Trà đá & blockchain

1

Cổ phiếu công ty trà đá và giải khát không cồn đang thua lỗ bỗng tăng vài trăm phần trăm chỉ nhờ đổi tên sang blockchain. Đừng vì cơn cuồng loạn gợi nhớ bong bóng dot-com mà quên đi những triển vọng lớn của blockchain.

Phạm Vũ Lửa Hạ

Chín tháng đầu năm 2017, Long Island Iced Tea lỗ 11,6 triệu đô trên doanh thu 3,9 triệu đô. Hôm 21/12/2017, cổ phiếu của công ty đang thua lỗ này đột ngột tăng gần 200% (trong phiên giao dịch có lúc tăng gần 300%). Chẳng phải vì công ty có phát minh hay sáng chế gì độc đáo về những sản phẩm xưa nay của mình là trà đá và đồ uống không cồn.

Chỉ đơn giản là công ty ở Hicksville, bang New York, này đổi tên thành Long Blockchain, và tuyên bố ý định hợp tác với hoặc đầu tư vào những công ty phát triển blockchain (chuỗi khối). Dù công ty vẫn giữ ngành hàng trà đá và giải khát, một thông cáo của công ty cho biết “trọng tâm chính của doanh nghiệp” từ nay về sau sẽ là “khảo sát và đầu tư vào các cơ hội khai thác các lợi ích của công nghệ blockchain”. (Hiện tại công ty không có mảng kinh doanh thực sự nào gắn với blockchain.)

Long Blockchain quả là một chiêu tạo dựng thương hiệu khôn khéo nương theo cơn cuồng tiền mật mã gần đây. Trong tài chính, long (hoặc long position) chỉ việc mua chứng khoán, thương phẩm (commodity) hoặc tiền tệ với kỳ vọng tài sản đầu tư đó sẽ tăng giá về sau. Như vậy, từ Long trong tên mới này thể hiện sự lạc quan về blockchain, công nghệ sổ cái số hóa và tản quyền ghi nhận mọi giao dịch của tiền mật mã như Bitcoin.

Cơn cuồng loạn gợi nhớ dot-com

Đây chỉ là trường hợp mới nhất trong trào lưu ăn theo, trong đó nhiều công ty lấy tên mới phảng phất màu tiền mật mã hoặc blockchain dù ngành hàng kinh doanh truyền thống không ăn nhập. Một trong những trường hợp táo bạo nhất là công ty trà Ping Shan Tea Group Limited ở Hong Kong đổi tên thành Blockchain Group Co Ltd., nhưng là “bình mới trà cũ”, vẫn sản xuất trà.

SkyPeople Fruit Juice, một công ty ở Hong Kong, đổi tên thành Future FinTech Group. Sau khi đổi tên, công ty này chẳng làm gì liên quan tới công nghệ tài chính (fintech), mà vẫn là các sản phẩm nước trái cây, dù có tuyên bố là sẽ dùng các giải pháp fintech cho hoạt động của mình. Dù sao, mã chứng khoán FTFT trên sàn NASDAQ cũng hữu ích trong thời buổi nhiều người săn lùng cổ phiếu fintech.

Hai cổ phiếu penny (có thị giá cực thấp), hãng thuốc lá Rich Cigars và hãng thuốc lá điện tử Vapetek, cũng tăng phi mã sau khi tuyên bố từ nay họ là công ty blockchain. Rich Cigars đổi tên thành Intercontinental Technology (Công nghệ Liên lục địa), còn Vapetek thành Nodechain.

Và còn nhiều ví dụ khác. Một công ty có tên đơn giản The Crypto Company thực sự có làm ăn về tiền mật mã (cryptocurrency), nhưng lên sàn chứng khoán bằng cách mua lại một công ty áo nịt ngực thể thao. Bioptyx đổi tên thành Riot Blockchain, và đổi mô hình kinh doanh từ công nghệ sinh học sang blockchain. LongFin, một hãng công nghệ tài chính mới lên sàn gần đây, tăng vọt sau khi công bố vụ mua một hãng cho vay vi mô dùng blockchain.

Cơn cuồng loạn này đã được so sánh với bong bóng dot-com (cuối cùng đã vỡ) cách đây hai thập niên. Thời đó, nhiều công ty chẳng có gì để có thể trở thành một Amazon kế tiếp nhưng chỉ cần gắn thêm hậu tố “.com” hoặc tiền tố “E” vào tên mình là giá cổ phiếu tăng chóng mặt.

Scott Nations, tác giả cuốn Lịch sử Mỹ qua 5 vụ sụp đổ, nói với Bloomberg, “Quá giống chuyện xảy ra vào cuối những năm 1990. Một công ty chẳng liên quan gì tới Internet chỉ cần đưa ra thông cáo báo chí là từ nay họ sẽ là một công ty Internet, và thế là cũng xảy ra chuyện tương tự.” Chỉ riêng hôm 21/12, Long Blockchain có lượng giao dịch hơn 15 triệu cổ phần, trong khi số lượng trung bình hàng ngày chỉ khoảng 170.000 trong ba tháng trước đó. Trước khi tuyên bố đổi tên, cổ phiếu của công ty bầm dập trong năm 2017, giảm 40%.

Đà tăng giá hơn 1.500% trong năm 2017 đã khiến Bitcoin được so sánh với nhiều bong bóng trong quá khứ, như cơn cuồng đầu tư hoa tulip ở Hà Lan thế kỷ 17. Ông Nations nói có những công ty tăng 5 tới 10 lần trong một ngày chỉ vì họ tuyên bố từ nay họ là công ty blockchain. “Theo tôi, điều đó chỉ khẳng định rằng chúng ta đang trong tình trạng bong bóng.”

Blockchain mới đáng quan tâm

Do giá Bitcoin thường cực kỳ biến động (có thể tăng giảm vài chục tới vài trăm phần trăm trong một ngày), đầu tư vào Bitcoin chẳng khác gì đánh bạc. Tuy nhiên, điều khiến Bitcoin được nhà nhà người người quan tâm là công nghệ blockchain làm nền tảng cho nó và các loại tiền mật mã khác.

Hồi mùa hè vừa rồi, Adam White, phó tổng giám đốc Coinbase, một trong những sàn giao dịch tiền số hóa nổi tiếng nhất, phát biểu trên đài truyền hình Bloomberg, “Những blockchain mở này, điều khiến Ethereum và Bitcoin quá mạnh, rốt cuộc thực sự là một giao thức. Chúng rất giống TCP/IP, xương sống của Internet, hay SMTP, giao thức truyền tải email. Và từ đó nó mở ra quá nhiều cơ hội, quá nhiều mô hình kinh doanh mới.”

Dù về lý thuyết Bitcoin có thể được dùng như một loại tiền để mua sắm, cũng như dùng đô Mỹ hay euro để thanh toán, điều hấp dẫn nhiều công ty là hệ thống trách nhiệm giải trình điện toán hóa được lồng sẵn trong loại tiền mật mã giúp hoàn tất các thanh toán đó.

Mỗi khi một giao dịch dùng Bitcoin diễn ra, những máy điện toán kết nối với hệ thống đó sẽ chạy để xác thực là số tiền đó quả thực đã trao tay. Khác với những giao dịch truyền thống với đồng tiền thực tế (cần có một tổ chức quản lý tập trung để hậu thuẫn hoặc giám sát giao dịch), hệ thống xác thực của Bitcoin được phân bố trên tất cả mọi máy điện toán trong mạng lưới. Ngoài ra, mỗi giao dịch được ghi sổ công khai để tất cả mọi người cùng thấy. Nhờ đó, kẻ gian gần như không thể lường gạt hệ thống và xài một Bitcoin hai lần.

Trên lý thuyết, blockchain giúp cho mức độ tin tưởng giữa tất cả những người sử dụng hoặc mua bán Bitcoin tăng lên. Và trên thực tế, giới chuyên gia cho rằng điều đó có thể dẫn tới giao dịch nhanh hơn (một số giao dịch không còn phải đợi mấy ngày mới xong) và giao dịch an toàn hơn. Ta thậm chí có thể trao đổi bằng khoán nhà đất hay thảo hợp đồng được hỗ trợ bằng blockchain.

Nigel Green, tổng giám đốc hãng tư vấn tài chính deVere Group, gần đây nói, “Không ai biết chắc tương lai ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn của Bitcoin sẽ ra sao. Nhưng chúng ta biết chắc rằng công nghệ blockchain làm nền tảng cho nó có tính cách mạng và hiện đã thay đổi cách thế giới xử lý tiền.”

Triển vọng của blockchain

Công nghệ blockchain có tiềm năng ứng dụng rất lớn. Hồi tháng 10/2017, ngân hàng UBS ước tính rằng công nghệ này có thể tăng thêm 300 tỷ tới 400 tỷ đô-la giá trị kinh tế hàng năm trên toàn cầu trước năm 2027. Theo UBS, blockchain có thể có tác động lớn trong nhiều ngành từ tài chính tới sản xuất chế tạo, y tế và tiện ích công cộng (điện, nước), và nhiều ngành khác.

Trong một báo cáo nghiên cứu gần đây, Goldman Sachs viết, “Blockchain có thể là một cuộc cách mạng theo cách mà mọi người — doanh nghiệp, chính phủ, các tổ chức và cá nhân — cùng làm việc với nhau. Nó tạo ra một cách đơn giản, an toàn để tạo lòng tin cho hầu như tất cả mọi kiểu giao dịch, giúp đơn giản hóa sự di chuyển của tiền, sản phẩm hay thông tin nhạy cảm trên toàn thế giới.”

Gần như công ty nào cũng tìm được cách ứng dụng blockchain. Trong một họp qua điện thoại với giới đầu tư hôm 6/12/2017, Randall Engel, phó tổng giám đốc điều hành của hãng khai khoáng Newmont Mining, cho biết công nghệ blockchain có những ứng dụng lý thú cho nhiều mảng hoạt động của công ty, ví dụ đăng ký và theo dõi đầu tư và sở hữu đất.

Ai mà ngờ Walmart lại đi tiên phong về blockchain. Tập đoàn bán lẻ này đã bắt đầu dùng công nghệ này vào năm 2016 để quản lý chuỗi cung ứng: theo dõi đường đi của thịt heo từ Trung Quốc tới bàn ăn của người Mỹ. Các công ty/tổ chức nhỏ hơn cũng đang noi gương. Hồi tháng 8/2017, một hội nông dân Arkansas dùng mã QR trên các thùng gà để theo dõi các giao dịch về gia cầm của họ. Những ứng dụng này giúp các công ty giảm mức độ hư hỏng thực phẩm và phòng ngừa dịch bệnh.

Cuối tháng 12/2017, Vanguard cho biết sẽ dùng blockchain để chia sẻ dữ liệu giữa các hãng cung cấp chỉ số chứng khoán và các tổ chức/cá nhân tham gia thị trường. Công ty quản lý đầu tư này nói rằng sáng kiến này có thể khiến các quỹ đầu tư chỉ số theo dõi các chỉ số chuẩn mực của mình một cách hữu hiệu và chính xác hơn.

Từ ngày 1/8/2017, một luật mới cho phép các công ty ở bang Delaware, Mỹ (nơi hơn hai phần ba công ty trong danh sách Fortune 500 đăng ký thành lập) lưu giữ danh sách cổ đông trên một blockchain. Giới ủng hộ hy vọng luật này sẽ khuyến khích các công ty thay thế các bảng tính Excel và cơ sở dữ liệu SQL trong cách lưu trữ thông tin cổ đông. Nhưng luật này cũng chỉ mới là sự bắt đầu về cuộc cách mạng về lưu trữ hồ sơ doanh nghiệp. Bang Delaware cũng đang trong quá trình thiết lập một hệ thống để các công ty làm tất cả mọi việc từ lưu hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tới đăng bạ cổ phần thông qua một blockchain.

Josh Brown, tổng giám đốc hãng quản lý đầu tư Ritholtz Wealth Management, viết trong một bài trên blog, “Tôi bắt đầu thấy rằng sức mạnh có tính chuyển biến thực sự của công nghệ blockchain sẽ được thể hiện dưới dạng tiết kiệm chi phí cho các công ty lớn chuyển đổi từ các cơ sở dữ liệu sang các chuỗi (chain) riêng tư để đạt hiệu quả mới. Điều này rất giống cách Internet trở thành chủ lưu. Chẳng có gì hào nhoáng hấp dẫn và không cần có kiểu đầu cơ vào giá của bất cứ tiền mật mã nào.”

Thị trường các loại tiền mật mã có sụp đổ cũng sẽ chẳng tác động tới cách vận hành của công nghệ blockchain, cũng như sự cáo chung của Pets.com (một thất bại khét tiếng thời dot-com) không dẫn tới sự cáo chung của Internet.

Alicia Levine, chiến lược gia đầu tư ở hãng quản lý đầu tư BNY Mellon Investment Management, cho rằng các công ty thời dot-com về cơ bản thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, và “đó chính là điều blockchain đang làm hiện nay; nó cũng tái cấu trúc nền kinh tế của chúng ta và cách chúng ta làm kinh doanh”.

Bà Levine nghi ngờ về giá của tiền mật mã trong ngắn hạn, nhưng nói bà lạc quan về triển vọng dài hạn của blockchain. Bà bình luận rằng tuy nhiều cổ phiếu Internet thời kỳ đầu tiêu tan sau khi bong bóng nổ, nền tảng do chúng đặt ra rốt cuộc dẫn tới những công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực này hiện nay, như Facebook và Alphabet (công ty mẹ của Google).

Như chuyên gia đầu tư Josh Brown viết gần đây trên Twitter, giới nghi hoặc về tiền mật mã “giả định rằng sự sụp đổ về giá có nghĩa một công nghệ mới trỗi dậy sẽ cáo chung”, nhưng “các cổ phiếu Internet sụt giá 90% trong năm 2000-2001, sau đó có phải tất cả chúng ta đều ngưng lướt mạng?”

1 thought on “Trà đá & blockchain

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.