Đầu tư tiền mã hóa: Coi chừng bị lừa tiền và lừa tình
Theo cảnh sát liên bang Canada RCMP, lừa đảo tiền mã hóa đã tăng 400% từ năm 2017 tới năm 2020. RCMP ước tính rằng trong 8 tháng đầu năm 2020, người Canada đã mất gần 11 triệu đô chỉ riêng trong các vụ lừa đảo tiền mã hóa.
“Chỉ vài năm trước, số vụ trình báo về lừa đảo liên quan tới tiền mã hóa chỉ chừng mấy trăm (734 vào năm 2017), và bây giờ đã gấp hơn mười lần số đó (7598 trong 8 tháng đầu năm 2020),” theo một thông cáo báo chí của RCMP hồi tháng 3.
Tiền mã hóa sử dụng mật mã mạnh để giúp giao dịch an toàn hơn, nhưng cảnh sát lưu ý rằng điều này có nhược điểm của nó.
“Điều này khiến hầu như không thể truy dấu vết của việc chuyển tiền mã hóa, nên bọn lừa đảo được bảo vệ và ẩn danh với nạn nhân của chúng. Bọn lừa đảo cũng có thể truy cập tiền mã hóa từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, điều này càng cản trở việc truy tố chúng, ngay cả khi chúng có thể được xác định danh tánh.”
“Rủi thay, không thể truy dấu vết được. Những kẻ lừa đảo này di chuyển rất nhanh và có thể xóa các dấu vết điện tử của chúng rất nhanh. Ngay sau khi rút tiền, chúng sẽ chuyển sang nền tảng khác.” Sue Labine, phát ngôn viên của Trung tâm Chống Lừa đảo của RCMP, nói.
Đó chính là nỗi đau đầu của những nạn nhân bị lừa đảo tiền mã hóa. Sau đây là vài trường hợp mất trắng ở Canada.
Vụ ở Montreal
Trong một vụ lừa tình và tiền mã hóa, một người đàn ông ở Montreal mất gần $400000.
David (không phải tên thật) bị một phụ nữ mà ông gặp qua mạng hẹn hò Facebook Dating hồi tháng 2 đã dụ dỗ ông từ từ rút hết tiền tiết kiệm cả đời của ông.
David cho biết một mối quan hệ tình cảm qua mạng với cô gái đó thoạt đầu có vẻ là thật. Họ sẽ nhắn tin cho nhau hàng ngày trên WhatsApp và chia sẻ ảnh.
Cô gái, ở Trung Quốc, không muốn gọi điện video với ông với lý do tiếng Anh của cô không đủ lưu loát để thực hiện cuộc gọi trực tiếp hai chiều, mà thay vì vậy, cô ta thấy dễ chịu hơn khi trò chuyện bằng tin nhắn.
Sau một vài tháng, cô ta đề xuất ý tưởng đầu tư vào đào tiền Bitcoin như một cách kiếm tiền thông minh. Thoạt tiên, ông bắt đầu bằng cách bỏ $2000 để chuyển đổi thành tiền mã hóa vào một trang mạng mà cô ta đã giới thiệu cho ông.
Nhưng chẳng mấy chốc, ông rốt cuộc đã chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm dành dụm sau khi bán căn nhà của mình — khoảng $390000 — vào trang mạng đó.
Tới tháng 6, có tin Trung Quốc mạnh tay xử lý tiền mã hóa, cấm giao dịch tiền mã hóa trên các nền tảng thanh toán và cho vay lớn.
Vì vậy, người phụ nữ đó nói với David rằng hãy nhanh chóng rút tiền để ông không bị mất các khoản đầu tư của mình, mà trang mạng đó cho đã tăng lên tới khoảng 900000 USD.
Khi liên hệ với trang mạng đó, ông được thông báo rằng ông có thể rút hết tiền của mình ra, nhưng phải đóng thuế 15%, lên tới khoảng $192000.
Quá sửng sốt, ông nhờ cô bạn gái giúp.
Ông cho biết đột nhiên cô ta đổi giọng, dù trước đó một mực nói yêu thương và hiểu tôi khi trò chuyện bốn hoặc năm lần một ngày qua WhatsApp. Cô ta bảo ông phải đóng khoản thuế đó. Cô ta nói bản thân cô cũng phải đóng thuế đó, mà đang khó khăn nên mượn từ bạn bè của cô.
Đó là khi cô ta đề nghị ông mượn tiền từ cha mẹ hoặc bạn bè của ông. Ông đáp rằng ông sẽ không hỏi mượn ai $192000. Và đó là lúc ông biết đó là một vụ lừa đảo.
Hai vụ ở Toronto
Gần đây hai phụ nữ Ontario đã lên tiếng cảnh báo những người khác về những trò lừa đảo tiền mã hóa sau khi họ mất hơn $100000.
Lee (không phải tên thật), cư dân Toronto, kể với đài CTV News Toronto rằng có người nào đó liên hệ với cô qua Facebook ấy và nói họ có thể dạy cô cách kiếm tiền dễ dàng bằng cách đầu tư vào tiền mã hóa.
“Sau khi chúng tôi bắt đầu lựa chọn giao dịch, tôi đã rất ngạc nhiên vì tiền của tôi tăng lên rất nhanh,” Lee nói.
Cô bắt đầu đầu tư với $2000, sau đó thêm vài ngàn đô nữa, và khi tài khoản của cô có vẻ tăng lên, người đó đã khuyến khích cô bỏ thêm tiền vào.
“Tôi đã bỏ hết tiền tiết kiệm của mình vào đó, thậm chí tôi còn rút tiền từ [tài khoản tiết kiệm hưu trí] RRSP của mình và thậm chí vay tiền từ bạn bè để đổ vào đó,” Lee cho biết.
Sau khi đầu tư $24000, cô quyết định rút tiền ra khỏi tài khoản của mình. Nhưng chính lúc đó cô được thông báo là rút tiền thì phải đóng thuế $5000, rồi thêm một khoản thuế ‘đào tiền’ (miner’s tax) $5000 nữa.
Tài khoản của cô rốt cuộc bị phong tỏa và cô tin rằng toàn bộ số tiền của mình giờ đã biến mất.
Một phụ nữ khác ở Toronto, Mel, người cũng yêu cầu đài CTV News Toronto không dùng tên thật của cô, cho biết cô đã đầu tư vào tiền mã hóa sau khi làm quen với một người trên một trang web hẹn hò.
“Họ thường khoe khoang về các tài khoản giao dịch của họ, số tiền họ kiếm được và sau đó họ sẽ hỏi bạn có muốn họ dạy bạn cách giao dịch hay không,” Mel nói.
Cô cũng bắt đầu với một vài ngàn, nhưng cứ tiếp tục đầu tư thêm. Khi tài khoản của cô có vẻ như trị giá hơn $100000, cô muốn rút tiền, nhưng cũng được thông báo là cô sẽ phải đóng thuế và phí để lấy tiền ra.
Rốt cuộc, cô đã đưa cho người mà cô gặp qua trang web hẹn hò $80000 và không thể lấy lại được.
Cần thận trọng
David Khalif, chuyên gia về tiền mã hóa của quỹ đầu tư Viridi Funds, nói rằng bọn lừa đảo đang sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tìm kiếm nạn nhân.
“Tôi nghĩ đây là phần khó về tiền mã hóa, tức là tìm được nguồn đáng tin cậy,” Khalif nói.
Khalif cho rằng nhà đầu tư phải cẩn thận với những lời hứa đầu tư dường như hấp dẫn tới nỗi khó thành sự thật, và chỉ giao dịch với những nguồn có uy tín chứ không phải ai đó đã tiếp cận họ thông qua mạng xã hội.
“Quả thực cần hiểu rằng người ở phía bên kia màn hình, nếu bạn không biết họ, họ có thể là bất kỳ ai trên thế giới,” Khalif nói.
Khalif khuyên các nhà đầu tư nên thẩm định kỹ lưỡng và chỉ giao dịch với các sàn giao dịch đáng tin cậy, bởi vì một khi bạn gởi tiền cho một người nào đó tuyên bố đang đầu tư vào tiền mã hóa thay mặt bạn thì hầu như không thể lấy lại được.
“Rủi thay, không có cách nào để lấy lại số tiền đó sau khi bạn gởi nó trên blockchain. Không có chuyện ta có thể gọi điện cho ai đó, chẳng hạn như ngân hàng và báo rằng đây là gian lận,” Khalif nói.
Mel đã chấp nhận rằng cô có thể sẽ không bao giờ lấy lại được $80000 của mình nữa.
“Bởi vì tôi đã chấp nhận cho phép chuyển ngân điện tử, tôi chấp nhận cho phép rút tiền mặt, tôi đành phải chịu. Các ngân hàng không thể nói đó là gian lận. Vì vậy, không có cách nào tôi lấy lại được bất kỳ khoản tiền nào,” Mel nói. “Tôi muốn mọi người để biết điều này đang xảy ra, bởi vì tôi nghĩ rằng ngày càng nhiều người sẽ trở thành nạn nhân của trò này.”
Những ai nghĩ rằng họ là nạn nhân bị lừa đảo có thể liên hệ với Trung tâm Chống Lừa đảo Canada theo số 1-888-495-8501 hoặc trình báo qua mạng tại antifraudcentre.ca.
Nguồn: CTV, 11/11 & 21/11/2021.
© Bản tiếng Việt của Canada Info.