Canada bị chỉ trích vì nhận vaccine từ COVAX

0

Canada bị chỉ trích vì nhận vaccine chống COVID-19 từ sáng kiến phân phối vaccine cho các nước nghèo.

COVAX là chương trình Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng trên toàn cầu với vaccine chống COVID-19. Hôm 3/2/2021, chương trình này công bố danh sách phân phối vaccine đợt đầu. 

Canada là thành viên duy nhất của nhóm G7 có tên trong danh sách. Canada dự kiến sẽ nhận tổng cộng 1.9 triệu liều vaccine AstraZeneca/Oxford.

Việc Canada có tên danh sách cùng các nước nghèo khác khiến Ottawa hứng không ít chỉ trích. 

Oxfam Canada và ONE Campaign, hai trong số các tổ chức chống đói nghèo hàng đầu thế giới, cho rằng quyết định nhận vaccine COVID-19 của Canada từ COVAX là sai lầm. 

“Canada không nên sử dụng vaccine COVID-19 vốn được cung cấp cho các quốc gia nghèo để giảm bớt áp lực chính trị trong nước. Nhận một vài triệu liều vaccine không giải quyết được các khó khăn về chủng ngừa của Canada. Điều đó cũng sẽ gây tác hại cho người nghèo và những người chịu thiệt thòi ở nhiều nơi khác trên thế giới,” Diana Sarosi, giám đốc chính sách của Oxfam Canada, phát biểu. 

Tiến sĩ Jason Nickerson, cố vấn về các vấn đề nhân đạo của tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, cho rằng quyết định của Canada là không thể chấp nhận vì những người có nguy cơ nhiễm bệnh thấp ở Canada sẽ được tiêm trước những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao ở những nơi khác.

Canada đã đặt ký nhiều hợp đồng được quyền mua lượng vaccine COVID-19 đủ để mỗi người dân được tiêm bốn lần. Nhưng đại diện chính phủ Canada cho biết các loại vaccine này đều đang phải trải qua các cuộc thử nghiệm cận lâm sàng và lâm sàng. 

“Bộ Y tế sẽ xem xét tính an toàn và hiệu nghiệm của từng loại vaccine để quyết định liệu vaccine đó có thể được sử dụng ở Canada hay không,” vị đại diện này cho biết. 

Ngoài ra, Canada đang gặp một số khó khăn về nguồn cung vaccine dù đã đặt mua 40 triệu liều vaccine Moderna và 76 triệu liều Pfizer-BioNTech.

Tính tới ngày 5/2/2021, Canada đã tiêm vaccine cho khoảng 2.7% dân số. 

Một dược sĩ tiêm vaccine AstraZeneca cho một phụ nữ ở London, Anh, ngày 4/2/2021. (Ảnh: Yui Mok/PA/The Associated Press)

Trả lời phỏng vấn của đài CBC News hôm 4/2, bộ trưởng phát triển quốc tế Karina Gould cho biết Canada đã đóng góp 440 triệu đô-la cho COVAX và một nửa trong số này dành để mua vaccine cho người Canada. Số còn lại dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. 

“Ngay từ đầu điều này đã là một phần của chiến lược. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là bảo đảm cho người dân Canada có được vaccine,” bộ trưởng Gould nói. 

Hôm thứ Năm 4/2, khi được hỏi liệu ông có từ chối vaccine từ chương trình COVAX nếu ông là thủ tướng hay không, thủ lãnh đảng Bảo thủ Erin O’Toole đã không trả lời trực tiếp, mà nói rằng ông đã không bao giờ để xảy ra tình trạng thiếu hụt như hiện nay nếu ông nắm quyền cách đây 10 tháng.

Ông nói rằng việc Canada phải lấy vaccine từ COVAX là một dấu hiệu cho thấy chính phủ đã khai triển một kế hoạch không đầy đủ để chủng ngừa cho người dân Canada.

“Canada lẽ ra đã phải làm sao để có nguồn cung trong nước nhằm bảo đảm chúng ta được chủng ngừa nhanh chóng để chúng ta có thể mở cửa lại nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế cùng tiến lên,” O’Toole nói.

Theo ông nói, chỉ khi đó Canada mới nên đóng vai trò của mình trong việc giúp đỡ thế giới.

“Tôi muốn thấy vaccine được khai triển ở đây càng nhanh càng tốt,” O’Toole nói.

Các tranh cãi về  việc Canada nhận vaccine từ COVAX diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về “chủ nghĩa dân tộc vaccine”. Nhiều người lo ngại rằng các nước giàu đang tích trữ vaccine trong khi các nước nghèo gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận. 

Theo ước tính của Liên minh toàn cầu về vaccine, 9/10 người dân ở các nước nghèo sẽ không được tiêm vaccine COVID-19 trong năm 2021 do các nước giàu đã mua phần lớn số lượng vaccine trên toàn thế giới.

Diana Sarosi, giám đốc chính sách của Oxfam Canada, và Stuart Hickox, giám đốc điều hành chi nhánh Canada của ONE Campaign, đã kêu gọi Canada và các nước khác buộc các hãng sản xuất vaccine từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ để vaccine của họ có thể được sản xuất nhanh hơn và với giá rẻ hơn.

Hickox nói rằng thủ tướng Justin Trudeau nên tham gia cùng tổng thống Pháp Emmanuel Macron và 100 quốc gia khác đang kêu gọi tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 tại Tổ chức Thương mại Thế giới.

Nguồn: The Canadian Press, Global News, CBC, 5/2/2021.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.