Canada và Trung Quốc ký hiệp ước không tấn công mạng để ăn cắp bí quyết kinh doanh

0

Trung Quốc đã ký hiệp ước với Canada mà qua đó Trung Quốc hứa sẽ chấm dứt tiến hành hoặc hậu thuẫn các cuộc tấn công mạng nhằm ăn cắp các bí quyết kinh doanh và công nghệ có bản quyền của khu vực tư nhân Canada.

Hiệp ước về tình báo công nghiệp này được bàn thảo hôm thứ Sáu 23/6 trong các cuộc hội đàm cấp cao ở Ottawa giữa Uông Vĩnh Thanh (Wang Yongqing), tổng thư ký Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Daniel Jean, cố vấn an ninh quốc gia và tình báo của Thủ tướng Justin Trudeau.

Một thông cáo chính thức chung của Canada và Trung Quốc viết, “Hai bên đã thỏa thuận rằng chính phủ mỗi nước sẽ không tiến hành hay cố tình hậu thuẫn việc ăn cắp qua mạng tài sản trí tuệ, trong đó có bí quyết kinh doanh hoặc các thông tin kinh doanh bí mật khác, với ý định tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các công ty hay ngành thương mại.”

Hiệp ước song phương này được ký kết bốn ngày sau khi Thủ tướng Trudeau có cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trong đó hai vị lãnh đạo tập trung bàn về vòng đàm phán thứ ba sắp diễn ra để khảo sát khả năng ký hiệp định thương mại tự do.

Hiệp ước mới này chỉ đề cập về gián điệp kinh tế – dùng tin tặc ăn cắp bí quyết doanh nghiệp – chứ không ngăn ngừa Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công mạng được nhà nước hậu thuẫn chống lại chính phủ hoặc quân đội Canada như Trung Quốc từng làm vào năm 2014, khi tin tặc Trung Quốc xâm nhập vào các computer chính tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia của Canada.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Canada có tham dự các cuộc đàm phán hôm thứ Sáu 23/6 cho biết hiệp ước này vẫn nên được xem là một bước quan trọng hướng tới giải quyết vấn nạn lớn hơn về hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

“Đây là điều mà cách đây 3 hoặc 4 năm, Bắc Kinh thậm chí không thèm đối thoại,” theo vị quan chức không được phép phát biểu đại diện chính thức cho chính phủ.

Gần đây Trung Quốc ký các hiệp ước tương tự về an ninh mạng với Mỹ, Vương quốc Anh, Úc, Brazil và Nga.

Trong nhiều năm qua, theo giới chức Mỹ, tin tặc Trung Quốc đã ăn cắp tài sản trí tuệ quý giá và các bí quyết kinh doanh khác từ các hãng công nghệ cao, hãng dược phẩm, tổ chức tài chính và các công ty khác ở phương Tây.

Kể từ khi Washington và Bắc Kinh ký hiệp ước vào năm 2015, được biết mức độ tấn công tin tặc được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn nhắm vào các công ty Mỹ đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nghi ngờ rằng quyết định của Trung Quốc ký hiệp ước về an ninh mạng với Mỹ, Canada và các nước khác chỉ là sự thay đổi về chiến thuật. Điều này có thể bao gồm ứng dụng các kỹ thuật tân tiến hơn và bí mật hơn để tấn công mạng.

“Trung Quốc có thể trở nên bí mật và tinh vi hơn trong các vụ tấn công của họ. Thực vậy, FireEye đã nhận thấy rằng sự sút giảm về số vụ tấn công [ở Mỹ] có thể đồng hành với sự gia tăng về mức độ tinh vi của các vụ tấn công.” Chuyên gia an ninh mạng Adam Segal đã viết như vậy trong một số mới đây của tạp chí Foreign Affairs (Các vấn đề đối ngoại). FireEye là một hãng an ninh mạng chuyên chống các mối nguy tấn công mạng tân tiến.

Những chuyên gia khác nói rằng Trung Quốc đã chuyển sang ưa chuộng dùng “cửa trước” để lấy được công nghệ tinh vi của phương Tây. Thay vì dùng tin tặc xâm nhập máy tính bằng “cửa sau”, Bắc Kinh đã dùng các thương vụ mua lại những công ty phương Tây làm phương tiện chuyển giao một cách hợp pháp những công nghệ rất được mong muốn về Trung Quốc.

Vị quan chức Canada thừa nhận đây là một vấn nạn khả dĩ, nhưng cho biết Canada cảnh giác trước chiến thuật mới nhất này.

Vị quan chức nói, “Tất cả các quốc gia đều đối mặt với thực tế nan giải là vừa muốn thu hút đầu tư nước ngoài vừa muốn bảo vệ các công nghệ và tài sản nhạy cảm nhất của mình. Tôi có thể nói rằng chúng tôi có các đồng nghiệp cấp cao ở Ottawa xem xét từng trường hợp một.”

Trong bốn tháng qua, giới đầu tư Trung Quốc đã mua ITF Technologies ở Montreal – hãng sản xuất công nghệ laser chất lượng dùng cho quân đội – và Norsat International, hãng ở Vancouver chuyên bán thiết bị viễn thông vệ tinh cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Bộ Quốc phòng Mỹ và Lực lượng Tuần dương Canada.

Chính phủ cũ của Thủ tướng Harper đã ngăn cản thương vụ bán ITF sau khi một cuộc đánh giá an ninh quốc gia toàn diện kết luận rằng nó sẽ gây phương hại cho lợi thế công nghệ của các quân đội phương Tây. Tuy nhiên, chính phủ của Đảng Tự do đã đảo ngược quyết định ngăn cản này và phê chuẩn thương vụ bán công ty này cho O-Net of Hong Kong, một công ty có một phần sở hữu thuộc một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Trong trường hợp Norsat, nội các của Thủ tướng Trudeau đã phê chuẩn thương vụ bán cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hytera Communications mà không tiến hành một cuộc đánh giá an ninh quốc gia chính thức và toàn diện.

Hai cựu giám đốc tình báo của Canada – Richard Fadden và Ward Elcock – đã nói rằng nếu là họ, thì họ đã khuyến nghị tiến hành cuộc đánh giá an ninh quốc gia. Các hạ nghị sĩ trong ủy ban quân lực của Hạ viện Mỹ và một tổ chức theo dõi nghị viện đã công khai chỉ trích việc phê chuẩn thương vụ Norsat.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã nói rõ với chính phủ của Đảng Tự do rằng họ xem các cuộc đánh giá an ninh quốc gia là biện pháp bảo hộ và muốn quy trình đó là một phần của các đàm phán hiệp định thương mại tự do.

Vị quan chức cấp cao Canada nói các cuộc hội đàm hôm 23/6 không bàn về cả Norsat lẫn các cuộc đánh giá an ninh quốc gia. Ông không chịu bàn về Norsat nhưng nhấn mạnh rằng có các biện pháp phòng ngừa ngay cả khi Ottawa phê chuẩn việc một nhà đầu tư mua lại một công ty công nghệ cao của Canada.

Trong các cuộc hội đàm về nhiều vấn đề, ông Uông Vĩnh Thanh cũng thúc giục Canada tham gia đàm phán trọn vẹn về một hiệp ước dẫn độ.

Vị quan chức cấp cao Canada cho biết ông Jean nói với phái đoàn Trung Quốc (trong đó có ba phó thủ tướng) rằng Canada không thể ký một hiệp định như vậy cho tới khi Bắc Kinh cải tổ hệ thống tư pháp của mình, một hệ thống chịu sự kiểm soát của Đảng Cộng sản.

Ông cho biết Canada cần Trung Quốc bảo đảm rằng bất cứ ai bị dẫn độ về Trung Quốc sẽ được xét xử công bằng và không bị tra tấn hoặc chịu án tử hình.

Tuy nhiên, vị quan chức cho biết ông Jean có nói với phía Trung Quốc rằng họ có thể đề nghị dẫn độ một công dân Trung Quốc ở Canada thông qua Liên Hợp Quốc; Liên Hợp Quốc cho phép các quốc gia yêu cầu trả về những người dính líu vào các tội kinh tế.

Trong các thảo luận hôm 23/6, hai bên đồng ý phê chuẩn một hiệp định cho phép trả về số tiền ăn cắp từ hoạt động tội phạm và rửa tiền. Họ cũng bàn về việc khôi phục một chương trình mà qua đó Canada gởi chuyên gia sang Trung Quốc để huấn luyện thẩm phán và công chức. Chương trình đó đã bị chính phủ cũ của Thủ tướng Harper bãi bỏ.

Đây là cuộc họp thứ hai giữa các quan chức cấp cao của hai nước từ khi Thủ tướng Trudeau lần đầu tiên thăm Trung Quốc vào năm 2016 để hội đàm cấp cao với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Cuộc họp kế tiếp của Đối thoại An ninh Quốc gia và Pháp trị Cấp cao Canada-Trung Quốc sẽ được tổ chức ở Bắc Kinh vào năm tới.

Nguồn: The Globe and Mail 26/6/2017.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.