Cẩm nang đầu tư RRSP dành cho người ít kinh nghiệm

0

Thời buổi này thông tin về đầu tư tràn ngập trên TV, báo chí, và thậm chí mạng xã hội. Nhưng khi tới ngân hàng gặp cố vấn tài chính, ta thường không hiểu gì về các loại hình đầu tư. Cẩm nang này giới thiệu vắn tắt một số công cụ đầu tư phổ biến cho RRSP.

Shelley White

Khương An lược dịch

rrsp

Hạn chót để bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm hưu trí RRSP (Registered Retirement Savings Plan) cho năm thuế 2013 là ngày 3/3/2014. Trong thời gian qua, khi nhận được thông tin dồn dập từ TV, báo chí, và thậm chí trên mạng xã hội thúc giục nên tranh thủ cho kịp hạn chót này, hẳn bạn cũng tự nhủ mình đừng bỏ lỡ dịp này. Nhưng thông thường, khi tới ngân hàng gặp cố vấn tài chính, người ta thường không hiểu biết gì về các loại hình đầu tư họ định mua. Cẩm nang sau đây giới thiệu vắn tắt một số công cụ đầu tư phổ biến cho RRSP.

Nhiều người mong muốn đầu tư trong một tài khoản RRSP thậm chí thường không hiểu RRSP là gì, theo Carl Spiess, giám đốc quản lý tài sản của ScotiaMcLeod. Ông nói: “Có quá nhiều người nghĩ rằng RRSP là một khoản đầu tư, mà thực ra đó là một tài khoản. Có người tới ngân hàng nói: ‘Tôi cần mua một RRSP.’ Thực ra, ta cần bỏ tiền vào một tài khoản RRSP để được miễn thuế, rồi quyết định nên đầu tư số tiền đó vào các tài sản gì.”

Đối với tài khoản RRSP, có nhiều phương án đầu tư đa dạng, từ quỹ đầu tư chung tới cổ phiếu, trái phiếu và nhiều hình thức khác. Bước đầu tiên là nói chuyện với một cố vấn tài chính để tìm hiểu xem RRSP có phải là lựa chọn đúng đắn cho bạn và kế hoạch tài chính của bạn hay không, theo Richa Hingorani, giám đốc cao cấp về hỗ trợ hoạch định tài chính ở ban Hoạch định Tài chính của Royal Bank of Canada.

“Đừng đưa ra những quyết định bốc đồng vào thời điểm này trong năm chỉ vì muốn được miễn thuế thu nhập hoặc vì lâu nay bạn vẫn nghe nói về một quỹ ETF hay một cổ phiếu nào đó,” bà Hingorani cảnh báo. “Người Canada thường dành nhiều thời gian cho việc lên kế hoạch đi chơi hơn là cho việc quản lý các khoản đầu tư của mình.”

Để giúp bạn chuẩn bị trước khi hẹn gặp cố vấn tài chính để bàn về RRSP, sau đây là phần giải thích đơn giản về một số phương án đầu tư phổ biến nhất, và lý do tại sao bạn có thể muốn (hoặc không muốn) cân nhắc chúng.

  • GIC

GIC là viết tắt của guaranteed income certificate, tức là loại chứng chỉ tiền gởi bảo đảm trả tiền lời với lãi suất cố định. Với một GIC, bạn đồng ý cho một định chế tài chính (ví dụ như ngân hàng, liên hiệp tín dụng) mượn một số tiền trong một thời gian (gọi là kỳ hạn, term). Loại hình đầu tư này hấp dẫn đối với những nhà đầu tư sợ rủi ro, vì họ được bảo đảm là khi GIC đáo hạn, họ sẽ nhận lại đúng số vốn gốc cộng với tiền lời ở lãi suất cố định. (Lưu ý: Một số GIC gắn với kết quả thị trường có lãi suất linh hoạt.)

GIC được xem là một lựa chọn “an toàn” cho nhà đầu tư, nhưng nhược điểm là lãi suất thấp – thường 2 đến 3 phần trăm. Nói chung, kỳ hạn càng lâu thì lãi suất càng cao.

Ông Spiess nói rằng một GIC có kỳ hạn ngắn có thể là một lựa chọn tốt cho người dự định dùng số tiền đó trong vòng một hoặc hai năm. Hoặc đối với một nhà đầu tư rất sợ rủi ro, GIC kiểu “bậc thang” (ladder) có thể là một phương án đáng cân nhắc. Để tạo ra khoản đầu tư bậc thang này, bạn chia đều số tiền của mình thành các GIC có kỳ hạn từ một đến năm năm. Mỗi năm sẽ có một GIC đáo hạn, và bạn gộp số tiền đó vào một GIC kỳ hạn 5 năm mới, nhờ đó bạn có thể tận dụng lãi suất tăng lên, trong khi hạn chế mức gánh chịu rủi ro nếu lãi suất giảm.

“Các GIC bậc thang dường như rất phổ biến vì bạn không dồn hết tiền để hưởng chỉ một lãi suất,” bà Hingorani nói. “Bạn quản lý nhiều rủi ro tái đầu tư, và không bao giờ phó thác hoàn toàn cho thị trường định đoạt.”

  • Trái phiếu

Với trái phiếu (bond), bạn đóng vai trò chủ nợ, cho một công ty hay chính phủ vay tiền. Trái phiếu (gọi là công trái nếu cho chính phủ vay) có kỳ hạn cố định (có thể chỉ ngắn hạn như 6 tháng hoặc dài hạn như 20 hay 30 năm) và lãi suất cố định. Khi trái phiếu đáo hạn, bạn lấy lại được vốn gốc của mình cộng với tiền lời. Một số trái phiếu có lãi suất linh hoạt có thể tăng hoặc giảm theo thời gian.

Trái phiếu thường được xem là lựa chọn có rủi ro thấp và có suất sinh lời thấp (ví dụ so với cổ phiếu), nhưng vẫn có rủi ro. Các mức xếp hạng tín dụng, lạm phát và lãi suất có thể ảnh hưởng đến trái phiếu. Nếu, ví dụ, bạn mua trái phiếu ở lãi suất 3% và sau đó lãi suất giảm xuống còn 1%, giá trái phiếu của bạn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, nếu lãi suất tăng lên 10%, trái phiếu của bạn không còn hấp dẫn người mua nữa. Nếu bạn cần bán trái phiếu trước ngày đáo hạn và trái phiếu có giá trị thấp hơn mức giá bạn đã trả khi mua, hoặc nếu đơn vị phát hành trái phiếu bị phá sản, bạn có thể bị lỗ.

Ông Spiess nói: “Mua một trái phiếu đơn giản, ví dụ trái phiếu kỳ hạn 10 năm, nếu lãi suất tăng lên trong năm tới, giá trị thị trường của trái phiếu đó có thể giảm xuống, và điều đó có thể khiến một nhà đầu tư ít kinh nghiệm đau lòng.”

  • Quỹ đầu tư chung (mutual fund)

Người Canada thích quỹ đầu tư chung (mutual fund). Tính đến tháng 12/2013, số tài sản đầu tư vào mutual fund ở Canada đạt tổng cộng 999,2 tỉ Gia kim, theo Viện Quỹ đầu tư Canada.

Mutual fund là một danh mục đầu tư gồm các trái phiếu, cổ phiếu và các tài sản khác thuộc sở hữu của nhiều nhà đầu tư và được một công ty đầu tư quản lý. Vì các khoản đầu tư của nhiều người được gộp chung với nhau, nó giúp cho các cá nhân có thể đa dạng hóa đầu tư theo cách mà họ không thể tự làm một mình. Mục đích là giảm rủi ro đến tối thiểu vì tiền của bạn được đầu tư vào nhiều tài sản khác nhau, và suất sinh lời của bạn có thể cao hơn GIC hoặc trái phiếu.

Tuy rất phổ biến, mutual fund cũng bị một số người chỉ trích, vì một số công ty quản lý mutual fund tính phí cao.

Ông Spiess nói: “Do có khoảng 5.000 mutual fund ở Canada, bạn nên nói chuyện với một cố vấn tài chính; ngoài ra có nhiều thông tin bạn có thể nghiên cứu trên mạng. Nhà đầu tư mutual fund thường mua những quỹ thuộc loại ‘nóng’ (lãi cao) năm ngoái; đó có thể là điều bạn nên bàn với cố vấn của mình – cố gắng đừng chạy theo hàng nóng của năm ngoái.”

  • Quỹ đầu tư định ngày chỉ tiêu

Ông Spiess nói rằng các quỹ đầu tư định ngày chỉ tiêu (target date fund) đã trở thành một lựa chọn phổ biến với giới đầu tư RRSP. Giống như mutual fund, số tiền đầu tư của nhiều người được gộp chung lại để tạo nên một danh mục đầu tư đa dạng hóa, nhưng trong trường hợp này, các khoản đầu tư được quản lý và cơ cấu theo một ngày trong tương lai (ví dụ lúc về hưu). Vì vậy, người trẻ tuổi có thể chọn quỹ đầu tư định ngày chỉ tiêu cho năm 2045 vì đó là lúc người đó nghĩ là mình sẽ về hưu, trong khi người lớn tuổi hơn có thể chọn quỹ đầu tư định ngày chỉ tiêu cho năm 2025. Các công ty quản lý quỹ đầu tư có thể thay đổi hỗn hợp tài sản đầu tư tùy theo khoảng thời gian còn bao lâu đến ngày chỉ tiêu.

Ông Spiess nói: “Khi thân chủ còn trẻ, danh mục sẽ là một quỹ đầu tư mạnh dạn hơn, dựa vào cổ phiếu, còn khi thân chủ đến gần hơn với ngày về hưu chỉ tiêu, thì sẽ chọn một quỹ đầu tư dựa vào trái phiếu hoặc có tiền lời định kỳ.”

Các quỹ đầu tư định ngày chỉ tiêu có thể hấp dẫn vì chúng giúp dễ dàng đầu tư dài hạn, mặc dù chúng cũng đã bị phê phán là “áp dụng đại trà” mà không xét tới các nhu cầu cụ thể của từng nhà đầu tư.

  • Quỹ đầu tư thông qua bảo hiểm nhân thọ

Quỹ đầu tư thông qua bảo hiểm nhân thọ (segregated fund) là loại hình đầu tư do một công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp. Số tiền mà công ty bảo hiểm nhận được sẽ được dùng để mua tài sản (chẳng hạn như mutual fund), rồi các cổ phần của quỹ được bán cho các nhà đầu tư. Giống như mutual fund, segregated fund cung cấp danh mục đầu tư đa dạng hóa do một công ty quản lý đầu tư chuyên nghiệp trông nom, nhưng chúng cũng bảo đảm bảo tồn số vốn gốc của bạn (từ 75% đến 100% số tiền đầu tư ban đầu) khi nhà đầu tư qua đời hoặc hợp đồng hết hạn.

Nhược điểm của loại hình này? Bạn cần nắm giữ các quỹ này trong một thời gian nhất định mới có thể được bảo đảm bảo tồn vốn, và bạn cũng phải trả phí cao hơn cho sự bảo tồn này.

Một lý do khác khiến các quỹ segregated fund được ưa chuộng là đây là cách để lại tiền cho gia đình của bạn mà không cần thông qua di chúc, vì các quỹ này được chỉ định người thụ hưởng cụ thể, theo Lea Koiv, giám đốc toàn quốc về thuế và hoạch định di sản cá nhân của công ty bảo hiểm Standard Life.

“Bạn có thể mất rất nhiều thời gian để chứng thực các di chúc, và phải trả phí nữa. Nhưng nếu có một quỹ đầu tư chỉ định người thụ hưởng, số tiền đó có thể được thanh toán trong chỉ 10 ngày làm việc.”

  • ETF

ETF là viết tắt của exchange-traded fund, tức là quỹ đầu tư được giao dịch trên thị trường chứng khoán. Quỹ đầu tư ETF có mức độ quản lý rất thấp, bao gồm các trái phiếu, cổ phiếu và các tài sản khác. Giống như mutual fund, ETF giúp các nhà đầu tư gộp chung tiền lại với nhau, nhưng ETF mô phỏng hay nhại theo một chỉ số chứng khoán (ví dụ trong một ngành cụ thể hay một loại nguyên liệu, như cơ sở hạ tầng hay dầu). Mục đích là nhà đầu tư có thể có được danh mục đa dạng hóa và suất sinh lời cao mà họ mong muốn, trong khi trả phí quản lý thấp hơn mutual fund.

Ông Spiess nói: “Nhìn chung, mutual fund thường có mức độ quản lý rất cao và thường được bán qua các cố vấn tài chính, còn ETF thường có mức độ quản lý rất thấp, được sử dụng bởi những nhà đầu tư tự quản lý tài khoản của mình hoặc những người có cố vấn tài chính có tài khoản dựa trên lệ phí mà qua đó họ có thể đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và ETF một cách trực tiếp.”

Tuy ETF thường được xem là lựa chọn hữu hiệu hơn về mặt chi phí, ông Spiess nói rằng không phải luôn luôn như vậy. “Một số ETF có mức độ quản lý rất cao mà hiện nay trở nên đắt đỏ, vì bạn trả tiền cho một mức độ quản lý nào đó, chứ không chỉ đơn thuần mua một chỉ số chứng khoán.”

  • Cổ phiếu

Nói đơn giản, cổ phiếu (stock) là loại chứng khoán đại diện cho một phần sở hữu (gọi là cổ phần, share) trong một công ty. Một số cổ phiếu có trả cổ tức (dividend), và bạn có thể kiếm lời khi giá cổ phiếu tăng lên, hoặc lỗ khi giá giảm xuống. Ông Spiess khuyên đừng nên nhảy vào cổ phiếu nóng gần đây nhất.

“Có nhiều nghiên cứu cho thấy khi những nhà đầu tư tự quản lý tài khoản quyết định về danh mục của mình, trong số cổ phiếu mà họ nắm giữ có tỉ lệ rất cao những công ty tên tuổi,” ông nói. “Và do đó họ lỡ dịp đầu tư vào những công ty có thể không tiếng tăm – những công ty công nghiệp hay tài chính không tên tuổi nhưng có khả năng có lợi nhuận hoặc trong những ngành đang có lãi cao.”

Bà Koiv nói thêm, “Tôi nghĩ là không nên nhảy vào những thứ thời thượng. Người ta có thói quen xấu là mua ở giá cao nhất rồi bán ở giá thấp nhất.”

Nguồn: Shelley White, “A newbie’s guide to RRSP investing“, The Globe and Mail, 20/2/2014.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.