Bầu cử Mỹ 2020: Đảng Dân chủ thắng mà thua
Phạm Vũ Lửa Hạ
Kết quả bầu cử chưa ráo mực, nội bộ đảng Dân chủ đã lại hục hặc.
Hai tuần qua, ngoài chuyện tổng thống Donald Trump chưa chấp nhận thua Joe Biden và tiếp tục vác đơn đi kiện với nhiều cáo buộc bầu cử gian lận, báo chí liên tục tường thuật những mâu thuẫn giữa phe trung dung và phe cực tả trong đảng Dân chủ.
Tờ The Economist nhận định trong số ra ngày 14/11/2020 rằng ngoài Donald Trump, kẻ thua đậm (big loser) trong kỳ bầu cử Mỹ năm nay là Đảng Dân chủ. Tuy dự đoán là sẽ thâu tóm cả Tòa Bạch ốc lẫn lưỡng viện, đảng Dân chủ chỉ giữ được tỷ lệ đa số tại Hạ viện nhưng mất khoảng 6 ghế, được dự báo giành được ghế tổng thống cho Joe Biden với chênh lệch sít sao, và có lẽ không đạt mục tiêu giành lại đa số ở Thượng viện.
Do vậy, nếu rốt cuộc ngồi vào ghế tổng thống, Joe Biden có thể cũng chẳng ký ban hành được luật gì. Ông cũng có thể bị gò bó khi tiến cử cho các chức vụ nội các. Ví dụ, nếu ông tiến cử Stacey Abrams, anh thư làm nên chiến thắng khả dĩ của ông ở bang Georgia và nhân vật bị cánh hữu ghét cay ghét đắng, thủ lãnh Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell có thể cản đường bà như đã từng cản trở thành công khi thẩm phán Merrick Garland được tổng thống Obama tiến cử vào Tối cao Pháp viện năm 2016 (sau khi thẩm phán Antonin Scalia qua đời).
Đảng Dân chủ đã bắt đầu tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm về thất bại của mình. Những đảng viên bị bầm dập thuộc phe trung tả — gồm gần như tất cả các ứng cử viên Dân chủ tại các bang chiến địa — đổ thừa cho phe cực tả khiến họ bị xem là cực đoan (radical) và không đáng tin (untrustworthy).
Theo tờ Politico ngày 10/11, thượng nghị sĩ Doug Jones, người đã thua trước ứng cử viên Cộng hòa Tommy Tuberville tới 20 điểm tại bang Alabama, nói, “Chúng ta không phải là một loại tà đạo (demonic cult) nào đó như chúng ta bị khắc họa.”
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và nhóm lãnh đạo cảnh báo đảng Dân chủ đừng có cương lĩnh cực tả, nếu không muốn thua, theo tờ Politico ngày 5/11. Lời cảnh báo để chuẩn bị cho cuộc bầu cử lại ở bang Georgia để chọn hai thượng nghị sĩ liên bang vào tháng 1 sắp tới.
Toàn những vấn đề họ đã cắn răng mà vận động để lấy lòng giới cấp tiến (progressive – ngầm hiểu là cực tả [far-left]), và nay, sau khi chứng kiến kết quả bầu cử lưỡng viện không mỹ mãn như mong đợi, họ đành thú nhận và nài nỉ làm ơn bớt cực đoan nha mấy vị.
Dân biểu Jim Clyburn (bang South Carolina), trưởng ban kỷ luật của phe đa số – tức là phó tướng của bà Pelosi – tại Hạ viện, cảnh báo rằng đảng Dân chủ sẽ không thắng nếu tranh cử bằng Y tế Toàn dân, giảm ngân sách cho cảnh sát, bảo hiểm thuốc men miễn phí (If “we are going to run on Medicare for All, defund the police, socialized medicine, we’re not going to win.”)
Theo một đoạn ghi âm một cuộc họp giữa các dân biểu Dân chủ bị rò rỉ — trước khi Joe Biden được truyền thông dự báo thắng cử — hai phe đã cãi nhau kịch liệt. Cuộc đôi co đó tiếp tục trên mạng xã hội và lên tới mặt báo New York Times.
Dân biểu Conor Lamb, 36 tuổi, giành ghế Hạ viện tại khu vực bầu cử của mình ở bang Pennsylvania với chênh lệch sít sao. Ông nằm trong số những đảng viên Dân chủ ôn hòa nghĩ rằng các chính sách của phe cấp tiến đã gây tác hại cho đảng. Trả lời phỏng vấn của New York Times, ông kỳ vọng chính quyền Biden sẽ tránh xa [các chính sách của] phe cấp tiến khi trị quốc (‘govern with progressives at arm’s length’).
Abigail Spanberger, một đảng viên ôn hòa tái cử với tỷ lệ sít sao ở Virginia, cảnh báo rằng ngoài những vấn đề khác, đảng Dân chủ phải quyết tâm “không bao giờ dùng từ xã hội chủ nghĩa hoặc chủ nghĩa xã hội nữa” (“to not ever use the word socialist or socialism again”).
Dân biểu Gregory Meeks, bang New York, ngỏ ý tới bang Georgia để giải thích với cử tri rằng đảng Dân chủ không đồng tình với giới cấp tiến về mọi thứ. Tờ Politico ngày 10/11 dẫn lời ông nói rằng “Tôi không muốn ai nghĩ rằng tôi đang tìm cách giảm ngân sách cho cảnh sát”.
Phe cực tả, đặc biệt là ngọn cờ đầu đàn 31 tuổi, dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (AOC), lập tức phản đòn. AOC, vốn hãnh diện là người xã hội chủ nghĩa dân chủ, đáp trả: nội bộ đảng đã rất căng thẳng mà mấy vị đổ thêm dầu vô lửa là vô trách nhiệm nha. (“It’s irresponsible to pour gasoline on what is already very delicate tensions in the party.”). AOC chỉ trích rằng những đảng viên trung tả thất cử không hiểu cách vận động tranh cử trên mạng xã hội (chắc hàm ý không như cô, có tới 10 triệu người theo dõi trên Twitter). Phe ôn hòa nổi đóa.
Kể ra cũng dễ hiểu. Đảng Dân chủ thất cử nhiều nơi dù có lợi thế rất lớn về tiền bạc và đấu với một đối thủ Cộng hòa mà trong bốn năm qua dường như đã bỏ bê việc trị quốc. Đảng Cộng hòa không thông qua được luật quan trọng nào ngoài giảm thuế. Đảng Cộng hòa không có chính sách y tế. Vậy mà các ứng cử viên Dân chủ lại tụt hậu so với Joe Biden ở hầu như mọi nơi. Và có những dấu hiệu — ngoài những gì dân biểu Spanberger và các ứng cử viên Dân chủ tại các bang chiến địa nghe được từ cử tri của họ hàng ngày — cho thấy rằng cảm nhận về “cánh tả cực đoan” (“radical leftism”) của đảng Dân chủ là một nguyên nhân lớn. Đảng Dân chủ đã mất phần lớn sự ủng hộ của hai nhóm cử tri vô cùng căm ghét chủ nghĩa xã hội: người Mỹ gốc Cuba và gốc Venezuela. Việc họ quay sang ủng hộ đảng Cộng hòa khiến đảng Dân chủ mất hai ghế dân biểu ở Florida và khiến Joe Biden thua ở bang này.
AOC nói rằng không có ứng cử viên Dân chủ nào tranh cử với cương lĩnh chủ nghĩa xã hội, giảm ngân sách cho cảnh sát hoặc các khẩu hiệu thiên tả khác. Trái lại, nếu có ấn tượng tai hại nào là do bị các quảng cáo công kích của cánh hữu tung hỏa mù — mà do vậy đảng Dân chủ nên làm nhiều hơn để phản bác những luận điệu đó. Kể ra AOC đúng từng điểm một. Nhưng, xem như một giải pháp cho các vấn đề của đảng Dân chủ, có ý kiến cho rằng AOC, người tái cử tại khu vực bầu cử của mình ở Queens với tỷ lệ chênh lệch tới 38 điểm, chẳng hiểu được các bang chiến địa đã trở nên thù địch với các đảng viên Dân chủ ra sao.
Điều đó chủ yếu phản ánh những cán cân chênh lệch trong hệ thống cử tri đoàn, khiến đảng Dân chủ (đảng được nhiều phiếu phổ thông hơn) cần phải giành giật lại phiếu từ phía bên kia theo cách mà đảng Cộng hòa (đảng được ít phiếu phổ thông hơn) không cần làm. Niềm hy vọng (hóa ra là hão huyền) của đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử này là cưỡi làn sóng chống Trump đủ mạnh để bù đắp cho tình trạng cử tri bảo thủ, vùng nông thôn có tỷ lệ đại diện quá cao tại Thượng viện và cử tri đoàn vốn là nguyên nhân của cán cân chênh lệch đó. Một số người hy vọng rằng việc tổng thống Trump mất lòng dân thậm chí có thể giúp cho họ có được tỷ lệ đa số đủ mạnh tại Thượng viện để cải tổ Thượng viện. Thế nhưng lợi thế cơ cấu của đảng Cộng hòa dường như đã tăng tới mức làm tiêu tan ngay cả kỳ vọng khiêm tốn hơn của đảng Dân chủ về quyền lực.
Joe Biden đang có triển vọng thắng cử với mức chênh lệch hơn 5 triệu phiếu phổ thông, nhưng chỉ giành chức tổng thống với chênh lệch chưa tới 100 ngàn phiếu tại một vài bang ngày càng thiên hướng bảo thủ. Wisconsin — thành tố cuối cùng không thể thiếu trong tỷ lệ đa số đại cử tri của Biden, mà ông chỉ thắng trong gang tấc — có tỷ lệ ủng hộ Cộng hòa cao hơn 3 điểm so với cả nước nói chung. Đó là một thước đo về thành quả của Biden; nó cũng có thể cho thấy quả là phi thực tế khi đảng Dân chủ đã kỳ vọng tăng thêm ghế Thượng viện tại các bang thậm chí càng bảo thủ hơn.
Nếu tất cả các bang chiến địa tiếp tục quỹ đạo cử tri đoàn hiện tại của họ, North Carolina và Texas, nơi đảng Dân chủ có hy vọng như vậy, có thể sẽ không chuyển thành Dân chủ cho tới sau khi ‘vành đai rỉ sét’ (rustbelt) da trắng, lão hóa đã trở thành Cộng hòa quá kiên định tới nỗi đảng Dân chủ sẽ mất 5 ghế Thượng viện của họ ở đó. Sau khi bước vào kỳ bầu cử này với hy vọng giành đủ quyền lực để cải tổ hệ thống, đảng Dân chủ nay đang nghĩ tới cuộc đấu tranh ảm đạm để giữ thế cạnh tranh trong hệ thống đó.
Mối hục hặc từ sớm trong đảng Dân chủ chủ yếu là một phản ứng trước viễn cảnh khắc nghiệt đó. AOC tự biến mình thành mục tiêu dễ dàng cho phe trung tả bất mãn. Phát biểu của cô cho rằng đảng Dân chủ chỉ cần một chiến lược Facebook tốt hơn cũng nghiệp dư như chủ trương điên rồ “giảm ngân sách cho cảnh sát” mà cô rõ ràng không chịu từ bỏ. Kỳ bầu cử năm nay cũng cho thấy rằng ý tưởng lớn của phe [cực] tả về thay đổi thủy triều chính trị, bằng cách giành giật cử tri tầng lớp lao động khỏi kiểu chính trị bản sắc của cánh hữu với các chính sách kinh tế dân túy, có thể không còn khả thi nữa. Một lực lượng cử tri đã ủng hộ cá nhân Biden nhưng bác bỏ nghị trình của ông vì quá cực đoan dường như khó có khả năng mặn mà với chủ nghĩa cực đoan thực thụ của phe [cực] tả. Tuy nhiên, điều đó hiện đã bị xóa khỏi nghị trình, sau khi thắng vang dội trong các kỳ bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Nỗi bất bình của những đảng viên dày dạn kinh nghiệm trận mạc như dân biểu Spanberger chủ yếu phản ánh thất bại của nỗ lực nhiều hứa hẹn hơn của họ nhằm phá vỡ thế bế tắc đảng phái.
Nếu phe [cực] tả ước nguyện lèo lái nước Mỹ bằng sức mạnh của các ý tưởng của mình, phe trung tả đặt hy vọng vào việc tạo lập thành tích trị quốc hiệu quả. Bằng chứng về những trào lưu dân túy trước đây cho thấy không có cách nào tốt hơn để tái lập phe trung dung. Đó cũng là cách tiếp cận táo bạo mà giới ủng hộ Sanders không chấp nhận. Nhược điểm lịch sử của đảng Dân chủ, từng bị phong trào Đảng Trà (Tea Party) khai thác đầy tác hại, là đảng Dân chủ có tiếng ủng hộ cách trị quốc tệ hại và chống cách trị quốc với quy mô nhà nước nhỏ. Hoài bão lớn lao đáng khe của phe trung tả là tạo danh tiếng về cách trị quốc hiện đại, hữu hiệu. Nhưng để làm được vậy, họ phải có quyền lực. Mà thủ lãnh Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell có thể sẽ chẳng cho họ quyền lực gì.
Tham khảo: The Economist 14/11/2020, Politico 5/11 & 10/11/2020, New York Times 8/11/2020.
2 thoughts on “Bầu cử Mỹ 2020: Đảng Dân chủ thắng mà thua”