Canada cân nhắc duyệt 2 dự án xuất khẩu khí đốt hóa lỏng sang Châu Âu

0

Chính phủ liên bang cân nhắc chấp thuận kế hoạch của hai công ty về xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) từ các dự án ở Bờ Đông Canada sang Châu Âu để góp phần giải quyết những quan ngại về an ninh năng lượng xuất phát từ cuộc chiến ở Ukraine, miễn là các dự án này tuân theo các mục tiêu khí hậu của Canada.

Các vấn đề năng lượng toàn cầu và khu vực nay gắn liền với cuộc xâm lược của Nga, và bối cảnh cung ứng năng lượng đang trải qua biến chuyển căn bản khi các nước Châu Âu quyết định cắt đứt quan hệ với dầu khí của Nga.

Bộ trưởng tài nguyên thiên nhiên Jonathan Wilkinson cho biết chính phủ liên bang tin rằng các dự án LNG được dự kiến cho Bờ Đông có thể phù hợp với quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới một nền kinh tế sạch hơn. “Các dự án đó sẽ phải giảm thiểu lượng khí thải nội địa sao cho phù hợp với kế hoạch khí hậu của chúng tôi,” ông nói trong một cuộc họp báo hôm 24/5/2022.

Bộ trưởng Wilkinson phát biểu như vậy sau khi ông và bộ trưởng môi trường Steven Guilbeault kết thúc cuộc họp với các bộ trưởng đồng cấp của họ tại một cuộc họp của khối G7 ở Berlin. Canada và các nước đồng minh đã nhấn mạnh đến vấn đề an ninh năng lượng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 2, trong đó Châu Âu đang cố gắng giảm bớt sự lệ thuộc vào năng lượng của Nga.

Các rào cản về pháp lý, địa lý và hậu cần vẫn có thể đe dọa tính bền vững của các dự án LNG ở Bờ Đông.

Bộ trưởng Wilkinson nhắc tới hai dự án được coi là có điều kiện thuận lợi nhất để xuất khẩu khí đốt hóa lỏng sang châu Âu: Saint John LNG của hãng Repsol SA ở New Brunswick và Goldboro LNG của hãng Pieridae Energy Ltd ở Nova Scotia. Hai dự án đó có thể bắt đầu xuất nhiên liệu sang Châu Âu trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên, do cam kết của chính phủ Canada về giải quyết biến đổi khí hậu, bất kỳ đề xuất LNG nào ở Bờ Đông cũng cần áp dụng công nghệ truyền động điện để làm siêu lạnh khí đốt tự nhiên thành dạng lỏng. Theo truyền thống, các công ty đã sử dụng tuabin chạy bằng khí đốt tự nhiên trong quá trình hóa lỏng. Các đề xuất LNG ở Bờ Đông cuối cùng cũng sẽ cần phải chuyển sang sản xuất bằng điện khi thế giới dần bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, một thách thức khác là Canada thiếu cơ sở hạ tầng cho bất kỳ trạm đầu mối nào trong tương lai ở Bờ Đông. Cần nâng cấp và mở rộng hệ thống đường ống của TC Energy Corp qua Ontario và Quebec, để kết nối với một tuyến đường ngoằn ngoèo dẫn tới đường ống Maritimes & Northeast Pipeline từ New England tới New Brunswick và Nova Scotia.

Bộ trưởng Wilkinson chỉ ra rằng đề xuất dự án Énergie Saguenay của GNL Québec Inc. đã bị cả chính quyền Quebec lẫn liên bang từ chối. Các đề xuất ở Quebec, New Brunswick và Nova Scotia dựa vào việc vận chuyển khí đốt tự nhiên qua những quãng đường dài từ miền tây Canada.

Ông cho rằng dự án LNG Newfoundland and Labrador Ltd. là một khả năng, mặc dù ông lưu ý rằng đó là một triển vọng dài hạn. LNG Newfoundland and Labrador đang nghiên cứu tính khả thi của việc khai thác khí đốt tự nhiên ngoài khơi từ Grand Banks, nhằm mục đích xuất khẩu LNG sang Châu Âu vào năm 2030.

Hiệp hội Các Nhà Sản xuất Dầu mỏ Canada (CAPP) đã hoan nghênh sự ủng hộ của chính phủ liên bang dành cho các dự án xuất khẩu LNG tiềm năng.

“LNG của Canada có thể cung cấp cho các đồng minh của chúng ta nguồn năng lượng an toàn, bảo đảm và được khai thác một cách có trách nhiệm trong nhiều thập niên tới, đồng thời giúp giảm lượng khí thải toàn cầu bằng cách bù đắp sự phụ thuộc vào than trên toàn thế giới,” Chủ tịch CAPP Lisa Baiton nói trong một thông cáo. “CAPP tin rằng có tiềm năng to lớn chưa được khai thác để xây dựng một ngành công nghiệp LNG ở cả Bờ Tây và Bờ Đông của đất nước.”

Trạm đầu mối trị giá 18 tỷ đô của LNG Canada đang được xây dựng tại Kitimat ở phía bắc British Columbia, nhắm tới khách hàng ở châu Á. Liên doanh do công ty Shell PLC đứng đầu là dự án xuất khẩu LNG duy nhất đang được xây dựng ở Canada. Dự kiến khai trương vào năm 2025, nó sẽ trở thành trạm đầu mối xuất khẩu LNG đầu tiên ở Canada để xuất nhiên liệu ra nước ngoài.

Nga đã cung cấp gần 40% tổng lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ ở Liên minh Châu Âu (EU) vào năm ngoái, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Nguồn: The Globe and Mail, 27/5/2022.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.