Hôm thứ Năm 18/2/2021, chính phủ liên bang Canada hứa sẽ buộc Facebook trả tiền cho nội dung tin tức, tìm kiếm đồng minh trong cuộc chiến truyền thông với các đại tập đoàn công nghệ và cam kết không xuống nước nếu Facebook cũng chặn người dùng dẫn tin tức của Canada như đã làm ở Úc.

Facebook đã chặn tất cả nội dung tin tức của Úc trên mạng xã hội của mình vì luật mới của Úc bắt buộc Facebook và Google phải trả phí cho báo chí Úc cho các đường dẫn tin tức.

Bộ trưởng di sản Canada Steven Guilbeault, người phụ trách soạn thảo luật tương tự sẽ được công bố trong những tháng sắp tới, đã lên án hành động của Facebook và nói rằng điều đó sẽ không thể cản bước chính phủ liên bang Canada.

“Canada ở tiền tuyến trong cuộc chiến này … chúng ta thực sự nằm trong nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới đang làm điều này,” bộ trưởng Guilbeault nói với báo giới.

Năm ngoái, các tổ chức báo chí Canada đã cảnh báo về thất bại thị trường khả dĩ nếu nhà nước không can thiệp. Họ nói rằng cách tiếp cận kiểu Úc sẽ giúp các tổ chức xuất bản báo chí lấy lại được 620 triệu Gia kim mỗi năm. Họ cảnh báo rằng nếu không có hành động can thiệp, Canada sẽ mất 700 trong 3100 việc làm ngành báo chí. 

Bộ trưởng Guilbeault nói rằng Canada có thể áp dụng mô hình của Úc, bắt buộc Facebook và Google ký các thỏa thuận để trả tiền cho các báo đài có đường dẫn tin tức làm tăng mức động hoạt động trên các mạng của họ, hoặc đồng ý về một mức giá thông qua phân xử trọng tài có tính ràng buộc.

Một phương án khác là làm theo mô hình của Pháp – bắt buộc các nền tảng công nghệ lớn đàm phán với những tổ chức xuất bản báo chí muốn được trả thù lao cho việc sử dụng nội dung tin tức.

“Chúng tôi đang nghiên cứu xem mô hình nào sẽ phù hợp nhất,” bộ trưởng Guilbeault nói. Ông cũng cho biết rằng tuần trước ông đã nói chuyện với các quan chức đồng cấp của Pháp, Úc, Đức và Phần Lan về việc hợp tác để có được mức thù lao công bằng cho nội dung trên mạng.

“Tôi nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có 5, 10, 15 quốc gia áp dụng các luật lệ tương tự … liệu Facebook có dám cắt đứt quan hệ với Đức, với Pháp?” ông đặt câu hỏi, và cho rằng tới một lúc nào đó cách tiếp cận của Facebook sẽ trở nên “hoàn toàn không bền vững”.

Giáo sư Megan Boler của Đại học Toronto, chuyên về mạng xã hội, nhận định rằng hành động của Facebook đánh dấu một bước ngoặt khiến phải có một cách tiếp cận quốc tế chung.

“Chúng ta thực sự có thể thấy một liên minh, một mặt trận thống nhất chống lại sự độc quyền này, mà có rất hùng mạnh mẽ,” bà Boler nói khi trả lời phỏng vấn của Reuters qua điện thoại.

Tuần rồi, Facebook cho biết tin tức chỉ chiếm chưa tới 4% nội dung mà người dùng thấy Facebook nhưng cho rằng điều đó đã giúp các tổ chức xuất bản báo chí Úc kiếm được khoảng 407 triệu đô-la vào năm ngoái.

Google đã ký 500 thỏa thuận, trị giá khoảng 1 tỷ đô-la trong 3 năm với các tổ chức xuất bản báo chí trên khắp thế giới cho dịch vụ giới thiệu tin tức News Showcase của mình, và cũng đang đàm phán với các công ty của Canada.

Tuy nhiên, bộ trưởng Guilbeault cho biết Google sẽ vẫn phải tuân theo luật mới của Canada, vì chính phủ liên bang Canada muốn có một cách tiếp cận công bằng, minh bạch và dễ dự đoán hơn.

“Có gì bảo đảm rằng Google — ngày mai, trong sáu tháng, trong một năm nữa — không thay đổi ý định và nói rằng họ không muốn làm điều đó nữa?” ông nói.

Lauren Skelly, phát ngôn viên của Google tại Canada, từ chối bình luận về phát biểu của bộ trưởng Guilbeault, mà nói rằng công ty không biết chi tiết về luật đó.

Michael Geist, chủ tịch nghiên cứu Canada về luật internet và thương mại điện tử tại Đại học Ottawa, nói rằng Canada nên áp dụng cách tiếp cận của Google, trong đó các công ty đầu tư vào nội dung cung cấp giá trị gia tăng.

“Nếu chúng ta theo mô hình của Úc… chúng ta sẽ rơi vào tình thế giống vậy,” ông nói qua điện thoại. “Ai cũng thua. Các tổ chức báo chí thua … Facebook thua.”

Kevin Chan, trưởng ban chính sách công của Facebook tại Canada, phát biểu rằng có “các phương án khác để hỗ trợ tin tức ở Canada mà sẽ mang lại lợi ích công bằng hơn cho các tổ chức xuất bản đủ mọi quy mô.”

Nguồn: Thomson Reuters, CBC, 18/2/2021.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.