Ngay từ đầu, liên minh của các tổ chức lập nên COVAX lâm vào cảnh ứng phó với bằng sách lược của cuộc chiến đã qua, chứ không phải hoạch định bằng sách lược cho cuộc chiến hiện tại.

Kế hoạch này được thiết kế như một nguồn tổng hợp quốc tế nhằm tạo nhu cầu về vaccine và cách điều trị những bệnh có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu tương đối nhỏ, theo Winnie Byanyima, người đứng đầu UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS).

Kiểu như dịch Ebola. Nhưng đại dịch coronavirus chẳng hề giống một đợt bùng phát dịch Ebola.

“Bản thân điều đó đã là một nhược điểm về cấu trúc,” bà nói.

Mặc dù Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dành hàng tỷ đô-la cho việc tiêm chủng ở các nước đang phát triển, số tiền đó là để cấp cho các nước và một kế hoạch chia sẻ vaccine toàn cầu như COVAX không được đụng tới, theo Mike Muldoon, giám đốc điều hành của tài chính đổi mới sáng tạo tại Sáng hội Rockefeller.

Trong khi đó, các chính phủ cạnh tranh nhau để ký được các hợp đồng mua vaccine với số lượng hàng trăm triệu liều.

Ngày 8 tháng 12 năm 2020, Vương quốc Anh trở thành nước đầu tiên chính thức cho phép bắt đầu tiêm chủng đại trà, với cụ bà Margaret Keenan 90 tuổi được một liều vaccine Pfizer-BioNTech. Sáu ngày sau, Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng của mình. Và vào ngày 26 tháng 12, EU tiếp bước. Trung Quốc và Nga đã cho tiêm chngr ngay cả trước khi công bố dữ liệu từ các vaccine cây nhà lá vườn của họ.

Các hãng dược phương Tây với những loại vaccine đầy triển vọng nhất, như Pfizer / BioNTech, Moderna và AstraZeneca, sau đó đã xuất xưởng những lọ thuốc trong mấy tháng trước khi được phê duyệt chính thức, dựa trên cam kết của các nước giàu hứa rằng một thị trường khổng lồ đang chờ đợi. Những liều thuốc đó đã được tích trữ ở châu Âu và Bắc Mỹ và một số ít quốc gia, như Israel, đã trả một mức giá chênh lệch.

COVAX đã nài nỉ xin tiền để làm tương tự. Thay vì vậy, COVAX chỉ nhận được những cam kết.

“Khi tới lúc thấy rõ các ứng viên vaccine nào sẽ trở thành các vaccine hàng đầu và có nhiều khả năng thành công nhất, chính phủ các nước có tài lực đã đổ xô đi mua thuốc,” Giám đốc điều hành CEPI, Tiến sĩ Richard Hatchett, nói với The Associated Press. “COVAX không có cửa để làm được vậy.”

Mấy tháng sau, khi COVAX cuối cùng đã có tiền để ký các hợp đồng cung ứng toàn cầu, Hatchett thừa nhận rằng họ phải xếp ở cuối hàng.

Hatchett nói rằng việc thiếu vốn cho các hãng sản xuất vaccine để nâng cao công suất của họ ngoài một số ít trung tâm sản xuất hiện có cũng là “một cơ hội bị bỏ lỡ”.

“Chúng tôi đã tiếp cận các tổ chức tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới và (Tổ chức Tài chính Quốc tế) về việc thực hiện các khoản đầu tư đó và họ đã không muốn làm vậy,” ông nói. CEPI cuối cùng đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đô-la, ít hơn nhiều so với mức vốn mà một tổ chức tài chính lớn lẽ ra đã có thể cam kết.

COVAX đã không đạt mục tiêu của chính mình là bắt đầu tiêm chủng ở các nước nghèo cùng lúc với các nước giàu. Cuối cùng, COVAX đã giao vaccine vào ngày 24 tháng 2, tới Ghana, với số lượng 600 ngàn liều AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất và được vận chuyển bằng máy bay của UNICEF.

Tính tới ngày hôm đó, 27% dân số ở Vương quốc Anh đã được tiêm chủng, 13% ở Mỹ, 5% ở châu Âu — và 0,23% ở châu Phi, ở các nước đã tự ký kết các thỏa thuận song phương của riêng mình sau khi ngày càng mất kiên nhẫn với sự chậm trễ của COVAX. Mức chênh lệch đó cứ tăng thêm hàng triệu liều mỗi ngày.

Và các nhà máy dược phẩm bắt đầu không giữ được những lời hứa của họ.

AstraZeneca nhiều lần thông báo giảm lượng thuốc giao cho châu Âu. Hoạt động sản xuất của Pfizer chậm lại trong một thời gian ngắn. Một vụ hỏa hoạn tại một công trường xây dựng của Viện Huyết thanh Ấn Độ đã khiến họ gởi thư cho Brazil cảnh báo rằng “nguồn cung ứng cho quý vị không thể được bảo đảm trong những tháng sắp tới.” Ít lâu sau đó, Moderna đã giảm nguồn cung ứng cho Vương quốc Anh và Canada.

Tại Mỹ, giới chức trách đã vứt bỏ hàng triệu liều vaccine bị hư hỏng từ nhà máy của công ty Emergent Biosolutions ở Baltimore sau khi phát hiện các công nhân đã vô ý pha trộn các thành phần từ vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson. Một số lượng không được tiết lộ liều vaccine không bao giờ được sản xuất vì những biện pháp hạn chế mới nhằm phòng ngừa sai sót. Nhiều liều vaccine trong số đó được dự định để xuất khẩu.

Vì vậy, COVAX đành phải hy vọng rằng vaccine AstraZeneca đang được sản xuất ở Ấn Độ sẽ nên cơm nên cháo, bởi vì COVAX đã chẳng ký kết mua được bao nhiêu liều vaccine mRNA có tính sáng tạo mà hiện được coi là hiệu nghiệm để chống lại các biến thể coronavirus. Các vaccine mRNA có yêu cầu rất khó về bảo quản lạnh ban đầu và giá cao hơn so với các ứng viên vaccine truyền thống.

Các vaccine mRNA được nhiều nơi coi là một thắng lợi khoa học và sản xuất — và là một cú đặt cược đầy rủi ro. Trước đây chưa từng được phê duyệt để dùng chống lại bất kỳ căn bệnh nào, chúng hiện được coi là một sáng tạo y tế vô cùng hứa hẹn và là một nhân tố thay đổi cục diện phòng chống bệnh.

Nhưng tới lúc thấy rõ là các vaccine mRNA là một phương án khả thi, ngay cả ở các nước nghèo thiếu chuỗi cung ứng giữ lạnh, lượng thuốc hiện có đã được châu Âu, Mỹ và Canada gom mua hết. Và Ấn Độ, lúc chính mình lâm vào cảnh COVID-19 tăng vọt, đã giữ lại vaccine để dùng cho riêng mình.

Theo Liên minh Vaccine Nhân dân, một nhóm các tổ chức nhân quyền cổ xúy chia sẻ rộng rãi hơn các loại vaccine và công nghệ nền của vaccine, coronavirus đã tạo ra 9 tỷ phú mới. Sáu người hàng đầu có liên quan tới các vaccine mRNA thành công.

Đối với Byanyima, thuộc chương trình UNAIDS, chuyện này thật oái ăm và là dấu hiệu cho thấy thế giới đã chẳng rút ra bài học gì trong mấy chục năm kể từ khi đại dịch AIDS được kiểm soát ở Mỹ, để rồi giết chết hàng triệu người ở châu Phi vì các liệu pháp điều trị đắt quá không kham nổi: “Thuốc men nên là hàng hóa công toàn cầu, chứ không chỉ giống như một túi xách sang trọng bạn mua trên thị trường.”

COVAX mới chỉ phân phối được 107 triệu liều, và bây giờ buộc phải dựa vào lượng quyên tặng không chắc chắn từ các quốc gia mà bản thân họ có thể muốn tặng trực tiếp cho các nước nghèo, để họ được tiếng thơm.

Một bản ghi chép nội dung cuộc họp hội đồng quản trị COVAX hồi tháng 6 có lặng lẽ chèn một ý thừa nhận rằng họ cần phải biết lý giải và ứng phó tốt hơn với các điều kiện thị trường và “thực tế là cần chấp nhận rủi ro cao hơn trong một bối cảnh đại dịch”.


Đọc tiếp trang 4.

4 thoughts on “Bất bình đẳng vaccine: Bên trong cuộc đua khốc liệt giành thuốc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.