Canada, Đan Mạch chấm dứt ‘chiến tranh whisky’, thỏa thuận phân chia đảo Bắc Cực không người ở
Canada đã đạt được một thỏa thuận lịch sử với Đan Mạch, giải quyết tranh chấp kéo dài 5 thập niên về một hòn đảo rộng 1.3 cây số vuông ở Bắc Cực.
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly và Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod đã ký một thỏa thuận hôm 14/6/2022 để phân chia Đảo Hans, một đảo đá không có người ở nằm giữa Đảo Ellesmere của Nunavut và Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Hòn đảo này đã trải qua 50 năm tranh chấp ngoại giao giữa hai quốc gia, vì nó nằm trong lãnh hải của cả hai.
Ngoại trưởng Joly ca ngợi việc ký kết thỏa thuận này là một “ngày lịch sử”. Bà cũng nói rằng thỏa thuận này chấm dứt “cuộc chiến thân thiện nhất trong tất cả các cuộc chiến”.
Trong cuộc chiến này, cả hai quốc gia đã để lại những chai rượu trên đảo kèm với những tấm giấy nhỏ nhắn nhủ cho nhau trong khi gỡ bỏ quốc kỳ của nhau.
Sau khi ký kết thỏa thuận, hai ngoại trưởng đã có hành động có tính biểu tượng là trao nhau những chai rượu, có kèm những lời ghi chú, để kết thúc “cuộc chiến rượu whisky”.
Ngoại trưởng Joly cho biết với thỏa thuận này, Canada và Đan Mạch đều có thể cắm cờ “cùng màu” của họ trên “hòn đảo nhỏ nhưng quan trọng ở Bắc Cực”.
Bà cho biết cuộc tranh chấp này đã trải qua 26 ngoại trưởng Canada trước đây và giải pháp hòa bình của nó cho thấy các quốc gia có thể giải quyết những bất đồng về lãnh thổ theo “cách hòa bình”.
Nhắc khéo về cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin, ngoại trưởng Joly nói rằng thỏa thuận với Đan Mạch đạt được “vào một thời điểm rất quan trọng trong lịch sử của chúng tôi bởi vì chúng tôi biết rằng những nhà lãnh đạo độc tài tin rằng họ có thể … vẽ ranh giới bằng vũ lực”.
Trong một ý khác nhắc về Nga, bà nói bằng cách đạt được thỏa thuận, “Canada, Đan Mạch và Greenland đang gởi một thông điệp rõ ràng tới các quốc gia Bắc Cực khác” rằng các tranh chấp có thể được giải quyết thông qua ngoại giao hòa bình.
Thỏa thuận về chủ quyền của Tartupaluk – tên của đảo bằng tiếng Inuit – đạt được sau khi tham khảo ý kiến của những người Inuit ở cả Nunavut và Greenland.
Họ sẽ duy trì quyền săn bắn và quyền tự do đi lại trên hòn đảo vốn là một phần khu vực săn bắn của họ trong nhiều thế kỷ.
Ngoại trưởng Joly xác nhận rằng thỏa thuận này cũng đã dẫn tới nhiều cuộc đàm phán hơn nữa về quyền tự do đi lại cho người Inuit sống ở Greenland và Nunavut, để họ có thể thăm bạn bè và gia đình dễ dàng hơn.
Thủ tướng Greenland, người cũng tham gia ký thỏa thuận, cho biết “ranh giới trên Tartupaluk … sẽ báo hiệu sự khởi đầu của mối quan hệ đối tác và hợp tác chặt chẽ hơn giữa chúng tôi trong các lĩnh vực có lợi ích chung và lợi ích riêng cho người Inuit”.
Dân biểu Lori Idlout (NDP) đại diện cho Nunavut nói rằng bà nghĩ Đảo Hans nên được đổi tên chính thức thành Tartupaluk.
“Người Inuit từ lâu đã sử dụng Đảo Hans như một điểm chuẩn bị săn bắn,” bà nói. “Chúng tôi rất vui vì các quyền của người Inuit đã được bảo vệ để họ có thể duy trì việc tự do đi lại và lối sống truyền thống của họ.”
Ngoại trưởng Đan Mạch Kofod nói rằng việc ký kết thỏa thuận đã đánh dấu “một ngày lịch sử”.
“Chúng tôi đã thảo luận về chủ quyền của Tartupaluk trong hơn 50 năm. Sau khi tăng cường đàm phán trong vài năm qua, chúng tôi đã đạt được một giải pháp,” ông nói.
“Những nỗ lực của chúng tôi thể hiện cam kết chung vững chắc của chúng tôi nhằm giải quyết các tranh chấp quốc tế một cách hòa bình. Tôi hy vọng rằng cuộc đàm phán của chúng ta và tinh thần của thỏa thuận này có thể truyền cảm hứng cho những nước khác.”
Với thỏa thuận này, Canada lần đầu tiên có chung đường biên giới trên bộ với Đan Mạch.
Khi được hỏi liệu điều này có thể có nghĩa là Canada hiện có thể đủ điều kiện tham gia cuộc thi hát Eurovision hay không, ngoại trưởng Joly nói đùa rằng vì Canada hiện có “biên giới” với EU, Canada có thể xin tham gia cuộc thi hát châu Âu.
Cuộc tranh chấp về hòn đảo nhỏ này đã dẫn tới nhiều màn tranh đua thân thiện từ thập niên 1980 giữa Canada và Đan Mạch về việc quốc gia nào có quyền sở hữu hợp pháp.
Năm 1984, Canada cắm một lá cờ trên đảo và để lại một chai rượu whisky Canada.
Cuối năm đó, Bộ trưởng Các vấn đề Greenland của Đan Mạch đã tới đảo bằng trực thăng và cắm cờ Đan Mạch. Ông cũng để lại một chai aquavit, một loại rượu Đan Mạch, ở chân cột cờ và được cho là đã để lại giấy ghi “chào mừng tới Đảo Đan Mạch”.
Năm 1988, một tàu tuần tra Bắc Băng Dương của Đan Mạch đã tới và dựng một ụ đá với cột cờ và cờ Đan Mạch trên đảo.
Rồi vào năm 2001, các nhà địa chất Canada lập bản đồ phía bắc Đảo Ellesmere đã bay tới đó bằng máy bay trực thăng.
Năm 2005, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Graham có hành động mang tính biểu tượng là đi dạo trên Đảo Hans. Một tuần trước khi ông đặt chân tới đó, Quân lực Canada đã cắm cờ và biển hiệu của Canada trên hòn đảo, khiến Đan Mạch phản đối và triệu tập đại sứ Canada.
Cả hai quốc gia sau đó đã đồng ý mở lại các cuộc đàm phán về hòn đảo, và cựu thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen nói rằng đã “tới lúc chấm dứt cuộc chiến cờ”.
Hai nước đồng ý đưa tranh chấp lên Tòa án Quốc tế ở The Hague để giải quyết nếu họ không thể đạt được thỏa thuận.
Bộ trưởng Các vấn đề phương Bắc Dan Vandal nói rằng Canada và Đan Mạch có chung một lịch sử hợp tác phong phú và “rất phù hợp, và chỉ là vấn đề thời gian, để đạt được một giải pháp công bằng như thế này, dựa trên cả tính thực tiễn và thỏa hiệp”.”
Thỏa thuận cũng giải quyết bất đồng giữa hai nước về biên giới biển trên thềm lục địa.
Dân biểu Bảo thủ Michael Chong chuyên trách phản biện các vấn đề đối ngoại nói rằng thỏa thuận này là “một minh chứng về cách các quốc gia là thành viên có uy tín trong hệ thống quốc tế của chúng ta có thể phối hợp với nhau để giải quyết các tranh chấp về biên giới quốc tế”.
“Hiếm có chuyện gì thiêng liêng trong việc duy trì trật tự quốc tế hơn bảo đảm rằng chúng ta tôn trọng biên giới quốc tế của nhau,” Chong nói.
Sau khi thỏa thuận được ký kết, ngoại trưởng Joly đã tặng cho ngoại trưởng Đan Mạch một chai Sortilege Prestige, loại rượu whisky và rượu si-rô cây phong Canada sản xuất tại Quebec, còn ngoại trưởng Kofod tặng ngoại trưởng Joly một chai Gammel Dansk Bitter Dram.
Nguồn: The Canadian Press, 14/6/2022.
© Bản tiếng Việt của Canada Info.