Nhân Ngày Tị nạn Thế giới 20/6

Hành trình hiểm nguy vượt qua những vùng biển đầy sóng gió đưa gia đình họ Trinh từ Việt Nam cộng sản tới Canada

Carolyn Dunn, CBC News

Khương An dịch

Bà Rebecca Trinh, hàng trên bên trái, và ông Sam Trinh, hàng trên bên phải, chụp hình chung với Helen, hàng dưới bên trái, và Judy năm 1978, ba tháng trước khi gia đình đào thoát khỏi Việt Nam. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Với hai ông bà Sam và Rebecca Trinh, 1979 là năm họ không còn lựa chọn.

Sau khi Sài Gòn thất thủ vào lúc kết thúc Chiến tranh Việt Nam, Sam vốn là quân nhân [của Việt Nam Cộng Hòa] nên chắc chắn sẽ bị đi cải tạo tại một trại lao động ở nông thôn Việt Nam.

Nếu đi cải tạo thì tất yếu phải lao động khổ sai và bị tẩy não để thấm nhuần ý thức hệ của chế độ cộng sản. Rất có thể nghĩa là đói, là tra tấn, thậm chí mất mạng.

Bà Rebecca Trinh nhớ lại, “Chúng tôi buộc phải ra đi. Chúng tôi chẳng có tự do, họ buộc chúng tôi phải đi.”

Câu chuyện gia đình họ Trinh đào thoát khỏi Việt Nam được thuật lại trong một tập mới của chương trình Phút Di sản (Heritage Minute) do Historica Canada công bố hôm 20/6/2017. Tiểu luận của người con gái Judy Trinh về trải nghiệm đó tạo nguồn cảm hứng cho ý tưởng của chương trình này.

Sau khi quyết định đào thoát, ông bà Trinh bán hết những gì có thể bán được và mua vàng miếng, loại tiền tệ được ưa chuộng thời đó.

Ông Sam Trinh nói ông biết họ sắp vĩnh viễn cắt đứt mọi liên hệ với quê hương.

“Chúng tôi đã mất hết mọi thứ. Chúng tôi sẽ không thể quay về.”

Họ bồng bế hai con gái còn nhỏ và lên một chiếc tàu đánh cá ọp ẹp, nhồi nhét số khách gấp ba lần công suất chở của thuyền.

Bà Rebecca rất lo lắng về hai đứa con của mình.

“Tôi lo làm sao bảo vệ chúng, vì Judy chỉ mới bốn tuổi, và Helen thì lúc đó còn chưa tới hai tuổi.”

Đói và mệt mỏi rã rời chỉ là sự khởi đầu.

Bị cướp biển tấn công

Hai lần tàu bị cướp biển nhảy lên; chúng mang rìu, dao và súng với ý định cướp số tài sản ít ỏi mà những hành khách hoảng sợ mang theo. Chúng cướp số vàng mà ông bà Trinh dự định dùng để khởi đầu cuộc đời mới của họ và hai nhẫn cưới của họ.

Judy Trinh. (Ảnh: Stu Mills)

Judy Trinh, nay là ký giả tự do ở Ottawa thường xuyên cộng tác với đài CBC, không nhớ gì lắm về năm ngày trên tàu khi tàu vượt Vịnh Thái Lan, đương nhiên chẳng nhớ về những tên cướp có vũ trang đó.

Cô chỉ còn nhớ cơn đói dai dẳng gặm nhấm ruột gan.

“Tôi kêu khóc và tôi đói lả, nhưng chẳng có thức ăn.”

Mẹ cô, bà Rebecca, hoảng loạn ráng tìm bất cứ thứ gì để ăn, và cuối cùng tìm được thứ mà bà đã ngồi lên nó chẳng biết đã bao lâu.

Judy kể, “Đó là một cái bánh khoai bẹp dí. Nó chắc đã nằm ở đó không biết bao nhiêu ngày, chắc đã bị mốc. Nhưng cũng đủ để mẹ đưa cho tôi và cũng đủ để tôi ăn, để tôi nín khóc.”

Song, thậm chí bọn cướp biển có vũ trang cũng không đáng sợ bằng những chuyện sắp xảy ra.

Chiếc tàu tiến tới bờ Malaysia. Nhưng Tuần dương Malaysia chặn và kéo tàu ngược ra vùng biển quốc tế.

Họ không muốn đón nhận thuyền nhân.

Nhảy xuống biển

Biết rằng Malaysia buộc phải nhận người tị nạn nếu họ dạt lên bờ, thuyền trưởng ra lệnh dùng búa tạ đập nát các máy tàu và hành khách bắt đầu phá tan con tàu, dùng những miếng ván làm phao.

Ông bà Trinh kể họ không có thời gian để lo sợ khi tàu bắt đầu chìm.

Ông Sam kể, “Tôi nhảy xuống biển.” Sợ rúm người, con gái bốn tuổi Judy không chịu nhảy, nên mẹ phải quăng cô xuống.

Ông Sam kể, “[Tôi vòng tay] ôm Judy rồi bơi vào bờ.”

Tiếp theo là bà Rebecca, ôm con gái Helen hai tuổi nhảy xuống và bơi vào bờ.

Họ được nhận và sống tại một trại tị nạn Malaysia trong ba tháng.

Viên chức Bộ Di trú Canada Scott Mullin phỏng vấn người tị nạn Việt Nam muốn định cư ở Canada vào năm 1979. (Ảnh: CBC)

Sau đó giới chức di trú Canada tới, mang tới cho họ niềm hy vọng có quê hương mới ở Canada.

Scott Mullin là một trong những viên chức di trú phỏng vấn hàng trăm người tị nạn mỗi ngày.

Hầu hết không có giấy tờ và không có cơ sở dữ liệu máy tính để xác minh những câu chuyện của họ.

Vì vậy, ông Mullin và các viên chức khác như ông phải dựa trực cảm của họ khi quyết định ai sẽ được tới Canada.

Ông Mullin nói tiềm năng trở thành một trong những tiêu chí quan trọng nhất.

“Chẳng hạn một cô bé tám hoặc chín tuổi ở trại tị nạn mà học được vốn liếng tiếng Anh đáng kinh ngạc khi ở trại.”

Gia đình Trinh trong mùa đông đầu tiên ở Lethbridge, Alberta. Áo quần và đồ đạc nội thất của họ do nhà thờ của họ và hội từ thiện Salvation Army tặng. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Ba mươi năm sau, ông Mullin ngấn lệ khi xem chương trình Phút Di sản diễn lại vai trò của Canada trong việc cho phép rất nhiều người tị nạn Việt Nam đang tuyệt vọng được định cư.

Ông nói, “Canada được lợi nhờ đó.”

Tấm gương cho người Syria

Đó là bài họ mà ông Mullin cho rằng vẫn còn giá trị sau gần bốn thập niên.

“Khi chúng ta trải qua những cuộc tranh luận như cách đây chẳng bao lâu về việc người tị nạn Syria tới [Canada], đôi khi chúng ta quên nhìn lại một chút và nói rằng chúng ta có truyền thống làm chuyện này khá tốt ở Canada.”

Ông bà Trinh gặp nhiều khó khăn qua nhiều năm tháng, phải làm việc nhiều giờ với những công việc trả lương thấp ở Lethbridge, Alberta, trong khi vừa theo học tiếng Anh.

Gia đình 4 người tới Canada năm 1979 nay đã thành gia đình 11 người, kể cả cháu. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Nhưng họ đã thành công. Ông Sam trở thành thợ hàn, bà Rebecca là cố vấn tài chính, và gia đình bốn người đào thoát khỏi một chế độ đàn áp ở Việt Nam nay đã có 11 thành viên ở Canada.

Judy Trinh nói, “Tôi nghĩ đối với một số người, có hàm ý xấu khi dùng từ ‘người tị nạn’. Đối với tôi, từ này nghĩa là người sống sót, nghĩa là sức mạnh, nghĩa là khả năng bền chí.”

Nguồn: CBC 20/6/2017.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Bài liên quan: Hồi tưởng hành trình tới Canada của người Việt tị nạn

Tham khảo thêm: Chuyến tàu làm thay đổi chính sách di trú của Canada

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.