Phạm Vũ Lửa Hạ

Hôm nay, 22/11/2021, Hạ viện [House of Commons] của Canada khóa 44 khai mạc.

Và nhân đây lại một lần nữa thấy Trudeau coi thường quốc hội, tức là coi thường cử tri.

Hạ viện đã bầu xong hơn 2 tháng trước, mà Trudeau cứ cù nhầy chưa triệu tập các dân biểu đắc cử về thủ đô Ottawa để khai mạc quốc hội khóa mới.

Đang nắm chính phủ thiểu số nhưng thèm và tưởng có cơ hội giành chính phủ đa số, lợi dụng đại dịch, Trudeau tổ chức bầu cử sớm, giữa lúc nhà bao việc và khi chính Hạ viện (khóa 43) thông qua nghị quyết không tổ chức bầu cử khi chưa hết đại dịch.

Nhưng Trudeau vẫn cứ lao vào canh bạc phù phiếm đó. Tốn hơn 600 triệu đô cho kỳ bầu cử với thời gian tranh cử ngắn nhất được phép (36 ngày).

Mà vẫn như cũ, cũng là đảng Tự do giành chính phủ thiểu số (và cũng thua về tỷ lệ phiếu phổ thông so với đảng Bảo thủ, đảng đối lập chính thức), tỷ lệ phân bố ghế giữa các đảng hầu như không đổi. (Hôm nay khai mạc, Hạ viện bầu chủ tịch [Speaker], cũng là dân biểu Anthony Rota của đảng Tự do.)

Tại sao nói Trudeau (lại) coi thường quốc hội?

Ngay hôm tái đắc cử (ngày 20/9), Trudeau nói sẽ quay lại làm việc (back to work) ngay vì đại dịch cấp bách lắm (trong khi trước đó ai cũng cản mà cứ giải tán quốc hội để bầu lại).

Cấp bách nỗi gì mà sau bầu cử hơn một tháng, ngày 26/10 Trudeau mới công bố nội các mới. Và lấy cớ để các bộ trưởng làm quen với công việc, Trudeau định ngày khai mạc Hạ viện gần một tháng sau (ngày 22/11).

Nghĩa là hơn 60 ngày Trudeau không chịu sự giám sát của quốc hội. Có họp Hạ viện là có phiên chất vấn mỗi ngày họp, có sự phản biện, soi mói của các đảng khác tại phiên họp chính, và tại các ủy ban, tiểu ban. Năm rồi, Trudeau cũng tự dưng đình chỉ Hạ viện mấy tháng với cớ hoạch định lại chính sách ứng phó đại dịch (trong khi đang làm với những quyết sách đã được quốc hội thông qua), nhưng thực ra là để chấm dứt các cuộc điều trần về vụ bê bối WE Charity dính líu tới gia đình Trudeau.

Để thấy Trudeau mánh lới ra sao để tránh sự giám sát của quốc hội, xin nói rõ hơn một chút về cách vận hành của chính phủ Canada trong thời gian xung quanh ngày bầu cử Hạ viện.

Khi đương kim thủ tướng xin giải tán Hạ viện (thường là vì không còn được Hạ viện tín nhiệm sau một lần bỏ phiếu về ngân sách hoặc chuyện hệ trọng gì đó, chứ không phải vì muốn thâu tóm thêm quyền lực như Trudeau kỳ này), Toàn quyền Canada, đại diện Nữ hoàng, sẽ cân nhắc có cho tổ chức bầu cử hay không, thường là chấp nhận.

Thời gian từ khi Toàn quyền chấp thuận tới ngày bầu cử chính thức gọi là writ period. Trong thời gian đó, các dân biểu không còn là dân biểu nữa vì Hạ viện (lập pháp) đã giải tán, và nội các chính phủ (hành pháp) trên nguyên tắc cũng không còn (vì bộ trưởng là dân biểu thuộc đảng cầm quyền).

Nhưng không có nghĩa là, chính phủ tê liệt, hết hoạt động. Trong thời gian đó, bộ máy hành pháp liên bang hoạt động dưới hình thức ‘caretaker government’, tạm hiểu là chính phủ tạm quyền, với các quan chức/công chức (từ thứ trưởng trở xuống) không phải dân cử đảm trách hoạt động hàng ngày. Bộ máy ‘caretaker government’ chỉ làm trong khuôn khổ những luật lệ, chính sách đã có, chứ không được ra những chính sách, quyết định hệ trọng.

Trudeau giải tán Hạ viện và xin tổ chức bầu cử đúng ngày Kabul thất thủ. Bởi vậy, do tính chất của ‘caretaker government’, bộ máy chính quyền liên bang Canada lúc đó không trở tay kịp, và bối rối trong việc đưa người Canada ở Afghanistan và người Afghanistan từng giúp quân đội Canada ra khỏi xứ loạn lạc vừa rơi vào tay Taliban.   

Hơn một tháng tranh cử (36 ngày) cộng với hơn một tháng không có nội các mới. Nghĩa là gần hai tháng rưỡi bộ máy tạm quyền vẫn ở chế độ không người lái giữa lúc làn sóng thứ tư của đại dịch cứ dâng với biến thể mới, rồi sắp hết hạn chương trình cứu trợ đại dịch mà dân & doanh nghiệp chưa biết sẽ ra sao vì chưa có quốc hội mới để duyệt.

Hạ viện khai mạc rồi thì mới có Diễn văn Ngai vàng (Throne Speech, hoặc Speech from the Throne, do Toàn quyền đọc [khi ngồi trên ngai vàng, trước lưỡng viện] nhưng do thủ tướng soạn). Diễn văn này quan trọng vì nó nêu những ưu tiên, chính sách, chương trình… của chính phủ. Hạ viện sau đó sẽ bỏ phiếu, nếu thông qua thì chính phủ mới được thực hiện, nếu không thì chính phủ mất tín nhiệm, phải bầu lại. Chính phủ đa số thì không lo vì dư phiếu. Một chính phủ thiểu số mới đắc cử thường tránh bị lật bằng cách điều đình trước một (vài) đảng khác để đủ phiếu.

Vậy mà thêm gần một tháng sau khi có nội các mới thì Trudeau mới khai mạc Hạ viện. Tức là gần bốn tháng (1/4 năm) không có sự giám sát của quốc hội, mà trong 2 năm qua cũng đã nhiều đợt tránh tầm kiểm soát của quốc hội như nói trên.

Thủ tướng Justin Trudeau tới Parliament Hill ở Ottawa ngày 22/11/2021. (Ảnh: Sean Kilpatrick / The Canadian Press)

Để ý ngày tháng các sự kiện đối ngoại thì thấy Trudeau rất cáo về mốc thời gian. Hạ viện khai mạc sau khi Trudeau dự hội nghị môi trường COP26 ở Scotland, thượng đỉnh G20 ở Ý, rồi thượng đỉnh Three Amigos [Ba người bạn] Bắc Mỹ ở Mỹ về.

Chưa họp quốc hội nên chưa đệ trình để duyệt những vấn đề quan trọng, nhưng Trudeau đã ra ngoài cam kết đủ thứ về môi trường, biến đổi khí hậu (ví dụ thuế carbon toàn cầu, ngừng tài trợ dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài, Canada làm gương bằng cách áp dụng hạn mức khí thải nghiêm ngặt hơn cho ngành dầu khí …). Cũng chưa có quyết sách của quốc hội nên Trudeau đâu có ‘vũ khí’ (chẳng hạn đe dọa đánh thuế trả đũa) để điều đình với Biden về việc một số phần của chính sách Build Back Better của Mỹ có thể vi phạm hiệp định thương mại do Bắc Mỹ (ví dụ, Canada và Mexico phản đối tax credit của Mỹ dành cho người Mỹ mua xe điện lắp ráp tại Mỹ).

Hạ viện họp chừng 3 tuần, rồi sẽ nghỉ lễ Nô-en và năm mới 6 tuần (bắt đầu từ ngày 17/12). Chỉ mấy tuần mà Trudeau đòi sẽ thông qua mấy luật quan trọng, trong đó có luật bị gác lại hoặc bị Thượng viện bác vì chính phủ cù cưa để tới giờ chót mới trình, rồi không đủ thời gian nghiên cứu và tranh luận. Kỳ này chắc bổn cũ soạn lại, nếu không đủ thời gian thông qua luật thì đổ thừa các đảng đối lập không hợp tác, chơi game chính trị.  

Trudeau đã từng công khai ngưỡng mộ chế độ độc tài của Trung Quốc vì chính phủ dễ bề tự tung tự tác, không phải bị quốc hội cản trở.

Cho nên kỳ này là episode thứ n trong series ‘Trudeau coi thường quốc hội Canada’, nay vừa sang Season 3.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.)

© Canada Info.

1 thought on “Trudeau coi thường quốc hội Canada

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.