Canada sẵn sàng giúp Ukraine hết mình, nhưng tránh gây xung đột quốc tế

0

Ngoại trưởng Melanie Joly cho rằng quân đội của Canada cần được “trang bị tốt hơn” và chính phủ cần phải tăng cường ngân sách quốc phòng hơn nữa.

Trả lời phỏng vấn trên chương trình Your Morning của đài CTV hôm thứ Sáu 18/3/2022, ngoại trưởng Joly nói bà “hết sức hãnh diện” về Quân lực Canada sau khi tận mắt chứng kiến quân nhân Canada huấn luyện quân nhân Ukraine và dẫn đầu sứ mệnh NATO ở Latvia hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, bà cũng nghĩ rằng “họ cần được trang bị tốt hơn, có công cụ tốt hơn và nhanh chóng hơn”.

“Tôi cũng nhận thức rất rõ rằng các quốc gia khác đã tăng cường ngân sách quốc phòng, chẳng hạn như Đức, để ứng phó giữa lúc khó khăn này, và tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa,” bà nói.

Bà trả lời như vậy với một câu hỏi về phát biểu của bà hồi đầu tuần trên chương trình Power Play của đài CTV, trong đó bà nói rằng Canada không phải là một cường quốc quân sự, mà à một “cường quốc tầm trung” vốn “giỏi trong việc huy động”.

Khi được hỏi liệu Canada có cần tăng chi tiêu quốc phòng hay không – với thực tế Canada hiện đang chi tiêu khoảng 1.39% GDP và yêu cầu của NATO là chi tiêu 2% – ngoại trưởng Joly nói bà nghĩ rằng Canada cần phải “thích ứng với thời đại”. Để đạt được chỉ tiêu chi tiêu 2% GDP của NATO, Canada sẽ phải cam kết chi tiêu thêm hàng tỷ đô mỗi năm.

Chi tiêu quốc phòng và đóng góp của Canada cho Ukraine là vấn đề trọng tâm trong tuần rồi, sau bài phát biểu hôm 15/3 của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước lưỡng viện Quốc hội Canada, trong đó ông kêu gọi thủ tướng Justin Trudeau làm nhiều hơn nữa để giúp trang bị cho người Ukraine trong nỗ lực bảo vệ đất nước của họ.

Những phát biểu này cũng được đưa ra khi chính phủ đang chuẩn bị ngân sách liên bang sắp tới và đã có những tín hiệu cho thấy nội các đang cân nhắc tăng chi tiêu quốc phòng của Canada trong bối cảnh bất ổn toàn cầu hiện nay và khả năng cho Quân lực Canada đóng vai trò lớn hơn.

Ngoại trưởng Joly cho biết Canada vẫn sẽ cố gắng không vượt qua “lằn ranh đỏ”, tức là phản ứng theo cách có thể gây bùng nổ một cuộc xung đột quốc tế, nhưng Canada “sẵn sàng làm mọi thứ có thể đến mức giới hạn đó”.

“Chúng ta cần bảo đảm rằng đất nước chúng ta được bảo vệ,” ngoại trưởng Joly nói. Bà cũng cho biết bà sẽ làm việc với bộ trưởng quốc phòng Anita Anand và phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính Chrystia Freeland về vấn đề này.

Về viện trợ quân sự sát thương và không sát thương đã được cam kết kể từ ngày 27/2/2022, Canada đã gởi hoặc đang trong quá trình gởi tới Ukraine:

  • 4.500 bệ phóng tên lửa M72 và tới 7500 lựu đạn cầm tay;
  • 1 triệu đô để mua hình ảnh vệ tinh hiện đại có độ phân giải cao;
  • 100 bệ phóng hệ thống vũ khí chống tăng Carl-Gustaf M2 và 2000 viên đạn;
  • 1600 áo chống đạn và 400000 gói suất ăn cá nhân;
  • 25 triệu đô cho mũ sắt, áo giáp, mặt nạ phòng độc và thiết bị nhìn đêm; và
  • Hai máy bay không vận chiến thuật C-130J và một đội gồm 40-50 người để giao hàng viện trợ và trợ giúp.

“Chúng tôi sẽ cung cấp thêm nhiều vũ khí,” ngoại trưởng Joly nói.

Tuy nhiên, cũng hôm thứ Sáu 18/3, phát biểu trên chương trình Power and Politics của đài CBC, bộ trưởng quốc phòng Anita Anand cho biết Canada khó có thể cung cấp thêm nhiều vũ khí hơn cho Ukraine vì đang dùng sắp hết hàng dự trữ của Quân lực Canada. Bộ trưởng Anand nói rằng Canada vẫn cần bảo đảm quân đội có đủ nguồn lực.

Hồi đầu tuần rồi, văn phòng của bộ trưởng quốc phòng Anita Anand nói với đài CTV rằng chính phủ Canada không dự định lấy thêm hàng dự trữ của Quân lực Canada vì điều đó có thể gây phương hại tới khả năng sẵn sàng hoạt động hoặc năng lực huấn luyện của quân đội.

Nguồn: CTV, CBC, 18/3/2022.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.