Canada tặng hơn 760000 liều AstraZeneca cho các nước từ cuối mùa hè

0

Canada đã tặng hơn 3/4 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca dư thừa của mình cho các quốc gia vùng Caribe và Nam Mỹ trong 2 tháng qua, và dự định sẽ tiếp tục tặng thêm các vaccine mRNA trong mấy tuần tới.

Trong khi Bộ Y tế Canada xem vaccine AstraZeneca là an toàn và hiệu quả, hầu hết người dân Canada hiện đã được tiêm một trong hai loại vaccine mRNA do Pfizer-BioNTech hoặc Moderna sản xuất. Ủy ban Tư vấn Quốc gia về Tiêm chủng (NACI) hồi tháng 5 vừa rồi khuyến nghị rằng nên dùng vaccine mRNA hơn vì nguy cơ bị chứng đông máu hiếm gặp, nhưng nghiêm trọng ở một số người đã tiêm AstraZeneca.

Do đó, Canada bị tồn một lượng lớn vaccine mà các tỉnh bang không còn sử dụng nữa.

Văn phòng Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Karina Gould cho biết 762080 liều vaccine AstraZeneca đã được gởi tới 6 quốc gia vào cuối mùa Hè. Đây là số vaccine tặng theo các thỏa thuận song phương, không liên quan với chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. 

Trừ lô đầu tiêng, tất cả các lô thuốc tặng này được gởi sau khi chiến dịch bầu cử liên bang bắt đầu, khi chính phủ được đặt vào trạng thái ‘tạm quyền’. Vì  vaccine có thời hạn sử dụng, chính phủ tiếp tục cố gắng cấp bách bảo đảm số thuốc tồn kho của Canada không bị lãng phí trong thời kỳ ‘tạm quyền’.

Trước đó, Canada đã ký thỏa thuận với các hãng sản xuất để mua tới 22 triệu liều vaccine của AstraZeneca nhưng chỉ mới phân phối hơn 3 triệu liều cho các tỉnh bang và vùng lãnh thổ để chích ngừa cho người dân địa phương.

Ngoài các khoản tài trợ song phương này, Canada cũng đã đồng ý tài trợ 40 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển thông qua COVAX. Cho đến nay, đã có 2.7 triệu liều được chuyển đến các nước ở châu Phi, Trung và Nam Mỹ. Hiện Chính phủ liên bang Canada vẫn đang tham khảo ý kiến của các tỉnh về lượng vaccine dôi dư để tập hợp ủng hộ cho COVAX hoặc trao tặng thông qua các thỏa thuận song phương.

Tài trợ thông qua COVAX để tặng vaccine Trung Quốc

Ngoài các khoản tặng vaccine song phương này, Canada cũng đã đồng ý tài trợ 40 triệu liều cho các nước đang phát triển thông qua COVAX.

Cho tới nay, 2.7 triệu liều trong số này đã được chuyển tới các nước ở Châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Nhiều lô thuốc tặng thông qua COVAX cho tới nay được cung cấp bởi các hãng sản xuất vaccine theo công thức AstraZeneca. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung quốc tế hiện nay, COVAX cũng cho các quốc gia được quyền chọn nhận Sinopharm, một loại vaccine của Trung Quốc đã được WHO phê duyệt để sử dụng khẩn cấp hồi tháng 5 vừa rồi.

Ví dụ, trong hai tuần qua, hỗ trợ tài chính của Canada cho COVAX đã giúp tài trợ cho các lô thuốc của Sinopharm gởi tới Nicaragua và Zimbabwe.

Sinopharm không được phép sử dụng ở Canada. Khách thông hành quốc tế đã tiêm các loại vaccine không được Bộ Y tế Canada phê duyệt thì không được chính phủ liên bang Canada coi là đã chích ngừa đầy đủ.

Tại cuộc họp báo hôm 5/10, bác sĩ Bonnie Henry, giám đốc y tế công cộng của British Columbia, nói rằng tỉnh bang của bà đang chuẩn bị trả lại cho chính phủ liên bang 300 ngàn liều vaccine “chủ yếu là Moderna” mà họ sẽ không sử dụng.

Chính phủ liên bang vẫn đang hỏi các tỉnh bang để biết họ còn tồn kho bao nhiêu liều vaccine. Trong khi một số liều thuốc này có thể được phân phối thông qua COVAX, những liều khác có thể được tặng thông qua các thỏa thuận song phương như các lô thuốc AstraZeneca gần đây.

Theo các hợp đồng được chính phủ liên bang tiết lộ một phần hồi tháng 6 vừa rồi, không rõ liệu Canada có được phép tặng các liều vaccine Moderna hoặc Pfizer theo cách tương tự đã làm với các loại vaccine mà Canada đã ký hợp đồng mua hay không.

Các thỏa thuận tặng vaccine mRNA sẽ phải được thương lượng có tham vấn các hãng cung cấp chúng.

Các nước nhận viện trợ cũng phải có khả năng đảm nhận các yêu cầu nghiêm ngặt về vận chuyển và bảo quản lạnh đối với các loại vaccine này, mà đây là một thách thức ở các nước đang phát triển.

Vẫn còn bất bình đẳng toàn cầu

Hôm thứ Năm 7/10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một chiến lược mới nhằm tiêm chủng cho 40% dân số của mọi quốc gia trước cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022.

WHO đã không đạt được mục tiêu trước đó là tiêm chủng cho 10% dân số ở mọi quốc gia, nền kinh tế và vùng lãnh thổ vào cuối tháng 9. Có 56 quốc gia không đạt được chỉ tiêu đó.

Trong khi các nước đang phát triển tiếp tục chật vật để tiếp cận và trả tiền cho vaccine COVID-19, tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) ước tính rằng các nước phương Tây có thể đang giữ hơn 870 triệu liều thừa vào cuối năm nay.

Trong trường hợp của Canada, MSF ước tính lượng dư thừa có thể hơn 60 triệu liều, mặc dù chính phủ liên bang có thể không nhận tất cả số liều thuốc thông qua các hợp đồng mua trước của mình.

Nguồn: CBC, 8/10/2021.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.