Phạm Vũ Lửa Hạ

Trong cuộc tranh luận bằng tiếng Pháp đầu tiên vào tối 2/9/2021, thủ lãnh đảng Bảo thủ (Conservative) Erin O’Toole hỏi thủ lãnh đảng Tự do (Liberal) Justin Trudeau, đương kim thủ tướng Canada, là cớ chi anh tổ chức bầu cử giữa lúc nhà bao việc, từ đại dịch COVID-19, cao điểm mùa cháy rừng ở British Columbia, tới chuyện Kabul thất thủ và Afghanistan về tay Taliban.

Trudeau vẫn dùng kiểu trả lời trớt quớt (non-ans wer): vì mọi người dân Canada cần phải chích ngừa để chấm dứt đại dịch. 

Mấy tháng nay dư luận Canada đã đồn rằng Trudeau muốn tổ chức bầu cử sớm để tranh thủ đại dịch biến chính phủ thiểu số thành chính phủ đa số (như kết quả bầu cử ở cấp tỉnh bang ở vài nơi).

Đúng như đồn đoán, ngày 15/8, Trudeau xin tân Toàn quyền Mary Simon cho giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử sớm (trước 2 năm). Trước đó một tuần, ai đó trong đảng Tự do đã tiết lộ (hẳn là có chủ ý của đảng)  với Reuters về ý định tổ chức bầu cử để dọn đường dư luận.

Cũng đúng ngày 15/8 là khi Kabul thất thủ. Tin bầu cử đã lỡ xì trước rồi, nên Trudeau vẫn phải công bố bầu cử, ngay giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, lắm vấn đề như đã nói trên.

Tuy không ưa Trudeau và đảng Tự do, nhưng vì lợi ích chung của quốc dân, tất cả các đảng đối lập đều không muốn có bầu cử giữa lúc Cô Vy còn ở lì chưa chịu biến đi cho khuất mắt. Hồi cuối tháng 5 năm nay, 327 dân biểu liên bang, trong tổng số 338, từ tất cả các đảng đã bỏ phiếu thông qua kiến nghị của Hạ viện Canada yêu cầu chính phủ có trách nhiệm làm mọi thứ có thể để tránh buộc cử tri phải đi bầu khi còn đại dịch COVID-19.

Nay, có vẻ như Trudeau nghĩ được Cô (Vy) thương nên quyết chí tổ chức bầu cử.

Theo các cuộc thăm dò dư luận trước khi có quyết định tổ chức bầu cử, Trudeau và đảng Tự do thua các đảng khác về tỷ lệ ủng hộ/tán thành trong gần như mọi khía cạnh, từ quản lý kinh tế, đối ngoại, tới môi trường, các vấn đề cấp tiến xã hội.

Trudeau chỉ thắng điểm có mỗi chuyện chống đại dịch, sau khi vung tiền trợ cấp một cách bừa bãi, trật mục tiêu và dễ dãi nên xảy ra nhiều gian lận rồi không xử lý mà xí xóa cho qua.

Vaccine thì ban đầu bị Trung Quốc lừa cho một vố đau sau khi xù đẹp một thỏa thuận nghiên cứu và chế vaccine. Chính phủ Trudeau ban đầu cũng từ chối khi vài hãng dược lớn ngỏ ý muốn mở nhà máy vaccine tại Canada; để rồi về sau thấy thiếu thuốc quá nên quay lại năn nỉ thì đã trễ, hoặc chỉ được vài dự án mà phải mất cả năm mới xây xong, và vài năm mới xuất xưởng được những lô thuốc đầu tiên.

Các hợp đồng mua vaccine ban đầu dù không tiếc tiền chi rất bạo nhưng cũng bị các hãng lớn cho leo cây nhiều lần, gián đoạn cung cấp, nên phải giãn thời gian tiêm giữa hai mũi lên tới bốn tháng, thay vì 3-4 tuần như hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thông tin về vaccine do chính nhà nước đưa ra thì nhiễu loạn, khiến dân chúng có lúc không thèm chích AstraZeneca, tới nỗi nhiều nhà thuốc tây phải bỏ phí những liều AZ đã mở hộp vì khách hủy hẹn giờ chót hoặc không thèm tới chích. Rồi nhà nước đành đổi thông điệp, cho phép chích trộn (chích 2 loại vaccine khác nhau), và đành đem số thuốc AZ dư thừa đi tặng các nước khác. Chính phủ cũng tăng cường hô hào chích trộn khi Pfizer về nhiều, còn Moderna bị gián đoạn tạm thời. Lần này vô tình tạo ra tâm lý chuộng Pfizer hơn Moderna, tới khi Moderna về nhiều thì một số người cũng nghi ngờ, lại hủy hẹn chích Moderna, khiến phí thuốc. Những người chịu chích trộn thì nay đau đầu nếu muốn xuất ngoại vì một số nước không chấp nhận chích trộn. 

Cũng may là tới nay đã đạt tỷ lệ chích ngừa cao – tính tới Chủ nhật 5/9/2021 khoảng 74% dân số từ 12 tuổi trở lên đã chích ít nhất 1 mũi, và 67% đã chích đủ 2 mũi. Coi như (gần) đạt ngưỡng để hoàn toàn trở lại bình thường: chỉ tiêu chích ngừa của các tỉnh bang là khoảng 70%-80% để trở lại sinh hoạt như xưa, mở cửa hoàn toàn.

Khoảng một tuần trước khi Trudeau công bố tổ chức bầu cử, bác sĩ Theresa Tam (vai trò như bác sĩ Anthony Fauci ở Mỹ) đăng đàn cảnh báo rằng bà con đừng chủ quan, kể cả người đã chích ngừa đầy đủ, làn sóng đại dịch thứ tư đang tràn tới, và còn kinh khủng hơn mấy lần trước. Cũng hôm đó, bà bác sĩ quốc dân này tỉnh queo tuyên bố rằng bất chấp làn sóng thứ tư, cử tri có thể an tâm đi bầu cử, không việc gì phải lo.

Làn sóng thứ tư! Nhiệm kỳ thứ ba! (Biếm họa của Gary Clement, Nhật báo National Post)

Quá thiên thời cho Trudeau. Trudeau chắc mẩm dân ngán làn sóng thứ tư và sẵn sàng trao cho mình nhiệm kỳ thứ ba. (Nhiệm kỳ đầu là chính phủ đa số từ năm 2015, thứ nhì là chính phủ thiểu số từ tháng 10/2019, chỉ vài tháng trước đại dịch.)

Ngày 15/8 tuyên bố bầu cử đột xuất, lại chọn thời gian ngắn nhất (36 ngày) được luật bầu cử cho phép cho một chiến dịch tranh cử (ngày bầu cử chính thức là 20/9), nhưng hơn 2 tuần sau, ngày 1/9, Trudeau mới công bố cương lĩnh của đảng Tự do. Trong khi hai đảng lớn khác, đảng Bảo thủ và đảng Tân Dân chủ (NDP), đã công bố cương lĩnh của mình ngay từ ngày đầu.

Trudeau tuyên bố rằng cuộc bầu cử lần thứ 44 này có tính then chốt (pivotal) cho vài thập niên tới, nhưng chỉ cho cử tri có khoảng gần một nửa trong 5 tuần của chiến dịch tranh cử ngắn ngủi để cân nhắc các chính sách do đảng Tự do đề xuất. Nên nhớ là với tư cách đảng cầm quyền, đảng Tự do có quyền chọn ngày tổ chức bầu cử, và lẽ ra đã chuẩn bị sẵn sàng trong mấy tháng qua. Chỉ có điều không thèm soạn sẵn cương lĩnh. Chừng đó đủ để thấy tính chất cơ hội, thừa nước đục thả câu của quyết định tổ chức bầu cử chớp nhoáng.

Theo cuộc thăm dò dư luận từ ngày 28/8 tới 30/8 do Nanos Research thực hiện và đài CTV News và nhật báo The Globe and Mail tài trợ, gần ba tuần sau khi có tin sẽ bầu cử, hơn ba phần tư (76%) người Canada nghĩ rằng cuộc bầu cử liên bang năm nay là không cần thiết.

Từ khi có tin bầu cử, tỷ lệ ủng hộ đảng Tự do giảm dần, và nay thua đảng Bảo thủ 5 điểm phần trăm. Và trong tuần cuối tháng 8 đầu tháng 9, lần đầu tiên Trudeau xuống thứ nhì (27.3%), sau O’Toole (31.1%), về tỷ lệ chọn người xứng đáng làm thủ tướng Canada.

Ai được dân thích chọn làm thủ tướng Canada? Thủ lãnh đảng Bảo thủ Erin O’Toole có tỷ lệ ủng hộ cao hơn thủ lãnh đảng Tự do Justin Trudeau. (Tổng hợp thăm dò dư luận từ ngày 31/8 tới 2/9/2021 của Nanos, CTV & The Globe and Mail)

Advanced Symbolics Inc., một công ty nghiên cứu thị trường bằng trí tuệ nhân tạo (AI) chuyên dùng dữ liệu để xác định các kiểu hành vi, nhận thấy mô hình dự báo kết quả bầu cử của mình biến chuyển đáng kể trong ba tuần đầu của chiến dịch bầu cử năm nay. Ngày 15/8, thời điểm bắt đầu cuộc đua, mô hình dự báo xác suất 70% là đảng Tự do giành chính phủ đa số; sau ba tuần, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 2.4%. Theo dự báo của hãng này, kết quả khả dĩ nhất là xác suất 54% đảng Tự do giành chính phủ thiểu số, tiếp theo là xác suất 41% đảng Bảo thủ giành chính phủ thiểu số.

Theo một cuộc thăm dò dư luận mới của Angus Reid Institute, đa số người Canada muốn có chính phủ Bảo thủ, nhưng phần lớn tin rằng đảng Tự do lại đắc cử. Trong số những người được hỏi ý kiến, 42% muốn đảng Bảo thủ lập chính phủ (30% muốn chính phủ đa số, 10% muốn chính phủ thiểu số). Nhưng chỉ có 34% nghĩ rằng sẽ có chính phủ Bảo thủ, và 49% nghĩ rằng đảng Tự do lại lập chính phủ thiểu số.

Do tính chất của hệ thống Westminter, đảng Tự do vẫn còn cơ may thắng cử. (Năm 2019, Bảo thủ thắng về số phiếu phổ thông, nhưng Tự do giành nhiều ghế nhất tại Hạ viện nên lập chính phủ). Nếu đảng Tự do lại giành chính phủ thiểu số, thì mèo vẫn hoàn mèo.

Chỉ tổ khiến đất nước tốn 610 triệu Gia kim – theo ước tính của cơ quan bầu cử liên bang – tốn kém nhất xưa nay cho cuộc bầu cử ngắn nhất trong lịch sử Canada. Khác nào người dân đóng thuế hùn tiền để Trudeau đặt phỉnh cho canh bạc phù phiếm hòng đổi vận từ thiểu số sang đa số.

Chừng đó tiền đủ để mua mấy chục triệu liều vaccine!

© Canada Info.

3 thoughts on “Bầu cử Canada 2021: Canh bạc phù phiếm của Justin Trudeau

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.