Canada xếp thứ nhì thế giới về chỉ số chất lượng cuộc sống
Theo Chỉ số Tiến bộ Xã hội 2016 công bố hôm 28-6, Canada xếp thứ nhì thế giới về đáp ứng các nhu cầu xã hội và môi trường của công dân.
Thứ hạng này tăng so với hạng 6 của năm ngoái, dù Canada tụt hậu về sự tiếp cận thông tin và chất lượng môi trường.
Kết hợp dữ liệu từ nhiều tổ chức như Ngân hàng Thế giowis, Liên Hiệp Quốc, và Thăm dò Dư luận Thế giới Gallup, chỉ số này xếp hạng 133 quốc gia về các thông số như tỷ lệ béo phì, số tử vong vì tai nạn giao thông, mức độ chấp nhận di dân, tự do tôn giáo, và mức độ tiếp cận sử dụng nước máy.
Năm nay Phần Lan qua mặt sít sao Canada để chiếm hạng nhất, với Đan Mạch, Úc, và Thụy Sỹ chiếm các vị trí còn lại trong Top 5.
Michael Green, giám đốc điều hành của Social Progress Imperative, tổ chức tổng hợp chỉ số này, nói rằng các nước xếp hạng đầu cho thấy có nhiều mô hình dẫn tới hạnh phúc xã hội; không chỉ mô hình Scandinavia hoặc Bắc Âu, mà cả mô hình khác như Canada.
Canada được điểm cao về sự tiếp cận giáo dục tân tiến, xếp hạng nhất tổng thể về hạng mục này. Hạng mục giáo dục đánh giá những yếu tố như tỷ lệ người dân có học vấn cao, chất lượng giáo dục và bình đẳng giới.
Canada cũng đạt điểm cao về mức độ bao dung, xếp hạng 5 tổng thể. Theo ông Green, thành tựu này càng quý giá do tính đa dạng của Canada, và là tấm gương để các nước khác trên thế giới học hỏi.
Ông nói, “Một số nước có thể đạt điểm cao vì họ khá đồng nhất. Canada rộng lớn và đa dạng nhưng vẫn xếp hạng 5. Canada đã tìm ra một cách kết hợp tốt, một giải pháp tốt cho vấn đề nan giải này mà các nước khác có thể noi gương.”
Canada không đạt kết quả cao về các yếu tố môi trường, trong đó có bảo vệ tính đa dạng sinh học, xử lý nước thải, và khí thải nhà kính.
Canada cũng tụt hậu về tỷ lệ sử dụng điện thoại cầm tay, chỉ với 81 trên 100 người có sử dụng. Tỷ lệ này khiến Canada xếp hạng 102 trên 133, nằm giữa Zimbabwe và Nepal.
Ông Green cho rằng thứ hạng như vậy thấp đáng ngạc nhiên vì đây là một khía cạnh tiến bộ xã hội dễ khắc phục; các nước có GDP thấp hơn nhiều đã làm được.
Ông nói, “Hơi lạ là Canada yếu kém về khía cạnh mà thế giới biết cách giải quyết, trong khi Canada đạt kết quả tốt về mức độ dung thứ, vấn đề khó hơn nhiều.”
Mỹ có thứ hạng tổng thể 19 về chỉ số này, thấp hơn nhiều so với các nước đồng minh trong khối G7, và so với thu nhập bình quân đầu người $50.932.
Tuy Mỹ vẫn đạt kết quả khá cao về tiến bộ xã hội, nằm giữa Pháp và Slovenia, thứ hạng của Mỹ giảm mạnh về các mặt y tế và sức khỏe. Mỹ cũng tụt hậu về an toàn cá nhân, giáo dục cơ bản và chất lượng môi trường so với sức mạnh kinh tế. Điều đó cho thấy Mỹ chưa biến được sự thịnh vượng của mình thành tiến bộ xã hội cho công dân của mình.
Social Progress Imperative, một tổ chức phi vụ lợi ở Mỹ, công bố chỉ số chính thức đầu tiên vào năm 2014, với mục đích bổ sung cho số đo GDP, tổng sản phẩm nội địa. Chỉ số tiến bộ xã hội xem xét mối quan hệ giữa thành quả kinh tế của một quốc gia và mức độ hạnh phúc của công dân nước đó.
Ông Green nói, “Người ta luôn có cảm nhận rằng GDP không thể hiện được hết mọi điều. GDP nghĩ rằng nhà tù và bom là tiến bộ. GDP chẳng đề cập tới môi trường. GDP chẳng hề đề cập tới tính công bằng hay cộng đồng.”