Canada và Trung Quốc dùng dằng đàm phán thương mại tự do

2

Canada muốn thoát Mỹ; Trung Quốc muốn FTA với một nước G7. Nhưng chưa thể đàm phán vì các giá trị riêng: Canada đòi “tiến bộ”; Trung Quốc phớt lờ nhân quyền.

Phạm Vũ Lửa Hạ

Thủ tướng Canada Justin Trudeau và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trái, duyệt đội danh dự tại lễ nghênh tiếp ở Đại sảnh đường Nhân dân, Bắc Kinh, hôm thứ Hai 4/12. (Ảnh: Fred Dufour/AFP/Getty Images)

Hôm Chủ nhật 3/12/2017, thủ tướng Justin Trudeau tới Bắc Kinh để bắt đầu chuyến công du Trung Quốc. Ông gặp thủ tướng Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh hôm thứ Hai 4/12, và chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ Ba 5/12, trước khi lên đường tới Quảng Châu để quảng bá thương mại với Canada.

Chuyến đi này đánh dấu chiến lược xoay trục sang Châu Á trong chính sách đối ngoại của Canada, và được kỳ vọng có thông báo thủ tướng Trudeau sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên trong các nước G7 khởi xướng đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với chế độ độc tài độc đảng này.

Sau những cái bắt tay nồng nhiệt và nghi thức tiếp đón trịnh trọng khi thủ tướng Canada gặp các vị lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh, chuyến công du của thủ tướng Justin Trudeau đối mặt với một thực tế u ám hơn. Canada đang chật vật tạo dựng quan hệ giao thương công bằng với một cường quốc đầy tham vọng và thích chơi theo luật riêng của mình.

Giới chức chính phủ Canada không dám mạnh dạn khẳng định chuyến đi này sẽ đánh dấu sự khởi đầu các cuộc đàm phán thương mại tự do chính thức, nhưng thủ tướng Trudeau mong thu hút giới đầu tư Trung Quốc và thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước. Trung Quốc mong bước vào đàm phán thực sự sau nhiều vòng thảo luận “có tính khảo sát” với Canada.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp ở Bắc Kinh hôm thứ Hai 4/12, hai vị thủ tướng đã không thể thông báo khởi đầu đàm phán thương mại tự do. Thủ tướng Lý Khắc Cường ca ngợi “thời đại hoàng kim” của quan hệ với Canada, và nói Trung Quốc muốn tiếp tục các cuộc thảo luận có tính khảo sát về hiệp định thương mại.

Tuy bước tiếp theo trong quan hệ thương mại Canada-Trung Quốc không thành hiện thực, thủ tướng Lý Khắc Cường dành những lời tốt đẹp dành cho thủ tướng Trudeau và Canada khi ông nghênh tiếp thủ tướng Canada tại Đại sảnh đường Nhân dân. Ông Lý nói hiếm khi ông có các cuộc gặp lãnh đạo hàng năm.

Sau cuộc gặp, cả hai vị thủ tướng đều có những phát biểu soạn sẵn, nhưng văn phòng thủ tướng Trudeau cho biết phía Trung Quốc đã hủy một cuộc họp báo đã lên kế hoạch. Thủ tướng Trudeau nói họ đã có cuộc thảo luận “thẳng thắn và trực tiếp”, và ông mong mỏi tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Trước khi thủ tướng Trudeau lên đường, chính phủ thuộc Đảng Tự do khẳng định vẫn chỉ đang cân nhắc về hiệp định này. Nhưng giới vận động cho doanh nghiệp, như chủ tịch Phòng Thương mại Canada Perrin Beatty, kỳ vọng về thông báo đó trong chuyến đi chính thức thứ nhì của thủ tướng Trudeau tới Trung Quốc. Động thái này là một nỗ lực đa dạng hóa thị trường ra khỏi quỹ đạo của Mỹ, và cũng là một tín hiệu với chính quyền Trump rằng Canada đang chuẩn bị những kế hoạch dự phòng trong khi các cuộc tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang bế tắc.

Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng Canada cần phải đạt được một thỏa thuận tốt hơn bất cứ hiệp định nào mà Trung Quốc đã ký kết thì mới có lợi cho người Canada.

Từ lâu Bắc Kinh đã mong mời được Canada ngồi vào bàn đàm phán thương mại tự do một phần bởi vì những đàm phán đó sẽ giúp Trung Quốc có ưu thế mới để thuyết phục các nước G7 khác noi theo. Trung Quốc đã ký hiệp định với nhiều nước như Úc, Peru, và Iceland, và hồi tháng 11 đã đạt được hiệp định với Palestine.

Patrick Leblond, một chuyên gia về kinh tế học quốc tế tại trường các vấn đề công cộng và quốc tế thuộc Đại học Ottawa, nói, “Điều này có nhiều ý nghĩa tượng trưng cho Trung Quốc, chứ không chỉ là quyền tiếp cận thị trường thuần túy kinh tế.”

Cảnh ngộ của những công dân Canada đang bị giam ở Trung Quốc ám ảnh chuyến thăm của thủ tướng Trudeau. Phát biểu với báo giới hôm Chủ nhật 3/12 trên đường tới Trung Quốc với thủ tướng Trudeau, bộ trưởng ngoại thương Canada Francois-Philippe Champagne chỉ trích Bắc Kinh về cách họ đối xử với John Chang, một nhà buôn rượu vang ở British Columbia đã bị cầm tù 20 tháng qua do một tranh chấp về hải quan.

Ông Chang là công dân Canada gốc Đài Loan, trước đây thường tham gia các chuyến đi quảng bá thương mại của chính phủ tới Trung Quốc. Bà Allison Lu, vợ ông Chang, cũng đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc. Con gái của ông đã kêu gọi thủ tướng tạm hoãn các đàm phán thương mại cho tới khi cha của cô được trả tự do.

Bộ trưởng Champagne nói, “Chúng tôi đã nêu rất rõ sự bất mãn và mối quan ngại của chúng tôi về chuyện đó … đây là một vấn đề lẽ ra đã không nên dẫn tới kiểu hành động mà họ đã có.”

Thủ tướng Trudeau từng tỏ vẻ ngưỡng mộ “chế độ độc tài cơ bản” của Trung Quốc vì nó cho phép người Trung Quốc “đột ngột xoay chuyển nền kinh tế của họ”. Lâu nay, ông đã nhắm tới mục tiêu xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Nỗ lực hàn gắn của ông là nhằm khắc phục những tổn thất mà giới lãnh đạo kinh doanh và giới phân tích cho rằng cựu thủ tướng Stephen Harper của chính phủ Đảng Bảo thủ đã gây ra cho quan hệ Canada-Trung Quốc với cách tiếp cận có tính đối đầu và hiếu chiến hơn. Trước đó, chính phủ Trudeau đã bỏ Mỹ để gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á do Trung Quốc dẫn đầu, một đối trọng của Ngân hàng Thế giới do Mỹ dẫn đầu.

Hiện nay, những quan hệ thương mại căng thẳng với Mỹ khiến thủ tướng Trudeau càng quyết tâm tìm kiếm những thị trường mới do doanh nghiệp Canada. Chính quyền Trump có chủ trương bảo hộ đang cố gắng soạn lại NAFTA theo những cách có thể gây phương hại cho những lợi thế mà Canada có được từ hiệp định thương mại chi phối mối quan hệ thương mại hàng đầu của Canada. Tương lai của NAFTA vẫn còn mập mờ sau khi Canada và Mexico thẳng thừng bác bỏ nhiều yêu sách đàm phán của Mỹ mà họ cho là vô lý.

Giới ủng hộ hiệp định thương mại với Trung Quốc cho rằng việc cho phép Trung Quốc được tiếp cận thị trường Canada nhiều hơn sẽ mang lại những lợi ích “có qua có lại” quá lớn nên không thể bỏ qua. Một báo cáo do Phòng Thương mại Canada công bố hồi tháng 9 trích dẫn các dự báo kinh tế cho thấy hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc có thể tăng sản lượng kinh tế hàng năm của Canada thêm 7.8 tỷ đô-la trước năm 2030 và tạo ra 25,000 việc làm mới. Những ngành hưởng lợi chính sẽ là nông sản và công nghệ hoặc nhiên liệu giúp Trung Quốc có nguồn năng lượng sạch hơn như khí đốt.

Stewart Beck, chủ tịch Sáng hội Châu Á Thái Bình Dương, một tổ chức nghiên cứu độc lập được Ottawa hậu thuẫn, nói, “Chúng ta không thể bỏ qua một tỷ người.”

Đạt được một hiệp định có lợi với Trung Quốc sẽ là công việc đầy gian nan. Kiểu chủ nghĩa tư bản chuyên quyền của Trung Quốc nghĩa là các doanh nghiệp nhà nước hoặc được bảo trợ chiếm lĩnh những phần quan trọng của nền kinh tế và hưởng lợi từ các khoản trợ cấp lớn. Canada hiện cũng có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc: trong năm 2016 Canada nhập khẩu trị giá 64 tỷ đô-la từ Trung Quốc, nhưng chỉ xuất khẩu trị giá 21 tỷ đô-la sang Trung Quốc.

Ông Beck cho rằng Canada không nên pha trộn các vấn đề quan hệ thương mại với Bắc Kinh và cảnh ngộ của những công dân bị cầm tù ở Trung Quốc với nhau. “Các vấn đề lãnh sự và vấn đề thương mại: Tôi biết mọi người thích gộp chúng với nhau. Chúng phải được xem xét riêng biệt.”

Chủ tịch Sáng hội Châu Á Thái Bình Dương nói Trung Quốc đang có những nỗ lực cải thiện và và thủ tướng Trudeau không nên được kỳ vọn gắn kết những vấn đề này. “Chúng ta có 400 năm pháp quyền, xuất phát từ nền tảng thông luật. Trung Quốc chưa có điều đó. Họ đang cố gắng hướng tới đó.”

Các môn đồ Pháp Luân Công thông báo họ sẽ tổ chức một cuộc biểu tình hôm Chủ nhật 3/12 bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Vancouver để kêu gọi thủ tướng Trudeau gây áp lực buộc Trung Quốc thả Qian Sun, một công dân Canada đã bị cầm tù từ tháng 2 do những đức tin tôn giáo của bà. Ngoài ra cũng sẽ có 12 thân nhân khác của những người Canada bị cầm tù ở Trung Quốc do họ theo Pháp Luân Công, một phong trào tôn giáo mà Bắc Kinh đã trấn áp trong bao năm qua.

Theo một cuộc thăm dò dư luận do Sáng hội Châu Á Thái Bình Dương đặt hàng sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, tỷ lệ người Canada ủng hộ đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc đã tăng mạnh. Khoảng 55% người trả lời ủng hộ ý tưởng này, tăng 19 điểm phần trăm so với mức ghi nhận vào năm 2014.

Ông Beck nói rằng kết quả này cho thấy người Canada đang bắt đầu nhận thấy rằng Canada cần đa dạng hóa quan hệ thương mại, tránh bớt lệ thuộc vào Mỹ.

Giáo sư Leblond nhận xét rằng nhiều hiệp định thương mại mà Trung Quốc đã ký đã được mô tả là “hạng nhẹ”, vì nhiều chủng loại hàng hóa và dịch vụ quan trọng nhưng nhạy cảm về chính trị cho Bắc Kinh và đối tác của họ đã được miễn trừ, tránh bị cạnh tranh thực sự, và cả hai bên đều có những điều khoản yếu ớt về vấn đề bán phá giá.

Ông mô tả các hiệp định mà Trung Quốc đã ký là “NAFTA trừ”, nghĩa là chúng chỉ tập trung vào việc gỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa và trong chừng mực nào đó tăng quyền tiếp cận thị trường về thương mại dịch vụ – một trong những lĩnh vực nhiều hứa hẹn và béo bở nhất cho các doanh nghiệp Canada.

Giáo sư Leblond nói mối quan ngại chính của ông là ngay cả sau khi ký hiệp định thương mại, Trung Quốc tìm cách dựng được các rào cản khác đối với hàng nhập ngoại. Theo ông, như người Úc lâu nay vẫn kêu ca, ngay cả sau khi gỡ bỏ thuế nhập khẩu cho một đối tác thương mại nước ngoài, “người Trung Quốc tìm ra những cách mới gây khó khăn cho các công ty xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Ông nói Canada phải cương quyết đòi cho được một cơ chế trong hiệp định để buộc Trung Quốc xử lý vấn đề này, một cơ chế thực sự hiệu nghiệm để Ottawa có cách trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc nếu tất cả những cách khác thất bại.

Giáo sư Leblond nói, “Bản chất phản cạnh tranh của thị trường Trung Quốc theo tôi là điều đáng lo ngại nhất. Nếu họ yếu trong một ngành mà Trung Quốc cho phép người nước ngoài vào, mang công nghệ và bí quyết tới, rồi bỗng nhiên khi việc chuyển giao kiến thức đã diễn ra, các công ty Trung Quốc bắt đầu tiếp quản.”

Nhưng Canada trước hết cần Trung Quốc cam đoan rằng thương lượng không chỉ về chuyện làm ăn kinh doanh. Một số quan chức cấp cao của chính phủ, phát biểu với điều kiện giấu tên vì tính chất nhạy cảm của vấn đề, nói với hãng thông tấn The Canadian Press rằng Canada muốn Trung Quốc chấp nhận một khuôn khổ đàm phán thương mại tự do có bao gồm nghị trình thương mại tiến bộ của Canada, tức là có các vấn đề môi trường, lao động, giới và quản lý nhà nước.

Hôm thứ Bảy 2/12, bộ trưởng ngoại thương Canada Francois-Philippe Champagne nói rằng Canada đã nêu những vấn đề đó trong các cuộc thảo luận có tính khảo sát để dò phản ứng của Trung Quốc.

Giới chức Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng bất cứ hiệp định thương mại tự do nào với Canada cũng sẽ chỉ hoàn toàn mang tính kinh tế, và không cân nhắc tới các vấn đề nhân quyền. Nhưng Canada muốn tiếp tục lồng thêm vào nghị trình thương mại tiến bộ mà Canada đã thành công khi đưa được nó vào hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp Châu Âu (CETA) và vào hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Trung Quốc. (Trong thời gian hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng hồi đầu tháng 11, các nước TPP đã đổi tên hiệp định này thành Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, CPTPP.)

Là một trong những kiến trúc sư của trật tự thương mại thế giới hiện tại sau Đệ nhị Thế chiến, Canada muốn bảo vệ và cổ xúy luật lệ ngoại thương tiến bộ. Theo giới chức chính phủ, làm sao để Canada thuyết phục Trung Quốc chấp nhận quan điểm đó là mối quan tâm hàng đầu của nhiều bộ ngành liên bang. Những vòng thảo luận có tính khảo sát vừa kết thúc gần đây là nhằm thu thập thông tin và tìm hiểu tình hình.

Theo quan chức giấu tên, Canada không muốn thương lượng một hiệp định thương mại hàng hóa và dịch vụ cơ bản giống như hiệp định của Úc với Trung Quốc, và cũng không muốn thương lượng kiểu tủn mủn từng ngành. Sở dĩ như vậy là vì nếu Canada và Trung Quốc có hiệp định về ngành kỹ thuật hàng không chẳng hạn, những nguyên tắc dẫn dắt hiệp định đó không nhất thiết áp dụng được khi có tranh chấp trong một ngành khác, ví dụ nông nghiệp.

Trong một bài phát biểu gần đây, bộ trưởng ngoại thương Champagne nói rằng Canada muốn thiết lập một khuôn khổ tổng quát “trong đó các vấn đề có thể được đề cập và pháp quyền có ý nghĩa tối quan trọng”.

Bộ trưởng Champagne nói rằng Canada muốn tạo sân chơi công bằng với một nước lớn hơn mình rất nhiều, trong đó có bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và Canada không muốn nhân nhượng về nghị trình thương mại tiến bộ.

Ông nói, “Về thương mại, người dân Canada kỳ vọng chúng tôi phải cương quyết và kiên định trong việc cổ xúy những giá trị của chúng ta ở nước ngoài, trong việc bảo toàn và bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta, đồng thời giúp nền kinh tế tăng trưởng. Chúng tôi phải nhìn thấy bàn cờ toàn cục và suy tính các nước đi cho phù hợp.”

Nhưng nhiều nhà phân tích nói rằng Trung Quốc đang chiếm lợi thế lớn trong bàn cờ đó.

Canada đương đầu với nhà lãnh đạo uy quyền nhất của Trung Quốc trong mấy chục năm qua: chủ tịch Tập Cận Bình, người đã củng cố một viễn tượng táo bạo cho tương lai Trung Quốc tại đại hội đảng có tính cột mốc hồi tháng 10 vừa qua. Với chính quyền Trump chủ trương bảo hộ tại Washington, Tập Cận Bình tự định vị mình là người bảo vệ thương mại tự do hóa. Nhưng bài diễn văn của ông tại đại hội đảng hứa khuếch trương một thế giới quan Trung Quốc được ông gọi là “chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Hoa”.

Paul Evans, thuộc Viện Nghiên cứu Châu Á ở Đại học British Columbia, nói, “Họ đã nói rõ như ban ngày rằng tương lai cho Trung Quốc không phải là dân chủ và nhân quyền phương Tây, không phải hiện nay, ngày mai và cả về lâu dài. Như vậy nghĩa là họ hiện có cách tiếp cận cứng nhắc hơn bao giờ hết về nhân quyền. Giới lãnh đạo Trung Quốc thực sự sẽ hoan nghênh trong nhiều lĩnh vực, nhưng điều đó có thể thay đổi luật lệ theo những cách chúng ta nên lo ngại.”

David Mulroney, cựu đại sứ Canada ở Trung Quốc, nói rằng Canada cần có một chiến lược Trung Quốc toàn diện để ứng phó với sự vươn lên tiếp tục của Trung Quốc cũng như bảo vệ các lợi ích và giá trị của Canada. Ông nói tới nay ông chưa thấy điều đó.

Ông Mulroney nói, “Tập Cận Bình ít quan tâm tới các thế lực thị trường hơn những vị tiền nhiệm, có xu hướng thiên nhiều hơn về can thiệp của nhà nước và làm những điều thực sự khiến sân chơi có lợi thế nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Thương lượng điều này với Tập Cận Bình sẽ khiến công việc đó khó khăn hơn nhiều, nhưng không phải bất khả thi.”

Wendy Dobson, đồng chủ nhiệm Trường Quản trị Kinh doanh Rotman thuộc Đại học Toronto, nói bà không nghĩ rằng Canada đã sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại chính thức với Trung Quốc. Hai nước cần thiết lập một số hướng dẫn ngay từ đầu để về sau không bị ngạc nhiên.

Bà Dobson nói, “Khuôn mẫu của chúng ta là CETA và TPP, vốn là các hiệp định có tiêu chuẩn rất cao, bao gồm hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, chính sách cạnh tranh, và các doanh nghiệp nhà nước.”

Quan điểm của Trung Quốc đơn giản hơn. “Có thể là nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, và có thể thúc giục chúng ta xây dựng một đường ống dẫn dầu sang bờ tây.”

Trong bài phát biểu của mình, bộ trưởng ngoại thương Champagne cho rằng Canada không chỉ là một nước có 35 triệu dân, vì Canada được quyền tiếp cận một thị trường có 1.2 tỷ dân thông qua các hiệp định thương mại như với Châu Âu (CETA) và Bắc Mỹ (NAFTA).

Ông Mulroney nói Canada cũng có các ưu thế đàm phán khác. Người Trung Quốc tiếp tục trân quý những mối liên hệ lịch sử lâu đời với bước đột phá của cựu thủ tướng Pierre Trudeau (cha của đương kim thủ tướng Justin Trudeau) trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao, và Norman Bethune (bác sĩ người Canada có thiên hướng cộng sản, có tên tiếng Hoa là Bạch Cầu Ân, từng tới Trung Quốc cứu chữa binh lính Bát Lộ Quân trong chiến tranh Trung-Nhật thứ nhì, và được Mao Trạch Đông viết thơ ca ngợi).

Bà Dobson nói thêm, “Chúng ta có thể nghĩ chuyện đó hơi lạ lùng, nhưng cảm nghĩ đó có thật với họ. Họ có 5,000 năm lịch sử, và chuyện này chỉ mới cách đây 5 phút.”

Gần đây, chính phủ Canada công bố kết quả của những cuộc tham vấn với 600 doanh nghiệp, học giả và các tổ chức xã hội dân sự, và phát hiện mức độ nghi ngờ khá cao về một hiệp định thương mại tự do với Bắc Kinh. Một số người và tổ chức được khảo sát lo ngại rằng một hiệp định thương mại tự do như vậy có thể làm giảm việc làm ở Canada và giảm khả năng cạnh tranh với các tiêu chuẩn lao động lỏng lẻo, yêu cầu thấp hơn về môi trường và các khoản trợ cấp của nhà nước.

Chuyên gia thăm dò dư luận Darrell Bricker thuộc hãng Ipsos cảnh báo giới hoạch định chính sách đừng giả định rằng người Canada hoàn toàn ủng hộ mối quan hệ kinh tế sâu rộng hơn với Trung Quốc. Ông nói rằng nhà nước độc đảng và việc các công ty Trung Quốc mua lại các công ty Canada khiến người Canada lo lắng.

Ông nói, “Tôi có thể nói rằng quan điểm của người Canada về Trung Quốc là hết sức căng thẳng. Nó khác với đặt câu hỏi về một hiệp định thương mại tự do với Châu Âu hay Mỹ. Họ được xem là một nước không có dân chủ.”

2 thoughts on “Canada và Trung Quốc dùng dằng đàm phán thương mại tự do

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.