Nhưng dẫu tình hình thê thảm tới vậy, tất cả các nước đó đều có một ưu thế lớn: Đó là nơi có những hãng dược phẩm với các ứng viên vaccine nhiều hứa hẹn nhất, có những cơ sở sản xuất tiên tiến nhất thế giới, và có tiền tài trợ cho cả hai.

Ngày 15 tháng 5 năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Chiến dịch Thần tốc (Operation Warp Speed) ​​và hứa sẽ có vaccine chống coronavirus trước ngày 1/1/2021. Với tiền và hoài bão vô song của dự án này, người đứng đầu Chiến dịch Thần tốc, Moncef Slaoui, tự tin hơn những người đồng cấp của mình ở châu Âu rằng sắp có vaccine. Ông đã ký các hợp đồng mà gần như chẳng thèm quan tâm tới giá cả hay điều kiện.

“Chúng tôi thực tình tập trung đạt mục tiêu này càng nhanh càng tốt trong khả năng của người phàm. Nếu tôi phải làm lại, có lẽ tôi lẽ ra đã nên đề cập nhiều hơn về một khía cạnh toàn cầu,” Slaoui nói. “Chiến dịch này đã tập trung, mà thực tình cũng là một phần trong thành công của nó, vào việc tránh xa chính trị và chú trọng chế ra vaccine.”

Thậm chí người ta còn không cân nhắc tới chuyện bao gồm các điều khoản để bảo đảm rằng vaccine sẽ tới được với người khác ngoài người Mỹ.

Đồng thời, Mỹ liên tục viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng — 18 lần thời Chính quyền Trump và ít nhất một lần dưới thời Chính quyền Biden. Các động thái này cấm xuất khẩu các nguyên liệu trọng yếu khi các nhà máy đang tăng cường sản xuất các loại vaccine chưa được phê duyệt — và rốt cuộc chính vaccine đó.

Nhưng điều đó cũng khiến các nguyên liệu đó cạn kiệt ở hầu hết các nước khác trên thế giới. Lệnh cấm của Mỹ tới mùa xuân năm 2021 mới được dỡ bỏ, mà chỉ một phần.

Chiến dịch Thần tốc ​​đã tạo đà đẩy mạnh cuộc chạy đua toàn cầu để có được vaccine, nhưng phải tới hai tuần sau đó thì COVAX — Chương trình Tiếp cận Toàn cầu Vaccine COVID-19 — mới được chính thức công bố là tổ chức để bảo đảm công bằng, với Viện Huyết thanh Ấn Độ đóng vai trò nhà cung cấp chủ chốt cho các nước đang phát triển.

COVAX được sự hậu thuẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, CEPI, liên minh vaccine Gavi và Sáng hội Gates hùng mạnh. Chỉ có điều COVAX không có tiền, mà không có tiền, thì không ký được hợp đồng nào cả.

“Chiến dịch Thần tốc ​​đã ký kết các thỏa thuận công khai đầu tiên và điều đó khởi đầu một phản ứng dây chuyền,” Gian Gandhi, điều phối viên về nguồn cung ứng COVAX của UNICEF nói. “Giống như cảnh đổ xô đi rút tiền ngân hàng, nhưng đây là đổ xô mua hết nguồn cung dự kiến.”

Một số người can dự vào dự án COVAX ngay từ đầu đã cảnh báo rằng Ấn Độ có thể là một trở ngại, theo các biên bản họp hành vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè năm 2020.

Chính phủ Ấn Độ trước đó đã ngăn chặn xuất khẩu đồ bảo hộ. Nhưng nhiều cơ quan y tế toàn cầu vốn đã không hiểu tường tận mức độ của chủ nghĩa dân tộc đại dịch thấy không thể hình dung được rằng Ấn Độ lại ngăn chặn vaccine khi thế giới đang trông cậy vào vaccine. Ngoài ra, cho tới lúc đó Ấn Độ đã tránh được những đợt tử vong đang hoành hành ở châu Âu và châu Mỹ.

Một kế hoạch khác do chính phủ Costa Rica và Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra nhằm thiết lập một nền tảng chia sẻ công nghệ để tăng sản xuất vaccine đã xôi hỏng bỏng không. Không một hãng nào đồng ý chia sẻ kế hoạch của mình, ngay cả nếu được trả phí — và không có chính phủ nào thúc giục họ ở hậu trường, theo nhiều người can dự trong dự án này.

Trên phạm vi toàn cầu, tổ chức duy nhất mà lẽ ra đã có thể vận động chia sẻ công nghệ nhiều hơn là Sáng hội Gates, với số tiền đóng góp cho WHO gần bằng tiền của chính phủ Mỹ.

Thế nhưng, Bill Gates cổ xúy quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt là cách tốt nhất để đẩy nhanh đổi mới sáng tạo. Sáng hội của ông đã đổ tiền vào và gây ảnh hưởng với chương trình Đẩy nhanh Quyền tiếp cận Các công cụ COVID-19 (Access to COVID-19 Tools Accelerator), mà chương trình này cũng không vận động được tiền hoặc ảnh hưởng cần thiết để tăng cường sản xuất ngoài các trung tâm đã có.

Trong khi đó, tại Mỹ, quá trình sản xuất và thử nghiệm diễn ra song song, đó là lĩnh vực mà người đóng thuế và các công ty đã chấp nhận những rủi ro lớn mà rốt cuộc đã sinh lợi cho cả hai.

Nhưng khi nhìn lại, Slaoui nhận định rằng, với ngân sách khổng lồ, mỗi lần ký hợp đồng mới, Mỹ và các nước khác lẽ ra đã có thể ép các công ty nhiều hơn để buộc chia sẻ tri ​​thức của họ, dù chỉ là trong thời kỳ đại dịch.

“Xét từ giác độ địa chính trị, điều hệ trọng là họ phải làm chuyện đó,” ông nói.

Không nơi nào tình hình thê thảm hơn châu Phi. Hồi tháng 2, Richard Mihigo, chuyên gia châu Phi của WHO về điều chế vaccine, nằm trong số nhiều người nói rằng kinh nghiệm của châu lục này với các đại dịch khác đã giúp châu lục này ở tư thế sẵn sàng vô song cho hoạt động triển khai tiêm chủng phức tạp.

Năm tháng sau, suy ngẫm về cảnh ngộ của một châu lục nhận được 99% vaccine từ nước ngoài, Mihigo nói thêm đầy chua chát: “Một trong những bài học chúng tôi rút ra từ đại dịch này là chúng tôi đã chuẩn bị quá tệ về tự sản xuất vaccine trong khu vực và chúng tôi đã quá lệ thuộc vào thuốc nhập khẩu.”

Số thuốc nhập khẩu này chỉ mới bắt đầu thành hiện thực — và chúng không đủ để đáp ứng ngay cả những mục tiêu nhỏ bé của chương trình ​​COVAX là tiêm chủng cho ít nhất 20% dân số của 92 nước có thu nhập thấp và trung bình trước cuối năm nay.


Đọc tiếp trang 3.

4 thoughts on “Bất bình đẳng vaccine: Bên trong cuộc đua khốc liệt giành thuốc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.