Biên giới Canada-Mỹ lại nóng vì làn sóng tị nạn

1

Từ đầu năm có khoảng 10,000 người vượt biên từ Mỹ sang Canada. Chỉ riêng 2 tuần đầu tháng 8 có 3,800 người tới Quebec. Các cấp chính quyền Canada cuống cuồng nhắn nhủ “Tị nạn ở Canada không đơn giản đâu!”

Phạm Vũ Lửa Hạ

Hồi tháng Giêng năm nay, thủ tướng Justin Trudeau viết trên Twitter, “Với những người chạy trốn sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh, người dân Canada sẽ đón chào các bạn, bất kể tín ngưỡng của bạn là gì. Sự đa dạng là sức mạnh của chúng tôi.”

Một cảnh sát liên bang RCMP thông báo với một nhóm người xin tị nạn về các quyền của họ tại biên giới ở Saint-Bernard-de-Lacolle, Quebec, hôm 7/8/2017. (Ảnh: Charles Krupa/AP)

Hẳn đó không phải là một phát ngôn ngẫu hứng, nói cho sướng miệng như những cái tweet liên tu bất tận từ những ngón tay bốc đồng của vị tổng thống nước láng giềng phương nam. Chủ trương mở rộng vòng tay đón chào người tị nạn đã là đặc trưng lâu nay của chính phủ Canada, bất kể đảng nào nắm quyền.

Canada đã dự định tiếp nhận 40,000 người tị nạn trong năm 2017, và chừng đó chỉ bằng 13% tổng số 300,000 di dân hàng năm. Khi tranh cử vào năm 2015, Trudeau đã hứa tiếp nhận 25,000 người tị nạn Syria trước cuối năm 2015. Khi đắc cử, chỉ còn non 2 tháng để kịp giữ lời hứa đó, chính phủ mới chạy đôn chạy đáo và cũng hoàn thành chỉ tiêu đó, dù trễ vài tháng.

Nhưng trong những ngày tháng 8 này, dẫu cái nóng đã dịu dần cuối hè, thủ tướng Trudeau và Đảng Tự do cầm quyền đang cảm nhận sức nóng ngày càng tăng của làn sóng người muốn tị nạn từ Mỹ cuốc bộ vượt biên trái phép sang Canada. Làn sóng này đã bắt đầu từ mùa đông vừa rồi, nhưng lúc đó chủ yếu đổ tới tỉnh bang Manitoba. Nay tới lượt Quebec.

Lều trại do Quân lực Canada dựng, đủ giường cho 500 người. (Ảnh: Justin Tang/Canadian Press)

Giới chức liên bang cho biết hơn 3,800 người đã đi bộ vượt biên từ Mỹ vào Quebec trong hai tuần đầu tháng 8, cộng với 2,996 người trong tháng 7. Nhiều người đang được tá túc ở những chỗ tạm trú, như lều do Quân lực Canada dựng dọc biên giới Quebec-New York và giường đặt tạm trong Sân vận động Olympic của Montreal, trong khi giới chức trách xử lý số lượng hồ sơ xin tị nạn tăng vọt. Tận dụng cả những cơ sở của các tổ chức xã hội, thậm chí dùng tới tòa nhà của một bệnh viện cũ đã hết sử dụng, chính quyền Quebec vẫn thiếu chỗ, và phải yêu cầu thành phố Cornwall, Ontario, ở giáp ranh Quebec cho mượn tạm một trung tâm cộng đồng.

Những cảnh đời “hoàng hôn”

Người xin tị nạn nghỉ trong một căn lều tại biên giới Canada-Mỹ ở Lacolle, Quebec. (Ảnh: Graham Hughes/The Canadian Press)

Canada và Mexico thường trục xuất bất cứ ai không có thị thực hợp lệ. Ngược lại, Mỹ có một số cơ chế cho phép người nhập cư bất hợp pháp tạm thời ở lại. Trong tranh luận về di trú ở Mỹ, điều đó được gọi là “quy chế hoàng hôn”. Đối với người nằm trong diện đó, ánh sáng chạng vạng dường như đang chập chờn và nhạt dần.

Khoảng 59,000 người Haiti được cấp quy chế bảo vệ tạm thời, tức được chính phủ Mỹ miễn trừ trục xuất về đất nước hoang tàn của họ sau khi một trận động đất kinh hoàng gần Port-au-Prince năm 2010 giết chết hơn 200,000 người. Sự miễn trừ này được chính quyền Obama gia hạn nhiều lần vì cho rằng Haiti chưa sẵn sàng tiếp nhận những người hồi hương.

Hè năm nay, bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ John Kelly (nay là Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc) quyết định gia hạn rất ngắn, chỉ 6 tháng, và cảnh báo là có thể sẽ không còn gia hạn lần nào nữa. Ông nói, “Việc gia hạn 6 tháng này sẽ giúp những người Haiti được hưởng quy chế bảo vệ tạm thời đang sống ở Mỹ có thời gian làm giấy tờ thông hành và chuẩn bị những việc cần dàn xếp khác để họ rốt cuộc rời khỏi Mỹ.”

Chương trình của chính Canada cho người Haiti trú ẩn tạm thời cũng đã chấm dứt, sau khi được chính quyền Trudeau gia hạn hai lần. Lần gia hạn cuối cùng cho lệnh cấm trục xuất của của Canada kết thúc vào ngày 4/8/2016, khiến 3,200 người Haiti không có tư cách hợp pháp ở Canada phải nộp đơn xin thường trú với lý do nhân đạo.

Cộng đồng Haiti đông đảo ở Montreal, khoảng hơn 120,000 người, có nhiều mối quan hệ gia đình, kinh doanh và văn hóa với những người ở Mỹ. Nhưng người Haiti ở Mỹ muốn chạy sang Canada có lẽ vì một lý do quan trọng hơn.

Theo Hiệp định Nước Thứ ba An toàn mà Canada và Mỹ ký sau sự kiện 11/9, người muốn xin tị nạn phải nộp đơn tị nạn tại nước đầu tiên (trong hai nước này) mà họ đặt chân tới qua các ngõ chính thức (hàng không, đường bộ hoặc đường thủy). Tuy nhiên, hiệp định này có một lỗ hổng cho phép một người nộp đơn xin tị nạn nếu họ vào Canada/Mỹ không qua một cửa khẩu chính thức.

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội cho rằng Canada dễ dãi với người tị nạn hơn, nhiều người Haiti đi lên phương bắc, vượt biên trái phép và đổ sang Hemmingford, Quebec, với tốc độ khoảng 250 người mỗi ngày.

Các tin nhắn lan truyền bằng WhatsApp khuyến khích người Haiti có hoặc không có quy chế bảo vệ tạm thời ở Mỹ sang Canada. Ví dụ, một tin nhắn nói rằng Canada “mời và thậm chí khuyến khích tất cả những người Haiti nộp đơn xin thường trú … lệ phí sẽ được chính phủ Canada trả.” Nhiều người không biết họ cũng bị Canada trục xuất nếu đơn xin tị nạn của họ bị bác.

Kiếp sống tạm bợ

Ba gia đình là từ Burundi đi trên đường Roxham Road để qua Quebec tại biên giới Canada-Mỹ ở Champlain, New York. (Ảnh: Christine Muschi/Reuters)

Kiếp sống tạm khi được miễn trục xuất không phải dễ dàng. Trước tiên, giấy miễn trừ không miễn phí. Người Haiti được yêu cầu đóng 495 đô-la Mỹ cho giấy gia hạn 6 tháng nếu họ muốn được quyền làm việc. Đó là một lý do khiến nhiều người chọn cách đầu tư số tiền này cho tấm vé sang Canada. (Một số người đã gia hạn giấy miễn trừ, nhưng Canada có thể có làn sóng người Haiti thứ nhì đổ sang khi hạn chót cuối cùng tới vào ngày 22/1/2018.)

Giấy miễn trừ cũng không vạch ra lộ trình trở thành thường trú nhân hợp pháp. Những người Haiti chạy sang Quebec xưa nay vẫn biết rằng họ đang sống tạm bợ. Nhiều người tin rằng sống tạm bợ không có tư cách hợp pháp ở Mỹ tệ hơn ở Canada.

Người Haiti chỉ là một trong nhiều nhóm di dân có thể bị tiễn khỏi Mỹ, rồi có thể chạy sang Canada. Công dân của 10 nước hiện đang có quy chế bảo vệ tạm thời ở Mỹ: El Salvador, Haiti, Honduras, Nepal, Nicaragua, Somalia, Sudan, Nam Sudan, Syria và Yemen. Người Nicaragua và người Honduras được quy chế này vào năm 1999 do Bão Mitch, nhưng quy chế này chỉ áp dụng cho những người đã ở Mỹ khi bão xảy ra. Tất cả 10 trường hợp miễn trừ đó sắp được xét gia hạn vào một thời điểm nào đó trong 13 tháng tới, và chính quyền Trump có thể chấm dứt một số.

Có khoảng 317,000 người đang có quy chế bảo vệ tạm thời. Hơn một nửa trong số đó là người Salvador sau trận động đất năm 2001; họ sẽ được quyết định có được gia hạn hay không vào tháng 3/2018. Số còn lại chủ yếu là người Honduras và người Haiti, cả hai đều sẽ được quyết định gia hạn vào tháng 1/2018.

Nhưng quy chế bảo vệ tạm thời không phải là loại “quy chế hoàng hôn” duy nhất. Julia Gelatt, nhà phân tích chính sách cấp cao tại Viện Chính sách Di cư ở Washington, nói “Có một số loại khác cũng có thể xếp vào đó. Có những người nộp đơn xin các loại thị thực khác nhau, chẳng hạn thị thực U cho nạn nhân của tội ác hoặc thị thực T cho nạn nhân của nạn buôn người.”

“Nhiều người trong những loại này khá tin tưởng rằng thị thực của họ sẽ được cấp, khác với những người có quy chế bảo vệ tạm thời với các chương trình đang được xem lại, nên việc thị thực bị hủy là mối lo cấp kỳ hơn.”

Cũng vào tháng 3 năm tới, một chương trình miễn trừ khác tên là Ra đi Bắt buộc Trì hoãn (Deferred Enforced Departure) sẽ chấm dứt, khiến 14,000 người Liberia,phần lớn trong đó di tản khỏi cuộc nội chiến cách đây nhiều năm, phải có quyết định khó khăn.

Theo bà Gelatt, công dân của những nước sắp bị chấm dứt quy chế bảo vệ tạm thời là những người lo lắng nhất. Nếu những di dân đó bỗng nhiên không còn được lưu trú hợp pháp ở Mỹ, họ có thể sang Canada.

“Những người mơ mộng”

Tuy nhiên, những nhóm người đó không sánh nổi về số lượng với những người được gọi là “những người mơ mộng” (“Dreamers”), được đặt tên theo Đạo luật DREAM được đề xuất nhiều lần nhưng chưa bao giờ được phê chuẩn.

Đạo luật Phát triển, Cứu trợ, và Giáo dục cho Ngoại kiều Vị thành niên (viết tắt là DREAM, đồng nghĩa với “giấc mơ”) được soạn thảo để giúp những người được đưa tới Mỹ khi còn nhỏ bằng cách cho phép họ sống tại đất nước nơi họ lớn lên miễn là họ học ra trường và không phạm tội hình sự. Khoảng 65,000 thiếu niên diện này tốt nghiệp trung học ở Mỹ hàng năm.

Đạo luật DREAM đã gặp khó khăn để trở thành luật từ năm 2001, và thường suýt thành công nhờ hai đảng đồng tình với nhau. Nhưng trong những năm gần đây có thêm nhiều nghị sĩ Cộng hòa phản đối đạo luật này.

Trong khi đó các “Dreamer” này đành tạm có quy chế ít chắc chắn hơn gọi là Hành động Tạm hoãn cho Người nhập cư Lúc thơ ấu (DACA), một loại tạm hoãn, hai năm gia hạn một lần (có đóng phí), mà không có lộ trình nhập tịch. Khoảng 840,000 thanh niên đang có quy chế DACA ở Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần nói trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ chấm dứt chương trình DACA, và kể từ khi ông nhậm chức, nhiều người Dreamer đã bị bắt và bị giam, mặc dù có giấy tờ chứng minh họ đã đăng ký trong chương trình này.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất đối với những người Dreamer là việc Texas và chín bang khác dọa kiện liên bang. Họ đã ra hạn chót ngày 5/9 để chính quyền Trump chấm dứt chương trình này, bằng không họ sẽ kiện liên bang ra tòa vì lạm dụng quyền hành pháp. (Trong hơn ba phần tư trường hợp, những người Dreamer được đưa tới Mỹ từ Mexico.)

Nếu Donald Trump giữ lời hứa khi tranh cử, và chấm dứt chương trình DACA, tất cả những người hiện được bảo vệ bởi DACA sẽ mất quy chế của mình trong vòng hai năm tới.

Cũng chẳng khó mà hình dung rằng nhiều người Dreamer, thường có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, có thể thích thử vận may ở Canada hơn là bị trục xuất về quê hương mà họ chẳng nhớ gì cả.

Cuống cuồng “định hướng dư luận”

Một nhóm người xin tị nạn giơ tay khi tiến tới gần cảnh sát liên bang Canada RCMP lúc vượt biên vào Quebec gần Champlain, bang New York, hôm 4/8/2017. (Ảnh: Ryan Remiorz/Canadian Press)

Các cấp chính quyền Canada đang thực hiện một chiến dịch “nói lại cho rõ” để các cộng đồng Haiti ở Canada và Mỹ không hiểu sai về hệ thống tị nạn Canada. Các lãnh sự quán Canada ở Mỹ được chỉ thị nói rõ chính sách với người muốn xin tị nạn.

Hôm 12/8, thủ hiến Philippe Couillard của Quebec lên tiếng cảnh báo rằng những người xin tị nạn cần hiểu rằng không dễ được Canada cho tị nạn. Ông nhắc rằng từ trước tới nay chỉ khoảng một nửa đương đơn tị nạn từ Haiti được chấp nhận.

Một tuần sau, tại một cuộc họp báo ở Montreal ngày 20/8, thủ tướng Trudeau nói cần thực thi nghiêm ngặt luật lệ để tránh các rủi ro an ninh. Ông kêu gọi người dân Canada tiếp tục tin tưởng ở hệ thống di trú và các viên chức di trú mà ông tin là đang kiểm soát được tình hình. Ông nói không có ai trong số những người vượt biên từ Mỹ sẽ được lợi thế đặc biệt gì trong quá trình xin tị nạn ở Canada. Ông nhấn mạnh với người dân Canada và những người muốn xin tị nạn rằng những người vượt biên phải qua các kiểm tra an ninh và thẩm định di trú như thường lệ.

Trước đó vài tuần, bộ trưởng di trú, tị nạn, và quốc tịch Ahmed Hussen và bộ trưởng an ninh công cộng Ralph Goodale nói rằng người xin tị nạn cũng phải theo các luật lệ và quy trình thủ tục giống như những người khác. Bộ trưởng Goodale đã cảnh báo rằng việc vượt biên trái phép không phải là “tấm vé miễn phí để ở lại Canada”. Hôm 18/8, bộ di trú đã tung lên mạng xã hội một sơ đồ giải thích quy trình xin tị nạn ở Canada với thông điệp được nhấn mạnh là nộp đơn không có nghĩa là đương nhiên được phép ở lại.

Hôm 21/8, phát biểu trên đài truyền hình trung ương Canada, bộ trưởng Goodale cho biết chính phủ đang mở cuộc điều tra về chuyện người Haiti có thể bị bọn chuyển người lậu qua biên giới dụ dỗ bằng viễn cảnh tươi đẹp được Canada cho tị nạn, và trả tiền để chúng đưa tới biên giới.

Giữa lúc tình hình nóng lên từng ngày tại biên giới ở Quebec, báo chí khai thác đủ mọi khía cạnh của vấn đề tị nạn. Một trong những khía cạnh được dân chúng quan tâm nhiều nhất là những người đang chờ xét duyệt hồ sơ tị nạn được người đóng thuế (báo chí không thích dùng từ “ngân sách nhà nước”) và xã hội hỗ trợ tài chính và giúp đỡ mọi mặt ra sao.

Tùy theo tỉnh bang, mỗi người thành niên độc thân có thể được cấp $600-$750/tháng; gia đình có 2 con được $1,000-$1,200/tháng, cộng với nhiều phúc lợi và miễn/giảm/hoàn thuế dành cho trẻ em; người khuyết tật được cấp nhiều hơn. Ngoài ra, người chờ xét hồ sơ tị nạn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, học tiếng miễn phí, được miễn lệ phí giấy phép làm việc, và nhiều dịch vụ xã hội miễn phí khác như hướng nghiệp. Vì trẻ em từ 5 tới 18 tuổi được đi học miễn phí, hệ thống trường học ở Quebec đang căng sức chuẩn bị tiếp nhận nhiều học sinh từ các gia đình xin tị nạn này khi chỉ còn vài tuần trước lúc tựu trường đầu tháng 9.

Thời gian xét duyệt hồ sơ có thể từ vài tháng tới mấy năm, có trường hợp cá biệt tới hơn 10 năm. Nếu đơn tị nạn bị bác, họ phải rời Canada hoặc bị trục xuất. Chi phí cho việc rời khỏi Canada không cần hộ tống khoảng $1,500, nếu cần hộ tống thì khoảng $15,000, đều do Cục Biên giới Canada (CBSA) trả.

Người Canada đã nhiều lần lo ngại về sự xuất hiện ồ ạt bất ngờ của người xin tị nạn, chẳng hạn 174 người Sikh ở bờ biển Nova Scotia năm 1987, những “chiếc tàu ma” từ Phúc Kiến, Trung Quốc, năm 1999, và 492 người Tamil trên tàu MV Sun Sea năm 2010. Theo một cuộc thăm dò dư luận năm 2015 của Environics, gần phân nửa người Canada nghĩ rằng những người tị nạn tới Canada không có lý do chính đáng. Cộng với tâm lý đó, các thông tin “đồng tiền đi liền khúc ruột” nêu trên, không có gì ngạc nhiên nếu dân chúng băn khoăn về gánh nặng tài chính để hỗ trợ người chờ được xét tị nạn.

Hôm 20/8, nhóm cực hữu La Meute đã tổ chức một cuộc biểu tình chống di dân tại thủ phủ Quebec City của Quebec để đòi chính quyền kiểm soát biên giới chặt chẽ. Cuộc biểu tình này chỉ có chút ít bạo lực (do cuộc phản biểu tình của những người chống kỳ thị gây ra cho nhóm cực hữu) và nhìn chung ôn hòa hơn ở Charlottesville, bang Virginia, một tuần trước đó.

Ngoài những lo toan trước mắt để giải quyết vấn đề biên giới ở Quebec, thủ tướng Trudeau, cũng là dân biểu liên bang đại diện cho một khu vực bầu cử ở Montreal, hẳn tạm quên cái tweet hồ hởi “cứ tới đây” hồi đầu năm.

Bài liên quan:

1 thought on “Biên giới Canada-Mỹ lại nóng vì làn sóng tị nạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.