Ai mua quốc tịch tôi bán cho
Ngành mua bán quốc tịch trên toàn cầu béo bở và tăng nhanh. Các chương trình nhập tịch theo diện đầu tư mỗi năm có trị giá từ 1 tỷ tới 10 tỷ đô-la.
Phạm Vũ Lửa Hạ
Có nhiều lý do để kiếm quốc tịch thứ nhì. Các bài quảng bá chương trình nhập tịch bằng đầu tư mô tả những bãi biển thanh bình và hứa hẹn khả năng thông hành dễ dàng hơn. Kèm theo đó là nhiều triển vọng hấp dẫn khác như bảo vệ gia đình tránh khỏi chiến tranh, bảo vệ tài sản (thường đồng nghĩa với tránh thuế thu nhập), tránh bị khủng bố (ví dụ với công dân Mỹ khi ra nước ngoài).
Ngành mua bán quốc tịch trên toàn cầu béo bở và tăng nhanh, kết nối những người giàu có từ những nơi như Trung Quốc, Nga, và Trung Đông với những chương trình nhập tịch theo diện đầu tư trên khắp thế giới. Theo ước tính của những chuyên gia hàng đầu trong ngành, các chương trình nhập tịch theo diện đầu tư mỗi năm có trị giá từ 1 tỷ tới 10 tỷ đô-la. Giới trung gian, thường là người Canada, hưởng hoa hồng hàng triệu đô-la.
Một trong những yếu tố hấp dẫn nhất đối với người muốn nhập tịch bằng đầu tư là các loại hộ chiếu đó được miễn visa nhập cảnh hơn 100 nước, trong đó có các nước thành viên EU. Nhờ quá khứ thuộc địa của mình, các đảo quốc vùng Caribe thường được quyền miễn visa tới rất nhiều nước. Những nước giàu chưa cảm thấy cần hạn chế nhập cảnh đối với công dân của các nước khá nhỏ này. Nếu không có quyền miễn thị thực đó, công dân của một số nước như Trung Quốc hay Nga phải làm thủ tục xin visa cho mỗi nước mà họ muốn tới.
Cội nguồn của ngành này xuất phát từ chương trình nhập cư diện kinh tế cấp liên bang trước đây của Canada. Theo chương trình đó, người có tài sản ròng ít nhất 1,6 triệu đô-la và đồng ý đầu tư 800.000 đô-la ở Canada có thể đủ tiêu chuẩn trở thành thường trú nhân.
Khi chấm dứt chương trình vào năm 2014 vì có quan ngại về gian lận, Canada còn lại một ngành đầy những chuyên viên giỏi bán dịch vụ nhập tịch bằng đầu tư và những công chức trước đây thực hiện các chương trình nhập cư tịch đầu tư, cũng như nguồn tiếp xúc với hàng ngàn thân chủ từ khắp thế giới đã nộp hồ sơ theo chương trình của Canada mà chưa được giải quyết.
(Mời xem so sánh chi tiết về chi phí-lợi ích của các chương trình nhập tịch diện đầu tư vào các nước khác nhau trong video dưới đây.)
Tuy nhiên, giới thân cận chính phủ cho rằng các chương trình bán quốc tịch rất dễ bị bọn tội phạm và những kẻ có thể trở thành khủng bố lợi dụng. Họ nói một số quốc gia không quan tâm đúng mức hoặc không chất vấn kỹ lưỡng về nguồn gốc tiền trước khi cấp tấm hộ chiếu giúp đi khắp thế giới dễ dàng hơn.
Hồi tháng 6/2017, những quan ngại đó đã khiến chính phủ Canada bỏ chính sách miễn visa cho những người nhập cảnh Canada với hộ chiếu từ đảo quốc Antigua và Barbuda, “để bảo vệ an toàn và an ninh cho người Canada và giữ cam kết của Canada về bảo vệ biên giới Bắc Mỹ.” Trong thông báo của mình, chính phủ Canada cho biết đã theo dõi chương trình này kể từ lúc nó bắt đầu vào năm 2013.
Ba năm trước đó, chính phủ Canada đã áp dụng biện pháp tương tự với St. Kitts và Nevis, một đảo quốc khác ở vùng Caribe. Cựu bộ trưởng di trú Chris Alexander nói quyết định đó được đưa ra sau khi một người Iran (mà ông gọi là một “đại diện nhà nước Iran”) xuất hiện tại sân bay Toronto với hộ chiếu ngoại giao từ St. Kitts và nói là ông ta tới gặp Stephen Harper, thủ tướng Canada lúc đó. (Canada đóng cửa đại sứ quán của mình ở Iran năm 2012 và trục xuất các nhà ngoại giao Iran khỏi Canada. Quan hệ ngoại giao chính thức vẫn chưa được khôi phục.)
Ngày 1/12/2017, một phái đoàn của Nghị viện Châu Âu do Ana Gomes đứng đầu đã đưa ra những cảnh báo về chương trình nhập tịch bằng đầu tư của Malta; họ cho rằng có quan ngại lớn về việc bán hộ chiếu Malta cho người ngoại quốc mà không tiết lộ danh tánh của người mua. Chương trình này rất được người Nga ưa chuộng vì cấp quốc tịch Châu Âu và miễn visa tới Canada và Mỹ. Bà Gomes nói, “Do hết sức mập mờ, hệ thống này có rủi ro nhập khẩu tội phạm và hoạt động rửa tiền vào cả Liên hiệp Châu Âu.”
Chính phủ Mỹ cũng đã nêu những quan ngại sâu sắc về các chương trình bán quốc tịch. Trong một bài thuyết trình với ủy ban các lực lượng vũ trang của Thượng viện Mỹ hồi tháng 3/2015, tướng John Kelly liệt kê các chương trình “bán hộ chiếu” trong những mối đe dọa an ninh đối với nước Mỹ, và nói rằng chúng có thể bị bọn tội phạm, bọn khủng bố hay các phần tử bất chính khác lợi dụng. (Ông Kelly hiện là chánh văn phòng của tổng thống Donald Trump.)
Trong Báo cáo Chiến lược Phòng chống Ma túy Quốc tế năm 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng Chương trình nhập tịch bằng đầu tư (CIP) của Antigua và Barbuda có thể bị lợi dụng cho hoạt động rửa tiền và các tội ác tài chính khác. Báo cáo đó cũng cảnh báo về chương trình ở St. Kitts, cho rằng việc sàng lọc lỏng lẻo gây ra những nguy cơ về rửa tiền và an ninh trong và ngoài nước, rằng CIP tiếp tục có những khiếm khuyết lớn về sàng lọc ứng viên và thực hiện thẩm định chi tiết về những người được cấp hộ chiếu và quốc tịch sau khi họ nhập tịch.
Antigua và St. Kitts chỉ là hai trong số nhiều nước trong ngành kinh doanh bán quốc tịch đang tăng mạnh. Theo Christian Kälin, chủ tịch hãng tư vấn Henley & Partners, khoảng 30-40 nước đã các chương trình nhập tịch hoặc thường trú diện kinh tế đang hoạt động, và 60 nước có điều khoản về chương trình như vậy trong luật.
Armand Arton, tổng giám đốc Arton Capital, một trong những hãng lớn nhất giúp những nhà đầu tư giàu có tìm được quốc tịch thứ nhì, nói, “Nhu cầu bùng nổ chủ yếu do tình hình bất ổn chính trị trên khắp thế giới trong 10 năm qua.” Ông ước tính mỗi năm có 25.000 người mua quốc tịch thứ nhì mỗi năm. Ông dự đoán con số này sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới do có thêm nhiều nước có những chương trình như vậy, và chi phí mua quốc tịch giảm xuống.
Trong phần lớn các chương trình, người muốn có quốc tịch thứ nhì đầu tư ở nước đó, từ đóng góp vào một chương trình phát triển do nhà nước điều hành tới đầu tư vào bất động sản hay một doanh nghiệp sở tại. Sau khi hồ sơ được sàng lọc và duyệt, nhà đầu tư và gia đình của họ có thể trở thành công dân của nước đó và được cấp hộ chiếu.
Các chương trình này có thể là mỏ vàng cho các nước đang phát triển thiếu tiền, mà trong một số trường hợp có chiếm tỷ lệ lớn trong GDP của họ.
Sau khi Châu Âu cắt trợ cấp làm điêu đứng ngành sản xuất đường cách đây hơn một thập niên, St. Kitts và Nevis đi tiên phong ngành “bán quốc tịch”. Kể từ đó, nước này đã bán hơn 10.000 hộ chiếu với giá ít nhất $250.000 – nguồn thu đáng kể cho nước 2 đảo chỉ có 55.000 dân và GDP 1 tỷ đô-la.
Nước láng giềng Dominica mỗi năm bán khoảng 2.000 hộ chiếu với giá chỉ có $100.000. Vince Henderson, đại sứ của Dominica tại Liên Hợp Quốc, gọi chương trình này là “phao cứu sinh” sau khi đảo quốc này bị Bão Nhiệt đới Erika tàn phá năm 2015. Năm 2017, 148 triệu đô-la trong ngân sách 340 triệu đô-la là tiền thu từ chương trình nhập tịch bằng đầu tư. Thủ tướng của Antigua từng nói chương trình bán hộ chiếu giúp nước này tránh vỡ nợ.
Những người trong ngành nói rằng đó cũng là mỏ vàng cho giới tư vấn di trú Canada, trong đó có một số người từng làm việc cho chính phủ liên bang khi Canada còn chương trình nhập cư diện đầu tư của mình. Ví dụ ở Antigua, 22% trong 127 người đại diện được phép tiếp thị chương trình nhập tịch bằng đầu tư của nước này liệt kê địa chỉ ở Canada — nhiều hơn bất cứ nước nào khác.
Theo các báo cáo của chương trình này đăng trên mạng, 80% tiền hoa hồng do chương trình của Antigua trả trong một năm rưỡi — 2,2 triệu đô-la — dành cho ClientReferrals.com, một công ty ở Montreal chuyên kết nối những người đại diện và các chuyên viên khác với các chương trình nhập tịch bằng đầu tư và các phương án đầu tư khác.
Nhiều người mua quốc tịch thứ nhì xuất phát từ các nước như Trung Quốc hay Nga (hiếm có thỏa thuận miễn visa với các nước khác), hoặc các nước Trung Đông và Bắc Phi đang có biến. Nhưng một số nhà quan sát lo ngại rằng có những người muốn kiếm hộ chiếu được quyền nhập cảnh dễ dàng vào Bắc Mỹ hay Châu Âu vì những lý do bất chính hơn.
Peter Vincent, cựu cố vấn an ninh nội địa cho cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, nói Mỹ quan ngại về một nhóm nhỏ nhưng có thể gây tác hại lớn lợi dụng các chương trình nhập tịch bằng đầu tư. “Đó là các tội phạm và tổ chức khủng bố quốc tế muốn tránh né luật pháp, tránh bị truy tố tại nước của chính họ, hay tránh bị truy tố quốc tế bởi các tòa án toàn cầu, thực sự muốn làm chuyện kinh khủng và dùng một hộ chiếu mà thường sẽ không bị nghi ngờ khi thông hành để thực hiện các tội ác hay những hành động khủng bố đó.”
Naomi Hirst, một nhà vận động thuộc Nhân chứng Toàn cầu, tổ chức có mục tiêu vạch trần tham nhũng trên khắp thế giới, gọi các chương trình nhập tịch bằng đầu tư là “một công cụ trong bộ công cụ tham nhũng”. “Điều tối cần thiết khi người ta là quan chức biển thủ công sản là cách thoát khỏi đất nước của họ. Sẽ vô ích nếu ta giỏi tham nhũng mà chẳng thể thụ hưởng.”
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã xác định các chương trình bán quốc tịch là một lỗ hổng khả dĩ trong cuộc chiến chống trốn thuế quốc tế.
Giới chức trong ngành này khẳng định rằng việc thẩm định chi tiết được thực hiện thấu đáo và nói rằng họ gắng hết sức mình để kiểm tra lý lịch của các đương đơn. Tuy nhiên, họ nói rằng nếu một người chưa phải đối tượng của một trát bắt hay chưa bị kết tội hình sự, một nguy cơ không nhất thiết xuất hiện trong những lần kiểm tra lý lịch.
Bất chấp việc kiểm tra lý lịch như vậy, đã có nhiều trường hợp cấp quốc tịch đáng ngờ.
Alexandre Cazes, một công dân Canada bị cáo buộc là chủ trang mạng đen AlphaBay, nhập tịch Antigua hồi tháng 2/2017. Theo cơ quan điều tra Mỹ, Jho Low, một nghi can trong vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn liên quan tới quỹ đầu tư 1MDB của Malaysia, có hộ chiếu St. Kitts và Nevis.
Francesco Corallo, một doanh nhân Ý trong danh sách bị Interpol truy nã, đã mua một hộ chiếu ngoại giao của Dominica và đòi quyền miễn trừ ngoại giao với lý do là đại diện thường trực của đảo quốc này tại Tổ chức Lương Nông của Liên Hợp Quốc. Ông ta hiện nay bị giam giữ tại St. Maarten, một lãnh thổ bé nhỏ thuộc Hà Lan ở vùng Caribe, đợi dẫn độ về Ý với các cáo buộc trốn thuế và hối lộ chính khách.
Ba công dân Trung Quốc đã mua quốc tịch Antigua mà về sau trở thành vụ rùm beng — một người bị cáo buộc gian trá trong hồ sơ, và hai người bị chính quyền Trung Quốc truy nã. Một người trong số đó, Ai Yang, được nêu tên trong hồ sơ cung cấp thông tin để chính phủ Canada ra quyết định bỏ chính sách miễn thị thực đối với Antigua.
Harold Lovell, thủ lĩnh đảng đối lập ở Antigua, nói Đảng Tiến bộ Thống nhất của ông đã lập chương trình này khi đảng cầm quyền để thúc đẩy nền kinh tế của Antigua. Tuy nhiên, ông cho rằng cách chính phủ hiện tại thực hiện chương trình này có nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Ví dụ, Lovell nói Antigua đã cố gắng tiếp thị chương trình này ở Iraq và mời 4.000 gia đình Iraq tới sống ở đảo quốc này. Ông nói quyết định của Canada áp đặt visa đối với Antigua đã khiến chương trình này thụt lùi đáng kể, nhưng ông nghĩ chương trình vẫn còn tiềm năng.
Arton nói vấn nạn của một số chương trình, như chương trình ở St. Kitts và Antigua, là chưa làm đủ để sàng lọc ứng viên. Những quan ngại đó đã dẫn tới các sáng kiến làm trong sạch hình ảnh của ngành này như lập các hiệp hội ngành, và đưa ra một số khuyến nghị. Ví dụ, Arton đề xuất nên có một chương trình chung cho các nước vùng Caribe và một cơ sở dữ liệu về những ứng viên bị bác hồ sơ.
St. Kitts và Nevis đang cố gắng khôi phục uy tín. Do áp lực quốc tế, chính phủ nước này đã thu hồi hàng ngàn hộ chiếu và cấp các hộ chiếu mới, chi tiết hơn để khó giấu danh tánh của người được cấp hơn. Hành động dứt khoát này là do Canada quyết định bãi bỏ quyền miễn visa cho công dân St. Kitts và Nevis. Để thể hiện quyết tâm thay đổi, St. Kitts và Nevis cũng đã thuê một hãng quản lý rủi ro quốc tế để kiểm toán chương trình của mình.
Tổng hợp từ CBC & The Economist.
© Bản tiếng Việt của Canada Info.
Đọc thêm: Cuộc chạy đua thu hút di dân triệu phú
2 thoughts on “Ai mua quốc tịch tôi bán cho”