Canada: siêu cường quốc năng lượng mới?

0

Trong khi Mỹ cân nhắc các phương án để chiếm quyền bá chủ năng lượng, một hiệp định thương mại tự do mới đây với Nam Hàn và các đề án phát triển đường ống dẫn dầu cho thấy Canada sắp vươn lên thành đấu thủ quan trọng.

Hồi giữa tháng 3, Joe Oliver, lúc đó là bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên và nay là bộ trưởng Tài chính, nói Canada sắp trở thành một siêu cường quốc năng lượng. Trong khi Mỹ cân nhắc các phương án để chiếm quyền bá chủ năng lượng, một hiệp định thương mại tự do mới đây với Nam Hàn và các đề án phát triển đường ống dẫn dầu cho thấy Canada sắp vươn lên thành đấu thủ quan trọng.

Canada: siêu cường quốc năng lượng mới?

Khương An

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, dù gần đây có biến động, các nền kinh tế Châu Á đang đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng toàn cầu. Điều đó có nghĩa là nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Tại một hội nghị năng lượng ở tỉnh bang Ontario, bộ trưởng Oliver nhận định rằng Canada có sẵn các yếu tố kinh tế và tài nguyên năng lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đó. “Canada sắp vươn lên thành một siêu cường quốc năng lượng trong thế kỷ 21, và có mức độ đáng tin cậy, trách nhiệm và tiềm năng vô song.”

Sản lượng dầu của Canada trong tháng 1/2014 ước tính đã cao hơn 100.000 thùng/ngày so với mức kỷ lục 4,2 triệu thùng/ngày hồi tháng 12/2013. Trong báo cáo hàng tháng hồi tháng 2, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC) cho biết nguồn cung dầu quý tư của Canada đã cao hơn dự đoán, và sản lượng quý tư năm 2014 sẽ đạt 4,25 triệu thùng/ngày.

Hồi tháng 2, Thủ tướng Canada Stephen Harper và Tổng thống Mexico Pena Nieto đã đồng ý phối hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân nắm bắt các cơ hội mới trong ngành năng lượng. Đầu tháng ba, Canada đã ký hiệp định thương mại tự do với Nam Hàn. Trong một cuộc họp chung với Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye, Thủ tướng Harper nói ông đang nắm bắt cơ hội xuất hiện từ sự tăng trưởng kinh tế của Châu Á. “Chính sự tăng trưởng thương mại toàn cầu trong thế hệ vừa qua đã góp phần lớn tạo ra của cải trên khắp thế giới, và Canada ở vị thế tiên phong.”

Bộ trưởng Oliver nói Canada tổn thất khoảng 35 triệu Gia kim mỗi ngày vì các trữ lượng dầu thô nằm sâu trong đất liền. Nhằm tránh lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ và đa dạng hóa thị trường trên toàn thế giới, các công ty dầu khí Canada đã đề xuất nhiều công trình đường ống lớn. Các đề xuất này phần lớn vẫn còn đang được xét duyệt, và gặp một số trở ngại như sự chống đối của các nhóm môi trường, bộ lạc thổ dân, và đặc biệt là sự lưỡng lự của chính quyền Mỹ đối với đường ống có đi qua đất Mỹ như Keystone XL.

Hôm 18/4, chính quyền Obama lại một lần nữa hoãn đưa ra quyết định cuối cùng về đường ống dẫn dầu Keystone XL. Điều đó cho thấy đề án công trình này có thể quá nhạy cảm nên khó xử lý về mặt chính trị. Nhưng oái ăm thay, đó không phải cuộc tranh luận đường ống dẫn dầu quan trọng nhất ở Bắc Mỹ. Sáu đường ống khác đang được dự trù ở Canada mà tính chung – và trong một số trường hợp là riêng rẽ – có tác động cao hơn nhiều cho các thị trường năng lượng quốc tế và môi trường.

Giống như Keystone XL, các công trình được đề xuất của Canada nhằm mục đích đưa dầu khai thác từ các mỏ dầu cát của Alberta ra thị trường. Nếu tất cả sáu đường ống này được xây dựng, chúng sẽ vận chuyển khoảng 3,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, gấp bốn lần dung lượng của Keystone XL. Ở Canada đang có những cuộc tranh luận kịch liệt về các công trình này, mà ở Mỹ ít ai để ý tới vì nhiều vấn đề được nhìn nhận theo cách khác ở Mỹ.

Khó có chuyện tất cả các đường ống này sẽ được phê chuẩn, nhưng một vài công trình có vẻ có triển cao được xúc tiến trong những năm sắp tới. Chỉ cần hai hoặc ba đường ống này là đủ biến Canada từ một đấu thủ chỉ có tầm khu vực – nước cung cấp dầu thô gần như chỉ cho Mỹ – thành một đấu thủ quan trọng trong địa chính trị dầu khí.

Bản chất độc nhất vô nhị của chính trị đường ống dẫn dầu ở Canada xuất phát từ nhu cầu chiến lược của Canada cần tìm khách hàng mới ở Châu Âu và Châu Á. Gần 97% lượng xuất khẩu dầu của Canada là sang Mỹ, nơi giá dầu thô lâu nay đã giảm do sự bùng nổ dầu đá phiến ở Mỹ. Chính vì thế, Canada cần bán ra thị trường toàn cầu, nơi loại dầu thô chuẩn mực Brent thường có giá cao hơn loại chuẩn mực West Texas Intermediate của Mỹ.

Carl Kirst, chuyên viên phân tích ngành năng lượng của BMO Capital Markets tại Houston, nói: “Canada tổn thất thật sự vì chỉ gắn với thị trường Mỹ, mà không gắn với các thị trường năng lượng toàn cầu. Canada có nhu cầu chiến lược cần phải đa dạng hóa khỏi Mỹ. … Không có nước phát triển nào khác mà sản phẩm có giá trị nhất chỉ gắn với một khách hàng duy nhất.”

Những công trình đường ống mới này nhằm mục đích phá vỡ thế bế tắc này và đưa Canada ra trường quốc tế. Chưa rõ liệu Canada có sẵn sàng đương đầu với thách thức này hay không, nhưng có vẻ như đang diễn ra chuyển biến căn bản.

Các đề xuất đường ống nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Thủ tướng Stephen Harper của đảng Bảo thủ cầm quyền. Nhưng đảng đối lập chính, đảng Tân Dân chủ (NDP) thiên tả, đã bất ngờ ủng hộ đề án đường ống lớn nhất. Đảng NDP phản đối cả Keystone XL lẫn đường ống Hành lang Phương Bắc (Northern Gateway) từ các mỏ dầu cát tới bờ biển British Columbia, chủ yếu không phải vì các mối quan ngại môi trường, mà vì các công trình này sẽ xuất khẩu dầu thô chứ không phải các sản phẩm dầu đã lọc có giá trị gia tăng. Nhưng đảng NDP ủng hộ đề án Năng lượng Phương Đông (Energy East), một đường ống dài 2.730 dặm vận chuyển dầu cát thô tới các nhà máy lọc dầu ở Quebec và New Brunswick. Nguồn cung mới này sẽ thay thế cho dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông, và các sản phẩm dầu đã lọc và một số sản phẩm dầu thô chưa lọc sẽ được bán ra cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

“Khi bàn về việc phát triển bền vững các tài nguyên ở Canada, trên hết thảy chúng tôi bàn về việc tăng giá trị ở đây, trong đó có việc làm. Keystone XL xuất khẩu 40.000 việc làm ra khỏi Canada. Vì vậy về nguyên tắc, chúng tôi cho rằng vì đằng nào cũng vận chuyển bitumen, thì hãy vận chuyển trong Canada, tạo ra 40.000 việc làm ở đây, bán được giá cao hơn cho các nhà sản xuất, tăng thêm tiền cho thuê mỏ cho các tỉnh bang, đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng của Canada. … Chúng ta cần tránh xa khuynh hướng truyền thống của Canada là chỉ khai thác rồi bán mà không tạo thêm giá trị ở đây. Những việc làm có giá trị gia tăng là con đường nên theo.”

Đứng đầu nhóm chống đối các đường ống dẫn dầu lại là một phe khác rất đặc thù của Canada mà không có lực lượng chính trị tương đương ở Mỹ: đó là các bộ lạc thổ dân (First Nations). Khác với ở Mỹ, nơi mà những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cuối cùng của thổ dân Mỹ (Native American) chính thức bị loại bỏ trong Đạo luật Dàn xếp Các tuyên bố chủ quyền Thổ dân Alaska năm 1971, nhiều bộ lạc ở tỉnh bang British Columbia chưa bao giờ ký các hiệp ước hòa bình với Ottawa công nhận chủ quyền Canada trên đất của họ. Trong khuôn khổ rườm rà của luật Canada và luật quốc tế, các bộ lạc thổ dân này do vậy được quyền “bàn bạc” về những công trình trên lãnh thổ lịch sử của họ. Vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu điều này có trao cho các bộ lạc quyền phủ quyết trọn vẹn đối với các đường ống hay không, nhưng vấn đề này có thể trở thành một cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài nhiều năm mà cuối cùng sẽ do Tối cao Pháp viện Canada phán quyết.

Nhà kinh tế học Robyn Allan ở Vancouver nhận định rằng các bộ lạc thổ dân dọc biên giới British Columbia quyết liệt phản đối và sẽ không chấp nhận để các đường ống này được xây dựng. “Phần lớn chiến lược của họ dựa vào luật quốc tế về các quyền của thổ dân, vốn là một công cụ rất hữu hiệu cho họ trong các tòa án Canada.”

Đường ống Northern Gateway sẽ chuyển dầu cát thô tới một cảng ở British Columbia, để xuất sang Trung Quốc và các khách hàng Châu Á khác. Công trình này đã được phê chuẩn sơ bộ của Hội đồng Năng lượng Quốc gia, một ban xét duyệt cấp liên bang, và dự kiến sắp được Thủ tướng Harper phê chuẩn lần cuối. Nhưng do sự phản đối của các bộ lạc thổ dân, dư luận Canada cho rằng nếu có được phép thì công trình đó cũng phải mấy năm nữa mới bắt đầu xây dựng.

Mức độ phản đối của địa phương đối với Northern Gateway được thể hiện hôm 12/4 tại thành phố cảng Kitimat, nơi đặt trạm cuối của đường ống này: trong cuộc trưng cầu ý dân không có tính ràng buộc pháp lý, 60% bỏ phiếu phản đối công trình này.

Khác với các bộ lạc ở British Columbia, tất cả các bộ lạc trên các tuyến đường phía đông Alberta đã ký các hiệp ước đất đai nên có ít ảnh hưởng pháp lý hơn. Vì vậy phần lớn chỉ đang mặc cả để được chia phần lợi nhuận của các đường ống.

Các đề án Alberta Clipper, Đường ống số 9 (Line 9) và Đường ống số 3 (Line 3) đã được thủ tướng phê chuẩn và không gặp sự phản đối đáng kể nào từ các bộ lạc thổ dân. Dù Alberta Clipper vẫn đang đợi Bộ Ngoại giao Mỹ xét duyệt về môi trường (ở cấp độ ít nghiêm ngặt về pháp lý hơn quy trình xét duyệt Keystone XL), tất cả các đường ống này dự kiến sẽ trở thành hiện thực trong vòng vài năm tới.

Nhà kinh tế học Robyn Allan nhận định rằng do Keystone XL và hai đường ống British Columbia bị chống đối, đề án Energy East ngày càng có cơ hội thành công. Bà nói: “Energy East quả thực có thể là đề án dễ được thông qua nhất. Energy East đặt ra câu hỏi chưa có lời giải đáp đã ám ảnh chúng tôi trong mấy chục năm – khi chúng tôi là nước sản xuất năng lượng dư thừa, tại sao miền đông Canada lại phụ thuộc vào dầu nhập khẩu? Tại sao không vận chuyển dầu thô sang bờ đông, ngừng nhập khẩu từ Trung Đông, và chỉ xuất khẩu các sản phẩm đã lọc có giá trị gia tăng?”

Tuy một số chuyên gia tranh luận về tác động của các đường ống Canada đối với Keystone XL, kết quả đối với ngoại giao dầu khí toàn cầu dường như rõ hơn: Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Dầu khí Canada, sản lượng dầu cát sẽ tăng từ 1,8 triệu thùng / ngày trong năm 2012 lên tới 5,2 triệu thùng / ngày trong năm 2030, phần lớn sản lượng đó sẽ được xuất khẩu. Như vậy Canada sẽ sánh ngang với các nước xuất khẩu dầu như Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Iraq.

Giới chức Canada cho rằng các đường ống mới có thể giúp các nước vùng Baltic và Ukraine giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga, nhờ đó làm suy yếu Tổng thống Vladimir Putin. Nhưng giới phân tích nhận định rằng đây chỉ là thổi phồng. Về khí đốt, Canada không có trạm đầu mối xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) nào ở bờ biển Đại Tây Dương của mình, và hiện không có trạm nào đang xây dựng. Về dầu, phần lớn các sản phẩm đã lọc dự kiến sẽ giữ lại ở Canada, còn các nhà máy lọc dầu Tây Âu có cấu hình phù hợp cho các loại dầu nhẹ của Nga và Trung Đông, chứ không phải loại dầu nặng từ các mỏ dầu cát của Canada.

Judith Dwarkin, giám đốc nghiên cứu năng lượng của hãng ITG Investment Research ở Calgary, nói: “Nếu Energy East được xây dựng, số dầu thô chưa lọc được xuất khẩu có lẽ sẽ không sang Tây Âu, vì họ cần dầu nhẹ hơn. Dầu xuất khẩu sẽ đi xa hơn về phương đông, sang Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, sang Vịnh Ba Tư, Ấn Độ hoặc Trung Quốc, những nơi có nhà máy lọc dầu phù hợp hơn với dầu thô loại nặng.”

Vì các thị trường dầu toàn cầu có quy mô lớn khủng khiếp, vài triệu thùng dầu Canada xuất khẩu mỗi ngày sẽ chẳng có tác động là bao đối với giá và nguồn cung ở New York, Kiev hay Bắc Kinh. Tác động chủ yếu sẽ là về mặt ngoại giao: Canada có thêm khả năng tưởng thưởng cho bạn bè và trừng phạt kẻ thù. Một số người Canada hy vọng rằng tác động này có thể là giúp định hướng chính sách đối ngoại của  Canada. Theo cách nhìn của đảng NDP và các đảng khác, sự gia tăng các đường ống là một cơ hội kép để Canada thực sự độc lập với Washington. Bằng cách phá vỡ sự lệ thuộc đường ống vào các thị trường Mỹ, Canada sẽ được tự do tìm một vị thế riêng.

Theo nhận định của đảng NDP và các đảng khác, một cơ hội thứ hai là tập trung vào lọc dầu thô trong nước và xuất khẩu các sản phẩm đã lọc có giá trị gia tăng cao hơn. Vẫn chưa rõ liệu điều này có thể xảy ra hay không. Hai đường ống British Columbia sẽ chỉ xuất khẩu dầu thô, biến Canada thành một nước cung cấp nguyên liệu cho Trung Quốc thay vì cho Mỹ – nhiều người Canada cho rằng như vậy cũng chẳng khá gì hơn. Thực vậy, dù một số người chống đối Keystone XL có luận điệu bài xích Trung Quốc, các đường ống Northern Gateway và Trans Mountain là một nước cờ khai cuộc thực sự để xuất khẩu sang Trung Quốc. Keystone XL sẽ chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường ở Caribe và Mỹ La tinh, thay thế nguồn xuất khẩu giảm sút từ Venezuela và Mexico.

Nhưng đường ống không phải là cách duy nhất để Canada chuyển dầu cát thô tới các thị trường xuất khẩu. Giống như Mỹ, Canada đang bùng nổ nhanh chóng về vận chuyển dầu bằng đường sắt, và dầu cát thô là sản phẩm chính. Jameson Berkow của Business News Network bàn về những con số gia tăng này. Mới cách đây 5 năm, lượng vận tải hàng ngày bằng đường sắt của Canada chỉ là 1.000 thùng, tức khoảng hai toa xe bồn. Hiện nay, khoảng “550.000 thùng được vận chuyển bằng đường sắt mỗi ngày, bằng khoảng 800 toa xe bồn. Đến cuối năm nay, con số này dự kiến sẽ đạt 1 triệu thùng/ngày, tăng lên tới khoảng 1,5 triệu thùng/ngày vào giữa năm 2015.

Thử so sánh con số này với mạng lưới đường ống dẫn dầu lớn nhất hiện nay của Canada: Mainline của công ty Enbridge vận chuyển 2 triệu trong số 2,4 triệu thùng/ngày mà Canada xuất sang Mỹ.

Tóm lại, dù có Keystone XL hay không, Canada có thể xây dựng đủ công suất vận chuyển bằng đường ống và đường sắt để đưa số lượng dầu cát khổng lồ tới các thị trường trên khắp thế giới, từ Istanbul đến Mumbai đến Bắc Kinh. Giới hoạt động môi trường khắp nơi sẽ càng có thêm lý do tuyệt vọng về cơ may ngày càng giảm để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu đang trầm trọng do thế giới dùng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm. Canada sẽ có vị thế cao hơn trên trường quốc tế.

SƠ LƯỢC VỀ CÁC ĐỀ ÁN ĐƯỜNG ỐNG LỚN CỦA CANADA

  1. Keystone XL

pipeline-mapĐề xuất: TransCanada

Dung lượng: 850.000 thùng/ngày, tức khoảng 85% công suất đường ống chính hiện nay của Canada xuất khẩu sang Mỹ.

Đích đến: vùng Texas ven bờ Vịnh Mexico, nơi có thị trường lọc dầu lớn nhất thế giới

  1. Đảo ngược hướng của Đường số 9 (Line 9 Reversal)

Đề xuất: Enbridge Inc.

Dung lượng: 300.000 thùng/ngày.

Đích đến: Montreal, nơi có nhà máy lọc dầu của Suncor Energy

  1. Năng lượng Phương Đông (Energy East)

Đề xuất: TransCanada

Dung lượng: 500.000 đến 1 triệu thùng/ngày

Đích đến: Quebec, có thể là Saint John, New Brunswick, nơi có nhà máy lọc dầu của Irving Oil với công suất 325.000 thùng/ngày và một cảng nước sâu có thể thuận lợi cho việc xuất khẩu bằng đường hải dương.

  1. Hành lang Phương Bắc (Northern Gateway)

Đề xuất: Enbridge

Dung lượng: mỗi ngày 525.000 thùng bitumen dầu cát xuất khẩu, 193.000 thùng diluent nhập khẩu (diluent là dung dịch làm mỏng bớt bitumen nặng và dày để có thể vận chuyển bằng đường ống).

Đích đến: Kitimat, thành phố nhỏ ở đầu eo biển Douglas thuộc tỉnh bang British Columbia. Các tàu chở dầu loại siêu lớn có thể phân phối dầu tới các nhà máy lọc dầu ở Châu Á và California.

  1. Mở rộng đường ống Trans Mountain

Đề xuất: Kinder Morgan

Dung lượng: 590.000 thùng/ngày (đường ống hiện tại là 300.000 thùng/ngày; nếu mở rộng thì sẽ tăng lên tới 890.000)

Đích đến: Burnaby, British Columbia, nơi có Trạm đầu mối Westridge Marine của hãng Kinder Morgan, từ đó các tàu chở dầu nhỏ hơn sẽ đưa dầu Canada chủ yếu sang California, dù cũng có thể sang Châu Á.

  1. Mở rộng các đường ống Mainline của Enbridge

Đề xuất: Enbridge Inc.

Dung lượng: 1 triệu thùng/ngày trước năm 2015

Đích đến: vùng Trung Tây nước Mỹ, các vùng của Mỹ ven Vịnh Mexico, và có thể vùng bờ biển miền đông.

  1. Đề án tham vọng của Alberta

Đề xuất: chính quyền tỉnh bang Alberta

Dung lượng: chưa rõ

Đích đến: Churchill; Alaska qua ngõ Lãnh thổ Phương Bắc (Northwest Territories)

 

Tham khảo:

  • Robert Collier, Canada: The Next Oil Superpower?, The National Interest, 22/4/2014
  • Daniel J. Graeber, Is Canada the next energy superpower?, The Christian Science Monitor, 17/3/2014
  • Shawn Mccarthy and Nathan Vanderklippe, Pipe dreams: A look at Canada’s six leading pipeline proposals, The Globe and Mail, 17/2/2013

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.