Trợ cấp COVID-19 ở Canada ‘hào phóng’ hơn nhiều nước phát triển khác, theo OECD

0

Chi tiêu của chính phủ liên bang để trợ giúp tài chính trong thời kỳ cao điểm của đại dịch toàn cầu ở Canada cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển khác, đủ để tăng thu nhập hộ gia đình trong thời kỳ nền kinh tế rơi tự do.

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thu nhập hộ gia đình ở Canada tăng 11% trong quý 2 năm 2020, trong khi thu nhập ở các quốc gia phát triển khác như Anh, Pháp và Đức giảm. Thu nhập gia đình tăng dù nền kinh tế Canada sụt giảm hơn 10% trong cùng kỳ, ngay sau khi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng trên toàn quốc.

Những con số này cho thấy chính phủ Đảng Tự do đã chi tiêu quá nhiều cho các chương trình trợ cấp khẩn cấp, khiến giới chuyên gia kinh tế đắn đo về mức độ phản ứng bằng chính sách tài khóa chừng nào là cần thiết để trợ giúp người dân Canada đương đầu với tác hại kinh tế.

“Điều đó đặt ra một câu hỏi rất nghiêm túc về việc liệu chúng ta có phản ứng quá đà hay không,” Jack Mintz, nhà kinh tế học tại Trường Chính sách Công của Đại học Calgary, nói. “Giúp dân vượt qua đại dịch vì họ mất thu nhập là một chuyện. Nhưng thực sự làm cho họ giàu hơn là một chuyện khác.”

Báo cáo của OECD được đưa ra vài tuần sau khi một báo cáo khác của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng thâm hụt theo tỷ lệ phần trăm GDP của Canada sẽ là mức lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào vào năm 2021, ở mức 19.9%. Theo dự báo của IMF, sau Canada, các nước có thâm hụt cao tiếp theo là Mỹ (18.7%) và Anh (16.5%).

Các chuyên gia đồng tình rằng nhà nước cần phải có trợ cấp bằng chính sách tài khóa ở mức độ nào đó để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và thay thế thu nhập bị mất của người thất nghiệp. Nhưng Mintz và những người khác từ lâu đã cho rằng các chương trình trợ cấp của liên bang lẽ ra đã nên giảm bớt để khuyến khích người lao động làm việc trở lại và tránh bội chi.

“Về thu nhập bị mất, đúng ra là trợ cấp để thu nhập không đổi,” ông nói. “Nhưng đương nhiên là không giúp tăng.”

Chính phủ Đảng Tự do đã đưa ra một số chương trình trợ cấp khẩn cấp ngay từ đầu đại dịch, được các doanh nghiệp và công chúng ủng hộ. Trợ cấp Ứng phó Khẩn cấp Canada (CERB) cấp cho người thất nghiệp $2000 mỗi tháng, trong khi Trợ cấp Trả lương Khẩn cấp Canada (CEWS) trả tới 75% tiền lương cho các doanh nghiệp để nhân viên tiếp tục có việc làm.

Cả hai chương trình này sẽ có tổng chi phí hơn 150 tỷ Gia kim vào cuối tháng 12, theo ước tính của chính phủ. Thâm hụt liên bang được dự báo sẽ ​​lên tới 350 tỷ Gia kim vào năm 2021, sau đó giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

“Canada đã hào phóng hơn hầu hết các quốc gia khác trong việc cung cấp biện pháp kích thích nhanh chóng,” Avery Shenfeld, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng CIBC, nhận định.

Các chuyên gia kinh tế nhìn chung đồng ý rằng các biện pháp chi tiêu hiện tại sẽ cần phải được cắt giảm sớm, nếu không thì có nguy cơ làm chậm tốc độ hồi phục về sau. Hồi cuối mùa hè, chính phủ liên bang đã có các động thái để giảm mức trợ cấp CERB từ $2000 xuống còn $1600 mỗi tháng, nhưng cuối cùng đã từ bỏ những kế hoạch đó sau khi bị áp lực từ Đảng Tân Dân chủ (NDP).

Sau đó, chính phủ đã chuyển sang loại Trợ cấp Hồi phục Canada (CRB) $2000 mỗi tháng, theo chuyên gia Shenfeld có một số điều khoản sẽ tạo động cơ khuyến khích tốt hơn để người lao động trở lại làm việc.

Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính Chrystia Freeland không cung cấp chi tiết về việc bà sẽ vạch lộ trình ra sao để trở lại với ngân sách trước đại dịch, và đã từ chối đưa ra một ước tính tài khóa cập nhật trong bản cập nhật ngân sách sắp tới của mình.

Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên của mình với tư cách là bộ trưởng tài chính vào cuối tháng 10, Freeland có nói bóng gió rằng chi tiêu cuối cùng sẽ được cắt giảm.

“Cách tiếp cận tăng chi tiêu tài khóa để chống coronavirus của chúng tôi không thể và sẽ không vô hạn,” bà nói.

Báo cáo của OECD cũng cho thấy Mỹ có mức thu nhập hộ gia đình tăng 10% trong quý 2, phần lớn là do Đạo luật CARES khẩn cấp được tổng thống Donald Trump thông qua vào tháng 4. Tuy nhiên, OECD cho biết mức tăng có thể chỉ là “tạm thời” vì các kế hoạch chi tiêu tài khóa mới vẫn kẹt ở Quốc hội.

Các quốc gia khác có thu nhập cao hơn bao gồm Ireland (3.6%), Úc (2.7%) và Phần Lan (1.1%). Ý giảm 7%, trong khi thu nhập hộ gia đình ở Anh giảm 3.5%.

Nguồn: National Post, 14/11/2020.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.