do vậy trả đũa. Vì thế, Kergin nghĩ đây là trường hợp khá đặc biệt, hiếm khi xảy ra lần nữa. 

Vì sao Trudeau dứt khoát không trao đổi tù nhân

Năm 2016, hai người Canada bị phiến quân Philippines trung thành với Nhà nước Hồi giáo bắt cóc. John Ridsdel bị chặt đầu gần như ngay lập tức nhưng Robert Hall bị phiến quân giam giữ ở miền nam Philippines.

Đó là lần đầu tiên Trudeau được thử thách về chính sách không trả tiền chuộc của Canada. Chính sách đó trước đó có lễ đã không cứng nhắc như chính phủ từng tuyên bố (theo tài liệu bị rò rỉ của chính phủ Mỹ, chính phủ Canada thời Stephen Harper từng đóng góp tiền chuộc để hai nhà ngoại giao Robert Fowler và Louis Guay được trả tự do năm 2009). 

Nhưng Trudeau lúc đó đã nhất quyết, “Nếu trả tiền chuộc cho người Canada thì sẽ gây nguy hiểm tính mạng cho mỗi người trong hàng triệu người Canada sinh sống, làm việc và đi lại khắp địa cầu mỗi năm.”

Đầu bị chặt của Robert Hall được tìm thấy khoảng một tháng sau đó.

Lập trường của Trudeau rất dứt khoát, tới mức ông được cho là nói với mẹ ông, bà Margaret Trudeau, rằng nếu bà hoặc các con của ông có bị bắt cóc, ông sẽ phải “làm bổn phận của mình”, giống như cha ông, cựu thủ tướng Pierre Trudeau đã làm trong cuộc Khủng hoảng tháng Mười năm 1970. Khi đó, ủy viên thương mại Anh Quốc James Cross, và bộ trưởng lao động Québec, Pierre Laporte, bị Mặt trận Giải phóng Québec bắt cóc; Cross được thả nhưng Laporte bị sát hại.

Khi làm nghiên cứu để viết sách về Justin Trudeau, bỉnh bút John Ivison của nhật báo National Post hỏi ông có bị ám ảnh bởi quyết định trong vụ con tin Robert Hall.

“Tôi sẽ nhớ mãi nó nhưng đó không nhất thiết là một quyết định khó, theo nghĩa là đương nhiên ta không thể thương lượng với bọn khủng bố và gây nguy hiểm tính mạng cho hàng triệu người Canada khắp thế giới,” ông đáp.

Ông dùng ngôn từ tương tự trong cuộc họp báo hàng ngày hôm 25/6. “Nếu các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, nhận ra rằng bằng cách tùy tiện bắt giữ người Canada, họ có thể buộc Canada chiều theo ý muốn của họ về mặt chính  trị, thì điều đó càng khiến rất nhiều người Canada đi lại khắp thế giới phải chịu sức ép kiểu đó.”

Tới nay chính phủ Trung Quốc vẫn phủ nhận có sự liên hệ giữa vụ bà Mạnh và hai vụ bắt giữ công dân Canada. Nhưng Trung Quốc đã nhắc tới khả năng thỏa thận trao đổi tù nhân. “Những phương án như vậy nằm trong khuôn khổ pháp trị và có thể mở ra cơ hội giải quyết tình huống của hai người Canada,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.

Nhưng Trudeau chắc chắn đã đúng khi nói rằng nhượng bộ trước chiêu trò tống tiền trắng trợn như vậy sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm.

Nỗ lực ngầm để giải thoát Fowler là một chuyện; đầu hàng Trung Quốc một cách hết sức công khai trong vụ bà Mạnh là chuyện hoàn toàn khác.

Việc Trung Quốc xem như công nhận rằng các vụ bắt bà Mạnh, và hai ông Kovrig và Spavor có liên hệ với nhau cho thấy Trung Quốc đã có hành vi không thể chấp nhận được hệt như bất kỳ tổ chức khủng bố nào.

Hôm 25/6, Trudeau nói với báo giới rằng Canada phải kiên định và mạnh mẽ về lập trường của mình, và thể hiện bằng hành động và lời nói rằng việc tùy tiện bắt giữ người Canada không giúp cho họ có uy thế hiếp đáp nhà nước Canada.

Các gia đình nạn nhân hẳn nhiên không muốn nghe lập trường cứng rắn này. Thủ tướng Trudeau nói ông đã gặp một số thân nhân và rất thông cảm với tình cảnh của họ.

Thủ tướng Trudeau cho biết chính phủ của ông tiếp tục cân nhắc một số phương án khác nhau, khi được hỏi về khả năng tước visa du học của học sinh / sinh viên Trung Quốc hoặc chế tài các quan chức Trung Quốc có liên quan trong vụ bắt hai ông Kovrig và Spavor.

Nhưng từ những điều ông đã phát biểu kể từ khi nhậm chức thủ tướng năm 2015, có thể thấy rõ rằng bất kể chính phủ Canada có hành động gì, phương án bí mật trao đổi tù nhân đã được loại trừ.

Chưa có tiền lệ

Nhóm thứ nhất ký thư yêu cầu trao đổi tù nhân cho rằng dẫn độ là một quyết định hành pháp, có tính ngoại giao nhiều hơn pháp lý.

Phần 23 (3) trong Đạo luật Dẫn độ của Canada trao cho bộ trưởng tư pháp liên bang quyền ngừng quy trình dẫn độ vào bất cứ lúc nào mà không cần nêu lý do.

Ngay sau khi bà Mạnh bị bắt, cố vấn an ninh quốc gia của thủ tướng Trudeau vào lúc đó, Greta Bossenmaier, cho biết trong một ý kiến tư vấn rằng phần đó hiếm khi được dùng trong 10 năm trước.

Bossenmaier nói rằng mỗi năm Canada nhận được khoảng 100 yêu cầu dẫn độ từ các nước khác, và khoảng 60% dẫn tới kết cuộc dẫn độ những đối tượng được yêu cầu.

Bossenmaier cho biết từ năm 2008 chỉ có 12 trường hợp – 9 do Mỹ yêu cầu – đã bị bộ trưởng tư pháp Canada hủy hoặc chấm dứt. Lý do hủy những trường hợp đó khác nhau, nhưng chưa bao giờ vì lý do ngoại giao hoặc chính trị.

Bossenmaier trình bày chi tiết các lý do của mỗi trường hợp trong 12 vụ bị hủy bỏ, như bệnh nặng, tội bị cáo buộc không phải là trọng tội, yêu cầu dẫn độ quá chậm trễ, và đối tượng có thể bị đàn áp nếu được dẫn độ về nước (Romania).

Hai trường hợp liên quan các đối tượng vị thành niên cũng bị hủy, và một trường hợp bị hủy vì nước xin dẫn độ không đưa ra “bảo đảm” theo yêu cầu của Canada. Ví dụ, Canada sẽ không dẫn độ một đối tượng nếu không được bảo đảm rằng người đó sẽ không bị kết án tử hình.

Bộ trưởng tư pháp và tổng chưởng lý David Lametti hôm 26/6 nói rằng ông sẽ không can thiệp trước khi tòa án kết thúc tiến trình xét xử dẫn độ bà Mạnh.

Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia CBC, ông nói ông có thể có vai trò trong tiến trình dẫn độ, nhưng chỉ khi tòa ra lệnh dẫn độ bà Mạnh. Sau khi có lệnh như vậy, bộ trưởng tư pháp có thể quyết định tiến hành một cuộc đánh giá độc lập.

Bộ trưởng Lametti khẳng định chính phủ liên bang phải đợi tới khi tiến trình pháp lý diễn ra trọn vẹn để bảo đảm Canada tôn trọng các nghĩa vụ của mình trong hiệp ước quốc tế và các quyền của bị cáo.

Nhân tố Donald Trump

Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh CBC Radio, John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho rằng vụ dẫn độ bà Mạnh có căn cứ pháp lý vững chắc và không hề có động cơ chính trị, và ông sẵn sàng ra làm chứng trước tòa án Canada về chuyện này.

Trong cuốn sách mới gây xôn xao “The Room Where It Happened: A White House Memoir” (Căn phòng nơi diễn ra chuyện: Hồi ký Nhà Trắng), Bolton nói rằng năm ngoái Trump thậm chí ngỏ ý bỏ vụ truy tố bà Mạnh.

Trong cuốn sách, Bolton mô tả sếp cũ của mình là người thường tính toán các mục tiêu chính sách đối ngoại sao cho có lợi cho riêng ông hơn là vì lợi ích của nước Mỹ.

Cũng tình cờ là cùng ngày bà Mạnh bị bắt tại Phi trường Quốc tế Vancouver, Trump gặp riêng Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina. Bolton thuật lại trong sách rằng chính quyền Mỹ đã được báo trước một ngày về khả năng bắt bà Mạnh.

Khoảng một tuần sau tại một dạ tiệc ở Nhà Trắng, Bolton kể rằng Trump so sánh bà Mạnh với con gái Ivanka của ông (Mạnh Vãn Chu là con gái của sáng lập viên Huawei): Trump nói là Ivanka Trump của Trung Quốc đã bị bắt.

Bolton nói rằng tổng thống Trump chẳng mấy quan tâm tới khía cạnh pháp lý của các cáo buộc bà Mạnh vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Iran, mà nhìn nhận vụ này theo kiểu “đổi chác” (transactional) về đối ngoại. Theo Bolton, Trump không màng các lý lẽ pháp lý của vụ bà Mạnh, mà chỉ ám ảnh về một hiệp định thương mại tầm cỡ với Trung Quốc.

Trong cuốn sách, Bolton kể rằng khi các cố vấn của ông lo ngại Huawei và ZTE là mối nguy cho an ninh quốc gia Mỹ, Trump xem đó là cơ hội để gây ảnh hưởng với Tập Cận Bình. “Ví dụ, năm 2018, ông bãi bỏ các hình phạt mà [bộ trưởng Wilbur] Ross và Bộ Thương mại đã áp dụng với ZTE,” Bolton viết. “Năm 2019, ông ngỏ ý bãi bỏ vụ truy tố hình sự đối với Huawei nếu điều đó hữu ích cho hiệp định thương mại — mà đương nhiên chủ yếu là để giúp Trump tái cử năm 2020.”

Trước đó, trong một phỏng vấn của Reuters năm 2018, Trump nói ông sẵn sàng can thiệp vào vụ bà Mạnh nếu điều đó giúp Mỹ ký được hiệp định thương mại với Trung Quốc hoặc phục vụ cho các lợi ích an ninh quốc gia khác của Mỹ.

Bolton nói rằng ông và các cố vấn khác của Trump có quan điểm thống nhất là một vụ truy tố hình sự kiểu này không nên được dùng làm món đổi chác trong đàm phán thương mại.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã nhiều lần dùng cớ “động cơ chính trị” để yêu cầu tòa án Canada bãi bỏ dẫn độ. Những lời kể của Bolton, bất luận đúng sai ra sao, coi như tiếp thêm đạn cho bà Mạnh. Hồi đầu tuần rồi, báo Politico (Mỹ) tường thuật rằng nhóm luật sư biện hộ cho bà Mạnh nay sẽ trích dẫn sách của Bolton để lập luận rằng các cáo buộc đối với bà là một phần của chiến dịch gây sức ép có động cơ chính trị đối với Trung Quốc.

Trong một bài đăng trên mạng hôm 27/6, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Ottawa viết rằng việc truy tố hai công dân Canada dựa trên dữ kiện rõ ràng và bằng chứng đầy đủ, chắc chắn, và cáo buộc của Canada về việc tùy tiện bắt giữ họ là hoàn toàn vô căn cứ.

Phát ngôn viên này nói rằng vụ bắt giữ bà Mạnh mới đúng là tùy tiện, và lặp lại yêu sách của Trung Quốc đòi thả bà. “Hãy chấm dứt đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm về các vụ Michael Kovrig và Michael Spavor, và gây áp lực với Trung Quốc thông qua ngoại giao bằng loa (megaphone diplomacy).”

Trả lời phỏng vấn của đài CBC, Vina Nadjibulla, vợ của Michael Kovrig, nói rằng ăn miếng trả miếng với một cường quốc khó lòng có kết cuộc mỹ mãn. “Chúng ta không thể thắng cuộc chạy đua xuống đáy với Trung Quốc.” Bà cho rằng bất luận Canada cứng rắn tới đâu, Trung Quốc vẫn luôn có thể cứng rắn hơn.

© Canada Info.

2 thoughts on “Ngoại giao con tin: Trung Quốc tăng sức ép, Canada không chùn bước

  1. Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định cùa thủ tướng Canada 🇨🇦 , thằng phản quốc jonn bolton không đáng để nhìn mặt nó chứ đừng nói tới đọc sách nó viết, thứ phản phé thì nó viết thối tha láo lếu như cái bản mặt nó thôi
    Không du lịch hay làm ăn với trung cộng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.