Nửa triệu dân Toronto sống ở nơi không có máy lạnh giữa mùa hè nóng nực
Phần lớn Ontario trải qua những ngày nóng như thiêu đốt trong tuần này, với nhiệt độ lên tới hơn 30 độ C.
Với khoảng nửa triệu cư dân Toronto sống trong những căn hộ không có máy lạnh, điều đó có nghĩa là điều kiện sống khó chịu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà giới chuyên gia cho rằng cần phải được giải quyết để tránh các bệnh liên quan tới nắng nóng, nhất là khi các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt dự kiến sẽ trở nên thường xuyên hơn trong tương lai.
Một báo cáo gần đây của Trung tâm Intact về Thích ứng với Khí hậu thuộc Đại học Waterloo cảnh báo rằng thời tiết nắng nóng khắc nghiệt ngày càng nguy hiểm hơn, do biến đổi khí hậu không thể đảo ngược.
Báo cáo đó cũng cho biết các trung tâm đô thị có nguy cơ lớn nhất do hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”, với nhiệt độ ban ngày trên bề mặt sẽ nóng hơn từ 10 tới 15 độ C ở một số vùng đô thị nơi nhiệt được giữ lại ở các khu vực có xây dựng, trong khi nhiệt độ ban đêm có thể nóng hơn tới 12 độ C so với các vùng nông thôn xung quanh.
Blair Feltmate, giám đốc Trung tâm Intact và đồng tác giả của báo cáo, nói rằng những cư dân ở các trung tâm đô thị cư ngụ trong các chung cư cao tầng cũ không có máy lạnh trung tâm rất dễ bị tác hại khi có thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
“Đây là một quả bom nổ chậm đang hẹn giờ, bởi vì chỉ cần đợi tới khi chúng ta gặp một đợt nắng nóng kéo dài với sự cố mất điện và những người này bị mắc kẹt trong những tòa nhà này,” ông nói.
Theo Feltmate, có nhiều cách để các thành phố như Toronto có thể giảm thiểu tác động và thích ứng với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
Ông đề xuất rằng nên bảo đảm các căn hộ có nguồn cung cấp điện dự phòng “phù hợp”, sơn mái các tòa nhà màu trắng để phản chiếu ánh sáng mặt trời và có nhiều tán cây hơn trong các thành phố để chống lại hiệu ứng đảo nhiệt.
Feltmate cũng khuyến nghị trợ cấp hoặc cung cấp miễn phí cho người dân các thiết bị làm mát như máy lạnh riêng lẻ lắp ở cửa sổ và quạt để những người không đủ tiền mua có thể giữ mát.
“Tôi tin rằng do biến đổi khí hậu, chúng ta nên xem việc có được các thiết bị làm mát là một nhân quyền,” ông nói.
Chính quyền Toronto cho biết ở thành phố này có khoảng 500 ngàn người sinh sống trong các căn hộ không có máy lạnh.
Chính quyền Toronto cho biết họ đã có các chương trình trợ giúp chủ sở hữu và công ty kinh doanh chung cư trong việc chỉnh sửa cửa sổ, cửa ra vô, tấm ốp và các thiết bị khác để giảm nhiệt độ trong các căn hộ.
Chính quyền Toronto nói rằng “mạng lưới giảm nóng” gồm những nơi làm mát trên khắp thành phố, như thư viện, trung tâm cộng đồng, thương xá và hồ bơi, có thể giúp người dân tìm chỗ tránh nóng.
“Một phần trong chiến lược dài hạn của Thành phố Toronto về ứng phó với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt … là cải tiến những chung cư cũ của Thành phố không có máy lạnh trong các căn hộ, chủ yếu là các căn hộ cho thuê là chỗ ở của khoảng 500000 người,” Chính quyền Toronto cho biết.
Tiến sĩ Anna Gunz, bác sĩ chăm sóc đặc biệt nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng ở London, Ontario, và phó giáo sư tại Đại học Western, cho biết thời tiết nắng nóng khắc nghiệt cần phải được coi là vấn đề nghiêm trọng.
“Khủng hoảng khí hậu và ô nhiễm không khí là một cuộc khủng hoảng y tế,” bà nói.
Tiến sĩ Samantha Green, bác sĩ gia đình tại Bệnh viện St. Michael’s và trưởng bộ môn biến đổi khí hậu và sức khỏe tại khoa y học gia đình và cộng đồng tại Đại học Toronto, nói rằng thời tiết nắng nóng khắc nghiệt có thể có nhiều tác động tới sức khỏe, như kiệt sức vì nóng, đột quỵ và tử vong do nóng.
Bà cũng nói rằng nó cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh nền như bệnh tâm thần và bệnh tim.
Những người dễ bị tổn thương nhất là người cao niên, người có tình trạng sức khỏe mạn tính, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, cũng như người không có nguồn lực để ứng phó với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, chẳng hạn như người có thu nhập thấp không có máy lạnh.
Tiến sĩ Green nói rằng có những cách để giải quyết vấn đề này, như trồng nhiều cây hơn để cung cấp tán lá có thể giúp làm mát và yêu cầu các chung cư xây mới cũng như những phần sửa chữa tân trang chung cư bảo đảm cho phép làm mát thụ động.
Nguồn: The Canadian Press, 22/7/2022.
© Bản tiếng Việt của Canada Info.