Phạm Vũ Lửa Hạ

Tuần trước, trả lời phỏng vấn của đài CTV, dân biểu Bảo thủ Pierre Poilievre, chuyên trách phản biện tài chính tại Hạ viện Canada (finance critic, còn gọi là shadow finance minister), gọi Justin Trudeau là ‘a politician of conviction’.

Ông Poilievre không dùng nghĩa bóng của từ ‘conviction’ để chỉ ‘sự/niềm tin (mãnh liệt)’ như trong cụm từ ‘a man of conviction’. Mà ông dùng nghĩa đen ‘(sự) kết án / kết tội’.

(Để khỏi lạc đề chỗ này, coi một ví dụ về chơi chữ ‘conviction’ ở cuối bài.)

Ông nhắc tới chuyện Trudeau đã hai lần bị Ủy viên Đạo đức liên bang kết luận vi phạm luật đạo đức liên bang vì xung đột lợi ích (conflict of interest). Và Trudeau đang bị Ủy viên Đạo đức điều tra lần thứ ba trong một vụ scandal giữa mùa đại dịch.

Lần đầu là khi được tỷ phú Aga Khan bao trọn gói cho chuyến vacation của gia đình ông và bạn bè trên hòn đảo thuộc sở hữu của tỷ phú đó. Aga Khan có nhiều quốc tịch (Anh, Canada …), có nhiều mối làm ăn và hoạt động từ thiện tại nhiều nước lớn. Chuyến đi nghỉ đó diễn ra giữa lúc Aga Khan đang vận động chính phủ Canada tài trợ 50 triệu đô cho hoạt động từ thiện của mình. Lần đó, Trudeau xin lỗi sau khi bị phát giác. Rồi bị điều tra và kết tội.

Lần thứ hai là vụ SNC-Lavalin, đình đám hơn, và xảy ra ngay trong năm bầu cử liên bang 2019. Báo chí phát hiện Trudeau và văn phòng thủ tướng gây áp lực buộc bà bộ trưởng tư pháp & tổng chưởng lý bãi bỏ truy tố hình sự đối với tập đoàn công chánh ở Montreal (quê của Trudeau). Vụ đó khiến bà Jody Wilson-Raybould bị giáng chức, điều chuyển nắm bộ nhỏ hơn là bộ cựu chiến binh. Cần nói thêm là Wilson-Raybould là người phụ nữ bản địa (thổ dân) đầu tiên nắm chức bộ trưởng tư pháp. Vụ đó cũng khiến một nữ bộ trưởng lừng lẫy khác là Jane Philpott từ chức Chủ tịch Hội đồng Ngân khố (tức là người nắm hầu bao chi tiền cho nhà nước) để ủng hộ đồng nghiệp của mình; bác sĩ Philpott trước đó là bộ trưởng y tế. Hai bà cựu bộ trưởng này vì vậy vì tống cổ khỏi khối dân biểu (caucus) Đảng Tự do. Vụ đó ban đầu Trudeau và cấp dưới cứ chối quanh, nhất quyết không nhận & không xin lỗi. Về sau chỉ xin lỗi vài câu cho có lệ.

Lần điều tra này, lần thứ ba, đang diễn ra. Cuối tháng 6, Trudeau loan báo chương trình tài trợ cho sinh viên làm thiện nguyện phụng sự quốc gia trong mùa đại dịch. Chương trình này sẽ trả $1000 cho 100 giờ làm thiện nguyện, với mức tối đa là $5000, và số tiền này sẽ dành để trả học phí và các chi phí học hành của sinh viên trong năm tới. Thiện nguyện thường là làm không lương, nay được trả $10/giờ (thấp hơn lương tối thiểu ở Ontario là $14/giờ).

Ý tưởng về chương trình này thực ra đã được nêu từ hồi tháng 4, nhưng phải tới tháng 6 mới thành hình. Khi công bố hồi cuối tháng 6, Trudeau cho biết đã chọn tổ chức từ thiện WE là đơn vị duy nhất được giao thực hiện chương trình có kinh phí tổng cộng 912 triệu đô. (Riêng phần WE được trả hơn 43.5 triệu đô.)

Lý do chính phủ không cho đấu thầu chương trình này: chỉ có WE mới đủ năng lực thực hiện chương trình cấp bách và quy mô lớn này, và bản thân bộ máy hành chính công quyền của chính phủ không kham nổi. Tào lao! Từ đầu đại dịch, các bộ ngành đã đảm trách nhiều chương trình ứng phó khẩn cấp cho người dân và doanh nghiệp với kinh phí mấy trăm tỷ đô.

Ngay sau khi quyết định này công bố, mọi bên tả hữu, trừ Đảng Tự do [cánh tả] cầm quyền, chỉ trích kịch liệt vì ai cũng biết quá rõ mối quan hệ khắng khít giữa WE và Đảng Tự do (Liberals), đặc biệt là với Trudeau và gia đình ông. Chỉ một vài ngày sau đó, chính WE tự rút, không dám nhận hợp đồng nữa.

Sau đó, báo chí liên tiếp khui ra những ví dụ xung đột quyền lợi. Trong nhiều năm qua, WE đã trả tổng cộng hơn $350000 ‘cát-sê’ cho mẹ, em trai và vợ Trudeau để diễn thuyết tại các sự kiện của WE; nhiều nhất là mẹ, rồi tới em trai. Vợ Trudeau chỉ được trả tiền một lần chừng $1400, nhưng rất nhiều lần diễn thuyết cho WE, và là Đại sứ WE.

Lúc vụ scandal này lộ ra hồi cuối tháng 6, Trudeau biết là không giấu được nên xin lỗi vì đã không tự rút khỏi thảo luận và quyết định giao hợp đồng bạc tỷ cho WE, nhưng chối là không biết người thân của mình được WE trả tiền. Lại tào lao!

Mối quan hệ khắng khít như môi với răng giữa gia đình Trudeau và WE đâu chỉ có vậy. WE bị giới chỉ trích coi là ‘đoàn thanh niên’ của Đảng Tự do. Bản thân Trudeau (và vợ) đã tham gia rất nhiều hoạt động của WE từ lâu, trước khi thành dân biểu. Năm 2008, WE là bệ phóng để Trudeau lần đầu đắc cử dân biểu, tiếp tới thành thủ lãnh Đảng Tự do, rồi thành thủ tướng năm 2015. Khi mới được bầu vô Hạ viện, Trudeau chuyên trách phản biện chính sách thanh niên (youth critic) cho Đảng Tự do (lúc đó là đảng đối lập). Khi thành thủ tướng, Trudeau kiêm nhiệm bộ trưởng thanh niên một thời gian. Lúc đó Trudeau mới hết trực tiếp can dự. Chỉ còn vợ gắn kết với WE.

Chưa hết, tới lượt hai con gái của bộ trưởng tài chính Bill Morneau cũng bị phát hiện có làm việc (dài hạn và hợp đồng) cho WE, trong đó có một người từng diễn thuyết có thù lao cho WE. Bộ trưởng Morneau cũng đã xin lỗi vì đã không tự rút khỏi thảo luận và quyết định giao hợp đồng.

Ngoài cuộc điều tra của Ủy viên Đạo đức của Hạ viện về thủ tướng Trudeau, các đảng đối lập đang tổ chức điều trần về vụ này tại ủy ban tài chính và ủy ban đạo đức.

Tại cuộc điều trần (trực tuyến) của ủy ban tài chính hôm nay 22/7/2020, bộ trưởng tài chính Bill Morneau thú nhận là gia đình của ông từng được WE tài trợ cho hai chuyến đi Ecuador và Kenya dưới danh nghĩa tìm hiểu hoạt động nhân đạo của WE, nhưng ban đầu không biết là WE trang trải chi phí, và về sau ông đã trả lại $41000 cho WE. Ngay sau cuộc điều trần này, các đảng đối lập đưa kiến nghị đề nghị Morneau từ chức. Kiến nghị này sẽ được tranh luận trong phiên điều trần tuần tới.

Lúc đầu, Trudeau nhất quyết không chịu ra điều trần trước hai ủy ban này. Đảng Bảo thủ (cánh hữu, đảng đối lập chính thức) đã chính thức đề nghị cảnh sát liên bang vào cuộc điều tra hình sự về vụ Trudeau-WE.

Hôm nay, sau buổi điều trần của bộ trưởng Morneau, Trudeau xuống nước, nói là sẽ ra điều trần, có lẽ ngửi thấy không giấu được.

Phim này còn dài và hay.

Giờ tạm điểm thêm vài bình luận của mọi bên tả hữu.

Bỉnh bút Christ Selley của National Post (hữu khuynh): Những vụ xì căng đan đạo đức như vụ WE nếu ở nước khác là bắt buộc từ chức rồi. Nhưng đây là Canada.

Bỉnh bút Andrew Coyne của nhật báo The Globe and Mail (trung dung, hơi hữu khuynh, nhưng nhiều lúc cũng tả khuynh): Chế độ/kiểu mặc định của ông ta là giấu giếm; rồi, một khi bất cứ chuyện gì mà ông ta đã hy vọng giấu giếm tất yếu sẽ bị hé lộ, cù nhây cản trở; sau đó, phủ nhận chuyện không thể cù nhây cản trở nữa … để rồi cuối cùng xin lỗi khi mọi cố gắng biện bạch đã thất bại. (Bài này được Robert Fife dẫn trên Twitter. Robert Fife chính là ký giả của The Globe and Mail đã khui ra vụ SNC-Lavalin năm ngoái.)

Bỉnh bút Rex Murphy của nhật báo National Post: Khi ‘xin lỗi” chẳng còn nghĩa lý gì nữa.

Thủ lãnh Đảng NDP (cánh tả, có phần cực tả) Jagmeet Singh: Thưa ông Trudeau, xin lỗi không đủ khi lời xin lỗi chỉ vì ông bị phát hiện. Chuyến đi Aga Khan – bị phát hiện. Giúp bạn bè ở SNC-Lavalin – bị phát hiện. Hội từ thiện WE – bị phát hiện. Nói xin lỗi trước ống kính là vô nghĩa khi ông cứ tiếp tục làm cùng những chuyện đó trong bí mật. 

Biếm họa của Gary Clement của nhật báo National Post: Trudeau không đọc được chữ ‘ethics’ (‘đạo đức’).

Ngoài lề: Như đã hứa ở trên, xin nêu một ví dụ chơi chữ ‘conviction’. Cách đây chừng 10 năm có bộ phim “Conviction” do Hilary Swank thủ vai chính. Nữ nhân vật chính có người anh trai bị kết tội (nghĩa thứ nhất của từ conviction) sát nhân và bị án chung thân. Cô ta có niềm tin mãnh liệt (nghĩa thứ hai của từ ‘conviction’) là anh mình vô tội, và quyết định vừa làm vừa học luật, và sau mười mấy năm thành luật sư, giúp anh trai kháng cáo thành công.

© Canada Info.

3 thoughts on “Justin Trudeau – một ‘chính khách tội lỗi’ không hiểu chữ ‘đạo đức’

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.