Canada tu chính Bộ luật Hình sự để bao gồm hành vi phạm tội trong vũ trụ

0

Trên lý thuyết, hiện nay người Canada có thể giết người và cướp của nếu muốn, miễn là họ làm chuyện đó khi đang ở trên quỹ đạo.

Ẩn sâu trong luật thực hiện ngân sách liên bang năm 2022 của Canada có phần tu chính Bộ luật Hình sự để mở rộng quyền tài phán hình sự của Canada với vũ trụ.

“Một thành viên phi hành đoàn người Canada, trong một chuyến bay vũ trụ, thực hiện một hành động hoặc sai sót bên ngoài Canada mà nếu được thực hiện ở Canada sẽ cấu thành một hành vi phạm tội có thể bị truy tố thì được xem là đã thực hiện hành vi hoặc sai sót đó ở Canada.” Đó là quy định trong biện pháp được bao gồm trong Dự luật C- 19, văn bản pháp lý dài 443 trang nhằm thực hiện các điều khoản của ngân sách liên bang năm 2022.

Về cơ bản, phần tu chính này có nghĩa là nếu một người Canada phạm tội hình sự khi ở trên vũ trụ, họ sẽ bị còng tay sau khi quay trở lại trái đất.

Điều đó cũng có nghĩa là trên lý thuyết thì hiện nay người Canada có thể giết người và cướp của nếu muốn, miễn là họ làm chuyện đó khi đang ở trên quỹ đạo.

Tình trạng vô pháp luật của vũ trụ là vấn đề đã được các học giả luật pháp xác định từ lâu. Vấn đề này thu hút sự chú ý vào năm 2019, khi một phi hành gia Mỹ phục vụ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bị cáo buộc phạm tội trên vũ trụ đầu tiên trong lịch sử.

Phi hành gia Anne McClain bị người chồng ly thân Summer Worden buộc tội dùng trái phép máy tính của ISS để truy cập thông tin ngân hàng trực tuyến của Worden – mà Worden cho rằng đó là một hình thức ăn cắp danh tánh. Các cáo buộc sau đó bị kết luận là sai và Worden hiện bị buộc tội nói dối với cơ quan điều tra Mỹ.

Kể từ năm 1985, chín phi hành gia người Canada đã lên vũ trụ trong các chuyến bay do Cơ quan Vũ trụ Canada tài trợ. Trong số đó có Julie Payette, Toàn quyền Canada mới từ chức gần đây, và Chris Hadfield, phi hành gia đã trở nên lừng danh sau khi nắm quyền chỉ huy Trạm Vũ trụ Quốc tế năm 2013.

Chín phi hành gia đều là nhân viên chính phủ được đào tạo chuyên sâu, bị ràng buộc bởi nhiều tiêu chuẩn quốc tế và chuyên nghiệp nhằm kiểm soát họ.

Đối với Trạm Vũ trụ Quốc tế, quyền tài phán hình sự bị ràng buộc bởi hiệp ước năm 1998 hình thành trạm này, mà Canada là một nước tham gia ký kết.

Điều 22 của hiệp ước này quy định rằng tất cả những người trên trạm ISS đều phải chịu quyền tài phán hình sự của đất nước họ. Tuy nhiên, vẫn còn một vùng xám rối rắm trong trường hợp một phi hành gia phạm tội đối với phi hành gia của một quốc gia khác. Trong trường hợp đó, hiệp ước chỉ đơn giản đề nghị các quốc gia của hai phi hành gia thảo luận về “quyền lợi công tố tương ứng của họ”.

Nhưng khuôn khổ pháp lý của vũ trụ đang thay đổi khi ngày càng có nhiều người du hành vũ trụ tư nhân. Hồi đầu tháng 4, doanh nhân người Canada Mark Pathy đã lên tàu Axiom Mission 1, chuyến bay với phi hành đoàn hoàn toàn tư nhân đầu tiên trong lịch sử lên Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Nếu Pathy phạm bất kỳ tội ác nào khi ở trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, ông sẽ chỉ bị Canada truy tố theo hiệp ước ISS năm 1998. Tuy nhiên, nếu tội ác đã được thực hiện trên tàu SpaceX Crew Dragon chở Pathy trạm ISS, thì giai đoạn này có thể đã dẫn tới ác mộng về luật pháp.

Canada đã gặp tình huống pháp lý kiểu này trước đây, dù nó liên quan tới quyền tài phán mơ hồ về mặt pháp lý của một tảng băng trôi, chứ không phải vũ trụ.

Năm 1970, một công dân Mỹ sống trong trạm nghiên cứu trên một tảng băng trôi đã bắn chết một nhà nghiên cứu đồng nghiệp vì tranh chấp liên quan tới một chai rượu tự nấu bị ăn cắp. Cả bị cáo và nạn nhân đều là công dân Mỹ sống trong một cơ sở của Mỹ, nhưng tảng băng lại nằm trong lãnh thổ Canada vào thời điểm xảy ra án mạng.

Canada cuối cùng đã từ bỏ quyền tài phán của mình đối với vụ án đó, nhưng vụ việc đã khiến chính quyền Mỹ phải thông qua một đạo luật năm 1984 buộc công dân của họ phải tuân theo luật hình sự trong trường hợp hành vi phạm tội bị cáo buộc được thực hiện “bên ngoài quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào”.

Minh họa của họa sĩ về cánh tay robot vũ trụ Canadarm 3 trên trạm Lunar Gateway. (Ảnh: Canada Space Agency, NASA)

Phần tu chính Bộ luật Hình sự được bao gồm trong ngân sách liên bang năm 2022 được thực hiện đặc biệt để chuẩn bị cho việc Canada tham gia vào Lunar Gateway, một trạm vũ trụ do NASA dẫn đầu trong quỹ đạo mặt trăng dùng để thám hiểm mặt trăng và xa hơn. Chính phủ liên bang trước đây đã hãnh diện tuyên bố rằng việc họ tham gia vào sứ mệnh này sẽ khiến Canada trở thành quốc gia thứ nhì trong lịch sử đưa công dân của mình ra ngoài quỹ đạo trái đất.

Phần tu chính quy định rõ ràng rằng quyền tài phán hình sự của Canada sẽ áp dụng cho chính trạm mặt trăng này và bất kỳ “phương tiện chuyên chở” nào tới trạm này. Và để dự phòng, quy đinh cả “trên bề mặt của mặt trăng”.

Nguồn: National Post, 28/4/2022.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.