Một số công dân Canada vô tình bị tước quốc tịch vì luật bí hiểm

0

Từ lúc hai tháng tuổi, Byrdie Funk đã cùng với cha mẹ người Canada chuyển từ Mexico về sinh sống ở quê nhà Canada. Cô đã dùng sổ thông hành (passport) Canada đi đó đi đây.

Nhưng đầu năm nay, cuộc sống của người phụ nữ 36 tuổi này bị đảo lộn khi cô bất ngờ khi nhận được thư của Bộ Quốc tịch và Di trú Canada thông báo rằng cô không còn là công dân Canada nữa.

Byrdie Funk tại tư gia ở Squamish, B.C. (Ảnh: Jonathan Hayward/The Canadian Press)
Byrdie Funk tại tư gia ở Squamish, B.C. (Ảnh: Jonathan Hayward/The Canadian Press)

Cô là một trong số chưa rõ bao nhiêu người bị ảnh hưởng của một luật cũ bí hiểm tự động tước quốc tịch của một số người Canada không chính thức xin giữ quốc tịch trước tuổi 28.

Luật ít ai biết này áp dụng cho những người sinh ở nước ngoài từ ngày 15-2-1977 tới ngày 16-4-1981, và có cha mẹ là công dân Canada cũng sinh ở nước ngoài.

Luật này đã  được chính phủ của Đảng Bảo thủ bỏ năm 2009, nhưng thay đổi đó không hồi tố, nên không bao gồm những người khi đó đã qua tuổi 28.

Funk nói cô chỉ biết về luật này vào mùa xuân năm nay sau khi muốn gia hạn sổ thông hành.

Audrey Macklin, giáo sư luật ở Đại học Toronto, nói rằng luật này được soạn thảo trong thập niên 1970 do có quan ngại rằng quốc tịch sẽ được truyền lại vĩnh viễn cho những thế hệ sống ở nước ngoài và ngày càng ít có liên hệ tới Canada.

Giáo sư Macklin cho rằng không nhất thiết là không công bằng, ít nhất là về lý thuyết, khi bắt buộc một người có tới hai đời không sinh ra ở Canada phải chứng minh có mối liên hệ với Canada.

Tuy nhiên, theo bà, vấn đề là do chính phủ không có khả năng xác định và thông báo cho những người đó biết rằng quốc tịch của họ sẽ “bốc hơi” nếu họ không thực hiện một số bước để giữ quốc tịch.

Lindsay Wemp, một phát ngôn viên của Bộ Quốc tịch và Di trú Canada, viết trong một email gởi cho đài CBC rằng bộ trưởng di trú có thể tự quyết định trao quốc tịch trong một số hoàn cảnh khác thường trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.

Funk cho biết cô đã liên hệ với văn phòng Bộ trưởng John McCallum hồi tháng 7 nhưng chưa nhận được phúc đáp.

Funk không phải là người duy nhất.  Eva Friesen ở Steinbach, Manitoba, trở thành vô quốc gia sau khi mất quốc tịch ở tuổi 28. Cô đã phải chính thức nhập cư tới  Canada sau khi đã là người Canada sinh sống ở đây kể từ lúc 6 tuổi.

Người phụ nữ nay đã 37 tuổi này biết về luật này qua truyền miệng khi cô 27 tuổi, nhưng cô nói lúc đó không còn đủ thời gian để làm các giấy tờ cần thiết kịp trước hạn chót.

Monica Friesen, một cư dân Manitoba khác không bà con với Eva Friesen, phát hiện vào năm 30 tuổi là cô đã bị mất quốc tịch mấy chục năm sau khi tới Canada. Cuối cùng cô đã được cấp lại quốc tịch theo quyết định riêng của bộ trưởng di trú.

Donald Galloway, giáo sư luật ở Đại học Victoria, ước  tính có hàng trăm người bị ảnh hưởng của luật này, trong đó nhiều người có thể không biết. Một phát ngôn viên của Bộ Di trú nói con số chính xác không rõ là bao nhiêu, nhưng ít.

Luật này là một chương khác trong câu chuyện về “những người Canada bị mất”, gồm những cư dân bị tước quốc tịch hoặc chưa bao giờ được cấp quốc tịch do những điều lập dị trong luật pháp Canada.

Dần dà qua nhiều năm, chính phủ đã ra luật điều chỉnh những sai sót đó, thường bằng cách cấp quốc tịch hồi tố cho những nhóm bị ảnh hưởng, từ những cô dâu thời chiến tới con cái của binh lính sinh ở nước ngoài. Nhưng chưa bao giờ có cách giải quyết cho những người bị ảnh hưởng của luật 28 tuổi này.

NHỮNG CỘT MỐC QUAN TRỌNG CỦA LUẬT LỆ QUỐC TỊCH CANADA

Đạo luật Nhập tịch (ngày 22-5-1868): Trước năm 1947, bất cứ ai sinh ở Canada về lý thuyết được xem là thần dân của Vương quốc Liên hiệp Anh.

Đạo luật Quốc tịch Canada (ngày 1-1-1947): Quốc tịch Canada được hợp pháp hóa, cùng với sự công nhận đặc biệt cho thần dân của Vương quốc Liên hiệp Anh.

Đạo luật Quốc tịch (ngày 15-2-1977): Song tịch được công nhận, và thần dân của Vương quốc Liên hiệp Anh không còn tư cách đặc biệt. Đạo luật này cũng đưa ra quy định 28 tuổi, bắt buộc những người Canada sinh ra ở nước ngoài và có cha mẹ là công dân Canada cũng sinh ra ở nước ngoài phải thực hiện một số bước đặc biệt để giữ quốc tịch của mình trước tuổi 28.

Luật C-14 (ngày 23-12-2007): Con sinh ra ở nước ngoài và có cha mẹ là công dân  Canada, cũng như con nuôi, được phép bỏ qua tư cách thường trú nhân (PR) và trở thành công dân  Canada một cách trực tiếp.

Luật C-37 (ngày 17-4-2009): Luật này cấp quốc tịch hồi tố cho nhiều người trong những người được gọi là “những người Canada bị mất” đã từng bị từ chối hoặc chưa bao giờ được cấp quốc tịch do có những quy định kỳ lạ trong các luật trước kia, bao gồm cô dâu thời chiến và con cái của binh lính hay viên chức làm việc nước ngoài. Luật này cũng bỏ quy định năm 1977 bắt buộc những người Canada thế hệ thứ hai sinh ở nước ngoài phải xin giữ quốc tịch trước tuổi 28.

Luật C-24: Đạo luật Củng cố Quốc tịch Canada (ngày 11-6–2015): Đạo luật này tự động cấp quốc tịch cho những nhóm “người Canada bị mất” khác sinh trước năm 1947 và đã không được xét tới trong những thay đổi luật pháp trước đây, cũng như cho con cái của họ sinh ở ngoài  Canada. Luật cũng trao quyền cho chính phủ tước quốc tịch Canada của những công dân song tịch bị kết án phạm những tội nghiêm trọng như khủng bố.

Luật C-6 (Hiện đang được bàn ở quốc hội): Dự luật này đề xuất nới lỏng các quy định về di trú, trong đó có các yêu cầu bắt buộc về ngôn ngữ và cách tính thời gian sinh sống ở Canada. Dự luật này cũng bỏ quy định trong Luật C-24 về việc tước quốc tịch của những công dân song tịch bị kết án phạm những tội nghiêm trọng như khủng bố.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.