Khương An

Toàn quyền Canada Julie Payette đã từ chức sau khi có tin cuộc điều tra về nạn sách nhiễu, nhục mạ, ngược đãi nhân viên văn phòng Toàn quyền có những kết luận ‘tai hại’ cho bà.

Toàn quyền Payette từ chức vài giờ sau khi các nguồn tin nói với đài CTV News rằng một cuộc đánh giá độc lập về các cáo buộc bà sách nhiễu nhân viên đã hoàn tất và báo cáo đánh giá có những chi tiết “tai hại” do uy tín của bà.

Assunta di Lorenzo, thư ký và bạn lâu năm của Toàn quyền Payette, cũng từ chức.

Toàn quyền Canada Julie Payette trước khi đọc Diễn văn Ngai vàng tại Thượng viện Canada ở Ottawa ngày 23/9/2020. (Ảnh: Justin Tang / The Canadian Press)

Các nguồn tin đã nói với đài CTV News rằng Thủ tướng Justin Trudeau đã yêu cầu Toàn quyền Payette từ chức trong cuộc nói chuyện hôm thứ Tư 20/1. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Trudeau cho biết ông đã nhận được thư từ chức của Payette.

“Mọi nhân viên trong Chính phủ Canada đều có quyền làm việc trong một môi trường an toàn và lành mạnh, và chúng tôi sẽ luôn coi trọng vấn đề này,” Trudeau viết trong tuyên bố. “Thông báo [từ chức] hôm nay tạo cơ hội để vị lãnh đạo mới tại [Phủ Toàn quyền] Rideau Hall giải quyết các mối quan ngại công sở mà các nhân viên nêu ra trong quá trình đánh giá.”

Thủ tướng Trudeau cho biết Chánh án Tối cao Pháp viện Canada Richard Wagner sẽ tạm thời kiêm nhiệm chức Toàn quyền. Ông cũng nói rằng các đề xuất tiến cử toàn quyền mới sẽ được trình lên Nữ hoàng “kịp thời”.

Bộ trưởng Sự vụ Liên chính quyền Dominic LeBlanc cho biết một phiên bản của báo cáo sẽ được công bố, hy vọng trong vài ngày tới, nhưng một số phần cần được bôi đen che mờ để bảo vệ danh tánh của những nhân viên đã nói với điều kiện bảo mật.

Bộ trưởng LeBlanc nói rằng sau khi đọc báo cáo, Toàn quyền Payette quyết định rằng bà từ chức “sẽ là điều tốt nhất cho thiết chế này, cho đất nước”.

“Chúng tôi đã nhận được thư từ chức hôm nay, nhưng sau khi chúng tôi thảo luận với bà về báo cáo và về những mối quan ngại nghiêm trọng được nêu ra trong các kết luận của báo cáo,” ông nói.

Thủ lãnh đảng Bảo thủ Erin O’Toole đề nghị thủ tướng Trudeau tham vấn ​​các đảng khác trước khi tiến cử người thay thế.

“Toàn quyền là Tổng tư lệnh Quân lực Vũ trang của chúng ta và có vai trò hiến định quan trọng,” thủ lãnh O’Toole viết trong một tuyên bố. “Do những vấn đề với lần bổ nhiệm gần đây nhất của ông và do chính phủ thiểu số tại Nghị viện, Thủ tướng nên tham vấn các đảng đối lập và tái thiết lập lại Ủy ban Bổ nhiệm Đại diện Vương triều.”

Phát ngôn viên của Điện Buckingham nói với đài CTV News rằng “Nữ hoàng đã được thông báo về các diễn biến”.

Văn phòng Hội đồng Cơ mật đã mở một cuộc điều tra về Toàn quyền Payette hồi tháng 7 sau khi có những trình báo về nạn sách nhiễu, ngược đãi nhân viên trong văn phòng của bà.

Bà Payette tuyên thệ nhậm chức Toàn quyền vào năm 2017, sau khi có sự nghiệp lừng lẫy là phi hành gia và khoa học gia. Bà từng là giám đốc điều hành của Trung tâm Khoa học Montreal và cũng là ủy viên hội đồng quản trị của ngân hàng National Bank of Canada.

Vẫn còn nhiều bổng lộc

Tuy từ chức Toàn quyền trước thời hạn vì vụ bê bối ngược đãi nhân viên, bà Julie Payette vẫn đủ tiêu chuẩn được hưởng hưu bổng trọn đời.

Hưu bổng trọn đời này được quy định trong Đạo luật Toàn quyền, và áp dụng cho bất cứ ai từng nắm chức vụ này, bất kể họ rời nhiệm sở ra sao. Mức này tăng dần theo thời gian, và hiện nay ít nhất $149,484 mỗi năm.

Ngoài ra, cựu Toàn quyền được trọn đời bao trả chi phí hoạt động lên tới tối đa $206,000 mỗi năm từ ngân sách của Văn phòng Thư ký cho Toàn quyền.

Toàn quyền Julie Payette đọc diễn văn ngai vàng tại Thượng viện trong khi thủ tướng Justin Trudeau lắng nghe, hôm 5/12/2019. (Ảnh: Blair Gable/Reuters)

Chương trình bao trả chi phí hoạt động này được thiết lập năm 1979 với lý do các cựu Toàn quyền vẫn thực hiện các bổn phận liên quan tới ai trò của họ sau khi họ rời nhiệm sở, như dự các buổi lễ và đi phát biểu.

Chi tiết về các khoản chi phí này không bắt buộc phải công khai và không phải tuân theo luật liên bang về quyền tiếp cận thông tin. Nhật báo National Post trước đây đã tường thuật về các chi phí này dựa trên một quy tắc kế toán khác thường khiến chúng xuất hiện trong tài khoản công của chính phủ nếu có người dùng hơn $100,000/năm cho các chi phí này trong một năm. Chỉ có cựu Toàn quyền Adrienne Clarkson đã nhiều lần dùng các chi phí này trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, David Johnston đã bắt đầu chủ động công khai các khoản chi phí ông dùng trong chương trình này, và tới nay là cựu Toàn quyền duy nhất làm như vậy. Trong thời gian làm Toàn quyền, ông Johnston đã thiết lập các quy định hướng dẫn cụ thể đầu tiên về cách khai dùng các chi phí này, và áp dụng vào năm 2012.

Chính phủ liên bang cũng cấp hàng triệu Gia kim cho các cựu Toàn quyền để họ lập sáng hội từ thiện của họ sau khi rời nhiệm sở. Ví dụ trong trường hợp cựu Toàn quyền Clarkson, chính phủ đã cấp 3 triệu Gia kim để khởi xướng cộng với 7 triệu Gia kim trong vòng 10 năm để tài trợ tương ứng với số tiền quyên tặng của tư nhân. Bà Clarkson đã dùng ngân quỹ này để lập Viện Quốc tịch Canada.

Tổng hợp từ CTV, CBC, National Post 21/1/2021.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.