Phó thủ tướng Chrystia Freeland đã bắt đầu vạch kế hoạch để Canada áp dụng các biện pháp đánh thuế trả đũa đối với nhiều sản phẩm nhôm sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa đánh thuế nhập khẩu đối với nhôm Canada.

Phó thủ tướng Chrystia Freeland tại một cuộc họp báo ở Toronto, hôm 7/8/2020. (Ảnh: Cole Burston/The Canadian Press)

Phó thủ tướng Freeland hôm thứ Sáu 7/8 loan báo rằng trong vòng 30 ngày tới chính phủ liên bang sẽ tham vấn ngành sản xuất nhôm về danh sách dài các sản phẩm Mỹ mà Canada sẽ đánh thuế trả đũa “từng đô một”.

Trong danh sách những sản phẩm nhôm của Mỹ có thể bị Canada đánh thuế nhập khẩu 10% có:

  • Lon nước giải khát bằng nhôm;
  • Đồ gia dụng như giấy thiếc, chậu và miếng cọ rửa;
  • Vật liệu xây dựng như đinh, đinh đầu bẹt, kim bấm và đinh vít;
  • Hàng kim khí điện máy như tủ lạnh và máy giặt; và
  • Các vật dụng giải trí như xe đạp, gậy đánh golf, thiết bị sân chơi và giá ba chân.

Freeland cho biết người Canada sẽ có tới ngày 6/9/2020 để nộp ý kiến của họ về danh sách sản phẩm cuối cùng.

Bà nói rằng các loại thuế nhập khẩu “hoàn toàn đối ứng” này sẽ có cách tiếp cận giống hệt như biện pháp mà chính phủ liên bang đã áp dụng vào năm 2018.

“Mục tiêu của chúng tôi hiện nay, hoàn toàn giống như lần trước, là gây mức thiệt hại tối thiểu cho Canada, và gây tác động lớn nhất khả dĩ đối với Hoa Kỳ. Giới chức thương mại của chúng tôi đã làm việc rất, rất kỹ lưỡng về danh sách này. Và chúng tôi quả thực hy vọng rằng khi người Mỹ nhìn danh sách này, họ sẽ hiểu tại sao không nên sa vào tranh chấp thuế nhập khẩu,” Freeland nói. “Chúng tôi sẽ không xuống nước.”

Hôm thứ Năm 6/8, tổng thống Trump loan báo kế hoạch đánh thuế 10% đối với nhôm nguyên liệu từ Canada bắt đầu từ ngày 16/8. Loại thuế đánh vào nhôm chưa chế biến nhập khẩu từ Canada được áp dụng theo Phần 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại Hoa Kỳ, phần này quy định về hàng nhập khẩu có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Freeland cho rằng thuế nhập khẩu của Trump là “không cần thiết, vô căn cứ và hoàn toàn không thể chấp nhận được”, và nói rằng hiện nay chẳng ai cần tới chúng do hiện trạng của nền kinh tế giữa lúc có đại dịch COVID-19.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tham quan dây chuyền sản xuất tại nhà máy sản xuất máy giặt của công ty Whirlpool, ở Clyde, Ohio, hôm 6/8/2020. (Ảnh: REUTERS/Joshua Roberts)

Bà chỉ ra rằng những chiếc máy giặt được sản xuất tại nhà máy Whirlpool mà Trump dùng làm nơi công bố thuế nhập khẩu mới này sẽ đắt hơn cho người Mỹ và giảm tính cạnh tranh trên toàn cầu vì có thuế này.

Canada đưa ra lời hứa đánh thuế trả đũa chỉ mấy giờ sau khi Trump loan báo thuế này, và giữa lúc các đảng đối lập ở Canada lên án chính phủ Đảng Tự do chậm phản ứng.

Thủ hiến Doug Ford của Ontario cho biết ông đã nói chuyện với phó thủ tướng Freeland vào sáng thứ Sáu 7/8 về thuế nhập khẩu “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm sản xuất ở Canada.

“Chúng ta mua nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh cộng lại. Ai lại làm vậy? Giữa thời buổi này, ai lại tìm cách tấn công đồng minh thân thiết nhất của mình? Đối tác thương mại thân thiết nhất của mình? Khách hàng số một của mình trên toàn thế giới? Ai lại làm vậy? Tổng thống Trump đã làm vậy và tôi khuyến khích phó thủ tướng đánh thuế trả đũa đối với càng nhiều hàng hóa càng tốt,” thủ hiến Ford nói.

“Chính quyền bảo hộ nhất trong lịch sử Mỹ”

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại nhà máy sản xuất máy giặt của công ty Whirlpool, ở Clyde, Ohio, hôm 6/8/2020. (Ảnh: AP/Tony Dejak)

Khi công bố thuế nhập khẩu lần này, tổng thống Trump lên án Canada “lợi dụng” Hoa Kỳ. Ông nói rằng ngành nhôm ở Mỹ đã bị Canada làm kiệt quệ, cho rằng như vậy là “rất không công bằng” và lên án các hãng sản xuất Canada xuất hàng tràn ngập thị trường Mỹ.

Các hiệp hội nhôm Canada và Mỹ đã bác bỏ nhận định đó, và các tổ chức ngành nghề khác đã nói rằng thuế nhập khẩu sẽ gây hại cho các doanh nghiệp ở cả hai nước.

Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Canada Jean Simard phát biểu trên đài CTV News rằng các hãng sản xuất ở Canada không bán phá giá nhôm, mà bán với mức giá quốc tế hiện hành.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Tom Dobbins nói rằng tổ chức của ông — đại diện cho ngành sản xuất nhôm và việc làm trong ngành nhôm ở Mỹ — những báo cáo về bán phá giá là “hết sức phóng đại” và “cố ý chọn lọc” từ những số liệu của một nhóm nhỏ các công ty sẽ hưởng lợi từ thuế này.

Hôm 7/8, phó thủ tướng Freeland còn đi xa hơn nữa khi nói rằng động thái mới nhất của Trump cho thấy “chính quyền này là chính quyền bảo hộ nhất trong lịch sử Mỹ”.

Phim năm 2018 chiếu lại?

Đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử gần đây Mỹ và Canada đánh thuế nhập khẩu lẫn nhau. Trump đánh thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm từ Canada vào tháng 5/2018, giữa lúc các cuộc đàm phán hiệp định NAFTA mới đang diễn ra. Hiệp định NAFTA mới chỉ mới có hiệu lực vài tháng nay.

Lần đó, thuế nhập khẩu được áp dụng khoảng một năm, và trong thời gian đó Canada đánh thuế trả đũa 16.6 tỷ đố đối với thép và nhôm từ Mỹ, cũng như thuế đối với nhiều hàng hóa khác như cà phê, thức ăn làm sẵn, pizza, chocolate, gia vị, giấy toilet, thùng bia, whiskey, nhiều hàng gia dụng, và tàu thủy. Các loại thuế nhập khẩu đó mất một năm mới được bãi bỏ.

“Chính phủ chúng tôi sẽ luôn bảo vệ ngành nhôm và công nhân Canada. Như chúng tôi đã làm trong đàm phán NAFTA, chúng tôi sẽ có cách tiếp cận ‘vì Canada’,” phó thủ tướng Freeland nói.

Phần 232 cũng đã được Mỹ dùng làm căn cứ đánh thuế trong lần tranh chấp năm 2018. Cũng như lần đó, phó thủ tướng Freeland bác bỏ lời tố cáo Canada là mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Mỹ.

“Đó là một ý tưởng lố bịch. Ngược lại, nhôm Canada thiết yếu cho công nghiệp Hoa Kỳ, bao gồm cả công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ. Mấy chục năm qua Canada đã là một nước cung cấp nhôm ổn định,” bà nói.

Theo quy tắc xuất xứ hiện tại cho xe sản xuất bên trong khối NAFTA theo hiệp định mới, 70% thép và nhôm do các hãng sản xuất xe Bắc Mỹ phải được sản xuất tại Bắc Mỹ, nghĩa là quyết định đánh thuế của Trump sẽ khiến giá xe tăng ở cả hai nước.

Trả lời phỏng vấn của đài CTV News, đảng viên Đảng Dân chủ và cựu đại sứ Mỹ ở Canada Bruce Heyman nói rằng động thái của Trump là một nước cờ chính trị và gắn với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

“Ông ta quay lại với chiêu trò cũ, chiêu trò của năm 2016 khi ông lên án các đồng minh của chúng tôi lợi dụng Hoa Kỳ. Nếu ông ta nghĩ rằng điều đó đã giúp ích cho mình và ông ta có thể thắng ở các tiểu bang vùng Trung Tây bằng nước cờ đó,” Heyman nói. “Điều đó có tác động thực tế đối với mối quan hệ giữa hai nước, đối với công nhân ngành nhôm, và tiện đây xin nói là hiện Mỹ đang khan hiếm lon bia… Và rốt cuộc, giá cả hàng hóa sẽ đều tăng lên và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả nhiều hơn.”

Phó thủ tướng Freeland nói bà lạc quan rằng trong tuần sắp tới Mỹ sẽ nhận ra các tác động tiêu cực của nước cờ thương mại này đối với kinh tế nội địa Mỹ và quyết định rút lại quyết định đánh thuế nhập khẩu trước khi chúng có hiệu lực.

Nguồn: CTV, CBC, 6/8 & 7/8/2020.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.