Từ hàng điện tử của Nhật tới quặng sắt của Úc, các nền kinh tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đều phụ thuộc vào việc bán phụ tùng và nguyên liệu để phục vụ cho cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc.

Chính vì vậy, nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sâu rộng khiến các quốc gia này e ngại bị “kẹt giữa hai làn đạn” – dù một số quốc gia trong số này tán thành ý kiến chỉ trích của Donald Trump đối với Trung Quốc.

Shujiro Urata, giáo sư kinh tế tại Đại học Waseda ở Tokyo và cựu kinh tế gia tại Ngân hàng Thế giới, nói rằng không chỉ các nước tham chiến bị thiệt hại, mà cả các nước khác.

Chứng khoán dao động mạnh trước các tin tức thương mại. Chỉ số chứng khoán chuẩn mực của Nhật tăng 2,65% hôm 27/3, sau khi có dấu hiệu cho thấy kịch bản xấu nhất về chiến tranh thương mại có thể đã tránh được. Giới chức Mỹ và Trung Quốc đã lặng lẽ bắt đầu đàm phán về những cách tăng khả năng tiếp cận của hàng hóa Mỹ tại thị trường Trung Quốc và giảm thâm hụt thương mại.

Do thực tế các chuỗi cung toàn cầu, chẳng cần Mỹ đánh thuế nhiều với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, hoặc thuế trả đũa của Trung Quốc đối với hàng Mỹ cũng đủ gây tác động lan truyền trên khắp khu vực này.

Đầu tháng 3, tổng thống Trump đánh thuế 25% đối với thép nhập từ Trung Quốc và nhiều nước khác, nhưng miễn thuế cho một số nước đồng minh của Mỹ. Sau đó, Mỹ dọa sẽ đánh thuế đối với hàng trị giá khoảng 60 tỷ đô-la Mỹ nhập từ Trung Quốc.

Những hành động đó đã gây ra nhiều lo ngại ở Úc; 30% hàng xuất khẩu của Úc là bán sang Trung Quốc. Trong số hàng xuất khẩu hàng năm của Úc sang Trung Quốc có khoảng 700 triệu tấn quặng sắt và than cốc, hai nguyên liệu chính để sản xuất thép, cũng như đồng dùng cho hàng điện tử.

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời của dân biểu Jim Chalmers thuộc Công đảng, đảng đối lập ở Úc, nói rằng bất kỳ khi nào có nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại hay việc tăng thuế nhập khẩu để “ăn miếng trả miếng”, nền kinh tế Úc đều có thể bị thiệt hại nặng nề.

Tại nhà máy pin năng lượng mặt trời ở Singapore của hãng REC. (Ảnh: Edgar Su/Reuters)

Nhiều nơi hiện đã cảm nhận được tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Tháng 1/2018, Trump nói sẽ đánh thuế nhập khẩu 30% đối với pin năng lượng mặt trời; đây là biện pháp chủ yếu nhắm tới các hãng sản xuất Trung Quốc, vốn đã chiếm thị phần toàn cầu lớn nhờ pin giá rẻ. Tuy nhiên, động thái này cũng gây tác hại cho một số hãng sản xuất khác như REC Solar Holdings AS của Singapore. Hãng này có một trong những nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất ngoài Trung Quốc, và có một phần ba lượng hàng bán trong 3 quý đầu năm 2017 là xuất sang Mỹ.

Hồi đầu tháng 3, ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nói, “Vì Singapore là nước sản xuất pin mặt trời, chúng tôi cũng chịu thiệt hại gián tiếp.”

Tại một diễn đàn cách đây vài tuần ngoại trưởng Balakrishnan nhận định rằng chu trình trả đũa lẫn nhau sẽ “phá tan công thức cho hòa bình và thịnh vượng mà đã có tác dụng trong 70 năm qua”.

Những căng thẳng thương mại gần đây cũng khiến đồng yen Nhật (được xem là nơi trú ẩn trong những lúc bất ổn) tăng giá so với đô-la Mỹ, lên mức cao nhất kể từ lúc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016. Diễn biến tỷ giá này đang có hại cho các hãng xuất khẩu linh kiện điện tử Nhật.

Việt Nam đắc lợi?

Không phải nước nào cũng thiệt do các tác động lan truyền.

Nếu iPhone do các hãng thầu gia công cho Apple Inc. ở Trung Quốc sản xuất bị ảnh hưởng do xung đột thương mại Mỹ-Trung (đây vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời), thì Việt Nam có thể đắc lợi vì là nơi đặt cơ sở sản xuất lớn của Samsung Electronics, hãng có sản phẩm điện thoại là đối thủ cạnh tranh hàng đầu với iPhone.

Nhà máy Samsung tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. (Ảnh: Linh Luong Thai/Bloomberg News.)

Theo nhận định của Alexander Feldman, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, các công ty đa quốc gia có thể sẽ tìm cách phòng ngừa rủi ro bằng cách giảm hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, và Đông Nam Á sẽ là điểm đến hợp lý cho chiến lược tái cân đối này.

Trung Quốc, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, từ lâu đã là điểm đến được ưa chuộng của các công ty Mỹ và Châu Âu muốn đặt gia công và sản xuất ở nước ngoài, nhất là các hàng tiêu dùng thâm dụng lao động như quần áo, giày dép và hàng điện tử. Tuy nhiên, khi các mức lương công nhân nhà máy ở Trung Quốc tăng lên tới hàng cao nhất ở các nền kinh tế mới trỗi dậy của Châu Á, các nước đang phát triển khác với chi phí thấp hơn đã bắt đầu thu hút vốn đầu tư và việc làm ra khỏi Trung Quốc, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa và thúc đẩy tăng trưởng trong nước.

Việt Nam đã và đang thu hút các phân xưởng ra khỏi Trung Quốc. (Ảnh: Chau Doan/LightRocket/Getty Images)

Ví dụ, các hãng quần áo và hàng điện tử đã bắt đầu đa dạng hóa hoạt động sản xuất sang các nước cạnh tranh như Việt Nam và Ấn Độ. Hãng Đài Loan Wistron, nổi tiếng về lắp ráp thiết bị Apple ở Trung Quốc, đang mở rộng các cơ sở lắp ráp ở Ấn Độ. Việt Nam đã và đang có đà tăng xuất khẩu mạnh, với sự dẫn đầu của các ngành trước đây do Trung Quốc thống lĩnh, như quần áo và  điện thoại di động. Do Việt Nam đã trở thành một đấu thủ quan trọng hơn trong các chuỗi cung ứng, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã tăng – lên tới 38 tỷ đô-la trong năm ngoái, gấp 3 lần so với năm 2011.

Trong khi đó, Trung Quốc có thể tăng nhập hàng hóa từ các nước trong khu vực nếu thực hiện lời đe dọa trả đũa đối với sản phẩm Mỹ. Ví dụ, nếu đánh thuế đối với đậu nành của Mỹ thì Trung Quốc có thể tăng cầu đối với các hàng hóa thay thế như dầu cọ, vốn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Malaysia và Indonesia.

Hak Bin Chua, chuyên gia kinh tế ở ngân hàng Maybank Kim Eng, Singapore, nhận định, “Hiện chỉ mới là giai đoạn đầu, nên chưa rõ ‘cuộc chiến thương mại’ sẽ diễn biến ra sao. Ví dụ, thuế nhập khẩu  cao hơn đối với ô tô Trung Quốc có thể sẽ tăng xuất khẩu xe của Nhật và Đức.” Nhưng, theo ông, nếu Mỹ đánh thuế nhập khẩu đối với hàng điện tử tiêu dùng Trung Quốc thì sẽ có tác động tiêu cực với Singapore và Malaysia, vì đây là “hai nước ASEAN gắn bó sâu nhất trong chuỗi cung ứng điện tử”.

Ngược với các động thái của Mỹ, khu vực này đã và đang tiến tới tự do thương mại nhiều hơn. Úc và Trung Quốc ký hiệp định tự do thương mại năm 2015. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói nhờ đó lượng rượu vang của Úc xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 64%.

Chỉ mới trong tháng 3 vừa rồi, Nhật, Úc, Singapore, Malaysia, Việt Nam, New Zealand, Brunei cùng một số nước ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhằm cắt giảm thuế nhập khẩu. Mỹ đã đi đầu đàm phán TPP dưới thời tổng thống Obama, nhưng Donald Trump đã rút khỏi hiệp định này ngay sau khi lên nắm quyền.

Các nước Châu Á từ lâu đã quen với các tập quán của Trung Quốc bị Donald Trump chỉ trích gần đây, ví như cưỡng ép các công ty chuyển giao công nghệ như một điều kiện để đầu tư ở Trung Quốc. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với các công ty Nhật sở hữu công nghệ tân tiến. Các hãng sản xuất xe Nhật đang bắt tay với các đối thủ Trung Quốc để có chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc.

Hồi tháng 12/2017, bộ trưởng thương mại Nhật Hiroshige Seko từng thúc giục Mỹ và Liên hiệp Châu Âu (EU) ra tuyên bố 3 bên, như một đòn tấn công ngầm đối với Trung Quốc, gọi các trợ cấp của nhà nước và các động thái khác của Trung Quốc là “những mối quan ngại nghiêm trọng đối với sự vận hành tốt đẹp của thương mại toàn cầu”.

Song, ý định của ông Seko là có hành động phối hợp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Junichi Sugawara, chuyên gia chính sách thương mại tại Viện Nghiên cứu Mizuho ở Tokyo, nói, “Chúng ta đã mất công mất sức tạo ra một hệ thống tại WTO cho các giải pháp dựa trên luật lệ, và Mỹ đã dẫn dầu.”

Cho dù Mỹ hiện nay đạt được kết quả bằng hành động đơn phương, ông nói, “Nhật sẽ phải phản đối điều đó vì làm vậy là bảo vệ thương mại tự do đa phương.”

Khương An

Tổng hợp từ The Wall Street Journal 27/3, và Bloomberg BusinessWeek 26/3/2018.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.