Nạn nghiện fentanyl ở Canada: Vì đâu nên nỗi?

2

Phóng sự điều tra truy nguyên sự trỗi dậy của loại ma túy vốn là một loại thuốc giảm đau phổ biến tại Canada, nhưng rất dễ gây tử vong nếu chỉ dùng quá liều chút xíu.

Số vụ tử vong do dùng quá liều một loại ma túy mới rất mạnh đã tăng nhanh tới mức đáng báo động ở Canada. Chỉ riêng ở Alberta, thuốc fentanyl trái phép có liên quan tới 272 cái chết trong năm 2015, dẫn tới những câu hỏi về cách phản ứng của chính phủ liên bang và chính quyền các tỉnh bang đối với một cuộc khủng hoảng y tế công cộng ngày càng trầm trọng.

Phóng sự điều tra của nhật báo The Globe and Mail truy nguyên sự trỗi dậy của loại ma túy vốn là một loại thuốc giảm đau phổ biến tại Canada, lần theo chuỗi cung ứng thuốc lậu từ Trung Quốc, lọt qua cửa khẩu biên giới lỏng lẻo của Canada, mang lại cảm giác thăng hoa cho người dùng, nhưng rất dễ gây tử vong nếu chỉ dùng quá liều chút xíu.

Nạn nghiện fentanyl ở Canada: Vì đâu nên nỗi?

Nhóm ký giả The Globe and Mail

Khương An lược dịch

Dễ như đặt mua sách trên mạng: Mở một tài khoản, chọn phương thức thanh toán, và nhận được bưu kiện trong vòng ba tới bốn ngày làm việc.

Nhưng trước tiên, có mấy lựa chọn. Fentanyl hydrochloride bán theo nhiều lượng khác nhau, từ một mẫu nửa gam với giá 35 Mỹ kim tới một ký lô với giá 21.000 Mỹ kim. Thuốc này cũng có nhiều nồng độ khác nhau – người mua được cảnh báo là phải “cẩn thận” và tìm hiểu về sản phẩm, được mô tả là tinh khiết 99%. Và tất nhiên có nhiều dược phẩm liên quan: miếng dán, thuốc viên, và cả kẹo mút fentanyl.

Các nhà cung cấp ở Trung Quốc giấu fentanyl trong các bưu kiện bình phong trước khi gởi sang Canada. Đôi khi họ giấu thuốc trong các miếng thử nước tiểu.
Các nhà cung cấp ở Trung Quốc giấu fentanyl trong các bưu kiện bình phong trước khi gởi sang Canada. Đôi khi họ giấu thuốc trong các miếng thử nước tiểu.

Người mua được bảo đảm là hàng của họ sẽ không bị tịch thu tại cửa khẩu Canada. Theo một nhà cung cấp từ Trung Quốc, để tránh bị phát hiện, anh ta giấu hàng trong các miếng thử nước tiểu. Mà chẳng có lý do để lo ngại: nhân viên cửa khẩu Canada không được phép mở bưu kiện nặng dưới 30 gam nếu không được người nhận đồng ý. (Một ký giả của nhật báo Globe and Mail đã dùng tên giả để trao đổi thư từ với những người bán và nhà cung cấp, và không tiết lộ mình là ký giả để lấy được thông tin chính xác từ người bán.)




Nhà cung cấp này, chỉ tự xưng là Alan, cho biết có hai khách hàng ở Canada. Anh ta e-mail những bức ảnh chụp fentanyl giấu bên trong các gói hạt hút ẩm silica-desiccant – loại thường được dùng khi gởi hàng hóa như đồ điện tử – và một hình chụp màn hình của một đơn đặt hàng gần đây từ Canada, trong đó có địa chỉ gởi hàng cho một cửa hàng áo quần ở Thung lũng Okanagan thơ mộng của British Columbia.

Fentanyl từ Trung Quốc đôi khi được giấu trong các gói hút ẩm.
Fentanyl từ Trung Quốc đôi khi được giấu trong các gói hút ẩm.

Alan nói anh ta ở thành phố miền nam Quảng Châu, cửa ngõ giao thương cho ngành sản xuất công nghiệp nhẹ ở Trung Quốc – mà quốc gia này lại là trung tâm của thế giới ngầm mênh mông của các hãng sản xuất dược phẩm tổng hợp. Nhà nước quản lý hời hợt, được chăng hay chớ, nên các công ty hoạt động không sợ bị trừng phạt.

Fentanyl là một thuốc opioid, loại thuốc giảm đau cũng bao gồm oxycodone và morphine. Thuốc fentanyl loại có thể được kê toa độc hại gấp 100 lần so với morphine. Được một dược sĩ người Bỉ chế tạo vào năm 1959, thuốc này nhanh chóng được sử dụng như một loại giảm đau và gây mê trong môi trường y khoa. Thuốc này bắt đầu được sử dụng rộng rãi vào giữa những năm 1990 khi có miếng dán áp da để thuốc được hấp thu vào máu của bệnh nhân trong 2 hoặc 3 ngày. Khi thuốc này được chế biến trong một phòng pha chế mờ ám, rất khó định đúng liều lượng, khiến nó có thể vô cùng nguy hiểm.

Các công ty hóa chất ở Trung Quốc hiệu chỉnh để chế biến nhiều biến thể của fentanyl loại dược phẩm bằng cách thay đổi chút xíu một phân tử. Chỉ vài trăm microgam – trọng lượng của một hột muối – cũng đủ để tạo cảm giác mê ly như dùng heroin. Nhưng ranh giới giữa trạng thái đê mê trên chín tầng mây và lượng dùng quá liều gây tử vong mong manh đến đáng sợ: chỉ một lượng bằng cỡ hai hột muối cũng đủ để giết chết một người trưởng thành khỏe mạnh.

Chuỗi cung ứng fentanyl lậu bắt đầu ở Trung Quốc, nhưng những vấn nạn mà Canada đang gặp phải lại bắt đầu ngay trong nước: trên thế giới không có nước nào khác sử dụng thuốc giảm đau opioid kê toa nhiều hơn Canada tính theo bình quân đầu người, theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc. Việc sử dụng rộng rãi thuốc giảm đau opioid kê toa là nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của một tầng lớp con nghiện ma túy mới, nhiều người trong số đó đang dùng thị trường chợ đen để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Ở British Columbia và Alberta, hai tỉnh bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, số trường hợp dùng quá liều gây tử vong có liên quan tới fentanyl đã tăng vọt từ 42 vào năm 2012 lên tới 418 vào năm 2015.



Một cuộc điều tra của nhật báo Globe and Mail đã phát hiện rằng nhiều trường hợp trong những cái chết này lẽ ra có thể tránh được.

Trong số những phát hiện của cuộc điều tra này từ những cuộc phỏng vấn với hơn ba chục chuyên gia y khoa, bác sĩ, cảnh sát, và thân nhân của những nạn nhân dùng thuốc quá liều có: việc liên bang và tỉnh bang bác bỏ các biện pháp giảm nguy hại đã cản trở cách ứng phó với cuộc khủng hoảng fentanyl ở Alberta. Cả chính phủ liên bang lẫn chính quyền tỉnh bang đều không đang thực hiện những biện pháp thích hợp để ngăn chặn các bác sĩ kê toa bừa bãi các loại thuốc giảm đau opioid có tính gây nghiện cao để điều trị cơn đau kinh niên – chỉ riêng trong năm 2015, các bác sĩ đã kê toa đủ cho một phần hai số người ở Canada. Còn các chương trình cai nghiện thì rất hiếm hoi – một di sản của các chính sách của chính phủ Đảng Bảo thủ trước đây xử lý nghiêm ngặt tội ác.

Cuộc điều tra này cũng phát hiện rằng những nhà cung cấp trên mạng đang lợi dụng những khe hở ở biên giới. Fentanyl và nhiều loại thuốc tương tự về hóa học được phân loại là cát chất được kiểm soát ở Canada, khiến chúng bị cấm nhập khẩu nếu không có giấy phép. Nhưng đối với những nhà cung cấp trên mạng, biên giới cũng có thể chẳng tồn tại; họ nghĩ ra nhiều cách khôn khéo để giấu các loại thuốc và né tránh các quy định kiểm tra. Các nhà cung cấp thường gởi thuốc trong các bưu kiện dưới ngưỡng 30 gam, bảo đảm rằng các nhân viên cửa khẩu sẽ không mở hàng ra. Một nhà cung cấp được ký giả của báo Globe and Mail liên lạc đã hứa sẽ gởi fentanyl trong một bưu kiện được gói quà. Một người khác hứa, “Không có chuyện cảnh sát truy tầm anh”, vì bưu kiện được ghi nhãn là xà phòng gia dụng, có kèm giấy chứng nhận phân tích. Nhiều nhà cung cấp thậm chí hứa gởi bảo đảm hàng lại cho khách hàng trong trường hợp bưu kiện của họ bị chặn.

Vì fentanyl lậu rất mạnh, sau khi được gởi tới, chất bột trắng tinh được làm loãng với đường bột, phấn thoa trẻ em hoặc thuốc chống dị ứng trước khi có thể được bán lậu trên đường phố và tiêu thụ. Nó cũng được trộn vào nhiều loại thuốc khác, và được bán như là heroin hoặc OxyContin.

Khi thức tỉnh trước một cuộc khủng hoảng y tế ngày càng trầm trọng, Canada tụt hậu so với Mỹ, nước hiện nay cũng đang đối mặt với vấn nạn lạm dụng thuốc kê toa và ma túy. Giới hoạch định chính sách ở Canada thậm chí không có những công cụ cơ bản để theo dõi nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ngày – khác với tình hình ở Mỹ, Canada có một hệ thống toàn quốc theo dõi các trường hợp dùng quá liều opioid gây tử vong.

Sự xuất hiện của fentanyl lậu ở Canada là “điều làm thay đổi tình thế”, theo nhận định của Benedikt Fischer, một khoa học gia cao cấp ở Trung tâm về Nghiện và Sức khỏe Tâm thần (CAHM) của Toronto. Theo ông , khi vấn nạn opioid của Canada chỉ bao gồm việc lạm dụng thuốc kê toa, dưới hoạch định chính sách đã phung phí một cơ hội để giải quyết nó. Nay khi nhiều người nghiện đang chuyển sang một loại ma túy được sản xuất mà không có sự giám sát của Chính phủ – mà còn ở những nước bên ngoài biên giới của chúng ta – gần như không thể kiểm soát được vấn nạn này. Ông nói, “Cho dù bây giờ có muốn ra tay hành động ngay lập tức, chúng ta cũng chẳng thể làm được gì. Chúng ta không có cách nào kiểm soát hàng ngàn phòng pha chế thuốc lậu ở Trung Quốc.”

Một cuộc triệt phá ma túy vô tiền khoáng hậu

Mùa đông năm 2012, một thám tử cảnh sát Montreal nghe về một đường dây bán ma túy của Patrick Provencher, một nhân viên phòng tập thể lực địa phương và lúc đó không được cảnh sát biết tới. Nhưng phải mất thêm một năm nữa thám tử Yves Rousseau mới xác nhận được tin báo tưởng chừng vô thưởng vô phạt này về kẻ bán ma túy cò con này – từ đó dẫn tới cuộc triệt phá lớn đầu tiên một đường dây ở Canada chuyên sản xuất và bán fentanyl lậu với số lượng lớn.



Vụ án này là mảng hoàn toàn mới mẻ đối với các cơ quan thực thi pháp luật của Canada – ba điều tra viên đã bị bệnh sau khi phá cửa xông vào xong vào một phòng pha chế lậu và tiếp xúc với loại ma túy độc hại, trong đó có một người phải nằm viện một đêm. Phòng xét nghiệm ma túy của cảnh sát, nơi hàng trăm ký chất để sản xuất ma túy được chở tới, đã phải được cách ly. Đơn vị chuyên trách chất liệu nguy hiểm của sở cứu hỏa đã phải giải độc các loại ma túy này trước khi chúng có thể được kiểm tra.

Khi thám tử Rousseau làm chứng trước tòa, sau khi Provencher bị bắt vào năm 2013, ông đã nói trước một vị thẩm phán sửng sốt về diễn biến sự việc, “Tất cả các sản phẩm này đều nằm trong các khu dân cư, kế bên chỗ người dân sinh hoạt hàng ngày. Điều này rất nguy hiểm cho an ninh công cộng.”

Khoảng một năm sau khi cảnh sát được báo về Provencher, một kỹ sư điện toán 40 tuổi được đào tạo ở École Polytechnique của Montreal, một nguồn thứ hai xác nhận thông tin này – và cho biết thêm: Provencher đã rủ Jason Berry, một người 33 tuổi vừa mãn hạn tù vì tội sản xuất và bán ma túy, làm đối tác. Hai người này đã lập một phòng pha chế trong một garage ở khu nghèo Pointe-Saint-Charles, thuê nhiều kho chứa đồ, và làm ăn từ phòng tập thể lực ở downtown nơi Provencher làm việc.

Họ nhận nguyên liệu từ Trung Quốc, cắt thuốc bằng dụng cụ trét đầy, cho hỗn hợp qua máy ép để làm thành thuốc viên, rồi gởi bằng dịch vụ phát chuyển tới khắp Bắc Mỹ, thường trong những thiết bị điện máy đã bị tháo rỗng. Cảnh sát bắt được hai người khi họ đang trên đường tới một tiệm UPS để gởi một lò vi ba chứa 10.180 viên fentanyl tới New Jersey.

Cảnh sát phát hiện gần 200.000 viên thuốc trong nhiều kho chứa đồ cùng với các máy ép thuốc viên, máy phun bụi nước và máy sấy có thể sản xuất hàng ngàn viên mỗi giờ. Hai người này đã nhận có tội, và mỗi người bị kết án khoảng 8 năm tù vào năm 2014, trừ thời gian đã bị giam.

Thám tử Rousseau nói: “Chất lượng của thuốc viên không thể tin nổi, và số lượng thì nhiều chưa từng thấy.”

“Quốc gia nghiện opioid”

Cuộc bố ráp phòng pha chế ở Montreal hồi tháng 4-2013 cho thấy fentanyl đã tạo nên một cuộc cách mạng về hoạt động buôn lậu ma túy ra sao. Khác với cơ sở hạ tầng khổng lồ và các cartel cần có để sản xuất và vận chuyển heroin hay cocaine, hầu như ai cũng có thể mua và bán fentanyl. Vì nó quá mạnh, chỉ một chút cũng có ép phê lớn. Một ký đặt mua qua Internet – một lượng thuốc có trọng lượng bằng một trái dưa vàng (cantaloupe) cỡ trung – bán trên đường phố ở Calgary với giá 20 triệu đô-la, khiến đó là giấc mơ của một tay buôn bán ma túy.




Việc giới lãnh đạo chính phủ, bác sĩ, cảnh sát và viên chức biên giới cùng nhau không hành động đã khiến Canada phải đối mặt với hậu quả của một loại thuốc mà thậm chí chẳng có mặt trên đường phố nếu đã không có một quyết định cách đây hai thập niên. Cho tới giữa thập niên 1990, các loại thuốc giảm đau opioid chủ yếu chỉ được kê toa cho những bệnh nhân ung thư và những người khác chịu đựng cơn đau làm suy nhược. Nhưng năm 1996, Bộ Y tế Canada cho phép dùng OxyContin, dược phẩm có thương hiệu của thuốc oxycodone, để giảm cơn đau từ vừa phải tới trầm trọng, dẫn tới một thay đổi bể dâu về cách điều trị cơn đau.

Purdue Pharmaceutical, hãng dược phẩm chế tạo OxyContin, tiến hành các chiến dịch quảng bá lợi ích của thuốc này. Giới bác sĩ bắt đầu kê toa thuốc này cho mọi chứng từ đau lưng tới hội chứng đau cơ xơ hóa (fibromyalgia). OxyContin nhanh chóng trở thành loại thuốc opioid có tác dụng kéo dài bán chạy nhất ở Canada. Nhưng nó cũng bị chỉ trích nhiều vào đầu những năm 2000 khi xuất hiện nhiều báo cáo về chứng nghiện và dùng quá liều.

Văn phòng Trưởng Pháp y Ontario đã nêu ra những quan ngại, và trong một báo cáo năm 2004 đã cho biết rằng các trường hợp tử vong có liên quan tới oxycodone đã tăng đều đặn từ năm 1999 tới năm 2003, theo các tài liệu được báo Globe and Mail thu thập qua một yêu cầu theo luật về quyền tiếp cận thông tin. Theo báo cáo đó, dù không có nỗ lực xác định liệu oxycodone bị phát hiện có phải là do “tiêu thụ OxyContin hay bất kỳ hợp chất nào có chứa oxycodone, điều đáng lưu ý là sự gia tăng về tỷ lệ phát hiện oxycodone trong các cuộc điều tra tử vong xảy ra cùng lúc với việc Oxycontin [sic] được đưa ra trên thị trường Canada.”

OxyContin được ưa chuộng không chỉ trong số những người bị nghiện sau khi được kê toa, mà còn trong giới sử dụng heroin, vì thuốc này có thể dễ dàng hít bằng mũi như cocaine hoặc tiêm như heroin để nhanh phê thuốc.

Năm 2012, hãng Purdue rút OxyContin khỏi thị trường và thay nó bằng OxyNEO, loại thuốc khác chống thay đổi mục đích sử dụng, khó nghiền nát, hít hay tiêm. Cũng năm đó, các tỉnh bang ngừng trả tiền cho cả hai loại thuốc opioid qua các chương trình bảo hiểm tiền thuốc bằng công quỹ. Nhưng theo giới chuyên gia, do chỉ tập trung vào hai loại thuốc đó, giới hoạch định chính sách đã không nhìn thấy bức tranh tổng thể. Số lượng kê toa cho những loại thuốc giảm đau khác, trong đó có hydromorphone và fentanyl, đã tăng mạnh: Sự ngăn chặn đó đã đẩy những người lạm dụng thuốc và những bệnh nhân chính đáng sang các loại thuốc giảm đau khác, có thể gây nghiện.

Hạ sĩ cảnh sát Luc Chicoine, điều phối viên Chương trình Ma túy Quốc gia của Cảnh sát Hoàng gia Liên bang (RCMP) nói rằng việc loại bỏ OxyContin đã để lại một khoảng trống được tội phạm có tổ chức khai thác. Trả lời một email của báo Globe and Mail, Aimee Sulliman, phát ngôn viên của hãng Purdue, nói rằng sự gia tăng số trường hợp tử vong liên quan tới fentanyl ở Canada là “điều thảm khốc và là một mối quan ngại về y tế công cộng”, nhưng cho rằng không công bằng nếu đổ lỗi cho OxyContin về sự gia tăng của ma túy. “Đây là một vấn đề phức tạp và việc khẳng định một cách quá đơn giản về nhân quả của vấn đề này là điều gây hiểu lầm.”

Thuốc viên fentanyl được chế biến có hình dạng tương tự thuốc viên OxyContin.
Thuốc viên fentanyl được chế biến có hình dạng tương tự thuốc viên OxyContin.

Nhu cầu về một loại thuốc thay thế cho OxyContin cũng dẫn tới một vấn đề khác – một phiên bản giả của thuốc này tẩm đầy fentanyl trái phép được nhập lậu vào Canada và được chế biến trong các phòng pha chế để bán lẻ trên đường phố. Các phòng pha chế thường nhuộm viên thuốc thành màu xanh diệp lục để giả mạo viên thuốc OxyContin 80 miligam được những người lạm dụng thuốc giảm đau ưa chuộng, và bán chúng với tên gọi “greenies” hoặc “shady eighties”.

So với người Châu Âu, người Bắc Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào các giải pháp dược lý để xử lý các vấn đề y khoa. Theo hạ sĩ cảnh sát Darin Sheppard, thuộc Ban Ma túy Tổng hợp Tội ác Nghiêm trọng và Có tổ chức Liên bang của RCMP, trong một nền văn hóa mà người dân thoải mái uống thuốc tự mua để điều trị tất cả mọi chứng bệnh nhỏ nhặt, nhiều người dùng ma túy có cảm nhận sai lầm rằng thuốc viên “greenies” là vô hại.



Hạ sĩ Sheppard nói, “Với nhiều người nó chỉ là một viên thuốc. Hiện nay, chúng ta đang bắt đầu hiểu được thực chất của tác hại có thể xảy ra do điều đó.”

Cảnh sát trên toàn Canada đã đóng cửa 20 phòng pha chế fentanyl kể từ sau cuộc triệt phá lớn đầu tiên đó vào tháng 4-2013, phần lớn do các nhóm tội phạm có tổ chức điều hành, theo một tìm hiểu của báo Globe and Mail. Những cuộc bố ráp lớn nhất là ở British Columbia, Alberta và Saskatchewan, nhưng cảnh sát thậm chí cũng bố ráp một phòng pha chế ở Lãnh thổ Phương Bắc. Cảnh sát cũng đã thực hiện hàng chục cuộc triệt phá liên quan tới fentanyl trái phép và những miếng thuốc dán loại được kê toa. Hồi đầu tháng 4, cảnh sát cáo buộc một bác sĩ và một dược sĩ ở vùng Toronto về tội tham gia một đường dây buôn lậu fentanyl.

Cục Biên giới Canada (CBSA), tuyến phòng vệ đầu tiên trong việc ngăn chặn hàng lậu nhập vào quốc gia, chịu trách nhiệm thông quan thư từ quốc tế. Năm 2015, CBSA chỉ thực hiện gần 11.000 vụ tịch thu thuốc trái phép, một nửa trong đó gởi qua đường bưu điện. Thế nhưng, cho dù số lượng của tất cả hàng hóa thương mại được thông quan ở cửa khẩu tăng lên, trong đó có thư từ quốc tế, số nhân viên trực tiếp ở tuyến đầu này tiếp tục giảm xuống.

Theo thượng sĩ Martin Schiavetta thuộc Cảnh sát Calgary, chừng nào fentanyl tiếp tục nhập vào Canada mà không bị phát hiện, cảnh sát đô thị không thể tự mình ngăn chặn được vấn đề này. Ông muốn biết chính phủ liên bang nhìn nhận nghiêm túc tới đâu về fentanyl. Ông hỏi, “Họ có nhận thức được phạm vi của vấn đề này? RCMP có những chiến lược nào để xử lý hàng nhập từ Trung Quốc? CBSA có đủ năng lực để xử lý tất cả những bưu kiện đó?”

Vấn nạn này càng trầm trọng do loại thuốc trái phép này sinh lợi rất cao cho bọn buôn lậu. Hakique Virani, một bác sĩ ở Edmonton và là cựu phó trưởng ban y khoa ở Bộ Y tế Canada, mô tả mức lợi nhuận cao ngất của bọn buôn lậu tại một hội nghị hồi tháng 11 năm ngoái cho Hội Y khoa Nghiện Canada. Nguyên liệu và thiết bị, bao gồm một ký bột fentanyl nguyên chất và một máy ép thuốc viên loại công nghiệp, có chi phí chưa tới $100.000, theo phần thuyết trình của ông. Một ký bột đủ để chế được một triệu viên thuốc, có giá bán lẻ $20/viên ở Calgary. Hồi tháng 11 năm ngoái, các cảnh sát trưởng ở Alberta đã yêu cầu chính phủ liên bang cấm nhập khẩu và vận hành máy ép thuốc viên loại công nghiệp, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Sự phủ nhận chết người

Nhiều chuyên gia y khoa nói rằng chính phủ cũ của Đảng Bảo thủ đã không dành đủ nguồn lực cho các biện pháp giảm tác hại (chẳng hạn như cung cấp các phương thuốc xử lý sau khi dùng quá liều) để giải quyết những các tác dụng phụ của việc lạm dụng thuốc; thay vì vậy, Ottawa tuyên chiến với ma túy, chủ yếu truy tố những người phạm tội cấp thấp.

Các thông tin nào nhắc tới việc giảm tác hại bị rút khỏi trang mạng của Bộ Y tế Canada vào năm 2007, khi chính quyền liên bang đổi tên của Chiến lược Ma túy Quốc gia của mình thành Chiến lược Chống Ma túy Quốc gia.

Đảng Bảo thủ đã lặng lẽ nhắn nhủ rằng các tổ chức phi vụ lợi sẽ có nhận được tài trợ của liên bang nếu họ tiếp tục cung cấp các chương trình giảm tác hại. Margaret Ormond, giám đốc dự án của Sunshine House, một trung tâm giảm tác hại ở Winnipeg, cho biết bà được bảo rằng nếu bạn muốn tiếp tục nhận được tài trợ từ Ottawa, bà không nên “nói mãi về việc giảm tác hại” trong đơn xin tài trợ của mình. Sunshine House đã không còn nhận được tài trợ của liên bang cách đây 6 năm.

Các khoang tiêm chích ở Insite, địa điểm tiêm chích ma túy có giám sát hợp pháp ở Vancouver, ngày 17-7-2015. (Ảnh: Rafal Gerszak / The Globe and Mail)
Các khoang tiêm chích ở Insite, địa điểm tiêm chích ma túy có giám sát hợp pháp ở Vancouver, ngày 17-7-2015. (Ảnh: Rafal Gerszak / The Globe and Mail)

Đảng Bảo thủ của thủ tướng Stephen Harper cũng đã cố gắng đóng cửa Insite, địa điểm tiêm chích ma túy có giám sát duy nhất của Bắc Mỹ, ở khu nghèo Downtown Eastside của Vancouver, nơi cho phép những người nghiện chích các loại ma túy bất hợp pháp một cách an toàn với sự giám sát của một y tá. Đảng Bảo thủ cuối cùng thua kiện tại Tối cao Pháp viện Canada với phán quyết năm 2011 bắt buộc chính phủ cho phép Insite tiếp tục mở cửa. Chính phủ phản ứng lại phán quyết này bằng cách đưa ra luật khiến khó hơn, nếu không nói là không thể, để mở các địa điểm khác, mặc dù Insite để chứng tỏ rằng nó giúp giảm các trường hợp tử vong vì sử dụng quá liều.



David Juurlink, trưởng ban dược lý học và độc học tại Sunnybrook Health Sciences Centre ở Toronto, nói: “Dưới thời chính phủ trước, Bộ Y tế Canada gần như chẳng làm gì đáng kể để xử lý nạn dịch này. Xét về một số mặt, những hành động của họ đã khiến vấn nạn này trầm trọng hơn.”

Bộ Y tế Canada đã không trả lời yêu cầu bình luận của báo Globe and Mail về cách quản lý các loại thuốc giảm đau opioid. Trong một phát biểu, phát ngôn viên của bộ trưởng y tế Alberta nói rằng tỉnh bang đang tích cực tìm những cách cải thiện việc giúp cho bác sĩ hiểu biết và việc theo dõi kê toa thuốc, nhưng không thể nói cụ thể về việc dự kiến khi nào có kết quả.

Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Y tế liên bang Jane Philpott nói bà quyết tâm xử lý vấn nạn này và bảo đảm rằng những người đang đương đầu với chuyện lạm dụng thuốc giảm đau opioid sẽ được tiếp cận sử dụng các chương trình giảm tác hại. Bà Philpott nói: “Tôi đã nói chuyện với những gia đình bị mất người thân mà lẽ ra có thể được cứu mạng nếu họ có cơ hội sử dụng một điểm tiêm chích có giám sát hoặc gia đình đã biết có thuốc naloxone”; bà nói như vậy là nhắc tới một loại thuốc làm đảo ngược các triệu chứng của việc dùng quá liều chỉ trong mấy phút. “Không có gì đau lòng hơn khi nghe câu chuyện của những gia đình này.”

Rupa Patel, một bác sĩ gia đình ở Kingston – người mà giống như nhiều đồng nghiệp khác đã được nhiều bệnh nhân xin kê toa thuốc giảm đau opioid – thấy có một cách khác mà chính phủ có thể giúp giảm bớt khủng hoảng này: áp dụng các giới hạn bắt buộc về kê toa thuốc.

Khác với ở Mỹ, nơi mà hồi tháng 3 đã công bố các quy định hướng dẫn mới yêu cầu bác sĩ không kê toa thuốc giảm đau opioid cho cơn đau kinh niên trong hầu hết các tình huống, Canada đã không thay đổi các quy định hướng dẫn của mình kể từ năm 2010. Số đơn kê toa thuốc giảm đau opioid đã đạt tới mức tổng cộng 19,1 triệu vào năm 2015, tăng lên từ mức 18,7 triệu vào năm trước đó, theo các số liệu do IMS Brogan, hãng chuyên theo dõi doanh số dược phẩm, thu thập cho báo Globe and Mail.

Bác sĩ Patel tự đặt ra các giới hạn của mình với các bệnh nhân của mình, thường từ chối kê toa thuốc giảm đau, vì có các rủi ro rất lớn trong khi lợi ích thì chưa chắc. Nhưng bà nói cũng khó từ chối vì bệnh nhân thường đang đau đớn nên muốn có thuốc để chữa.

Cho dù các quy định hướng dẫn mới được áp dụng, trên toàn quốc vẫn không có đủ nguồn lực để chữa trị chứng nghiện. Còn có thêm nhiều giường bệnh cho những người đang theo các chương trình cai nghiện cũng như điều trị dành cho người nghiện thuốc giảm đau, đặc biệt là cho thổ dân và người sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh.



Và khi đường dây ma túy chợ đen gây nên sự gia tăng vô tiền khoáng hậu về số trường hợp tử vong, Canada đã khá chậm trong việc cung cấp thuốc naloxone rộng rãi hơn. Hồi tháng 3, Bộ Y tế Canada đã thay đổi xếp loại naloxone thành loại thuốc không cần kê toa. Nhưng trước khi thuốc này có thể được bán mà không cần toa bác sĩ, mỗi tỉnh bang và lãnh thổ cần phải phê chuẩn các hạn chế được nới lỏng này – ở nhiều vùng dự kiến khoảng tới tháng 6 hoặc tháng 7 mới áp dụng được điều này.

Khủng hoảng lan rộng

Không tỉnh bang nào bị ảnh hưởng nặng nề như Alberta, nơi fentanyl đã được phát hiện trong máu và nước tiểu của 392 nạn nhân chết dùng quá liều trong hai năm qua.

Báo Globe and Mail phát hiện rằng trong thời kỳ đầu của cuộc khủng hoảng này, các giới chức y tế ở cả cấp liên bang lẫn cấp tỉnh bang đều chậm nắm bắt được tính trầm trọng của vấn nạn này. Mãi tới tháng 12-2014 chính phủ Alberta mới đưa ra lời cảnh báo toàn tỉnh bang cho các bác sĩ về thuốc fentanyl lậu. Và mãi tới một năm sau đó, bộ trưởng y tế Alberta mới cho phép tất cả các nhân viên cấp cứu trên toàn tỉnh bang được dùng thuốc naloxone để điều trị nạn nhân dùng quá liều.

Cộng đồng Stand Off ở vùng tây nam, trong khu dành riêng cho thổ dân của bộ lạc Blood Tribe (còn gọi là Kainai Nation), đã có tỉ lệ cao nhất trong số những trường hợp tử vong ở Alberta. Esther Tailfeathers, một bác sĩ gia đình ở bộ lạc Blood Tribe, ứng cứu trường hợp dùng quá liều fentanyl lần đầu tiên vào tháng 7-2014. Bà vừa tấp xe vào bãi đậu xe của một trung tâm mua sắm ở Lethbridge thì thấy một người đàn ông trong một chiếc minivan màu trắng gục mặt trên vô-lăng. Chỉ mấy phút trước anh ta vừa mới uống thuốc. Ở băng ghế sau, bốn đứa con kêu cứu khi ông bất tỉnh.

Người đàn ông trẻ may mắn sống sót hôm đó. Nhưng chỉ trong mấy tháng, khu dành riêng cho thổ dân ở vùng khá thủ cựu về xã hội của Alberta, nơi các cộng đồng láng giềng cấm rượu và cổ xúy tiết dục, trở thành trận địa của một cuộc khủng hoảng y tế mới bùng phát.

Chỉ mấy ngày sau khi lần đầu tiên giáp mặt với fentanyl, bác sĩ Tailfeathers bắt đầu gặp các nạn nhân dùng quá liều khác tại thị trấn chỉ có 12.800 dân của bà. Ban đầu, bà điều trị một hoặc hai ca dùng quá liều mỗi tuần. Nhưng con số đó nhanh chóng tăng lên tới hai hoặc ba mỗi ca làm việc.

Bà nói, “Chúng tôi chưa thấy gì giống như vậy.”

Chẳng bao lâu sau, các bệnh nhân kể về những viên thuốc lậu lưu hành trên đường phố trong khu dành riêng rộng lớn gần biên giới với tiểu bang Montana. Bọn buôn lậu ma túy từ Calgary và cộng đồng thổ dân Maskwacis nhỏ bé mang những balô chứa đầy fentanyl tới đó, bán với giá $80 mỗi viên. Bác sĩ Tailfeathers nói một cô gái đã ngã gục tại một bữa tiệc sau khi hít fentanyl. “Chúng tôi đã đặt ống vào mũi cô, và trong khi cô ta và tôi nói chuyện, tôi kéo ống ra. Có một viên thuốc màu xanh diệp lục mắc kẹt ở một đầu ống.”

Tới tháng 8-2014, những báo cáo về số vụ tử vong gia tăng ở bộ lạc Blood Tribe bắt đầu gởi tới văn phòng tại Edmonton của bác sĩ James Talbot, trưởng ban y khoa của tỉnh bang lúc đó. Bác sĩ Talbot nhanh chóng lập một nhóm công tác và mời bác sĩ Michael Trew, lúc đó là trưởng ban nghiện và sức khỏe tâm thần của tỉnh bang, tham gia.

Điều đầu tiên mà hai bác sĩ này cố gắng thực hiện là phát các bộ sử dụng thuốc naloxone cho các nhân viên cấp cứu. Nhưng họ vấp ngay rào cản: trong khi các nhân viên sơ cứu y tế chuyên biệt được phép cho nạn nhân sử dụng thuốc này, đa số các nhân viên cấp cứu ở Alberta lại không thể.

Bộ lạc Blood Tribe rốt cuộc nhờ tới bác sĩ Virani, lúc đó vẫn là phó trưởng ban y khoa ở Bộ Y tế Canada, để được cấp lô bộ sử dụng thuốc naloxone đầu tiên của mình. Bác sĩ Virani nhớ là các nhân viên của mình ra các tiệm bán đồ giảm giá để mua các hộp nhựa chứa 90 liều thuốc naloxone đầu tiên. Ông nói, “Vào lúc tôi gởi naloxone tới Blood Tribe, Bộ Y tế Canada đã cố gắng hết sức để không nói công khai về điều đó.”

Trong khi đó, tỉ lệ tội phạm bắt đầu tăng lên ở Blood Tribe. Cộng đồng nay lúc đó vốn đang chật vật với cảnh nghèo đói, bất bình đẳng thu nhập và nạn lạm dụng ma túy. Những người nghiện đã đột nhập vào nhiều nhà để tìm vật quý giá. Bác sĩ Tailfeathers nói người ta đã bán cả mọi thứ mình có để mua thêm một viên thuốc nữa, có người bị nghiện tới nỗi tốn tới $300/ngày. Bà đã tới thăm một số gia đình không có đồ ăn, không có hệ thống sưởi ấm và không có chăn mền. Bốn bức tường của một căn nhà ghi chi chít những dòng về tự sát. Bà nói, “Cứ như có thiên tai xảy ra trên khu dành riêng.”

Vào tháng 3-2015, hội đồng bộ lạc địa phương tuyên bố tình trạng khẩn cấp, và trở thành cộng đồng đầu tiên trên toàn quốc báo động vì fentanyl. Tuy vậy, bác sĩ Virani nói rằng Bộ Y tế Canada đã yêu cầu ông ngừng phát biểu công khai về tình trạng sức khỏe của thổ dân ở Alberta. Ông đã từ chức khỏi Bộ này hồi tháng 3. Tuy từ chối bình luận về sự ra đi của mình, ông lên án bộ máy quan liêu hành chính đã chậm phản ứng trước cuộc khủng hoảng fentanyl và bất đồng quan điểm với bác sĩ Philpott, bộ trưởng y tế.

Chương trình thuốc naloxone mà bác sĩ Virani đã khởi xướng ở Blood Tribe, nơi chính phủ liên bang có thẩm quyền, đã góp phần giảm số người dùng quá liều. Nhưng sau khi trung tâm của cuộc khủng hoảng fentanyl chuyển sang Calgary, chính quyền tỉnh bang chịu trách nhiệm ra tay hành động.

Trong những tháng cuối cùng của chính quyền của thuộc Đảng Bảo thủ, bộ trưởng y tế để huy động những nguồn lực đầu tiên để chống fentanyl. Ngay trước khi chính quyền thất cử hồi tháng 5 năm ngoái, Alberta gởi một thông báo cho các bệnh viện và phòng khám cảnh báo về các rủi ro có liên quan tới fentanyl lậu và khuyến nghị sử dụng naloxone để đảo ngược các ảnh hưởng của một trường hợp sử dụng quá liều. Quyết định trong thời gian cuối cùng của chính quyền có thể giải thích những gì diễn ra tiếp sau đó. Trong tuần đầu hỗn loạn của chính quyền Đảng Tân Dân chủ (NDP) ở Alberta, cả hai bác sĩ Trew và Talbot được các quan chức cao cấp của chính quyền cho biết là họ sẽ bị nghỉ việc khi hợp đồng của hết hạn. Vẫn chưa có vị trưởng ban y khoa mới thay thế bác sĩ Talbot.

Sự căng thẳng lộ rõ trên mặt thượng sĩ cảnh sát Schiavetta trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 2. Ông tiếp quản đơn vị ma túy của Cảnh sát Calgary vào đầu năm 2015, ngay khi mức độ sử dụng fentanyl bắt đầu tăng vọt ở thành phố này – năm ngoái có 81 người ở Calgary chết vì dùng quá liều fentanyl, trong đó có các cư dân thuộc mọi giới tính, độ tuổi và tầng lớp kinh tế xã hội. Tình hình còn phức tạp hơn khi các cảnh sát viên của ông tịch thu 3 viên thuốc hồi tháng 8 năm ngoái mà về sau được xác định là W-18, một loại thuốc thử nghiệm mạnh hơn fentanyl gấp 100 lần.

Nhưng fentanyl vẫn là loại ma túy chiếm phần lớn thời gian của thượng sĩ Schiavetta. Ông nói, “Calgary tràn ngập fentanyl.”

Tuy Alberta gánh chịu phần lớn hậu quả của lượng fentanyl nhập lậu từ Trung Quốc, bác sĩ Trew nói rằng chẳng ai lường trước việc này. “Nó đánh thẳng vào mặt chúng tôi.”

Tai họa fentanyl lậu nay đang nhanh chóng lan sang bờ đông Canada. Số trường hợp tử vong có liên quan tới fentanyl đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 29 ở Manitoba hồi năm ngoái, theo một thống kê của báo Globe and Mail qua số liệu của cơ quan pháp y tỉnh bang. Ở Ontario, fentanyl là nguyên nhân hàng đầu của những ca chết vì thuốc giảm đau lần đầu tiên vào năm 2014 – năm gần đây nhất có số liệu – và nhiều cộng đồng (trong đó có Toronto, Kingston và vùng Niagara) đã có gia tăng đột biến về số trường hợp dùng quá liều dẫn tới tử vong trong những tuần gần đây.

Truy nguyên nguồn gốc

Chẳng ai biết gì về những công ty ở Trung Quốc chế biến fentanyl, bao gồm những thông tin như loại ma túy này là sản phẩm của những phòng pha chế thô sơ hay của các dược sĩ chuyên nghiệp làm thêm. Hoặc có thể là cả hai.

Đối với những người mua khả dĩ, những nhà sản xuất fentanyl dường như tồn tại đường hoàng, công khai quảng cáo những loại thuốc họ chế biến. Trên mạng Internet tiếng Hoa – nơi không thể tìm được dấu vết nào của họ – và trên thực địa, là chuyện hoàn toàn khác hẳn.

Một ký giả của báo Globe and Mail đã tới thành phố Vũ Hán để tìm các địa chỉ được một loạt những người bán và phòng pha chế thuốc đăng trên mạng. Một địa chỉ đưa tới một công trình xây dựng chung cư quy mô lớn. Nhiều địa chỉ khác là số nhà của những tòa nhà đã bị phá bỏ hoặc chưa bao giờ có ở đó.

Ảnh một phòng pha chế do người bán ở Trung Quốc gởi cho Rodney Bridge.
Ảnh một phòng pha chế do người bán ở Trung Quốc gởi cho Rodney Bridge.

Một manh mối xuất hiện trong những tấm ảnh được gởi cho Rodney Bridge, một người Úc đã trở thành chuyên gia về chuyện sản xuất thuốc ở Trung Quốc sau khi người con trai 16 tuổi của ông chết vì sử dụng một loại thuốc chế biến tại phòng pha chế tương tự như LSD. Cậu ta nhảy ra khỏi ban công, vì nghĩ mình có thể bay.

Ông Bridge đã tới Trung Quốc hai lần để tìm người bán viên thuốc giá $2 cho con mình. Những người bán gởi cho ông những tấm ảnh chụp phòng pha chế của họ. Một tấm ảnh cho thấy một chỗ sắp xếp tạm bợ giống như phòng thí nghiệm hóa học ở trường trung học. Một tấm ảnh khác cho thấy một nơi sản xuất công nghiệp trong một nhà kho, có cả xe nâng hàng.

Ảnh một xưởng pha chế do người bán ở Trung Quốc gởi cho Rodney Bridge.
Ảnh một xưởng pha chế do người bán ở Trung Quốc gởi cho Rodney Bridge.

Giới chức trách Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để truy quét hoạt động sản xuất thuốc lậu. Hồi tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã cấm 116 loại chất thuốc, trong đó có 6 loại fentanyl. Hu Minglang, một trưởng ban của Ủy ban Phòng chống Ma túy Quốc gia của Trung Quốc, nói với báo Globe and Mail rằng lệnh cấm này đã “có hiệu quả cao”.

Nhưng lệnh cấm này dường như chỉ thành công trong việc đưa các hóa chất này ra khỏi tầm theo dõi. Dharma Chemicals, một hãng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu tên là nhà cung cấp acetylfentanyl, một trong 116 hóa chất bất hợp pháp, đã rút loại thuốc này khỏi catalogue của mình. Nhưng khi phúc đáp những câu hỏi bằng e-mail của một ký giả báo Globe and Mail, một nhân viên của hãng Dharma hứa sẽ nhanh chóng giao loại thuốc này, viết rằng “có sẵn hàng”.

Xét về một số mặt, Trung Quốc vẫn là nước lý tưởng để sản xuất các loại thuốc tổng hợp, điều mà không có quy định nào có thể thay đổi. Là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã xuất khẩu những lượng hàng hóa lớn sang các nước như Canada, tạo ra “nhiều cách để che giấu các loại thuốc”, theo nhận định của John Coyne, một cựu đặc vụ tình báo của Cảnh sát Liên bang Úc và nay là trưởng ban an ninh biên giới tại Viện Chính sách Chiến lược Úc.

Đó là một vấn đề mà chính phủ Mexico đã đương đầu trong nhiều năm. Các cartel ma túy ở Mexico từ lâu đã nhập các thành phần hóa chất từ Trung Quốc, làm nguyên liệu để sản xuất ma túy đá (meth) ở Mexico và tạo nguồn tài chính cho các tập đoàn tội phạm ở nước này. Jorge Guajardo, đại sứ của Mexico ở Trung Quốc từ năm 2007 tới 2013, nói, “ Trung Quốc chẳng bao giờ muốn giúp đỡ. Họ không xem đó là vấn đề của họ.”

Theo giới chuyên gia y khoa, chừng nào giới chức cấp Trung Quốc vẫn không truy quét các hãng xuất khẩu thuốc một cách quyết liệt hơn, trách nhiệm tạo ra thay đổi hoàn toàn thuộc về những người nắm quyền ở cuối chuỗi cung ứng. Meldon Kahan, trưởng ban y khoa về Dịch vụ Sử dụng Chất thuốc tại Bệnh viện Women’s College ở Toronto, nói, “Đó là một thảm họa quốc gia, và một thảm họa y tế mà phần lớn các nhóm bị ảnh hưởng đều chịu tác hại lớn.”

Ra khỏi bóng tối

Đó cũng là một thảm họa thường diễn ra âm thầm lặng lẽ.

Nhiều người sống trong cảnh lạm dụng ma túy phải chịu đựng trong im lặng, vì hiểu quá rõ là xã hội thường đổ lỗi cho nạn nhân và xem việc lệ thuộc vào thuốc giảm đau opioid là do có nhân cách không đứng đắn. Michael Franklyn, một bác sĩ chuyên về chứng nghiện ở Sudbury hành nghề ở nhiều cộng đồng thành thị lẫn nông thôn ở miền bắc Ontario, nói rằng gần 1 phần 3 bệnh nhân được ông điều trị chứng nghiện thuốc giảm đau opioid ban đầu được bác sĩ của mình kêu toa loại thuốc này. Nhưng theo ông, những người bị nghiện thường bị xã hội dè bỉu, mặc dù chẳng bao giờ có ai đưa ra quyết định có ý thức về việc đi theo con đường nghiện ngập đó.

Nỗi tủi nhục đó cũng thường là cảm nhận của thân nhân của các nạn nhân tử vong vì dùng quá liều. Một ký giả báo Globe and Mail đã phỏng vấn một cặp vợ chồng có người con trai 21 tuổi đã chết hơn 3 năm trước sau khi anh ta mua lậu và dùng quá liều fentanyl loại có thể được kê toa. Cặp vợ chồng này (đề nghị giấu tên) cho biết họ đã không nói với bất cứ ai, kể cả cha mẹ của họ, về việc con trai họ đã chết ra sao.

Người mẹ nói, “Đó là những cảm xúc và suy nghĩ riêng tư của chúng tôi, và chúng tôi không cần ai khác biết đến. Tôi không muốn bất cứ ai nghĩ xấu về con tôi. Nó là một đứa tử tế.”

Con trai của họ chưa bao giờ nghỉ làm một ngày, nên người cha rất ngạc nhiên khi thấy con mình không thức dậy vào một sáng thứ Hai nọ. Khi ông vào phòng ngủ của con trai, ông thấy con không có dấu hiệu còn sống. Máy laptop của con mở – tin nhắn cuối cùng của một cô bạn gởi ngay trước 3 giờ sáng, tỏ vẻ bực mình vì anh đã không trả lời cho cô.

Con trai họ trước đó không được kê toa thuốc giảm đau; anh bị nghiện sau khi chơi thuốc giảm đau opioid. Anh là người kín đáo, và quyết tâm tự mình đương đầu với vấn đề. Nhìn bề ngoài, anh có vẻ hoàn toàn bình thường. Anh đã tốt nghiệp trung học, học khóa kỹ thuật hàn 2 năm tại trường cao đẳng cộng đồng, và có việc làm toàn thời gian tại một hãng thép. Anh giao du với nhiều bạn bè. Thú tiêu khiển của anh là vọc máy của chiếc xe coupe Oldsmobile. Người cha vừa gạt nước mắt vừa kể, “Khi chúng tôi chôn con, móng tay nó vẫn còn dính dầu mỡ xe.”

Một số bậc cha mẹ đã ra công khai nhằm chống lại việc dè bỉu bêu xấu của xã hội Petra Schulz, Mục giảng viên ở Đại học MacEwan của Edmonton, đã viết blog và nói về chuyện con trai mình chết vì sử dụng fentanyl quá liều, xảy ra vào ngày 30-4-2014.

Bà Schulz đã cố gắng gọi cho con trai hôm đó, nhưng anh không bắt điện thoại. Khi người thanh niên 25 tuổi trong quá khứ có sử dụng ma túy, anh dường như đã bỏ, và trước đó 2 ngày vừa mới trở về từ một chuyến dài với cha mình. Tối hôm đó, bà tới căn hộ downtown ở thủ phủ của Alberta và tự mở cửa vào nhà. Một cái radio nhỏ đang mở tin của đài CBC, một tờ báo nằm vất vưởng trên bàn, và gần đó có một chai bia chưa mở.

Ngay khi bà chuẩn bị rời khỏi căn hộ, bà để ý thấy ánh đèn dưới cửa phòng tắm. Bà phát hiện xác của Danny sau cửa, nằm trên sàn nhà.

Bà Schulz nói, “Khi ta có đứa con đánh vật với chứng nghiện, ta có nỗi sợ rằng một ngày nào đó con sẽ bị quá liều. Và rồi tôi thấy ánh đèn đó, tôi không nghe tiếng động nào từ phía bên kia cửa.”

Nguồn: How Canada got addicted to fentanyl, The Globe and Mail, 8-4-2016.

2 thoughts on “Nạn nghiện fentanyl ở Canada: Vì đâu nên nỗi?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.