Bên trong xưởng thực nghiệm điểm tín dụng xã hội của Trung Quốc

2

Thí nghiệm khổng lồ của Trung Cộng về xếp hạng và giám sát công dân Trung Quốc đã bắt đầu. Vinh Thành là một trong những thành phố đầu tiên được thí điểm.

Thí nghiệm khổng lồ của Trung Cộng về xếp hạng và giám sát công dân Trung Quốc đã bắt đầu.

Simina Mistreanu

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch

Bên trong Văn phòng Công dân ở Vinh Thành, Trung Quốc, tháng 11/2017. (Aurelien Foucault / Picture-Alliance / DPA / AP)

Vinh Thành được kiến thiết theo hướng vị lai. Đường sá rộng rãi và những cộng đồng ngoại ô được xây dựng với chủ đích sẽ mở rộng trong tương lai, khi thành phố trải rộng ở mũi phía đông của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nhìn ra biển Hoàng Hải. Những biển quảng cáo sặc sỡ khai thác cảnh những đàn thiên nga – một trong những nét thu hút du khách của thành phố – trở về đó mùa đông hàng năm để tránh cái lạnh vùng Siberia.

Để giảm bớt quan liêu, tòa thị chính, một tòa nhà kính trông như đĩa bay, đã được biến đổi thành cơ quan “một cửa một dấu” cho hầu hết các giấy phép. Thay vì lái xe từ văn phòng này tới văn phòng khác để làm giấy tờ, người dân chỉ cần đi qua những hành lang sáng loáng để nói chuyện với các cán bộ ngồi tại bàn trong khu vực làm việc không vách ngăn.

Tại một trong những quầy này, người dân Vinh Thành có thể nhận điểm tín dụng xã hội của họ.

Nhằm tăng “mức độ khả tín” trong nền kinh tế và xã hội, Trung Quốc đang thử nghiệm một hệ thống tín dụng xã hội (social credit) kết hợp điểm tín dụng (credit score) quen thuộc kiểu phương Tây với những biện pháp bao quát hơn – và có tính “tọc mạch” hơn. Hệ thống này bao gồm tất thảy từ các bảng xếp hạng do các hãng cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến thực hiện tới các điểm số do các khu phố hoặc công ty chấm. Người có điểm cao được nhiều đặc quyền như giảm chi phí tiền sưởi và được vay ngân hàng ưu đãi, trong khi người nhiều nợ nần không được mua vé tàu cao tốc hoặc máy bay.

Chính phủ đã hứa sẽ triển khai hệ thống tín dụng xã hội quốc gia trước năm 2020. Theo văn kiện thành lập hệ thống, do Hội đồng Nhà nước đưa ra năm 2014, kế hoạch này sẽ “cho phép người đáng tin cậy chu du khắp thiên hạ trong khi người mất uy tín muốn đi một bước cũng khó.” Nhưng giữa lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tích cực tăng cường sự hiện diện của đảng tại cả các trụ sở chính quyền địa phương lẫn phòng họp của các doanh nghiệp, động thái này đã gây lo ngại rằng đó lại là một biện pháp nữa để siết chặt các quyền tự do vốn đã khan hiếm ở Trung Quốc.

Song, khó mà phân biệt được những triển vọng – hoặc mối đe dọa – tương lai với những thực tế của cách tín dụng xã hội đang được áp dụng. Vinh Thành là một nơi ta có thể nhìn thấy tương lai đó. Ba chục hệ thống thí điểm đã được triển khai ở các thành phố trên toàn quốc, và Vinh Thành nằm trong số đó. Theo giới chức trách và các nhà nghiên cứu Trung Quốc, đó là ví dụ tốt nhất về hệ thống vận hành đúng như dự định. Nhưng nó cũng cho thấy rằng những ý định có thể không đơn giản như họ muốn khẳng định.

He Junning, phó trưởng phòng Phòng Quản lý Tín dụng Xã hội Vinh Thành, giải thích cách công dân được thưởng điểm vì hành vi có trách nhiệm và bị trừ điểm vì vi phạm luật lệ. Ảnh chụp hồi tháng 11/2017. (Ảnh: Aurelien Foucault / Picture-Alliance / DPA / AP)

He Junning, phó trưởng phòng Phòng Quản lý Tín dụng Xã hội Vinh Thành nói hệ thống này là đứa con tinh thần của cán bộ tòa thị chính thành phố.

Ông làm việc chung với bảy viên chức khác của phòng tín dụng xã hội trên tầng hai của tòa thị chính. Hệ thống do họ lập ra cho mỗi người trong 740.000 cư dân thành niên của Vinh Thành 1.000 điểm ngay từ đầu. Và phép tính điểm tín dụng xã hội bắt đầu từ đó.

Bị phạt vi phạm giao thông là mất toi 5 điểm. Được khen thưởng cấp thành phố, chẳng hạn vì có hành động anh hùng, có hành vi gương mẫu, hoặc giúp đỡ gia đình trong lúc hoạn nạn: được cộng 30 điểm. Được khen thưởng cấp thành phố: cộng 5 điểm. Người dân cũng có thể được cộng điểm tín dụng bằng cách quyên góp cho tổ chức từ thiện hoặc làm thiện nguyện viên trong chương trình của thành phố.

Ông nhấn mạnh rằng “bất cứ điều gì ảnh hưởng đến điểm của bạn cũng phải được chứng minh bằng dữ kiện chính thức với giấy tờ chính thức.” Điều đó giảm tính chủ quan và các hình thức trừ điểm chủ yếu chỉ áp dụng với những vi phạm pháp luật.

Tùy bậc điểm của họ, người dân được cho điểm thứ hạng khác nhau, từ A+++ tới D. Một số vi phạm có thể ảnh hưởng khá nặng tới điểm. Ví dụ, nếu phạm tội lái xe khi say rượu thì điểm bị đánh tụt hẳn xuống C. Ngược lại, điểm A+++ được các phần thưởng như được thuê xe đạp công cộng mà không cần đặt cọc (và dùng miễn phí trong một tiếng rưỡi), được giảm $50 cho chi phí sưởi mỗi mùa đông, và được vay ngân hàng với các điều khoản ưu đãi hơn.

Các doanh nghiệp cũng bị lôi vào trận chiến tín dụng xã hội. Họ có thể duy trì tiếng tốt nếu nộp thuế đúng hạn và tránh bị phạt vì những thứ như sản phẩm kém chất lượng hoặc mất vệ sinh – một điều bức xúc đối với người Trung Quốc; họ thường không tin các doanh nghiệp và hãng cung cấp dịch vụ vì thường xuyên xảy ra các vụ lừa đảo và vụ bê bối an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp có điểm cao ít gặp rào cản trong các đấu thầu hợp đồng nhà nước và được vay ưu đãi hơn.

Nhưng dù hệ thống này, được thiết lập vào cuối năm 2013, trên lý thuyết áp dụng cho mọi khía cạnh trong cuộc sống của người dân, nhiều cư dân của thành phố này thậm chí chưa biết có hệ thống này. Thỉnh thoảng người ta mới biết có nó khi cần tới tòa thị chính thành phố để làm giấy tờ cho những việc lớn trong đời, như mua nhà, xin vào làm việc cho nhà nước, hoặc xin công nhận một học hàm.

Yu Guanqing mang đôi giày thể thao Nike đen khi anh cùng với vợ vội vã chạy từ quầy này sang quầy khác. Anh nhân viên công ty 30 tuổi này cần điểm tín dụng xã hội của mình cùng với những giấy tờ khác để xin vay mua nhà.

Cầm xấp giấy tờ trong tay, Yu vừa đi vừa nói, “Mất công tôi quá! Quá phiền hà.” Lâu nay anh chẳng mấy bận tâm tới điểm tín dụng xã hội, nhưng cho rằng nó có thể giúp cải thiện hành vi của người dân. Khi được hỏi, anh kiểm tra điểm của mình. Anh đáp, “Tôi được điểm A” – giống như 90 phần trăm người dân ở Vinh Thành.

Ảnh của các ‘anh hùng công dân’ ở Vinh Thành được yết thị quanh tòa thị chính. (Ảnh: Simina Mistreanu)

Ảnh khổ lớn khắc họa các anh hùng của thế giới mới, lạ lẫm này được trưng bày bên ngoài tòa thị chính. Ví như anh công an 24 tuổi Bi Haoran; một tối nọ anh đã cứu mấy sinh viên bằng cách đẩy họ tránh được một chiếc xe đâm vào đám đông. Hay như Yuan Suoping, một dân làng 55 tuổi. Sau khi chồng chết, bà đã chăm sóc mẹ chồng bệnh liệt giường, và khi bà tái giá năm sau, điều kiện duy nhất của bà với người chồng mới là cho bà cụ tới ở với họ.

Những cư dân điểm cao được tuyên dương bên ngoài thư viện công cộng và tại các khu dân cư và làng. Những nơi đó cũng đang thử nghiệm các hệ thống tín dụng xã hội của chính họ. Những bảng giải thích cách được cộng hoặc bị trừ điểm và trưng bày ảnh của những người có điểm cao nhất là cảnh tượng phổ biến ở Vinh Thành; thiên hạ qua lại bàn tán về họ với vẻ hãnh diện.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là xe cộ nhường đường cho người đi bộ tại lối băng qua đường – cảnh mà tôi chưa từng thấy ở thành phố nào khác của Trung Quốc.

Chen, một doanh nhân 32 tuổi chỉ muốn tiết lộ họ của mình, nói, “Tôi cảm thấy trong 6 tháng qua, hành vi của người dân đã càng tốt càng tốt hơn. Ví dụ, khi lái xe, nay chúng tôi luôn dừng trước lối băng qua đường. Nếu không dừng, thì bạn sẽ bị trừ điểm. Lúc đầu, chúng tôi chỉ lo bị trừ điểm, nhưng nay chúng tôi đã quen với việc dừng lại như vậy.”

Các “gia đình văn minh” của Vinh Thành được tuyên dương trên các bảng thông báo công cộng như vậy. (Ảnh: Simina Mistreanu)

Vinh Thành là một thế giới thu nhỏ của những gì sắp diễn ra. Hệ thống tín dụng quốc gia dự trù sẽ áp dụng vào năm 2020 sẽ là một “hệ sinh thái” gồm các chương trình với nhiều quy mô và phạm vi khác nhau, được điều hành bởi các thành phố, các bộ ngành trong chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, áp dụng tới từng khu dân cư, thư viện, và các doanh nghiệp, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang thiết kế chương trình quốc gia này. Tất cả sẽ được kết nối với nhau bằng một mạng thông tin vô hình.

Nhưng trái với một số tường thuật của báo chí phương Tây, vốn thường nhầm lẫn giữa các hệ thống tín dụng tư nhân hiện có với các chương trình tương lai, hệ thống này sẽ không trở thành một nền tảng thống nhất mà ở đó người ta có thể gõ vào thông tin danh tánh của mình và nhận được một mức điểm ba chữ số duy nhất quyết định cuộc sống của họ. Cách khắc họa khôi hài như vậy về một hệ thống ban phát điểm số độc nhất cho mỗi người trong 1,4 tỷ người không thể khả dĩ về mặt kỹ thuật cũng như về mặt chính trị, theo Rogier Creemers, một học giả về luật pháp Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Khu vực thuộc Đại học Leiden ở Hà Lan. Thay vì vậy, hệ thống này sẽ mở rộng và tự động hóa các hình thức kiểm soát hành chính hiện có, chính thức hóa các biện pháp kiểm soát hiện có và giám sát công dân Trung Quốc hiện có.

Samantha Hoffman, một chuyên gia tư vấn tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS) chuyên nghiên cứu về quản lý xã hội Trung Quốc, nói, “Hệ thống tín dụng xã hội thực ra chỉ là áp dụng thêm công nghệ và tăng thêm tính chính thức cho cách vận hành đã có của đảng.”

Đảng Cộng sản đã thử nghiệm các hình thức kiểm soát xã hội từ khi lên cầm quyền vào năm 1949, dù truyền thống tự giữ trị an của Trung Quốc đã có từ đời nhà Tống. Một hoàng đế hồi thế kỷ 11 đã lập một hệ thống mạng lưới trong đó các cụm từ 5 tới 25 hộ gia đình kiểm soát lẫn nhau và được trao quyền bắt giữ tội phạm.

Nhưng các nỗ lực trước đây chủ yếu tập trung vào nhóm, chứ không phải cá nhân. Ngay từ thập niên 1950, dưới thời Mao Trạch Đông, người dân ở nông thôn Trung Quốc bị ép buộc tham gia các công xã làm nông tập thể – với tác hại kinh khủng – và họ được đánh giá phẩm cách theo nhóm. Tương tự như vậy, đơn vị (danwei) là đơn vị làm việc với các thành viên được phân bổ hàng hóa công cộng và được xếp hạng dựa trên thành tích chính trị “tốt” hay “xấu” của họ. Những nhóm như vậy là nhằm tự kiểm soát các thành viên của mình – đó là các nỗ lực tất yếu gắn liền với những cuộc đấu tranh chính trị đầy bạo lực của thời Mao.

Sau thập niên 1980, nhà nước dựa vào hộ khẩu, để kiểm soát nơi người dân sống, làm việc và cho con cái đi học. Tuy nhiên, hệ thống hộ khẩu thường trục trặc khi gặp phải tình trạng đô thị hóa ồ ạt của Trung Quốc trong những thập niên gần đây, với hàng trăm triệu người lao động nhập cư chuyển tới những đại đô thị dù thiếu điều kiện có nhà ở và dịch vụ xã hội.

Cũng như với xã hội nói chung, Đảng Cộng sản luôn theo dõi các đảng viên về cả lòng trung thành tư tưởng và lòng trung thành cá nhân. Các dự án chính phủ điện tử bắt đầu trong thập niên 1990, như chương trình Kim Thuẫn (Tấm khiên vàng) kết nối các sở công an trên toàn quốc thông qua một mạng lưới trực tuyến, là nhằm để đạt hiệu quả và kiểm soát.

Cựu chủ tịch Giang Trạch Dân năm 1995 kêu gọi “tin học hóa, tự động hóa, và trí năng hóa việc quản lý kinh tế và xã hội.” Đầu thập niên 2000, người kế nhiệm ông, Hồ Cẩm Đào, đã cố gắng tự động hóa việc giám sát xã hội thông qua các chương trình giám quản theo mạng lưới hiện đại tại các thành phố như Thượng Hải. Hồ Cẩm Đào, cùng với bộ trưởng công an của ông, Chu Vĩnh Khang, mong muốn lập một hệ thống giám sát có khả năng vận hành tự động, với mục tiêu cuối cùng là giữ quyền lực cho cho Đảng Cộng sản.

Tuy nhiên, kết quả của nhiều thập niên kiểm soát là xã hội Trung Quốc bị thiếu niềm tin, theo nhận định của nhà xã hội học kỳ cựu Chương Lập Phàm (Zhang Lifan). Người ta thường nghĩ có thể bị lừa gạt hoặc gặp rắc rối dù chẳng hề làm gì cả. Theo ông Chương, nỗi băn khoăn này bắt nguồn từ Cách mạng Văn hóa (1966-1976), khi bạn bè và người thân trong gia đình bị ép tố cáo nhau và hàng triệu người Trung Quốc bị giết trong các cuộc đấu tố chính trị.

“Đó là vấn đề do chính đảng cầm quyền gây ra”, ông Chương nói, “và bây giờ đảng muốn giải quyết nó.”

Nhưng ở Vinh Thành, không ai muốn nói chuyện với ký giả nước ngoài về những thời kỳ khó khăn đó. “Cuộc sống ở làng chúng tôi trước giờ luôn là tốt đẹp,” Mu Linming, một dân làng 62 tuổi nói. “Sau khi áp dụng hệ thống này, thậm chí càng tốt hơn.”

Ông cụ hưu trí và vợ đối xử với khách theo cách truyền thống: Họ mời chúng tôi vào nhà họ, nhất quyết mời chúng tôi ăn mì, và dúi mấy túi táo và hạt vào tay chúng tôi trước khi chúng tôi đi. Ngôi làng lớp lang trật tự này, với một số nhà có mái phủ rong biển, có hệ thống tín dụng xã hội riêng của mình khác với hệ thống của Vinh Thành. Ở đây, các tiêu chí đánh giá chỉ là ta có chăm sóc cha mẹ của mình và đối xử tử tế với hàng xóm hay không.

Ông Mu cho biết hầu hết mọi người có mức điểm bình bình, dù những người xếp hạng đầu được tuyên dương trên một bảng yết thị gần giữa làng.

Ông nói, “Chúng tôi đều tốt, và chúng tôi đều có thể khuyến khích người xấu thành người tốt.”

Còn tiếp một kỳ: Kỳ 2.

Nguồn: Foreign Policy 3/4/2018.

© Bản tiếng Việt của Canada Info.

Tham khảo thêm:

2 thoughts on “Bên trong xưởng thực nghiệm điểm tín dụng xã hội của Trung Quốc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.