Bất bình đẳng vaccine: Bên trong cuộc đua khốc liệt giành thuốc
‘Kẻ ăn không hết, người lần không ra’
Lori Hinnant, Maria Cheng và Aniruddha Ghosal
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Đời vốn dĩ bất công, chẳng ai tranh cãi chuyện đó. Nhưng ai mà ngờ được sự chênh lệch giàu nghèo về vaccine lại trầm trọng tới vậy, khi đại dịch đã kéo dài tới vậy.
Nhìn đâu cũng thấy bất bình đẳng: Mỹ thì nài nỉ dân chúng đi chích ngừa trong khi Haiti, chỉ cách một chuyến bay ngắn, được giao đợt thuốc hôm 15 tháng 7 sau nhiều tháng được hứa tới hẹn lui — 500 ngàn liều cho hơn 11 triệu dân. Canada đã mua hơn 10 liều cho mỗi người dân; tỷ lệ tiêm chủng của Sierra Leone vừa chạm mức 1% hôm 20 tháng 6.
Strive Masiyiwa, đặc phái viên về mua vaccine của Liên hiệp châu Phi, nhận xét rằng tình hình giống như nạn đói trong đó “những kẻ giàu nhất chộp lấy thợ làm bánh”.
Thực vậy, giới chức Âu Mỹ can dự nhiều trong việc tài trợ và phân phối vaccine chống coronavirus đã nói với hãng tin The Associated Press rằng chẳng ai nghĩ về cách xử lý tình hình ở cấp độ toàn cầu. Thay vì vậy, họ chen lấn giành giựt để có thuốc dùng cho quốc dân mình.
Nhưng có thêm nhiều lý do cụ thể tại sao vaccine đã tới và chưa tới được với kẻ giàu người nghèo.
COVID-19 bất ngờ tàn phá các nước giàu trước tiên — và một số nước trong số đó thuộc vài nơi hiếm hoi chế vaccine. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu giữ thuốc ở lại trong nước của họ.
Có kế hoạch mua thuốc toàn cầu để cung cấp vaccine cho các nước nghèo, nhưng kế hoạch này khiếm khuyết và thiếu tiền tới mức không cạnh tranh nổi trong cuộc đua khốc liệt để mua thuốc. Quyền sở hữu trí tuệ đua tranh với y tế công cộng toàn cầu để thành mục tiêu ưu tiên. Các nước giàu mở rộng tiêm chủng cho những nhóm tuổi càng lúc càng trẻ hơn, phớt lờ bao lời thỉnh cầu lặp đi lặp lại của giới chức y tế đề nghị thay vì vậy thì hãy đem tặng vaccine của họ, và tranh luận có nên tiêm về các mũi tăng cường hay không — trong khi các nước nghèo không có thuốc để tiêm chủng cho những người dễ mắc bệnh nhất.
Xét về một số mặt, sự chênh lệch này là tất yếu; các nước giàu kỳ vọng khoản đầu tư tiền thuế của họ sẽ sinh lợi. Nhưng mức độ bất bình đẳng, việc tích trữ vaccine không dùng tới, tình trạng thiếu kế hoạch toàn cầu khả thi để giải quyết một vấn nạn toàn cầu đã khiến các quan chức y tế sửng sốt, dù đây không phải là lần đầu.
“Đây là một cấu trúc toàn cầu có chủ ý về sự bất công,” Masiyiwa phát biểu tại một hội nghị của Viện Milkin.
“Chúng tôi không có được vaccine, dù là tặng hay có thuốc để chúng tôi mua. Tôi có ngạc nhiên không? Không, bởi vì tình hình hiện nay giống hệt tình hình chúng tôi đã gặp với đại dịch HIV. Tám năm sau khi liệu pháp điều trị có ở phương Tây, chúng tôi đã không nhận được chúng và chúng tôi đã mất 10 triệu người.”
“Con toán đơn giản thôi,” ông nói. “Chúng tôi không đươc tiếp cận. Chúng tôi không có phép màu vaccine.”
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật kịp thời cẩm nang dịch bệnh của mình sau mỗi đợt bùng phát, gần đây nhất là dịch Ebola. Rồi sau đó, như vẫn thường gặp trong những thập niên trước, một căn bệnh mới xuất hiện chủ yếu bị chặn đứng ở các nước thiếu các dịch vụ y tế công cộng hiệu quả, với điều kiện vệ sinh kém và điều kiện sống đông đúc và ít kết nối đi lại [với các nước khác].
Trong nhiều năm, WHO đã đánh giá mức độ sẵn sàng ứng phó đại dịch cúm của các nước: Mỹ, các nước châu Âu và thậm chí cả Ấn Độ được xếp gần đầu bảng. Mức độ sẵn sàng của Mỹ là 96% và Vương quốc Anh là 93%.
Ngày 30 tháng 1 năm 2020, WHO tuyên bố đợt bùng phát coronavirus ở Trung Quốc là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Phải tới mấy tháng sau thì từ “đại dịch” mới trở thành chính thức.
Nhưng cùng ngày hôm đó, Liên minh Chuẩn bị Phòng chống và Đổi mới Dịch bệnh (CEPI), đang hoạch định cho tình hống xấu nhất. CEPI đã công bố “lời kêu gọi về các công nghệ vaccine đã được chứng minh có thể áp dụng cho sản xuất quy mô lớn’, theo biên bản của ban cố vấn khoa học của CEPI. CEPI cho rằng điều hệ trọng là phải “trợ giúp chiến lược tiếp cận toàn cầu” ngay từ giai đoạn đầu.
CEPI đã nhanh chóng đầu tư vào hai loại vaccine coronavirus đầy hứa hẹn đang được Moderna và CureVac điều chế.
“Ngay từ rất sớm chúng tôi đã nói rằng điều quan trọng là phải có một nền tảng mà từ đó tất cả các quốc gia có thể lấy được vaccine, một nền tảng có trách nhiệm giải trình và minh bạch,” Christian Happi, giáo sư tại Đại học Chúa cứu thế ở Nigeria và là thành viên ban cố vấn khoa học của CEPI, nói. “Nhưng chúng tôi nghĩ rằng các nước giàu sẽ tài trợ nền tảng đó cho các nước đang phát triển.”
Happi nói giới chức trách không hề ngờ được là đại dịch lại ập xuống trước tiên và gây tác hại nặng nề ở châu Âu và Mỹ. Hoặc đánh giá của họ về mức độ sẵn sàng ở các nền kinh tế giàu nhất thế giới hóa ra lạc quan tới thảm hại.
Các chuyên gia y tế toàn cầu sớm hiểu ra rằng các nước giàu “có thể ký một văn bản nói rằng họ tin vào công bằng, nhưng ngay sau khi lâm vào thế khó, họ sẽ làm bất cứ điều gì họ muốn,” ông nói.
Ngày 16 tháng 3, năm ngày sau khi WHO lần đầu tiên gọi COVID-19 là “đại dịch”, vaccine mRNA mới do Moderna điều chế đã được tiêm lần đầu tiên cho một người tham gia thử nghiệm.
Lúc đó, căn bệnh này đã tấn công người cao niên ở châu Âu và Mỹ.
Moderna và Pfizer / BioNTech là những hãng đầu tiên sản xuất vaccine mRNA, đưa ra các phương pháp sản xuất hàng loạt gần như đồng thời, không gián đoạn. Các khoa học gia tại Đại học Oxford của Vương quốc Anh cũng đã đưa ra một loại vaccine với nền tảng truyền thống hơn, và Bill Gates đã làm trung gian giúp họ đạt thỏa thuận hợp tác với AstraZeneca, một hãng dược có phạm vi toàn cầu nhưng không có kinh nghiệm sản xuất vaccine.
Ngày 30 tháng 4, thỏa thuận này được xác nhận: AstraZeneca hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc sản xuất và phân phối vaccine Oxford trên toàn cầu và cam kết bán với giá “vài đô-la một liều”. Trong vài tuần tiếp theo, Mỹ và Vương quốc Anh đã ký được các hợp đồng tổng cộng 400 triệu liều từ AstraZeneca.
Cuộc đua sản xuất và mua vaccine đã bắt đầu, và Mỹ và Vương quốc Anh dẫn đầu khá xa so với các nước còn lại trên thế giới — về sau họ đã không đánh mất vị trí dẫn đầu này. Tuy vậy, cả hai nước này đều có tuổi thọ dự kiến giảm ít nhất một năm vào năm 2020, mức giảm lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến. Ở Liên hiệp châu Âu, 22 nước có tuổi thọ trung bình giảm xuống, trong đó Ý giảm nhiều nhất.
Đọc tiếp trang 2.
4 thoughts on “Bất bình đẳng vaccine: Bên trong cuộc đua khốc liệt giành thuốc”