“Canada bỏ lỡ cơ hội đầu tiên xuất khẩu khí đốt hóa lỏng; đừng nên lãng phí lần thứ nhì”

0

Tổng giám đốc Al Monaco của Enbridge Inc. cho rằng Canada đã bỏ lỡ cơ hội kinh tế lớn lao để cung cấp khí đốt cho thế giới, khi nhu cầu về nhiên liệu bắt đầu tăng cao.

Và nay, khi cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine vẫn tiếp diễn và châu Âu đang chật vật để giải quyết những thiếu hụt về nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với khí đốt của Nga, ông Monaco cảm thấy lạc quan rằng Canada có thể giúp vực dậy thị trường này.

Enbridge Inc., có trụ sở ở Calgary, Alberta, gần đây đã mạnh tay đầu tư tới 1.5 tỷ USD để góp 30% vốn cho dự án trạm đầu mối phân phối khí đốt hóa lỏng (LNG) Woodfibre ở British Columbia. Enbridge hy vọng giúp đẩy nhanh tiến độ của dự án bị trì hoãn khá lâu và vẫn còn nhiều năm nữa mới bắt đầu hoạt động. Khi hoàn thành, trạm đầu mối phân phối này sẽ xuất khẩu khí đốt hóa lỏng sang châu Á.

Khi trả lời phỏng vấn ở Houston, Mỹ, hôm 9/8/2022, ông Monaco nói rằng lưu vực Tây Canada có nhiều lợi thế so với vùng Gulf Coast của Mỹ để đặt trạm đầu mối xuất khẩu nhiên liệu, trong đó có nguồn cung khí đốt tự nhiên rẻ hơn; thời gian vận chuyển tới châu Á ngắn hơn từ hai tuần tới bốn tuần; và thủy điện dồi dào, sẽ làm giảm lượng khí thải của Woodfibre. Ông gọi kho cảng này là “viên ngọc quý” trong hoạt động đầu tư của Enbridge.

“Có nguồn cung chi phí thấp, và có thị trường LNG đang tăng trưởng với mức giá cao hơn. Cho nên ta phải tận dụng điều đó,” ông Monaco nói.

Ông gọi trạm đầu mối này là khoản đầu tư “vàng” của Enbridge, dù quá trình cấp giấy phép quá lâu và những chậm trễ trong thi công đã làm trì hoãn cả dự án này lẫn một dự án trạm đầu mối xuất khẩu khác ở Bờ Tây là LNG Canada của công ty Shell PLC.

Tổng giám đốc Al Monaco chuẩn bị phát biểu tại đại hội thường niên của Enbridge Inc. ở Calgary ngày 9/5/2018. (Ảnh: Jeff Mcintosh/The Canadian Press)

Enbridge đã tìm kiếm một cơ hội như Woodfibre từ lâu. Trạm đầu mối này phù hợp với chiến lược đầu tư vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu ở Bắc Mỹ của công ty.

“Chúng tôi có đầu tư rất lớn trong cả xuất khẩu dầu và khí đốt ở vùng Gulf Coast. Cho nên bây giờ về cơ bản chúng tôi cũng có quan điểm như vậy về vùng Tây Canada về đầu tư vào khí đốt và khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài,” ông Monaco nói.

Dự án LNG ở vùng Squamish, được xây dựng tại địa điểm của một nhà máy bột giấy đã đóng cửa vào năm 2006, sẽ có công suất xuất khẩu là 2.1 triệu tấn một năm. Khi công bố thỏa thuận góp vốn 1.5 tỷ USD hồi tháng 7, Enbridge cho biết Woodfibre đã có nhiều khách hàng ở châu Á muốn mua nhiên liệu từ đây, trong đó có cam kết 15 năm với công ty BP ​​Gas Marketing Ltd. có trụ sở tại London mà sẽ chiếm 70% công suất của trạm đầu mối xuất khẩu này. Enbridge cũng đang mong thu hút các tổ chức người Bản địa tham gia với tư cách đối tác hùn vốn trong dự án này.

Ông Monaco nói rằng mặc dù có những rào cản và thách thức pháp lý liên quan tới việc xây dựng bất kỳ dự án năng lượng nào hiện nay, Woodfibre vẫn là một triển vọng hấp dẫn đối với Enbridge vì một số lý do: dự án đã được phát triển trong một thập niên, được cộng đồng địa phương ủng hộ và Enbridge có thể sử dụng cơ sở hạ tầng của riêng mình để đưa vào trạm đầu mối này.

Nhiều tổ chức môi trường lâu nay chỉ trích cách các công ty và các cơ quan quản lý năng lượng quảng bá khí đốt hóa lỏng như một nguồn năng lượng thân thiện với khí hậu trong giai đoạn chuyển tiếp sang năng lượng xanh. Họ cho rằng nhiên liệu hóa thạch vẫn tạo ra khí thải nhà kính và đẩy nhanh biến đổi khí hậu.

Nhưng ông Monaco tin tưởng rằng các dự án năng lượng truyền thống như Woodfibre sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai năng lượng của thế giới. Ông nói rằng tuy Enbridge đã là một thành phần quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cần có nhiều nguồn năng lượng khác nhau để ứng phó các rủi ro địa chính trị toàn cầu. Ông lưu ý rằng có thể giảm lượng khí thải từ năng lượng truyền thống bằng cách sử dụng công nghệ thu giữ carbon hoặc các phương pháp khác.

Ngay cả trước khi Nga xâm lược Ukraine, thị trường năng lượng đã phải ứng phó với tình trạng mất cân đối cung-cầu. Một phần nguyên nhân là mức sử dụng năng lượng tăng vọt khi thế giới bắt đầu bỏ các biện pháp hạn chế đại dịch. Một nguyên nhân khác là tình trạng thiếu đầu tư khiến các chuỗi cung ứng suy yếu hơn mức cần thiết.

Nay, khi đang lâm vào khủng hoảng năng lượng, châu Âu nhìn sang bên kia Đại Tây Dương để tìm nhiên liệu hóa thạch của Bắc Mỹ. Ông Monaco cho rằng việc đưa thêm nguồn dầu khí Canada vào Mỹ sẽ giúp mở ra những thị trường xuất khẩu đó, giúp tăng và ổn định nguồn cung năng lượng khắp thế giới.

“Chúng tôi có ưu thế rất lớn ở đây … Chúng tôi có tài nguyên dồi dào, có kỹ năng và công nghệ để khai thác các tài nguyên đó tốt hơn bất cứ ai khác,” ông nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng Canada cần điều chỉnh cách quản lý năng lượng và xây dựng hạ tầng trong hai lãnh vực nhiên liệu hóa thạch lẫn năng lượng tái tạo – cả hai lãnh vực này đều phải chịu quy trình xét duyệt quá lâu và nhiều trì hoãn trong việc cấp giấy phép.

Nguồn: The Globe and Mail, 10/8/2022.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.